Bài viết của Lâm Triển Tường

[MINH HUỆ 23-07-2021] (Tiếp theo Phần 2)

Phòng 610 phát động nhiều chiến dịch bôi nhọ Pháp Luân Công và tăng cường thù hận, như chiến dịch “Triệu chữ ký” [ủng hộ cuộc bức hại], “Mọi người đều có lập trường” [chống Pháp Luân Công], và “Cam kết” [không ủng hộ Pháp Luân Công] được tung ra nhằm phỉ báng Pháp Luân Công.

Thu thập và phân tích thông tin cá nhân

Để đạt được mục tiêu của cuộc bức hại, Phòng 610 coi việc thu thập thông tin về Pháp Luân Công là nhiệm vụ chính.

Ví dụ, Phòng 610 thành phố Thanh Châu ở tỉnh Sơn Đông lập ra bảng thống kê cụ thể về các học viên Pháp Luân Công vào khoảng năm 2010. Các bảng thống kê này phân loại và chứa đựng nhiều thông tin về các học viên địa phương. Các bảng này gồm ba mục và được giao xuống cho các Trung tâm Quản lý Toàn diện và Bảo trì Ổn định cấp thị trấn (hoặc đường phố).

Mục đầu tiên là thông tin cơ bản của từng học viên, căn cứ vào đó, các học viên bị xếp vào một trong 7 loại:
1) Người có hộ khẩu tại địa phương nhưng thường xuyên lưu trú ở nơi khác
2) Trong danh sách “Truy nã” đang ở các nơi khác
3) Người “ngoài tầm kiểm soát”
4) Người từng ra ngoài gây rối [nghĩa là “thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công”]
5) Người chưa bị chuyển hóa
6) Người từng bị bỏ tù hoặc bị đưa vào trại lao động
7) Cán bộ chủ chốt không đáng tin cậy

Mục thứ hai là các thông tin về nhân viên đặc thù (đính kèm ảnh chụp học viên bị nhắm đến).

Mục thứ ba là bảng lời khai chi tiết của học viên trong các chuyến lục soát nhà của cảnh sát, cán bộ chính quyền địa phương.

Tất cả những thông tin này đều rất quan trọng vì là căn cứ để Phòng 610 đưa ra quyết định bức hại, xác định theo dõi ai, bắt ai, đưa ai vào trung tâm tẩy não, v.v.

Cưỡng chế các cơ quan, tổ chức tiến hành bức hại

Tự do tín ngưỡng là quyền cơ bản của con người được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ. Tuy nhiên, bằng cách tạo dựng đủ loại dối trá để vu khống Pháp Luân Công, Phòng 610 đã lôi kéo các quan chức của ĐCSTQ ở tất cả các cấp tham gia vào cuộc bức hại. Vì thế, nó đã trở thành cuộc bức hại có hệ thống, có tổ chức và toàn diện. Cụ thể như việc thành lập ban lãnh đạo trong tổ chức, xây dựng chính sách và quy tắc, thành lập nhóm có cơ cấu trong tổ chức, thực thi nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công, giám sát các học viên Pháp Luân Công, tiến hành các lớp tẩy não và những thủ đoạn khác.

Trong số đó, có một thủ đoạn rất ác độc là lấy cuộc bức hại Pháp Luân Công làm tiêu chí đánh giá thành tích của quan chức. Phòng 610 đặt ra các tiêu chí đánh giá “hoạt động” của các cơ quan chính quyền liên quan. Dưới đây là bảng điểm đánh giá từ Phòng 610 Quận Vy Thành từ thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây.

8058be35d5d75fc9773da2462583c418.jpg

Bảng điểm đánh giá của Phòng 610 Quận Vy Thành thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây (tải từ internet ngày 15 tháng 4 năm 2008)

Ảnh chụp màn hình trên đây (tiếng Trung) chỉ ra rằng nếu tỷ lệ chuyển hóa đạt 75% thì cơ quan chính phủ sẽ được 20 điểm; nếu không một học viên Pháp Luân Công địa phương nào đến Bắc Kinh để khiếu nại, cơ quan này sẽ được 10 điểm. Chúng ta có thể thấy rằng ĐCSTQ đã lấy cuộc bức hại Pháp Luân Công làm tiêu chí đánh giá thành tích của quan chức.

Kiểu “đánh giá” như vậy cho thấy Phòng 610 đã thể chế hóa cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bằng cách này, nó buộc các quan chức các cấp phải tham gia vì áp lực cao và động cơ tài chính. Điều này cho thấy cuộc bức hại có tính tổ chức, cưỡng chế và tính hệ thống rất cao. Nó cũng cho thấy cuộc bức hại này bao phủ trên diện rất rộng và sâu.

Thao túng và can thiệp vào thủ tục tư pháp

PLAC và Phòng 610 nằm quyền kiểm soát các cơ quan hành pháp, viện kiểm sát, tòa án và tư pháp hết sức toàn diện và hoàn thiện. Việc Phòng 610 thao túng kết quả các vụ xét xử Pháp Luân Công được coi là một nhiệm vụ chính trị. Cáo trạng, xét xử, và kết án chỉ mang tính chiếu lệ vì kết quả đã được Phòng 610 định sẵn. Nhiều thẩm phán công khai thừa nhận rằng họ không được ra quyết định vì Phòng 610 nắm quyền quyết định cuối cùng.

ĐCSTQ coi Pháp Luân Công là kẻ thù số một. Trong nhiều trường hợp, các quan chức Phòng 610 công khai nói rằng đối với các trường hợp Pháp Luân Công, họ chỉ xem xét chính trị chứ không phải luật. Nhiều thẩm phán cho biết họ không chiểu theo pháp luật khi xử lý những vụ việc như vậy.

Ví dụ, ngày 6 tháng 12 năm 2009, Tòa án Thiên An tỉnh Hà Bắc kết án tù một số học viên, gồm có bà Lương Tú Lan (8 năm), bà Trương Lập Cần (7,5 năm), bà Thiệu Liên Vinh (7,5 năm), bà Lý Tú Hoa (7 năm), ông Tôn Vĩnh Sinh (7 năm) và ông Dương Chiêm Dân (7 năm). Khi gia đình các học viên chất vấn về việc kết án oan sai, chánh án Phùng Tiểu Lâm nói rằng các vụ án Pháp Luân Công không xử theo luật.

Ngoài việc đưa “chính trị cao hơn luật pháp”, Phòng 610 còn chà đạp và thao túng luật pháp bằng cách can thiệp vào quá trình sơ thẩm, xét xử, biện hộ của luật sư và tuyên án.

Nhiều thẩm phán còn công khai nói trước các luật sư biện hộ và gia đình các học viên rằng phán quyết là từ Phòng 610, chứ không phải họ. Thông thường, Phòng 610 đã bí mật quyết định trước thời hạn tù. Thẩm phán chỉ làm theo chỉ thị trong phiên xét xử. Đôi khi Phòng 610 thậm chí còn trực tiếp can thiệp vào quá trình xét xử tại tòa án.

Ví dụ, Tòa án Thẩm Bắc Tân, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, kết án bốn học viên trong hai phiên tòa vào ngày 1 và 9 tháng 12 năm 2008. Trong đó, bà Vương Tố Mai bị kết án 10 năm, ông Hề Thường Hải 11 năm, ông Tôn Ngọc Thư 8 năm, và ông Quắc Đức Phúc 6 năm. Các cán bộ tòa án cho biết án tù là Phòng 610 định sẵn, chứ không phải họ.

Tôn Vĩnh Cương, Trưởng Phòng 610 mới được bổ nhiệm cho quận Thẩm Bắc Tân vào thời điểm đó. Trước đó, Tôn làm việc tại Ban Quản lý Sông Bồ Hà và tích cực tham gia vào cuộc bức hại. Khi bà Vương Tố Mai bị bắt, bà nói tin vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn là không có tội và yêu cầu được thả ngay lập tức. Với tư cách là giám đốc Phòng 610 mới được bổ nhiệm, Tôn háo hức tích lũy vốn chính trị, ông ta hét lên, “Tôi sẽ kết án 10 năm tù cho bà!” Sau đó, bà Vương đã phải thụ án 10 năm tù.

Phòng 610 trong quân đội

Phòng 610 có cả trong quân đội, nhưng người ngoài ít biết về nó. Quân đội còn tham gia vào cuộc bức hại trước cả các chính quyền địa phương, vì ĐCSTQ luôn kiểm soát quân đội chặt chẽ nhất và thường lấy đó làm hình mẫu để người dân noi theo trong các chiến dịch. Khi Giang bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, ông ta muốn mở rộng những gì quân đội đã làm ra phạm vi toàn quốc và thúc đẩy triển khai kế hoạch này thông qua quân đội.

Cấp cao nhất của Phòng 610 trong quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị của quân đội. Giám đốc đầu tiên của nó là Vu Vĩnh Ba, bấy giờ là cục trưởng Tổng cục Chính trị. Phó giám đốc cũng là phó cục trưởng Tổng cục Chính trị phụ trách thanh tra kỷ luật và công tác của PLAC. Phòng 610 trong quân đội cao ngang hàng với Tổng cục Chính trị. Do đó, nó có thể dễ dàng tuyển dụng thành viên khi cần.

Ngoài ra, Phòng 610 cũng được thành lập ở các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không của Quân đội Giải phóng Nhân dân ở tất cả các quân khu, bao gồm tất cả các cấp từ lục quân, sư đoàn, lữ đoàn đến trung đoàn.

Một cuộc họp cấp cao

Dưới sự chỉ đạo độc tài của Giang, Vu đã tổ chức một cuộc họp cấp cao với Phòng 610 trong quân đội ngay sau vụ tự thiêu được dàn dựngvào ngày 23 tháng 1 năm 2001. Nó bí mật diễn ra tại Cục An ninh của Tổng cục Chính trị và không được phép ghi âm hay chụp ảnh. Theo thông tin nội bộ, những người tham gia cuộc họp là các phần tử cốt cán của Phòng 610. Vu chủ trì cuộc họp và chỉ mời chưa đến 30 người. Đầu tiên Vu tổng kết những gì quân đội đã làm để bức hại Pháp Luân Công và trình bày kế hoạch cho bước tiếp theo, sau đó là bài phát biểu của Giang.

Trong cuộc họp, Giang đã ra lệnh cho quân đội đi đầu cuộc bức hại để làm gương. Tất cả những quân nhân tu luyện Pháp Luân Công phải được “chuyển hóa”, không sót một ai. Quá trình chuyển hóa phải hoàn tất và quân đội cần đào tạo ra các chuyên gia và giáo sư chuyển hóa riêng. Những người tham gia vào quá trình chuyển hóa phải kiên định, quyết tâm và nghiêm khắc. Hễ cần là có thể vận dụng các loại phương pháp khác nhau. Họ không được phô trương, mà cần lặng lẽ làm việc này. Mục tiêu duy nhất là buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Công. Phải liên tục chuyển hóa chừng nào còn chưa đạt được mục tiêu. Động cơ thúc đẩy là những người tham gia chuyển hóa sẽ được khen thưởng.

Quân đội bức hại các học viên Pháp Luân Công rất tàn khốc. Nhưng do thông tin bị kiểm soát gắt gao nên không mấy người ngoài biết đến. Trang Minghui.org từng đưa tin về việc một học viên ở cấp Phó trưởng phòng bị bức hại như thế nào.

Ông Dương Hưng Phúc quê ở Quân khu Nam Kinh, sinh vào tháng 11 năm 1949. Với quân hàm Thượng tá, ông là trưởng ban biên tập tin tức của Đài Truyền hình và Phim truyện Đông Tuyến, một tờ báo thuộc Cục Chính trị Quân khu Nam Kinh. Ông đã bị bức hại nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công.

Sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1996, ông Dương đã đạt được những lợi ích cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông đã bị Phòng 610 của Quân khu Nam Kinh bắt và giam giữ ba lần.

Vì phát tài liệu Pháp Luân Công, ông bị Cục An ninh Quốc gia Nam Kinh theo dõi và bắt giữ vào tháng 7 năm 2000. Sau khi thẩm vấn bí mật, Tòa án Quân sự Quân khu Nam Kinh đã bắt ông lao động cưỡng bức trong ba năm. Khi được thả vào năm 2003, ông bị ép nghỉ hưu sớm. Nhà ở và các quyền lợi của ông đều bị cắt giảm.

Vào tháng 1 năm 2005, Phòng 610 của Quân khu Nam Kinh lại lục soát nhà của ông Dương và tống ông vào trại lao động với thời hạn ba năm. Cả con gái và con rể của ông đều bị trục xuất khỏi quân đội.

Tháng 4 năm 2012, Phòng 610 Quân đội Nam Kinh, Phòng 610 Nam Kinh và cảnh sát Nam Kinh cùng lục soát nơi ở của ông Dương. Các quan chức tịch thu máy tính, máy in, ổ ghi DVD, sách Pháp Luân Công và DVD Thần Vận của ông. Ông Dương và vợ bị giam tại Trại giam Nam Kinh. Lần thứ ba, Tòa án Quân sự Quân khu Nam Kinh tuyên án 3 năm lao động cưỡng bức đối với ông Dương, sau đó, ông bị giam giữ tại Trại lao động Quân khu Nam Kinh. Vợ ông, bà Trần Xuân Mỹ, lần đầu tiên bị giam một tháng, sau đó bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Võ Khu ở Nam Kinh.

Thông tin tóm lược

Cả PLAC và Phòng 610 đều là một bộ phận trong cơ cấu các tổ chức của ĐCSTQ, đều đóng vai trò chủ chốt trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Vì cuộc bức hại vẫn tiếp tục, và vì hai cơ quan này đều là cơ quan mật, nên với sự kiểm soát thông tin gắt gao của ĐCSTQ, nhiều thông tin chi tiết liên quan đến hoạt động nội bộ của các cơ quan này vẫn bị che giấu. Báo cáo này được soạn lập dựa trên thông tin công khai, đặc biệt là các dữ kiện do trang Minghui.org công bố, và nhằm mục đích tóm tắt chức năng của hai cơ quan này trong cuộc bức hại.

(Hết)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/23/428313.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/24/194251.html

Đăng ngày 30-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share