Bài viết của Trịnh Nham, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 25-11-2021] Ông Trần Tân Dã hiện đã bị giam bốn tháng kể từ khi bị bắt vào ngày 22 tháng 7 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Được biết cư dân 45 tuổi ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh này đang bị giam tại một nơi bí mật (không phải trại tạm giữ hay trại giam). Một tổ chuyên án do Bộ Công an Thẩm Dương thành lập đã đe doạ và giám sát người nhà ông Trần nhằm thu thập thêm thông tin của các học viên Pháp Luân Công địa phương.

9845b7f74d30662d0cc3b361f6592010.jpg

Ông Trần Tân Dã

Vào khoảng 8 giờ 20 tối ngày 22 tháng 7 năm 2021, ông Trần bị bắt khi đến nhà hàng nơi vợ ông là bà Trần Lệ Huy làm việc để đón bà. Gần 30 cảnh sát mặc thường phục xông vào và buộc những khách hàng đang ăn ở đó phải rời đi. Khi ông Lưu Hiến Dũng, một khách hàng cũng tu luyện Pháp Luân Công cố gắng kháng cự, cảnh sát đã đẩy ông xuống đất và còng tay ông.

Cảnh sát đã còng tay ông Trần, ông Lưu, bà Trần và 11 nhân viên nhà hàng khác và buộc họ ngồi xổm trong khi lục soát nhà hàng.

Không tìm thấy bất cứ thứ gì liên quan đến Pháp Luân Công, cảnh sát đã tháo tất cả camera giám sát trong nhà hàng. Khoảng 10 giờ tối, họ trùm mũ đen lên cả 14 người, đưa họ vào trong xe cảnh sát và bắt ngồi xổm ở phía sau.

Tám cảnh sát thường phục đã lục soát nhà của vợ chồng ông Trần và tịch thu các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính và điện thoại di động. Khi con gái họ hỏi cảnh sát cha mẹ cô ở đâu thì không ai trả lời.

Khi các nhân viên nhà hàng không về nhà, một số người thân của họ đã đến nhà hàng tìm họ. Một trong số người nhà của nhân viên nhà hàng đã theo dõi vị trí điện thoại di động của bà và thấy rằng bà đang ở một khách sạn ở huyện Pháp Khố. Sau khi bị thẩm vấn cả đêm, 11 nhân viên đã được thả vào hôm sau. Ông Trần, ông Lưu, và bà Trần không được thả.

Tối ngày 23 tháng 7, một viên cảnh sát của Đồn Công an Tân Đông đã gọi cho con gái của bà Trần, thông báo rằng họ đã quản thúc bà Trần tại gia, nhưng viên chức từ chối cho cô biết mẹ cô đang bị giam ở đâu. Cảnh sát cũng từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào về ông Trần ngoại trừ nói rằng thông tin chi tiết về trường hợp của ông sẽ có vào ngày 28 tháng 7.

Khi cô con gái gọi cho cảnh sát vào ngày 28 tháng 7, cô được chỉ đến Sở Công an Đan Đông. Ngày 29 tháng 7, Đội An ninh Nội địa Đan Đông đã gọi cho cô và nói cô mang đồ dùng cần thiết hàng ngày cho cha mẹ cô đến Sở Công an Đan Đông, nhưng họ vẫn từ chối cho biết nơi hai vợ chồng bị giam hay ai phụ trách vụ án của họ.

Hơn ba tuần tiếp theo, con gái của họ, hơn 20 tuổi, đã đến 16 cơ quan chính phủ, gồm nhiều đồn công an, sở công an, Trại tạm giam, Đội An ninh Nội địa, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, văn phòng chính phủ địa phương, văn phòng thỉnh nguyện và viện kiểm sát để tìm kiếm cha mẹ cô, nhưng chỉ được bảo rằng trường hợp của họ là bí mật và cô nên về nhà và đợi thông tin.

Ngày 21 tháng 8, bà Trần đã được thả sau khi bị phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Ông Trần và ông Lưu vẫn bị giam. Cha mẹ già của ông Lưu đã đến trại tạm giam huyện Pháp Khố để yêu cầu thả ông nhưng vô ích.

Gần đây người nhà ông Trần biết rằng ông từng bị giam ở gần một căn cứ quân sự ở Thẩm Dương và hiện có thể bị giam ở Khách sạn Thương mại Tài Lợi ở thành phố Tân Dân (một thành phố cấp huyện trực thuộc quản lý của Thẩm Dương). Trương Kỳ của Đồn Công an Đan Đông và trưởng Đội Anh ninh Nội địa Đan Đông họ Nguỵ đã tham gia vào vụ việc này.

Một học viên khác bị bắt vì giải cứu ông Trần

Lúc 4 giờ sáng ngày 9 tháng 10 năm 2021, bà Quách Húc Hồng, một cư dân 50 tuổi ở huyện Pháp Khố (trực thuộc sự quản lý của Thẩm Dương), đã bị bắt khi đang đi làm. Có thông tin cho hay bà cũng bị giam tại Khách sạn Thương mại Tài Lợi ở Tân Dân và cảnh sắt nhắm đến bà vì bà tham gia vào nỗ lực giải cứu ông Trần.

Theo chồng của bà Quách, bà đã bị bắt bởi bảy cảnh sát thường phục đi trên những chiếc xe mang biển số dân dụng và không có phù hiệu cảnh sát. Cảnh sát cũng bắt chồng bà và tra hỏi ông về những gì bà Quách làm gần đây. Trong khi lục soát nhà họ, cảnh sát cũng lấy đi những điện thoại di động mà chồng bà sử dụng.

Hai án tù trước đây của ông Trần

Ông Trần là người ở thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Trong Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, khi con gái họ lên 8, cảnh sát đã bắt họ trước mặt cô con gái. Cô bé hoảng sợ đến nỗi run cầm cập. Sau đó ông Trần bị kết án bốn năm

Không lâu sau khi ông được thả vào năm 2012, ông tìm được việc làm tại một công ty dụng cụ đo độ chính xác ở vị trí quản lý bán hàng, và ông đã bị bắt khi đang đi công tác ở thành phố Đan Đông lân cận. Ông đã bị tra tấn và sau đó bị kết án bốn năm tù.

Sau đây là lời kể của ông về hai án tù mà bản thân đã trả qua.

Bản án bốn năm đầu tiên

“Vào tháng 5 năm 2008, người của Đồn Công an Tam Đài Tử đã xông vào nhà tôi. Họ trói tôi lại và đè tôi xuống đất. Họ bịt miệng tôi, trùm đầu tôi lại và đưa tôi đến Khách sạn Dục Anh Lâu. Tôi nghe nói thời điểm đó có hơn 60 học viên bị bắt giữ.

Tại khách sạn, họ thẩm vấn tôi và dùng dép tát nhiều lần vào mặt tôi. Họ lột quần áo của tôi và sốc tôi bằng dùi cui điện. Cảm thấy dòng điện không đủ mạnh, họ còn đổ nước lên người tôi và sốc điện lần nữa cho đến khi dùi cui hết điện. Họ thay phiên nhau đánh đập tôi bằng một cái chuỳ cao su màu đen dài khoảng 60cm trong hai ngày liên tục. Họ nhét tôi vào dưới một cái ghế nhỏ và sau đó cho một người cảnh sát nặng ký ngồi lên đó. Tôi bị nghẹt thở và nỗi thống khổ không thể diễn tả được.

Sau đó cảnh sát chuyển tôi đến trại tạm giam Hoàng Cô. Lính canh buộc tôi học nội quy trại giam và sẽ đánh tôi nếu tôi không hợp tác. Họ đưa tôi đồng phục của tử tù và cùm tôi lại. Bánh hấp họ đưa cho tôi ăn có màu đen và canh rau thì đầy cát.

Ba mươi tù nhân ở trong một căn phòng có sức chứa tối đa hai mươi người. Chúng tôi phải nằm nghiên khi ngủ. Mỗi ngày tôi chỉ được đi vệ sinh hai lần. Gia đình của một số học viên đã gửi 2.000 hay 3.000 Nhân dân tệ cho họ nhưng lính canh chỉ đưa họ một bịch đậu phộng. Khi gia đình gửi quần áo cho chúng tôi, các tù nhân luôn lấy trước và đưa chúng tôi những gì họ không muốn.

Sau 14 tháng bị tạm giam, tôi bị kết án bốn năm và đưa tới Nhà tù Khang Gia Sơn.

Ngay khi vừa đến nhà tù, tôi bị ép ngồi trên một cái ghế nhỏ từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Tôi phải ngồi thẳng lưng và không thể cử động, nếu không các tù nhân đánh hay lăng mạ tôi. Vào tháng 7 mùa hè nóng nực, hơn 20 người phải chia nhau một chai nước nhỏ mỗi ngày và mỗi người chỉ được uống một hớp. Bốn tù nhân giám sát tôi cả ngày và họ báo cáo nhất cử nhất động của tôi làm với lính canh.

“Sau một tháng bị tra tấn triền miên, họ bắt đầu cưỡng bức tôi lao động khổ sai. Tôi được giao việc đánh bóng những viên kim cương tổng hợp có kích cỡ từ hạt vừng đến hạt đậu. Việc lao động thời gian dài khiến thị lực của tôi suy giảm nhanh chóng và bị chứng song thị.

Bản án bốn năm lần hai

“Không lâu sau khi được thả vào năm 2012, tôi tìm được một công việc làm quản lý kinh doanh cho một công ty thiết bị đo đạc. Vào ngày 11 tháng 12 năm 2012, tôi đến Đan Đông công tác và một nhân viên khách sạn đã gõ cửa phòng tôi vào buổi sáng hôm đó. Sau khi tôi mở cửa thì một nhóm cảnh sát xông vào, họ bắt giữ đưa tôi đến Đồn Công an Chấn Hưng. Khi đó nhiệt độ bên ngoài là -10°C, họ để tôi ngồi trên một cái ghế sắt cả đêm trong một căn phòng không có hệ thống sưởi.ấm.

Sáng hôm sau, cha tôi và cấp trên nơi tôi làm việc đến đồn công an đề nghị thả tôi. Phó đồn công an đã cho tôi biết việc này. Tôi nói với anh ta: ‘Cha tôi đã ngoài 80 tuổi rồi. Giờ con trai duy nhất của ông ấy bị bắt. Ông ấy lo lắng cho con trai là điều dễ hiểu, con trai ông không làm gì sai mà chỉ cố gắng trở thành người tốt. Anh cũng có cha mẹ và tôi tin rằng anh hiểu cảm giác của cha tôi.’

Cảnh sát vẫn trói chặt tôi vào ghế sắt và không cho tôi ăn gì cả. Khi tôi từ chối hợp tác với họ bằng cách không ký vào biên bản làm việc, họ đã đánh ngã tôi xuống đất.

Sau một cuộc kiểm tra sức khoẻ tại bệnh viện, tôi bị đưa đến trại tạm giam Đan Đông và bị giam sáu tháng. Sau đó tôi lại bị kết án bốn năm tù và bị đưa đến Nhà tù Bản Khê khét tiếng.

Nhà tù Bản Khê là một cơ sở bức hại ở Liêu Ninh. Trong nhiều năm qua, nhà tù này đã dùng mọi phương thức tra tấn các học viên Pháp Luân Công nhằm buộc họ từ bỏ đức tin.

Tôi bị giam ở khu số 3 của nhà tù. Lính canh đã sắp xếp cho tôi làm các túi ni-lông. Móng tay của tôi bị gãy và tay tôi có nhiều vết thương. Các lính canh sẽ đánh đập hoặc sốc điện tôi bằng dùi cui điện nếu tôi không hoàn thành chỉ tiêu trong ngày.

Tôi đã bị ép phải viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện của mình khi ở trong tù. Sau khi được thả, tôi đã viết một bản Nghiêm chính Thanh minh đăng trên Minh Huệ để tuyên bố bản tuyên bố mà tôi viết ở trong tù trước kia là vô hiệu.”

Bài liên quan:

Liêu Ninh: Hai người đàn ông đã bị giam giữ hai tháng vì đức tin vào Pháp Luân Công

Ba cư dân Liêu Ninh bị biệt giam

Bị đánh đập và bị tra tấn trong khi bị giam giữ, một người đàn ông ở Thẩm Dương chạy trốn khỏi quản thúc tại nhà

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/25/434044.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/26/196737.html

Đăng ngày 07-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share