Bài viết của Chương Vận, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 20-04-2021] Một tối hè nóng ẩm, dưới ánh đèn đường mờ ảo, bé gái bảy tuổi gục đầu vào lòng mẹ, còn người mẹ vừa quạt mát vừa đuổi muỗi cho con gái.
Cô bé Phù Diêu nằm trên ghế đá cùng mẹ trong sân chơi của một ngôi trường, không biết tương lai sẽ ra sao. Cha cô bé, một phát thanh viên truyền hình, đã bị giam giữ và bắt lao động cưỡng bức vì giữ vững đức tin vào Pháp Luân Công. Mẹ cô, một giáo viên cấp hai, cũng bị cấm dạy vì tu luyện Pháp Luân Công. Phù Diêu cùng mẹ bị quản thúc tại ngôi trường nơi mẹ cô từng dạy học.
‘Vươn lên nào, Phù Diêu!’, một bộ phim hoạt hình của Trường quay New Realms và Đài Truyền hình NTD
Đây là một cảnh trong Vươn lên nào, Phù Diêu!, một bộ phim hoạt hình do Trường quay New Realms kết hợp với kênh truyền hình NTD sản xuất. Bộ phim mô tả một câu chuyện tại một thị trấn nhỏ ở miền Bắc Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21. Cha mẹ của Phù Diêu đều là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, cha mẹ cô bị bắt, còn cô bé thường xuyên bị bạn học bắt nạt và sỉ nhục. Trước những bất hạnh ấy, cô bé không hề nhụt chí, mà luôn cố gắng động viên mẹ mỗi khi đến thăm mẹ.
Phía sau song sắt ở một đất nước chìm trong bóng tối, mẹ của Phù Diêu cũng bị các tù nhân đánh đập và tra tấn. Nhưng đức tin của cô đã mang lại sức mạnh để cô kiên định với các nguyên tắc của mình và dẫn dắt con gái bằng cách viết thư cho con.
Dần dần, đức tin và sự tương hỗ đã vượt qua bức tường của nhà giam, tạo thành sợi dây tình cảm bền chặt giữa hai mẹ con. Họ cùng nhau tiếp thêm sức mạnh trong cuộc sống hàng ngày, tìm thấy hy vọng cho tương lai và biến đổi môi trường xung quanh ngày càng tốt đẹp hơn.
Phù Diêu: Mình có nên kiên định không?
Một cảnh trong phim diễn ra tại một trại giam. Một lính canh muốn Phù Diêu thuyết phục mẹ từ bỏ tu luyện Đại Pháp. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng Phù Diêu được phép gặp mẹ. Mẹ em rất yếu vì tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại.
Người kể chuyện (Phù Diêu): Khi lớn lên, tôi đã có mối nghi ngờ trong lòng. Tôi tự hỏi: liệu mình có nên kiên định hay không?
Lính canh: Cháu có nhớ mẹ không?
Phù Diêu: Có ạ
Lính canh: Nếu cháu muốn mẹ cháu về nhà thì hãy khóc khi nhìn thấy mẹ. Cháu hiểu chưa?
(Trong phòng thăm thân) Lính canh: Vương Huệ Quyên! Ra gặp khách đi!
Phù Diêu: Mẹ ơi!
Người kể chuyện (Phù Diêu): Vừa thấy mẹ, tôi thấy mẹ khác quá. Tôi không biết mẹ có bị tra tấn hay bị bỏ đói không. Trông mẹ gầy rộc đi. Nhưng cái ôm của mẹ vẫn thật ấm áp. Tôi tựa đầu vào vai mẹ, lùa tay vào tóc mẹ. Rồi mẹ xoay người tôi lại để buộc lại tóc đuôi ngựa cho tôi. Sau đó, tôi không muốn thả tóc ra hay gội đầu nữa.
Mẹ: Phù Diêu này?
Phù Diêu: Vâng ạ
Mẹ: Con muốn mẹ về nhà chăm con hay kiên định đức tin của mẹ?
Phù Diêu: Mẹ kiên định.
Mẹ: Con có giận mẹ không?
Phù Diêu: Không ạ
Người kể chuyện (Phù Diêu): Sau đó, mẹ nói với tôi rằng cuộc gặp này là một sự khích lệ lớn đối với mẹ. Mẹ thấy thật nhẹ lòng.
Một cảnh trong phim: trong trại tạm giam
Một cư dân mạng xem phim cho biết cô rất xúc động với cảnh này. Cô viết: “Chúng ta thường hay tranh luận về việc nên tiếp tục hay từ bỏ điều chúng ta đang theo đuổi. Trong trường hợp này, đó là một câu hỏi căn bản – chúng ta có nên kiên trì với việc làm người tốt không?”
Cô tiếp tục: “Khi được ca ngợi hay khen thưởng thì làm việc tốt khá dễ. Nhưng trong những tình huống như thế này, khi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử hoặc bị đàn áp vì trung thực hay tử tế, mới thực sự bộc lộ chân thực chúng ta và tại sao chúng ta làm như vậy.”
Trên thế giới, có rất nhiều người có thể tự hỏi liệu họ có nên từ bỏ việc trở thành một người tốt hay không. Cô viết: “Hy vọng bộ phim này có thể giúp chúng ta tìm ra con đường và mang lại hy vọng cho chúng ta.“
Vô số gia đình tan vỡ
Một cư dân mạng khác xem phim cũng rơi lệ. Cô viết: “Cuộc bức hại đã kéo dài 22 năm, và những thảm kịch như thế này xảy ra hàng ngày ở Trung Quốc. Phù Diêu bé nhỏ đáng yêu quá, tôi rất muốn ôm chầm lấy cô bé.” Cô cho biết cô đã xem phim cùng với con mình, vì bộ phim rất hữu ích đối với cả trẻ em và người lớn.
Trải nghiệm của Phù Diêu là đặc biệt, nhưng cũng phổ biến. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công đã phải đối mặt với sự đàn áp, bắt giữ, tra tấn, đuổi việc và phân biệt đối xử. Con cái của họ cũng đã phải chịu đựng rất nhiều. “Bộ phim này khiến tôi nhớ lại những ngày ở Trung Quốc, nơi vô số gia đình bị chia cắt bởi cuộc bức hại”, Dương Thanh Liên, một người ở Trung Quốc, viết. Bản thân cô Dương cũng từng bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công và cô cho biết ở Trung Quốc có rất nhiều trẻ em như Phù Diêu.
Lý Thanh, một khán giả khác cho biết, khi xem phim, cô như đang ở cùng với hai mẹ con Phù Diêu. Cô giải thích: “Khi thấy Phù Diêu bị bắt nạt ở trường, tôi nhớ lại những ngày tháng cô đơn khi lần đầu tiên phải xa cha mẹ và sống nước ngoài.”
Vì cuộc đàn áp và tuyên truyền rầm rộ trên toàn quốc, việc các bạn phân biệt đối xử với Phù Diêu không chỉ đơn thuần là vấn đề giữa những đứa trẻ. Cô nói: “Đúng hơn, chính là chính sách bức hại của ĐCSTQ đã khiến người dân quay lưng lại với các học viên. Có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể chế giễu và bắt nạt họ.”
Một cảnh khác trong phim cũng khiến cô Lý Thanh xúc động đến rơi nước mắt. Sau hơn một năm xa mẹ, Phù Diêu đến nhà tù thăm mẹ. Dưới sự giám sát của lính canh, Phù Diêu và bàn tay của mẹ cô đã phản ánh sự tương phản giữa hai bên của tấm kính. Cô nói thêm: “Trong một môi trường không có tự do, tôi có thể cảm nhận được sự tương hỗ và kiên trì của hai mẹ con.“
Thái độ tích cực
Cô Chey Strauss cho biết bộ phim này khiến cô suy nghĩ rất nhiều, từ mục đích của cuộc sống cho đến mục tiêu phấn đấu của chúng ta. Cô thấy câu chuyện này đã khai sáng nhiều điều.
Cô Julia L. cho biết cô không biết ở Trung Quốc làm người tốt lại khó đến thế, và đôi khi điều đó đồng nghĩa với việc hy sinh mạng sống của con người. Tuy còn nhỏ, nhưng Phù Diêu đã có thể chịu đựng rất nhiều và đảm đương nhiều trách nhiệm. Cô Julia rất xúc động với câu chuyện, và gửi lời cảm ơn đến tất cả những người tham gia sản xuất.
Gần cuối phim, Phù Diêu đọc một đoạn rất đáng để suy ngẫm trong bức thư của mẹ em: Hãy đi với mẹ để thưởng ngoạn hoa sen trong ao. Con có biết rằng không phải tất cả các hạt sen đều nảy nở không? Khi hạt giống được gieo xuống bùn, có những hạt tuyệt vọng khi thấy bùn dơ bẩn. Chúng không tin rằng những bông hoa đẹp có thể mọc ra từ đây, và dần dần chúng sẽ chết vì buồn chán. Có những hạt bị bệnh vì mùi hôi và cái bẩn của bùn, đến nỗi chúng suốt ngày than vãn về điều đó. Thời gian trôi qua, chúng bỏ lỡ mùa hoa nở, chuyển màu đen, rồi cũng trở thành bùn. Lại có những hạt giống lặng lẽ chịu đựng sự mỉa mai, chế giễu của bùn. Chúng cố gắng thích nghi và hấp thụ dinh dưỡng từ bùn. Chúng tin rằng không sớm thì muộn, chúng cũng sẽ trở thành những bông hoa xinh đẹp. Cuối cùng, một ngày nọ, chúng mọc lên trên bùn và trở thành những bông hoa sen thánh khiết. Để cảm ơn bùn, chúng để lại gốc trắng của mình dưới bùn. Con hãy nhìn xem. Đối với những hạt sen này, mỗi cách nghĩ khác nhau sẽ dẫn đến một kết quả khác nhau.”
Một cảnh trong phim ‘Vươn lên nào, Phù Diêu!’
Cô Linda Trần bình luận rằng cô rất thích đoạn thư trên đây vì nó mang đến hy vọng cho mọi người. Cô viết: “Cho dù môi trường tệ đến mức nào, miễn là chúng ta có hạt giống của lòng tốt và sự thuần khiết trong tâm, nó sẽ duy trì được phẩm chất và cuối cùng sẽ trở thành bông hoa đẹp nhất dưới ánh mặt trời.“
Anh Shun Cha cho biết khi đọc bức thư, anh thấy phẫn nộ về cuộc bức hại này, vì anh không thể hiểu tại sao những người tốt như vậy lại bị bức hại.
Cô Christina Lưu đồng ý. Cô đã học được rất nhiều điều từ bức thư, và muốn trân trọng những gì mình đang có thay vì phàn nàn về chúng.
Anh Yo En nói rằng anh biết mọi thứ không dễ để có được. Chính nhờ gian khổ, chúng ta mới hun đúc nên lòng kiên trì và lòng dũng cảm. Anh cũng rất cảm ơn đội ngũ sản xuất bộ phim này.
Nên có nhiều người hơn nữa xem bộ phim này
Anh Pat Riot, một người từ một quốc gia cộng sản di cư đến Hoa Kỳ, cho biết câu chuyện khiến anh rơi nước mắt, và anh muốn chia sẻ bộ phim với bạn bè của mình.
Gần nhà anh có một số học viên Pháp Luân Công thường luyện công tập thể trong công viên. Anh viết: “Qua bộ phim này, tôi mới biết cuộc bức hại này xấu xa như thế nào – thực là tàn nhẫn. Tôi sẽ cầu nguyện cho họ [các học viên Pháp Luân Công].”
Anh viết tiếp: “Trong khi đó, chúng ta phải phơi bày những cái ác như thế này để mọi người biết đến. ĐCSTQ quá độc ác và chúng ta không thể để nó làm hại thế giới.“
Bức thư trong phim cũng thật tuyệt vời. Anh Pat cho biết người mẹ bị phân biệt đối xử, nhưng không than vãn hay hận thù, mà không ngừng hoàn thiện bản thân và giành lại tự do. Điều đó nhắc anh Pat về tầm quan trọng của việc trở thành người tốt và giúp đỡ người vô tội.
Anh viết: “Rất nhiều thanh niên Mỹ không biết trân trọng sự tự do mà họ có. Vì đến từ một đất nước cộng sản, bộ phim khiến tôi nhớ lại cuộc sống ở quê nhà của tôi, nó thật kinh hoàng. Nhiều người cần xem bộ phim này và tìm hiểu thêm về lịch sử.”
Theo bà Mã Diễm, đạo diễn của bộ phim, bộ phim tài liệu này nhằm “lên tiếng cho những người bị bịt miệng, và truyền năng lượng của lòng tốt cho mọi người.” Bộ phim hoạt hình này phản ánh lòng dũng cảm, tình yêu và sự bền bỉ trong kỷ nguyên đen tối nhất.
Vào tháng 12 năm 2020, bộ phim này đã được trao giải Phim Xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Hoạt hình Los Angeles (LAAF).
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/20/423393.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/23/191994.html
Đăng ngày 30-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.