Bài viết của Chương Vận, phóng viên báo Minh Huệ tại Toronto

[MINH HUỆ 13-09-2021] Bộ phim chân tướng Đến vì bạn ( 为你而来, Coming For You) và phần hai của bộ phim này 50 phút vĩnh hằng ( 永恒的五十分钟, Eternal Fifty Minutes), do New Tang Dynasty Television và New Realm Studios sản xuất, đã tái hiện một đoạn lịch sử cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Pháp Luân Công với cốt truyện cảm động và lối diễn xuất chân phương.

Hai nhân vật chính, Lưu Đại Vi và Lưu Thành Quân, đều do anh Phạm Văn Thác, một người Trung Quốc nhập cư ởToronto từ thủ vai. Anh Phạm đã khiến khán giả vô cùng xúc động khi khắc họa chân thực và sống động về Lưu Đại Vi – một người đã thay đổi sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công), và Lưu Thành Quân –một học viên Pháp Luân Công đã tham gia chèn sóng truyền hình nhà nước (TV) để vạch trần sự dối trá của ĐCSTQ.

c2b5e52db34bb5739aa91544d6c87376.jpg

Áp phích bộ phim “Đến vì bạn”

f02f5113c1e6effe4de65b629c9326f2.jpg

Áp phích bộ phim “50 phút vĩnh hằng”

Hai bộ phim này được đăng tải tại đường link dưới đây và có thể xem miễn phí:

Đến Vì Bạn
Đến Vì Bạn (phần 2) – 50 phút Vĩnh hằng

Thực ra, anh Phạm Văn Thác, người đã chuyển tải thành công hai nhân vật chính Lưu Đại Vi và Lưu Thành Quân, chưa hề được đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp. Vậy vì sao anh có thể làm được điều này? Một phóng viên của Minh Huệ gần đây đã thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với anh và tìm ra câu trả lời từ trải nghiệm của chính anh và của mẹ anh, bà Lạc Diễm Kiệt.

Đắc Pháp và đọc Chuyển Pháp Luân từ năm 8 tuổi

Anh Phạm Văn Thác sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở thành phố Song Thành, tỉnh Hắc Long Giang vào năm 1986. Năm 1992, Pháp Luân Đại Pháp được truyền đến thành phố Song Thành.

Anh Phạm Văn Thác hồi tưởng, “Năm 1994, mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà là một vận động viên đã nghỉ hưu. Nhờ tu luyện, các di chứng do chấn thương thể thao của bà đã biến mất, và bà cũng đã khỏi bệnh tim.”

“Khi tôi lên tám tuổi, tôi bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân và luyện các bài công pháp cùng mẹ. Chiểu theo theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công trong cuộc sống, gia đình chúng tôi đã có một cuộc sống rất hạnh phúc, trọn vẹn. Mỗi buổi sáng, nhạc luyện công lại vang lên ở khu nhà chúng tôi.”

Anh thường tham gia luyện công tại điểm luyện công tập thể trên Quảng trường Cổng Đông (East Gate) ở thành phố Song Thành cùng mẹ.

ac58a843f0ac71c915f34fc86cb456df.jpg

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp luyện công tại Quảng trường Cổng Đông ở thành phố Song Thành, tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 5 năm 1999.

Bảo hộ Đại Pháp khi còn là một thiếu niên: Tôi chỉ muốn yêu cầu công lý cho Pháp Luân Đại Pháp

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc đã lan đến thành phố Song Thành, phá tan sự yên bình trong khu tập thể giáo viên, nơi gia đình anh Phạm Văn Thác sinh sống.

Chỉ qua một đêm, các học viên Pháp Luân Công đã trở thành một nhóm người bị ĐCSTQ truy lùng. Bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã tuyên truyền xuyên tạc nhằm bôi nhọ của Pháp Luân Công. Những dối trá này được phát sóng mỗi ngày trên TV, trong khi các học viên Pháp Luân Công từ khắp Trung Quốc đến Bắc Kinh thỉnh nguyện đòi công lý cho Pháp Luân Công.

Khi cậu bé Phạm Văn Thác 13 tuổi nghe được mẹ nói một số học viên Pháp Luân Công ở thành phố Song Thành cũng đi Bắc Kinh thỉnh nguyện, cậu liền nói: “Con cũng đi, con không thể bị bỏ lại phía sau.”

Tháng 1 năm 2000, bảy học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả Phạm Văn Thác và mẹ anh từ thành phố Song Thành, đã đến Bắc Kinh sau một chuyến tàu dài cả chục tiếng đồng hồ.

Vào lúc rạng sáng, Quảng trường Thiên An Môn đang làm lễ thượng cờ, toàn cảnh sát mặc thường phục ở đó, nhiều học viên Pháp Luân Công cũng lẫn trong đám đông. Anh Phạm Văn Thác hồi tưởng, “Tôi có thể nhận ra ai là đồng tu và ai là cảnh sát mặc thường phục.”

Đột nhiên, những tiếng hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!” cắt ngang sự im lặng, vang lên từ các vị trí khác nhau trên quảng trường. Xe cảnh sát bấm còi, cảnh sát mặc thường phục lao xuyên qua đám đông, quét qua từng khuôn mặt. Không khí căng thẳng đến mức cảm giác như đặc quánh lại.

“Có mở [tấm biểu ngữ] ra không?” Người mẹ nhìn cậu con trai.

“Có chứ! Tại sao không?”, cậu bé Phạm Văn Thác lập tức trả lời.

Ngay lập tức, mẹ anh đã rút ra một tấm biểu ngữ rồi mở nó ra. “Pháp Luân Đại Pháp hảo! … ” Trước khi bà kịp hô xong, một cảnh sát mặc thường phục đã ngăn được bà lại. Gần như đồng thời, cậu bé Phạm Văn Thác và năm học viên khác bị bắt giữ. “Chúng tôi bị kéo lên một chiếc xe tải và đưa đến đồn cảnh sát Tiền Môn gần Thiên An Môn.”

Anh Phạm hồi tưởng, “Lúc đầu, mẹ và tôi bị giam trong cái lồng kim loại lớn ở tầng hầm của Đồn Cảnh sát Tiền Môn, nơi đang giam giữ hơn 100 học viên Pháp Luân Công.” Chiều hôm đó, cảnh sát đã tách anh Phạm khỏi mẹ và đưa anh đến Nhà tù Triều Dương.

“Trước khi đưa tôi vào phòng giam, cảnh sát đưa tôi đến một hành lang lạnh lẽo lộng gió, bắt tôi cởi hết quần áo, rồi dội nước lạnh như đá lên người tôi từ đầu đến chân.” Mùa đông ở Bắc Kinh, nhiệt độ xuống đến -20C, và cậu bé Phạm run rẩy vì lạnh.

Ba ngày sau, cậu bé Phạm được hiệu trưởng của trường trung học cơ sở đến đón. “Ngày đầu tiên trở lại trường, cô giáo dặn cả lớp không được nói chuyện với tôi. Nhưng hai ngày sau, cả lớp đã lại hòa đồng với tôi.”

Anh Phạm cho biết, “Hồi đến Quảng trường Thiên An Môn năm 13 tuổi, tôi mang cái tâm thuần khiết. Cũng giống như nhiều học viên khác, tôi chỉ muốn lên tiếng đòi công lý cho Đại Pháp.”

Bị bắt và bị giam trong trại lao động ở tuổi 25 vì tham gia điều hành các điểm sản xuất tài liệu

Tuy nhiên, trong những năm sau đó, anh Phạm Văn Thác và mẹ anh đã không ngừng giảng chân tướng và vạch trần “vụ tự thiêu dàn dựng ở Thiên An Môn” giữa cuộc bức hại mang tính hại diệt chủng của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công.

Anh cho biết, “Từ năm thứ hai trung học cơ sở vào năm 2000 đến khi tốt nghiệp đại học vào năm 2008, và ba năm sau đó, tôi đã giúp mẹ làm tài liệu giảng chân tướng bất cứ khi nào tôi ở nhà. Bởi vì tôi thạo máy tính, tôi còn hỗ trợ kỹ thuật cho những người khác, như sửa chữa máy tính và máy in.”

Tháng 11 năm 2011, vào một buổi chiều, anh Phạm Văn Thác đang học tiếng Anh ở nhà để chuẩn bị đi du học. Một nhóm cảnh sát đã ập vào nhà anh, bắt hai mẹ con anh và lục soát nhà của họ. Hai tháng sau, chính quyền kết án bất hợp pháp người mẹ 13 năm tù (từ ngày 13 tháng 11 năm 2011 đến ngày 12 tháng 11 năm 2024). Đến nay, bà vẫn đang bị giam giữ.

Trong thời gian bị giam giữ, cảnh sát đã gây áp lực buộc anh Phạm phải viết “bản cam kết” từ bỏ Pháp Luân Công. Họ nói, “Anh còn rất trẻ và có thể có một tương lai tươi sáng. Chúng tôi biết anh đang chuẩn bị đi du học; Ngay sau khi anh ký vào bản cam kết này nói rằng anh sẽ không tu luyện Pháp Luân Công nữa, anh sẽ có thể ra khỏi đây.”

“Không bao giờ!”, anh Phạm Văn Thác đáp lại.

Anh Phạm Văn Thác hồi tưởng, “Tôi rất rõ ràng rằng đây là trận giao tranh giữa chính và tà, giữa cái tốt và cái xấu, và không có điểm trung lập. Các học viên Pháp Luân Công không phải là tội phạm. Chúng tôi không giống như những tù nhân đó. Cho nên, tôi sẽ không bao giờ ký.”

Vì từ chối ký vào bản cam kết, anh Phạm Văn Thác đã bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa. Ở đó, anh bị đánh đập, bị sốc điện và bị cưỡng bức lao động nhiều giờ. “Các trợ lý” đã theo dõi anh 24 giờ mỗi ngày, thậm chí theo anh vào cả nhà vệ sinh.

Anh cho biết, “Bị tra tấn thể xác không phải là điều tồi tệ nhất, mà là sự tra tấn về tinh thần. Bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một giây trước, những cảnh sát trại giam vừa nói chuyện và cười đùa, đến giây sau, họ đã điên cuồng chửi bới, đấm đá và khiến người ta phải bất tỉnh… thật kinh khủng.”

Tháng 2 năm 2013, sau một năm ba tháng bị giam giữ và tra tấn bất hợp pháp, anh Phạm Văn Thác được ra khỏi trại lao động. Ngày 30 tháng 1 năm 2016, với sự hỗ trợ tài chính của gia đình và bạn bè, anh rời Trung Quốc sang Toronto, Canada. Cuối cùng, anh đã thoát khỏi cuộc bức hại tà ác và đón nhận một cuộc sống mới.

Giải cứu mẹ và đóng vai chính trong các bộ phim

Mặc dù từng theo học ngành kiến ​​trúc và thiết kế nghệ thuật ở trường đại học, nhưng anh Phạm Văn Thác lại tham gia kênh truyền hình New Tang Dynasty ở Canada ở các vai diễn chính. Trên thực tế, cả trong và ngoài màn ảnh, vai diễn của anh đều xoay quanh một chủ đề nhất quán: làm sáng tỏ sự thật và vạch trần tà ác.

Ngay khi đến Toronto, anh Phạm Văn Thác đã bắt tay vào giải cứu người mẹ bị kết án oan 13 năm. Anh đã phối hợp cùng các học viên Pháp Luân Công địa phương và liên hệ với tất cả các cấp chính quyền ở Canada để vạch trần tội ác của ĐCSTQ và kêu gọi sự giúp đỡ.

90a60c4b083b2ee1e20f44d467b0ff12.jpg

Anh Phạm Văn Thác đã tham gia các cuộc mít-tinh ở nước ngoài để kêu gọi trả tự do cho mẹ của anh, bà Lạc Diễm Kiệt, bị kết án 13 năm trong nhà tù Trung Quốc vì đức tin của mình.

Anh Phạm cho biết tại một cuộc mít-tinh, “Mẹ tôi đã bị bỏ tù bất hợp pháp, bị theo dõi mọi liên lạc với bên ngoài. Khi có người đến thăm, nếu bà đề cập đến bất kỳ sự bức hại nào mà bà đã chịu đựng thì cuộc thăm đó sẽ lập tức bị cắt ngang và bà sẽ bị cấm gặp người nhà. Do đó, tôi chỉ có thể tổng hợp lại cuộc bức hại mà mẹ tôi đã phải gánh chịu và hoàn cảnh của bà từ lời kể của những người khác.

“Mẹ tôi bị cưỡng bức lao động trong thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang. Răng của bà bị rụng hết nhưng quản giáo không cho bà đi chữa bệnh, lấy lý do không có bác sỹ, dù tuổi của bà đã cao.”

Mẹ của anh Phạm đã bị cầm tù bất hợp pháp gần một thập kỷ nay, nhưng anh không cách nào biết tình hình hiện nay của bà. Anh chỉ biết được vài lời an ủi mà bà nói với gia đình trong những lần họ đến thăm.

Trước khi tham gia dàn diễn viên của 50 phút vĩnh hằng, anh Phạm nhớ như in lời của đạo diễn, “Trong 20 năm nỗ lực không mệt mỏi của các học viên Pháp Luân Công nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, hành động chèn sóng truyền hình TV của tỉnh Trường Xuân là ý nghĩa nhất. Đó là một nhóm các học viên bình thường đưa toàn bộ chân tướng lên truyền hình để lan tỏa và làm sáng tỏ sự thật về Pháp Luân Công. Họ là hình ảnh thu nhỏ của hàng triệu học viên Pháp Luân Công.

“Bộ phim này là một nỗ lực nhằm khắc họa hình ảnh một nhóm các học viên Pháp Luân Công, để tưởng nhớ những học viên đã bị ĐCSTQ tra tấn đến chết vì đã giảng chân tướng về Pháp Luân Công.”

Bộ phim 50 phút vĩnh hằng do New Realm Studios ở Canada sản xuất, dựa trên vụ “tự thiêu được dàn dựng” trên Quảng trường Thiên An Môn và sự kiện chèn sóng truyền hình tại Trường Xuân. Bộ phim đã vạch trần những dối trá của ĐCSTQ và cho thấy sự thật lịch sử về Pháp Luân Công. Nhân vật chính, Lưu Thành Quân, đã bị ĐCSTQ tra tấn dã man đến chết.

dbb7ea0f8dabd95e5f510e28b7a392d0.jpg

Hình ảnh trong bộ phim “50 phút vĩnh hằng”, mỗi diễn viên cầm một di ảnh của học viên Pháp Luân Công mà họ đóng vai. Anh Phạm Văn Thác (phải) cầm di ảnh anh Lưu Thành Quân.

Anh Phạm cho biết, “Vì anh Lưu Thành Quân là một nhân vật có thật, và nhiều người biết anh ấy rõ và sâu sắc hơn tôi, nên điều rất quan trọng là phải thể hiện nhân vật một cách chân thực nhất có thể. May mắn thay, ông Kim từ Hàn Quốc, người từng tham gia sự kiện chèn sóng truyền hình này, đã tham gia cùng chúng tôi và mô tả chi tiết cho chúng tôi về nhiều phân cảnh và những gì đã xảy ra hồi đó.

Anh Phạm cho biết, “Mặc dù quá trình quay phim gặp nhiều khó khăn, nhưng dù có vất vả đến đâu, so với những gì mà các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết đã trải qua, thì chút khổ sở này có là gì? Vì vậy, tôi chỉ cắn răng là vượt qua.”

“Tôi hy vọng bộ phim có thể giúp nhiều người hơn nữa hiểu được sự thật”

Hồi tưởng lại quá trình quay bộ phim này, Phạm Văn Thác cho biết một câu chuyện khiến anh vô cùng xúc động, đó là câu chuyện mà ông Kim chia sẻ:

Khi quyết định sẽ tiến hành chèn sóng truyền hình vào ngày hôm sau, một số học viên Pháp Luân Công tham gia hoạt động này đã dành chút tiền ít ỏi cuối cùng để ăn một bữa ăn rất đơn giản trong một nhà hàng nhỏ. Anh Lưu Thành Quân có con trai đi cùng. Anh nhìn đứa trẻ, xoa đầu nó, và nói với các học viên đang quây quần ở đó: “Đứa con tội nghiệp của tôi!”

Anh Phạm cho biết, “Vào thời điểm đó, đứa con đầu lòng của tôi cũng vừa mới chào đời và tôi đã có trải nghiệm làm cha. Khi nghe câu chuyện này, tôi hết sức đau lòng.”

“Hãy tưởng tượng xem, dù biết ngày mai là ngày chia tay, nhưng không thể nói lời tạm biệt với con. Dù biết không ai bắt anh chèn sóng truyền hình, mà nếu làm thì sẽ phải trả giá bằng chính sinh mệnh của mình, nhưng lại không thể cho con biết.”

“Anh Lưu Thành Quân biết mình đang phải đối mặt với điều gì, và con trai anh đang ở ngay bên cạnh. Để có thể thực hiện được quyết định này không phải là điều một người bình thường hay một người hùng có thể làm được. Chỉ có đệ tử Đại Pháp mới có thể buông bỏ sinh tử và hy sinh sinh mệnh để chúng sinh hiểu được chân tướng.”

Anh Phạm Văn Thác và dàn diễn viên đã tái hiện lại những cảm xúc chân thực của nhóm học viên dưới áp lực ngoài sức tưởng tượng. Phân cảnh họ nói với người thân vào đêm hôm trước, rằng cần phải làm gì sau khi họ ra đi, đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.

Vào cuối buổi phỏng vấn, anh Phạm nói, “Tôi thực sự hy vọng bộ phim có thể giúp mọi người hiểu sự thật về Pháp Luân Công. Suốt hơn 20 năm qua, rất nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc đã hy sinh mạng sống của mình, và các học viên ở nước ngoài đã nỗ lực rất nhiều để mọi người có thể minh bạch chân tướng.”

“Mẹ tôi vẫn còn ở trong tù, và mỗi ngày trong đó dài như một năm. Tôi hy vọng cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc để mẹ tôi có thể nhìn thấy các cháu của mình và gia đình chúng tôi có thể đoàn tụ.”

ff892ea5be462ce7a57f1f2a34a73666.jpg

Bức ảnh anh Phạm Văn Thác mới chụp cùng hai cậu con trai

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/13/430750.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/23/195877.html

Đăng ngày 29-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share