Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-09-2021]

Tiếp tục bị tra tấn tại nhà tù Lan Châu

Tháng 12 năm 2002, ông Cao Phong bị chuyển đến nhà tù Lan Châu và bị giam tại khu vực số 2. Cai ngục xúi giục các tù nhân giám sát ông chặt chẽ bằng cách hứa sẽ giảm án cho họ. Các tù nhân ngăn cản khi thấy ông luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Họ còn bịa chuyện và tố giác ông với cai ngục. Hai tù nhân trong đó có Dai Jianlong được giảm án bởi hành vi báo cáo của họ.

Để chuyển hóa ông Cao, cai ngục Lý Sinh Dũng thường buộc ông học thuộc nội quy nhà tù và xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Cai ngục Wang Weihong và Lưu Vĩnh Thăng còng tay ông và nhốt ông trong phòng biệt giam trong 18 ngày với lý do là ông kiên quyết luyện công và từ chối học thuộc nội quy nhà tù hoặc không từ bỏ đức tin của mình. Ông Cao tiếp tục tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Ông lại bị bức thực tàn nhẫn và bị mắng chửi. Ông còn bị bắt đứng và làm các động tác quân sự.

Sau khi ra khỏi phòng biệt giam, ông Cao tiếp tục bị giám sát và báo cáo bởi hàng chục tù nhân trong trại. Ông bị bắt làm việc nặng trong một tháng rưỡi. Ông không được phép viết thư hay tố cáo hành vi lạm dụng. Ông không được phép đi xuống lầu hay gặp gỡ các học viên khác. Ông thường bị lục soát và các bài giảng Pháp Luân Công mà ông viết ra từ trí nhớ thường bị tịch thu.

Bức hại tại Trung tâm tẩy não Cung Gia Loan, thành phố Lan Châu

Án tù 4 năm của ông Cao sẽ mãn hạn vào ngày 19 tháng 11 năm 2004. Tuy nhiên, thay vì trả tự do vào ngày hôm đó, ông phải chờ trong phòng giam từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều trong khi cai ngục đã thả ông ra khỏi khu nhà giam và đi đến một văn phòng bên ngoài nhà tù để hoàn tất thủ tục. Sau đó một chiếc xe cảnh sát ập tới với 5 đặc vụ bước ra. Lúc sau ông Cao mới biết họ là giám đốc Long từ Ủy ban Pháp luật và Chính trị và 4 đặc vụ từ đồn cảnh sát Lưu Gia Bảo, bao gồm Triệu Huy, một người họ Thôi, người thứ ba không biết tên và một lái xe.

Long và 4 người đi theo bắt ông Cao lên xe. Họ dừng xe dọc đường, Long bước ra khỏi xe và gọi điện thoại cho Bí thư Hạ, Phòng 610 huyện Yên Ninh. Ông Cao nghe lỏm được rằng Bí thư Hạ yêu cầu Long đưa ông thẳng đến Trung tâm tẩy não Cung Gia Loan.

Sự bức hại tẩy não bắt đầu ngay khi ông Cao vừa đến Trung tâm tẩy não. Ngày 1 tháng 12 năm 2004, để buộc ông chuyển hóa, cai ngục còng tay ra sau lưng và treo ông trong phòng biệt giam. Sau cuộc tra tấn, ông Cao bắt đầu có những triệu chứng lao phổi nghiêm trọng, ho và ói ra máu. Ông còn bị đau đầu nghiêm trọng, choáng váng, đau tức ngực và run rẩy toàn thân. Tay và chân bị sưng phù.

Ngày 4 tháng 4 năm 2005, ông Cao được thả ra sau khi lính canh Kỳ Thụy Quân tống tiền 1.000 nhân dân tệ chị cả của ông, chị đã đưa ông đến bệnh viện khám. Ông sau đó được chẩn đoán bị mắc chứng teo túi mật và tắc nghẽn mạch vành tim. Bác sĩ đề nghị kiểm tra toàn diện hơn nhưng chi phí khiến nó bất khả thi.

Bởi sự bức hại kéo dài, ông Cao luôn cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi và lo lắng. Ông không thể làm công việc nặng nhọc và ăn những thức ăn nóng. Ngoài ra ông còn bị đau chân và cảm giác mạch máu ứ tắc gây khó chịu mặc dù không thể giải thích bằng lời.

Giám đốc Long đã lấy tất cả giấy tờ ra tù của ông Cao, khiến ông không thể đăng ký hộ khẩu, vốn cũng cần để xin công việc toàn thời gian và đăng ký kết hôn ở Trung Quốc. Kết quả là ông Cao gặp khó khăn khi tìm việc và đăng ký kết hôn ngay cả khi cuối cùng ông đã được trở về nhà.

Bị bắt và bị tra tấn lần nữa

Ông Cao gặp khó khăn khi tìm việc do không có hộ khẩu và tình trạng sức khỏe yếu. Ông chuyển từ nơi này đến nơi khác. Vào ngày 19 tháng 5 năm 2006, ông đang lang thang tại ga tàu Bắc Kinh và không thể thuê khách sạn. Không còn người thân ở Bắc Kinh, ông chợt nhớ đến ông Tào Đông, người đã từng bị giam chung với ông. Sau đó ông Cao tìm được ông Tào ngay ngày hôm đó và đã chuyển đến ở tạm với ông ấy.

Hai ngày sau, ông Tào đi ra ngoài để làm việc gì đó nhưng đã không trở về. Vào tối ngày 26 tháng 5 năm 2006, sáu đặc vụ mặc thường phục từ Cục An ninh Quốc gia và một phụ nữ từ ủy ban khu phố đã mở cửa bằng chìa khóa chính. Họ lục soát một cách bất hợp pháp và tịch thu nhiều đồ đạc của ông Tào bao gồm các sách Pháp Luân Công, thẻ căn cước, một máy MP3, đĩa quang và nhiều thứ khác.

Họ cũng bắt giữ ông Cao rồi tịch thu máy MP3, radio, thẻ căn cước, thẻ điện thoại, một số hóa đơn và 2.000 nhân dân tệ tiền mặt. Ông Cao biết ông Tào bị bắt sau khi nói chuyện với ông Edward McMillian-Scott, phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Ông Cao bị đưa đến một căn cứ bí mật thuộc Sở cảnh sát Bắc Kinh. Khi vừa đến nơi, ông bị còng tay vào ghế trong năm ngày liên tiếp. Chín đặc vụ thay phiên nhau tra khảo và đánh đập ông suốt ngày đêm. Họ cũng dùng mọi biện pháp tra tấn tinh thần ông bao gồm đe dọa và mắng nhiếc.

Tối ngày 29 tháng 5, ông Cao bị đưa đến bệnh viện ở một địa điểm vắng vẻ. Họ trói ông lại và bức thực ông bằng một ống nhựa không có phấn rôm bôi trơn. Việc đặt ống khiến ông Cao chóng mặt, buồn nôn, đau dạ dày và đổ mồ hôi.

Bức thực kéo dài cả giờ đồng hồ. Họ hả hê: “Có khó chịu không? Ông đã bắt đầu ăn được rồi đấy”.

Một cảnh sát hét lên: “Các học viên Pháp Luân Công không được chào đón ở Bắc Kinh. Chúng tôi sẽ loại bỏ các người trước Thế vận hội…”.

Vào ngày 31 tháng 5, ông Cao bị Cục An ninh Quốc gia quản thúc tại gia và sau đó bị hai nhân viên Đội An ninh Quận áp giải về Lan Châu. Ông bị bắt ngồi trên ghế cọp và bị mắng nhiếc.

Cảnh sát tịch thu thẻ căn cước, 2.000 nhân dân tệ tiền mặt và một máy MP3 mà không đưa ra bất cứ giấy biên nhận nào. Họ cảnh cáo ông không được đến Bắc Kinh nữa và sau đó đã thả ông ra.

Sách nhiễu sau năm 2006

Vào một ngày tháng 9 năm 2007, một cán bộ nữ từ Ủy ban Khu phố Lưu Gia Bảo đã gọi đến sách nhiễu cha mẹ của ông Cao. Bà ta còn hỏi số điện thoại và nơi ở của ông. Một tháng sau, cha mẹ ông lại nhận được cuộc gọi hỏi thông tin về ông. Có ít nhất ba người đàn ông nói chuyện trên điện thoại. Cha mẹ già của ông bị sách nhiễu hai lần vào ngày 15 tháng 11 bởi 2 nhân viên từ đồn cảnh sát thị trấn Thanh Thành tại nhà riêng ở huyện Du Trung.

Chị gái của ông cũng bị sách nhiễu nhiều lần trong năm 2007.

Tháng 4 năm 2008, cha mẹ ông Cao bị sách nhiễu bởi 3 đặc vụ mặc thường phục và 1 nhân viên mặc sách phục đến từ đồn cảnh sát thị trấn Thanh Thành. Họ bị yêu cầu đừng để ông Cao đến Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Thế vận hội 2008.

Tháng 5 năm 2009, ông Cao nộp hồ sơ đăng ký hộ khẩu và chứng minh thư với hy vọng có thể tìm được việc làm. Hơn mười người của Ủy ban Pháp Luật và Chính trị, Ủy ban khu phố và Phòng 610 huyện Yên Ninh cũng như trưởng đồn cảnh sát Lưu Gia Bảo đã tổ chức phiên họp thảo luận về hồ sơ đăng ký của ông Cao. Trưởng đồn công an nói rằng dữ liệu đăng ký hộ khẩu cũ của ông Cao đã bị mất khi nâng cấp máy tính.

Nữ cán bộ Ủy ban khu phố nói rằng ông Cao chưa bao giờ trình cho họ xem giấy xác nhận mãn hạn tù và ông đã giải thích rằng giám đốc Long, Phòng 610 đã lấy hết giấy tờ của ông khi đưa ông đến trung tâm tẩy não.

Một nữ cán bộ khác đã yêu cầu ông Cao thừa nhận “chuyển hóa và từ bỏ đức tin của mình” được ghi trên tờ giấy nhỏ trước khi họ có thể giải quyết đơn đăng ký hộ khẩu của ông. Ông Cao từ chối yêu cầu này. Sau đó, nữ cán bộ đề nghị đưa cho ông ký vào một tờ giấy trắng rồi họ sẽ ghi cho ông rằng ông đồng ý chuyển hóa. Ông lại bác bỏ điều này. Thế là hồ sơ của ông không được hoàn tất.

Vài năm sau đó, ông Cao chỉ có thể làm việc lặt vặt để kiếm sống. Cảnh sát thường xuyên gọi cho người chủ của ông, cũng chỉ là buộc ông thôi việc để không liên lụy đến người chủ. Sự việc tương tự xảy ra vào năm 2010 và 2011. Những người chủ mới của ông bị cảnh sát sách nhiễu và ông buộc phải nghỉ việc.

Vào năm 2012, chị cả của ông Cao bị bắt ký vào “Bảo lãnh giám sát“ và hứa phải giám sát ông ấy. Việc này khiến cho bà cực kỳ căng thẳng.

Ngày 11 tháng 7 năm 2013, các đặc vụ từ Lưu Gia Bảo, Ủy ban Pháp Luật và Chính trị và ủy ban lân cận đã đến nơi làm việc của chị cả của ông Cao, nhưng lúc đó bà đã đi công tác xa thị trấn. Sau đó, họ nói chuyện với chồng bà và ông chủ của ông Cao, yêu cầu được gặp ông Cao. Không còn cách nào khác, ông chủ đành sắp xếp một cuộc họp.

Đặc vụ Hạ Dũng đã hét vào mặt ông Cao khi ông kể về việc ông bị bức hại vì đức tin của mình như thế nào. Ông Cao sau đó hỏi về tình trạng hồ sơ thẻ căn cước của mình nhưng không nhận được câu trả lời. Do bị sách nhiễu nhiều lần đã gây ra áp lực rất lớn cho ông chủ của ông Cao; cuối cùng ông Cao phải nghỉ việc.

Lúc đó, cha mẹ của ông Cao đã ngoài 70 tuổi. Trong những năm đó, họ đã bị sách nhiễu và tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần. Kể từ năm 2007, cha ông bị chứng cao huyết áp và ông ấy không thể ngủ mỗi khi nhận điện thoại hoặc bị quấy rối. Sức khỏe của ông giảm sút nhanh chóng. Ngày 11 tháng 7 năm 2013, ông Cao bị quấy rối một lần nữa, sức khỏe thể chất và tinh thần của cha ông càng ngày càng suy giảm. Vào ngày 6 tháng 9 năm đó, ông bị trượt té và qua đời vì nỗi sợ hãi và lo lắng.

Vào năm 2014, người chị thứ ba của ông Cao bị nhóm đặc vụ đó sách nhiễu tại nơi làm việc và buộc bà phải ký vào “bảo lãnh giám sát”. Việc sách nhiễu gây nhiều áp lực cho vợ chồng bà. Bà cũng hỏi về tình trạng đăng ký thẻ căn cước của anh trai bà và được cho biết là cấp trên vẫn đang cân nhắc về vấn đề này.

Vào khoảng ngày 16 tháng 9 năm 2017, hai nhân viên (một nam và một nữ) từ Sở cảnh sát Lưu Gia Bảo đã sách nhiễu ông chủ và đồng nghiệp của ông Cao (vì đã giao cho ông Cao làm công việc lặt vặt). Họ cũng sách nhiễu những người thân của ông ở quê nhà. Trước đó, họ đã gọi cho chị cả của ông ấy để hỏi về tung tích của ông. Họ cũng quấy rối chị gái thứ hai của ông trong những năm đó.

Ngày 18 tháng 9 năm 2019, Viên Uân (khoảng 50 tuổi), trưởng đồn cảnh sát Lưu Gia Bảo đã mạo danh đồn cảnh sát Tâu Khu gọi điện thoại để dụ cháu trai của ông Cao (con trai của chị cả ông) đến đồn cảnh sát. Họ ép người cháu phải tiết lộ số điện thoại mới của mẹ mình. Sau đó, họ buộc bà phải báo cáo tình trạng hiện tại của ông Cao. Một phụ nữ từ Ủy ban dân phố Phúc Hưng cũng đã gọi điện sách nhiễu bà vào ngày 14 tháng 11.

Từ tháng 2 năm 2020 khi ĐCSTQ phong tỏa thành phố Vũ Hán trong trận đại dịch và tháng 7 năm 2020, một số đặc vụ nói trên đã gọi điện cho chị cả của ông Cao bốn lần để sách nhiễu bà ấy và hỏi về tình hình của ông Cao.

Vào tháng 3 năm 2021, những người từ Văn phòng Quản lý Toàn diện huyện quận Yên Ninh đã tìm thấy chị cả của ông Cao ở Lan Châu. Họ đã lừa bà ấy rằng chính phủ không còn đàn áp Pháp Luân Công nữa. Họ đã chụp ảnh bà và đứa cháu gái bốn tuổi và yêu cầu bà ký vào một số bản tuyên bố. Ngày 28 tháng 5, một phụ nữ và bốn người đàn ông đã sách nhiễu mẹ của ông Cao và hai chị gái khác của ông ở thị trấn Thanh Thành và hỏi họ về tình hình của ông, bao gồm cả số điện thoại và nơi làm việc của ông. Họ cũng nói dối rằng họ cần ảnh của ông Cao để xử lý đơn xin cấp thẻ căn cước của ông.

Bức hại tài chính

Tháng 11 năm 1999, ông Cao từ văn phòng chi nhánh tại tỉnh Hà Bắc trở về trụ sở chính của Nhà máy Thiết bị điện tử Trung Hưng. Để tránh bị liên lụy vì đức tin của ông, công ty đã cử bốn người đưa ông về nhà cha mẹ ông với lý do là ông từ chối giao nộp sách Pháp Luân Công và từ bỏ tu luyện. Họ không trả cho ông tiền lương hơn 8.000 nhân dân tệ của năm 1999.

Tháng 2 năm 2000, ông bị bí thư đảng bộ của công ty cho thôi việc với lý do hoạt động kinh doanh không tốt. Với sự giúp đỡ của một người bạn, ông Cao tìm được việc làm tại một công ty nước ngoài ở Bắc Kinh bởi vì tổng giám đốc của công ty biết rằng học viên Pháp Luân Công đều đáng tin cậy.

Tháng 5 năm 2000, một số người không biết sự thật đã gièm pha với quản lý mới của ông Cao. Dưới áp lực của cảnh sát, tổng giám đốc buộc phải sa thải ông Cao và ông buộc phải nghỉ việc. Ông tiếp tục đi lang thang quanh Bắc Kinh để tìm việc nhưng không tìm được việc gì.

Tháng 6 năm 2000, ông Cao trở về Lan Châu yêu cầu được phục hồi công việc tại Nhà máy Thiết bị Điện tử Trung Hưng và tiền lương của năm 1999. Nhà máy cho rằng tiền lương của ông được giữ lại để bù cho khoản tiền mà ông còn nợ nhà máy. Nhưng ông Cao tin rằng mình không nợ gì nhà máy cả. Nhà máy chỉ định nhiều người, gồm Bí thư đảng bộ đến gặp ông.

Bí thư đảng bộ nhà máy bao biện cho quyết định sa thải ông Cao rằng: “Chúng tôi đã bí mật sa thải ông và không công khai hồ sơ của ông. Hồ sơ của ông bị huỷ khi ông tìm được việc ở công ty mới. Năm 1999, ông làm việc rất tốt nhưng ông tập Pháp Luân Công nên chúng tôi chịu áp lực rất lớn vì ông từ cấp trên… Chúng tôi đã tính toán, thu nhập năm 1999 của ông chỉ đủ bù đắp số tiền mà ông nợ nhà máy. Chúng ta không còn nợ nhau gì nữa cả.”

Tòa án địa phương thông báo với nhà máy về án tù 4 năm của ông vào năm 2001 và nhà máy lấy đó làm cái cớ để chính thức sa thải ông trong năm đó. Ông cũng không được chia cổ tức dành cho nhân viên [nghỉ việc] trong những trường hợp tương tự.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/11/430680.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/17/196610.html

Đăng ngày 05-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share