Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-08-2021] Vào tháng 6 năm 2021 một người dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án bảy năm vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Vào ngày 24 tháng 11 năm 2020 bà Lưu Hiểu Hồng, một y tá 52 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ tại nhà, sau khi bị các cảnh sát viên của Đồn Công an Bạch Sơn Lộ lừa bà mở cửa để “kiểm tra an ninh”. Cảnh sát lục soát nhà của bà và giữ bà tại đồn công an của họ trong hơn 30 giờ, trước khi chuyển bà đến Trại tạm giam thành phố Đại Liên.

Tòa án quận Cam Tỉnh Tử đã kết án bà Lưu 7 năm tù vào đầu tháng 6 năm 2021. Bà đã kháng cáo lên Tòa án trung cấp thành phố Đại Liên, tuy nhiên tòa án đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà.

Trong 22 năm qua, Liêu Ninh là một trong những tỉnh mà cuộc bức hại Pháp Luân Công diễn ra nghiêm trọng nhất. Chỉ riêng ở Đại Liên, hơn 100.000 học viên đã bị sách nhiễu, bắt giữ hoặc giam giữ. Ít nhất 147 học viên được xác nhận đã qua đời trong cuộc bức hại, với số người mất mạng thực tế được cho là cao hơn nhiều do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Có 827 học viên khác bị kết án lao động cưỡng bức và 371 người bị kết án tù. Hàng nghìn người đã bị giam giữ và tra tấn trong nhiều cơ sở giam giữ khác nhau, bao gồm bệnh viện tâm thần, trung tâm cai nghiện ma túy, trại tạm giam hoặc trung tâm tẩy não.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 2008 bà Lưu đã bị kết án lao động cưỡng bức một năm sau khi bà bị báo cáo vì đã phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và bị bắt vào cùng ngày.

Trong thời gian thụ án tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng, bà đã bị buộc phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Bà chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh hai lần trong ngày. Nếu bà không hoàn thành chỉ tiêu công việc hàng ngày, các lính canh sẽ ép bà làm việc đến 10 hoặc 11 giờ tối hoặc ra lệnh cho bà phải đứng hàng giờ trước khi đi ngủ. Tuy vậy bà vẫn phải thức dậy như mọi khi và bắt đầu làm việc lại lúc 7 giờ sáng. Do vậy bà luôn trong tình trạng kiệt sức sau một ngày làm việc.

Ngay cả khi bà và các học viên khác hoàn thành khối lượng công việc hàng ngày đúng giờ, các lính canh vẫn bắt họ ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ [được thiết kế để gây đau đớn] vào ban đêm và xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Mỗi học viên Pháp Luân Công đều bị các tù nhân giám sát mọi lúc, kể cả khi họ sử dụng nhà vệ sinh, tắm rửa hay giặt giũ. Họ cũng không được phép nói chuyện với nhau.

Vào ban ngày, các lính canh đi tuần quanh xưởng với dùi cui điện trên tay. Nếu họ không hài lòng với công việc của các học viên, họ sẽ chửi mắng họ hoặc đánh họ bằng dùi cui. Tất cả các học viên phải cúi đầu thấp khi làm việc.

Đôi khi các học viên được lệnh làm giấy nhang hoặc các vật phẩm khác dùng để cúng lễ người đã khuất. Chất keo độc hại tỏa ra mùi khó chịu và ngột ngạt trong khu xưởng kín, khiến các học viên ho sặc sụa.

Có một lần, vì bà Lưu không chịu đọc thuộc nội quy trại lao động, bà bị đưa đến Đông Cương, một nơi đặc biệt dùng để tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Các lính canh ép bà phải đứng thẳng và sau đó họ buộc hai cây gậy vào sau mỗi chân để bà không thể chùng chân. Sau đó, họ bắt bà cúi xuống, đặt đầu vào một khe hở ở bên giường tầng. Hai tay mở ra và bị còng vào hai thành giường. Phần lớn trọng lượng của cơ thể sẽ dồn vào cổ tay, khiến còng tay cứa vào da thịt. Lưng của bà cũng phải chịu áp lực rất lớn và vô cùng đau đớn. Hai giờ sau khi được cởi trói, bà đã mất cảm giác ở chân.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/11/429428.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/19/194690.html

Đăng ngày 03-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share