Bài chia sẻ của Melina Wisecup, Washington DC

[MINH HUỆ 09-06-2021]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các bạn đồng tu!

Thật biết ơn vì tôi có cơ hội chia sẻ những trải nghiệm tu luyện của mình khi làm việc tại hạng mục truyền thông trong một năm rưỡi qua. Năm 2019, tôi tham gia Khoá đào tạo Nghiệp vụ báo chí của Epoch Times. Còn trước đó, một cách không tự biết, tôi đã có một vài năm chuẩn bị cho hành trình đáng trân quý này.

Tôi bắt đầu làm việc toàn thời gian tại hạng mục từ năm 2020. Một năm rưỡi trôi qua chỉ trong chớp mắt. Lúc ngồi viết bài chia sẻ này, tôi nhận ra thời gian trôi quá nhanh và từng ngày đều thật quý giá. Tôi nên trân quý thời gian và chính bản thân mình hơn nữa – chúng ta đều nên như vậy. Sư phụ đã nhiều lần từ bi nhắc nhở chúng ta, rằng khoảng thời gian này là khoảng thời gian phi thường, và chúng ta nên trân quý nó.

Việc này tuy nói ra thì dễ, nhưng để đạt tới tiêu chuẩn đó lại rất khó khăn. Đôi khi, cuộc sống quá bận rộn và đầy áp lực khiến chúng ta quên mất rằng mình may mắn thế nào khi được trở thành đệ tử Đại Pháp và có cơ hội làm việc trong hạng mục truyền thông. Tôi mong chúng ta đều có thể khích lệ nhau trân quý bản thân hơn, và trân quý cơ duyên này hơn nữa.

Xin được chia sẻ một câu chuyện: Khi mới bắt đầu làm việc tại hạng mục, tôi vô cùng lạc quan và tràn đầy năng lượng. Ngoài nơi này, tôi không còn muốn làm việc ở đâu khác nữa. Nhưng xung quanh tôi, hầu như tất cả nhân viên lâu năm trông đều mệt mỏi, kiệt sức, nói thẳng thắn thì nhiều người trông còn có vẻ khổ sở. Tôi nhận ra rằng khi năm tháng qua đi, nhiều người khó có thể tiếp tục trân quý cơ duyên được làm việc trong hạng mục truyền thông như thuở đầu. Nhưng trong tâm, tôi thầm ca ngợi họ vì đã kiên trì không từ bỏ trong suốt những năm qua. Tôi tự hỏi: “Liệu điều này có xảy ra với mình không? Liệu đến một ngày mình không chịu nổi áp lực nữa, không thể kiên trì như các đồng tu thì sao? Nếu như mình gục ngã và rời bỏ hạng mục thì sao?“

Với suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng mình cần phải chủ động. Ngày nọ, tôi nói với một người bạn: “Mình nghĩ là sẽ có một ngày mình thấy làm việc ở đây thật khó khăn. Sau này mình có thể còn định xin thôi việc vì không chịu nổi áp lực. Nếu ngày đó đến, và nếu mình có nói với bạn điều đó, thì hãy nhắc mình về cuộc trò chuyện này và khuyên mình ở lại nhé!”. Cô ấy mỉm cười và đồng ý.

Nhiều tháng sau, quả thực áp lực công việc đổ dồn lên tôi. Tôi thấy khổ sở và chẳng còn nghĩ gì đến khoảng thời gian trân quý nữa. Tôi quên mất rằng chính Sư phụ đã an bài cho tôi vào hạng mục. Sự ích kỷ xâm chiếm tôi. Tôi phàn nàn với bạn bè rằng tôi thấy buồn chán, chỉ muốn xin thôi việc và quay trở lại trường học. Cuối cùng thì cô bạn từng có giao hẹn với tôi đã lên tiếng: “Này, bạn từng nhờ mình rằng nếu có ngày bạn nói những lời này thì hãy khuyên bạn ở lại, bạn còn nhớ chứ?”. Lời nói của cô ấy đã khiến tôi bừng tỉnh, giúp tôi chính lại bản thân và tập trung lại vào công việc.

Đây chỉ là một ví dụ về tầm quan trọng của việc khích lệ lẫn nhau, nhất là khi chúng ta đang vừa đối diện với áp lực công việc rất lớn, vừa phải cố gắng tu bỏ những suy nghĩ người thường luôn thường trực. Đôi khi, chúng ta đều cần nhận “một gậy cảnh tỉnh”.

Mặc dù vậy, áp lực ngày càng nặng nề hơn. Từng có thời điểm, khoảng cách giữa tôi và bỏ cuộc chỉ là một chuyến bay, theo đúng nghĩa đen. Khi đó tôi đã đặt xong vé để bay về Georgia, và chỉ cần lên máy bay là tôi sẽ rời bỏ con đường mà Sư phụ đã an bài để tôi đóng góp cho hạng mục truyền thông. Nhưng Sư phụ đã can thiệp và đẩy tôi về tiếp tục tiến lên phía trước.

Sư phụ đã dẫn tôi vượt qua đại quan đầu tiên

Có những chấp trước tôi ôm giữ đã nhiều năm, và chúng suýt chút nữa đã khiến tôi rời bỏ hạng mục truyền thông mà Sư phụ đã an bài cho tôi. Nhưng nhờ có Sư phụ từ bi chỉ dẫn, tôi đã không từ bỏ.

Là phóng viên tin tức, mỗi ngày chúng tôi đều phải chọn chủ đề mới và chuẩn bị dàn bài phỏng vấn. Trong cuộc họp mỗi sáng, tôi cảm thấy mình như đang tranh đấu với đồng nghiệp, để xem ai có câu chuyện hay, ai sẽ lên câu hỏi phỏng vấn, v.v.. Thêm nữa, tôi luôn tìm cách để cấp trên khen ngợi, để thấy rằng mình xứng đáng với công việc này. Tôi luôn muốn nghe lời tán dương từ cấp trên và các đồng nghiệp, rằng tôi được việc và là người có khả năng. Ở đây tôi hữu ý dùng từ “luôn”, vì đến tận bây giờ tôi vẫn đang phải chật vật tu bỏ những chấp trước này. Tôi đã trừ bỏ được một vài tầng, nhưng vẫn còn nhiều tầng sâu hơn nữa.

Chẳng hạn, tôi vẫn buồn bực mỗi khi không được giao chuẩn bị dàn bài, không tìm được chủ đề thú vị để đưa tin, hay khi thấy mọi người đều làm tốt, trừ tôi ra.

Tâm tranh đấu, sự tự ti và thiếu trân trọng bản thân đã suýt chút nữa khiến tôi rời khỏi hạng mục. Những tháng đầu tiên làm việc toàn thời gian cho hạng mục, tôi khổ sở vì những suy nghĩ tiêu cực, như “Mình không đủ khả năng. Mình sẽ chẳng bao giờ lên được một dàn bài tốt. Mình không đủ nhanh nhạy và sẽ không thể trở thành phóng viên giỏi được. Bản tin của mình không hấp dẫn, mình chỉ đang uổng phí thời gian mà thôi”. Suy nghĩ tệ nhất là, “Mình đang làm uổng phí tài nguyên Đại Pháp. Công ty trả lương toàn thời gian cho mình, trong khi mình chẳng đóng góp được gì để công ty có lợi nhuận…” Mỗi ngày tôi đều chìm trong cảm giác tội lỗi vì đã “lãng phí tài nguyên Đại Pháp”.

Tôi kể cho một vài đồng tu về những suy nghĩ tồi tệ này, và họ đều khích lệ tôi rằng chỉ cần làm việc tại hạng mục với chính niệm là đủ rồi. Nhưng tôi không thể chấp nhận điều đó. Cuối cùng đến một ngày, tôi đã quyết đinh từ bỏ. Tôi không thể tiếp tục “lãng phí tài nguyên Đại Pháp” thêm nữa. Kỹ năng đưa tin của tôi không hề tiến bộ. Dù sao thì mọi người đều làm tốt hơn tôi, họ không cần tôi. Tôi quyết định thôi việc và quay lại đại học, dành thời gian làm việc gì đó có tác dụng hơn. Tôi kiếm một góc văn phòng và tìm chuyến bay gần nhất để trở về quê nhà tại Georgia. Thời điểm đó là tháng 4 năm ngoái. Tôi vốn đã lên kế hoạch về thăm gia đình trong 1 tuần của tháng 4, nên chỉ cần đổi vé chiều đi sớm hơn và huỷ vé khứ hồi về New York là được.

Sau đó, tôi lập tức tìm gặp người sản xuất chương trình, và quả quyết với chị ấy rằng tôi xin nghỉ việc và sẽ về Georgia vào tuần sau. Tôi vẫn nhớ như in lời mình nói, rằng tôi đặt ra tiêu chuẩn cho bản thân quá cao, còn cao hơn cả tiêu chuẩn mà chị ấy đặt ra cho tôi. Dù chị ấy chưa bao giờ phàn nàn về tôi, nhưng tôi không hề hài lòng với việc mình làm, cũng chưa từng nghĩ rằng nó có giá trị gì với công ty. Chị ấy gắng thuyết phục tôi ở lại, và đáp lại tôi bằng giọng nghiêm khắc: “Vậy thì sao chứ? Giờ thì em còn không có bất cứ tiêu chuẩn nào!”. Tôi chấn động – chị ấy nói đúng. Đó lại là một gậy cảnh tỉnh nữa dành cho tôi. Nhưng tôi vẫn nhất quyết xin thôi việc. Sau khi nói chuyện với chị ấy xong, tôi đi thẳng tới bộ phận nhân sự để thông báo về kế hoạch nghỉ làm của mình vào tuần sau đó.

Tôi về ký túc xá ở New York để đóng gói đồ đạc. Tôi gọi điện nói với mẹ và dì rằng tôi sắp quay về nhà. Thời điểm đó, dịch viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng tại Mỹ. Chị gái và dì tôi đều lo lắng, sợ rằng tôi trở về từ ổ dịch New York thì sẽ mang virus về nhà. Họ bảo tôi nên ở lại đến khi dịch không còn quá nghiêm trọng. Giờ thì tôi bị buộc phải ở lại New York và đối diện với những chấp trước của mình.

Những ngày sau đó, tôi cố gắng tập trung vào việc học và cố gắng hướng nội. Những chấp trước khiến tôi muốn từ bỏ công việc bắt đầu hiển lộ ra. Tôi nhận ra mình đã tốn quá nhiều thời gian và năng lượng vào những việc nhỏ nhặt. Tâm tranh đấu khiến tôi kiệt sức. Chẳng hạn như, tôi luôn cố gắng để tỏ ra nổi trội hơn người khác trong các cuộc họp, hay lo lắng thái quá mỗi khi thấy bản tin của mình không đủ chuyên nghiệp.

Một đoạn Pháp hiện lên trong tâm trí tôi:

“Tuy nhiên chúng ta cũng không thể làm ‘kẻ quân tử’ cẩn thận những điều nhỏ nhặt, mắt chỉ nhìn những việc nhỏ bé, đi đường cứ sợ dẫm chết kiến, [nên] phải vừa đi vừa nhảy. Tôi nói rằng chư vị sống thế mệt mỏi lắm, đó cũng chẳng phải chấp trước là gì?” (Bài giảng thứ bảy – Chuyển Pháp Luân)

Và rằng tôi cần

“Phải nhìn đến những chuyện lớn, cần tu luyện một cách đường đường chính chính.” (Bài giảng thứ bảy – Chuyển Pháp Luân)

Tôi chợt nhận ra, ngay cả khi bản tin của mình chưa đạt chuẩn thì tôi cũng không nên “mắt chỉ nhìn những việc nhỏ bé” như vậy. Tôi tự nhủ rằng mình nên tiếp tục cố gắng hết sức và đường đường chính chính đi trên con đường mà Sư phụ đã an bài. Vậy nên tôi đã ở lại New York. Tôi cảm thấy Sư phụ đã bảo vệ tôi và không để tôi trượt khỏi con đường mà Ngài đã an bài cho tôi. Sư phụ đã giảng rất rõ ràng trong “Chuyển Pháp Luân”:

“Giảng đến việc Sư phụ cấp những gì, đó là những thứ tôi cấp cho mọi người. Các Pháp thân của tôi sẽ liên tục bảo hộ cho đến khi chư vị có thể tự bảo hộ được bản thân mình” (Bài giảng thứ ba – Chuyển Pháp Luân)

Chỉ vài tháng sau sự việc này, tôi nhận thấy kỹ năng của tôi và các đồng nghiệp đã có tiến bộ đáng kể. Chúng tôi ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, và tôi cảm thấy rất mừng vì mình đã ở lại. Kênh NTD tiếng Anh của chúng tôi đã và đang phát triển với tốc độ thật khó tin.

Chúng ta chỉ cần chú tâm tu luyện, Sư phụ sẽ an bài tất cả

Trong “Chuyển Pháp Luân”, Sư phụ đã nhắc lại nhiều lần rằng:

“Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ” (Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân)

Khi chứng kiến sự phát triển thần tốc của kênh NTD tiếng Anh, tôi cảm thấy lời giảng này của Sư phụ thực sự đang triển hiện trước mắt mình. Chỉ mới một năm rưỡi trước, khi tôi bắt đầu trở thành phóng viên toàn thời gian cho kênh, một ngày chúng tôi chỉ phát sóng được 2 bản tin, mỗi bản tin 30 phút, và vẫn chưa thể lên sóng truyền hình cáp. Nhưng chỉ 17 tháng sau, kênh đã có 9 chương trình chất lượng cao, và phát sóng trực tiếp trên truyền hình cáp 24/7. NTD tiếng Anh đã có mặt ở nhiều thành phố lớn tại Mỹ và trên nhiều nền tảng khác nhau. Chúng tôi cũng vừa mới lên sóng truyền hình cáp tại Anh. Mặc dù vẫn còn nhiều điều cần cải thiện để trở nên ngày càng chuyên nghiệp hơn, nhưng sự phát triển nhanh chóng của kênh khiến tôi cảm thấy mình là một trong những sinh mệnh may mắn nhất, khi được trở thành một lạp tử của hạng mục truyền thông vào thời kỳ phi thường nhất này.

Làm thế nào mà chúng tôi đạt được thành công nhanh như vậy? Tất nhiên là nhờ trí huệ mà Đại Pháp ban cho. Tôi muốn chia sẻ một chút về quá trình cải thiện kỹ năng của tôi và các đồng nghiệp. Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm CEO của chúng tôi thông báo rằng NTD Tiếng Anh sẽ bắt đầu lên sóng truyền hình cáp, và rồi một vài tháng sau đó, ông thông báo chúng tôi sẽ phát sóng 24/7. CEO muốn chúng tôi bắt đầu sản xuất một số chương trình mới, và tăng thời lượng 2 bản tin hàng ngày từ 30 phút lên 1 tiếng. Tôi nghe ông nói và nghĩ rằng kế hoạch này thật bất khả thi, bởi vì chỉ riêng việc sản xuất những chương trình ngắn như hiện tại thôi đã khiến chúng tôi bận rộn tối ngày và dường như không có thời gian để thở rồi.

Về phần tôi, kỹ năng của tôi khi đó chỉ đạt mức cơ bản. Mỗi ngày chỉ một bản tin là tôi đã đủ chật vật rồi, làm sao tôi có thể nhận thêm việc nữa? Nhưng tôi cố không suy nghĩ quá nhiều, và cứ để tuỳ kỳ tự nhiên. Tôi gạt bỏ tâm sợ hãi và nghĩ rằng chỉ cần có quyết tâm thì chúng tôi sẽ làm được. Chúng tôi nên cố gắng hết sức. Và cứ như vậy, việc viết kịch bản trở nên dễ dàng và lên dàn bài phỏng vấn cũng không còn khó khăn nữa. Cuối cùng thì tôi đã viết được 2 kịch bản mỗi ngày, chuẩn bị từ 1-2 dàn bài phỏng vấn và biên tập ít nhất 1 video. Khối lượng này gấp hơn 3 lần so với khối lượng công việc trước đây, nhưng tôi không thấy nó khó như mình nghĩ.

Tôi nhận thấy các đồng nghiệp cũng đều được đẩy lên như vậy. Chỉ sau một thời gian ngắn, cả nhóm phóng viên chúng tôi đều sản xuất được 2 bản tin mỗi ngày. Việc tăng thời lượng chương trình cũng không quá khó khăn. Tôi hiểu rằng chúng tôi có thể có tiến bộ nhanh như vậy là nhờ đã xuất được niệm rằng mình cần cố gắng hết sức, và quyết tâm thực hiện điều đó. Sư phụ đã đẩy chúng tôi về phía trước. Trí huệ từ Đại Pháp đã giúp nhóm chúng tôi đạt được tiêu chuẩn mới.

Trừ bỏ tâm hiển thị, tâm tranh đấu, tâm tật đố và tâm tự mãn

Gần đây tôi đã chuyển tới Washington DC. Chúng tôi sẽ sớm chạy một chương trình mới tại đây. Thật tình mà nói, từ kinh nghiệm phát triển kênh NTD tiếng Anh, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng tôi sẽ thành công. Nhưng tôi vẫn ôm giữ những tâm chấp trước có thể gây trở ngại cho công việc, vì vậy, tôi nhận ra mình cần phải cố gắng hơn nữa để trừ bỏ chúng.

Tự mãn, hiển thị và tranh đấu – những chấp trước này phản ánh ra gần như hàng ngày. Tôi rất dễ động tâm mỗi khi bản tin mình làm không tốt, hoặc khi tôi thấy ai đó có bản tin hay hơn mình. Tôi không có trải nghiệm thần kỳ nào để chia sẻ về quá trình tu bỏ những chủng tâm này, vì tôi vẫn đang chật vật với chúng mỗi ngày. Nhưng tôi cho rằng, nhận ra được tâm chấp trước ấy cũng là một khởi đầu tốt. Mong rằng thông qua việc phơi bày chúng trước tất cả mọi người, tôi có thể đối đãi với những tâm chấp trước này nghiêm túc hơn.

Khi có ai đó làm được tốt, tôi cảm thấy tật đố và khó chịu. Tôi có cảm giác tôi chính là người mà Sư phụ đã mô tả trong sách:

“người khác nếu [có điều gì] tốt, thì thay vì cảm thấy mừng cho họ, người ta lại thấy bất bình trong tâm” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Để trừ bỏ suy nghĩ này, tôi cố gắng nhớ rằng nếu các đồng nghiệp làm tốt, tức là hạng mục truyền thông đang làm tốt và chúng ta đang khởi được tác dụng cứu người. Do đó, tôi không nên lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào việc hơn thua với người khác, và phải liên tục nhắc nhở bản thân đừng quá bận tâm đến thành tích cá nhân.

May mắn là, nhà sản xuất chương trình vẫn luôn nhắc nhở tôi đừng chấp vào danh. Khi tôi khoe với chị ấy những thành tích mà mình đạt được, chị ấy hỏi tôi: “Có phải em rất hãnh diện khi kể ra như vậy không? Em thấy tự hào chứ?”. Tôi thật sự biết ơn cách chị ấy buộc tôi phải có trách nhiệm với lời mình nói, và nhẹ nhàng chỉ ra tâm chấp trước cho tôi thấy. Sự việc này nhắc tôi phải nghiêm túc đối đãi mỗi khi chấp trước này phản ánh ra. Tôi nghĩ rằng, mỗi khi thấy một đồng tu bộc lộ chấp trước, có thể vì đồng tu đó chưa tự nhận ra hoặc chưa đối đãi nghiêm túc với vấn đề đó, thì chúng ta nên khích lệ và nhắc nhở nhau một cách ân cần và nhẹ nhàng. Thông qua đó, chính chúng ta cũng có cơ hội tu xuất tâm từ bi, và học cách trở nên ân cần, tử tế hơn với những người xung quanh.

Một ví dụ khác về tâm tật đố và tâm tranh đấu trong tôi, là mỗi khi ở cạnh những đồng tu được cho là “thành công” trong hạng mục, đặc biệt là những người dẫn chương trình và phóng viên ưu tú, tôi đều thấy cực kỳ ganh tỵ. Đến mức tôi còn thầm mỉa mai họ trong tâm: “Họ đâu có giỏi đến vậy. Nếu không nhờ Sư phụ thì họ cũng chẳng thể thành công thế. Họ thật kiêu ngạo!”. Tôi không hiểu tại sao ai cũng ngưỡng mộ họ. Chẳng phải trong Đại Pháp là không có bất cứ hình mẫu nào sao? Tôi thậm chí còn chỉ trích cả những ai đang coi những gương mặt nổi tiếng này là hình mẫu.

Tôi nghĩ lý do thật sự khiến tôi động tâm bởi những đồng tu thành đạt và được ngưỡng mộ, là bởi vì bản thân tôi muốn được người khác ngưỡng mộ. Sư phụ từng giảng trong “Chuyển Pháp Luân”:

“Như thế, một khi cá nhân ấy xuất hiện vấn đề này rồi, thì vị ấy rất khó tự vực lên được, tâm ấy lập tức khởi lên. Khởi lên rồi, vị ấy điều gì cũng dám nói: ‘Ta chính là Phật rồi, các ngươi khỏi cần học theo người khác; ta chính là Phật rồi, ta bảo các ngươi làm thế này thế kia.’ Vị ấy trở thành như thế.” (Bài giảng thứ sáu – Chuyển Pháp Luân)

Tôi cần phải chú trọng hơn đến vấn đề này. Bởi vì đến tận bây giờ, nếu có ai đó không nghe tôi, không theo lời khuyên của tôi, thì tôi đều thấy khó chịu trong tâm. Tôi không muốn thừa nhận rằng mọi người thật sự đã làm tốt, mà thường phủ nhận thành quả của họ bằng việc cho rằng đó đều là công của Sư phụ: “Những người này thành công bởi vì họ có một ê-kíp tốt hậu thuẫn và có Sư phụ gia trì cho thôi. Chứ vốn dĩ họ đâu có giỏi đến vậy. Nếu không có ê-kíp và không có Sư phụ ở bên, họ sẽ chẳng là gì cả.”

Nhưng lối nghĩ này lại mâu thuẫn với chính bản thân tôi. Vì khi tôi làm tốt hay đạt được thành công nào đó, tôi đều nhận đó là công sức của mình, mà không thừa nhận rằng chính nhờ công sức của cả nhóm nên mới có thành công đó. Tôi cũng quên mất rằng những kỹ năng mà tôi có đều là được Sư phụ ban cho.

Sư phụ giảng trong “Chuyển Pháp Luân”:

“[Với] thân thể người thường kia, bàn tay người thường kia, và tư tưởng người thường kia của chư vị; chư vị muốn [từ] vật chất cao năng lượng diễn hoá trở thành công? [Công] tăng trưởng lên? Nói chuyện sao dễ vậy! Theo tôi thấy là chuyện đáng cười. Cũng tương đương với hướng ngoại mà cầu, hướng ngoại mà tìm, vĩnh viễn không tìm được.” (Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân)

Mỗi ngày tôi đều ép bản thân ghi nhớ Pháp lý này, và nỗ lực không ngừng để trừ bỏ những chấp trước kia đi.

May mắn là ở Washington D.C cũng có một đồng tu khác thường nhắc nhở tôi rằng những thành quả mà tôi đạt được không phải là của riêng tôi, và không có gì để tự mãn về điều đó cả. Để dần loại bỏ tâm tật đố và lối suy nghĩ tự coi mình là trung tâm, tôi đã cố gắng nhìn nhận thành quả của những người xung quanh, và không ngừng nhắc nhở bản thân rằng tất cả kỹ năng mà tôi có đều do Sư phụ ban cho. Tôi nên ít chú tâm vào thành quả của bản thân. Tôi mong rằng mình có thể làm tốt hơn về phương diện này, và bước đi vững vàng hơn trên con đường mà Sư phụ đã an bài.

Con xin cảm tạ Sư phụ đã cho con cơ hội trân quý được làm việc trong hạng mục truyền thông. Cảm ơn các bạn đồng tu đã tạo cơ hội cho tôi viết bài chia sẻ này.

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Truyền thông Đại Kỷ Nguyên và Tân Đường Nhân 2021)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/9/426790.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/12/193666.html

Đăng ngày 08-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share