Bài viết của Âu Dương Phi

[MINH HUỆ 17-08-2021] Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công trong suốt 22 năm. Nhiều người đã quên mất chiến dịch tuyên truyền rợp trời dậy đất của chế độ toàn trị này nhằm kích động thù hận đối với Pháp Luân Công trong những năm đầu. Ngay cả một số người thân và bạn bè của các học viên Pháp Luân Công sinh sống ở ngoài Trung Quốc cũng nói với các học viên rằng: “Hãy quay về Trung Quốc mà xem. Ai nói vẫn còn bức hại chứ? Không còn tin tức về Pháp Luân Công nữa.“ Vậy có thật là không còn cuộc bức hại ở Trung Quốc nữa không?

Theo một báo cáo gần đây trên trang Minghui.org, nửa đầu năm 2021 đã ghi nhận 9.470 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị bức hại vì đức tin của họ. Rõ ràng là ĐCSTQ vẫn không giảm nhẹ cuộc bức hại Pháp Luân Công ngay cả trong đại dịch.

Cuộc bức hại này bắt đầu bằng một “cuộc vận động” kiểu Cách mạng Văn hóa. Ngày 10 tháng 6 năm 1999, hơn một tháng trước khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại, một cơ quan đặc biệt đã được thành lập với tên gọi Phòng 610. Nó đã trở thành một cơ quan ngoài pháp luật có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với ngành công an và tư pháp, chuyên trách việc thực thi chính sách bức hại Pháp Luân Công.

Việc thành lập Phòng 610 về cơ bản đã biến việc bức hại người tốt thành một nghề, vì những người làm việc cho cơ quan này được chính phủ trả tiền để điều phối và thực thi cuộc bức hại.

Là một “tổ chức chuyên môn” được thành lập để bức hại các học viên vô tội và tuân thủ pháp luật, Phòng 610 nhắm thẳng vào các học viên và kiểm soát gắt gao truyền thông, thông tin.

Trong những năm đầu của cuộc bức hại, để nhanh chóng kích động lòng thù hận và lôi kéo sự ủng hộ của công chúng đối với chiến dịch bức hại Pháp Luân Công, Phòng 610 đã chỉ đạo truyền thông nhà nước công kích môn tu luyện ôn hòa này. Chương trình khung giờ vàng “Tin tiêu điểm” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) của nhà nước đã dành 30 tập trong 42 ngày từ ngày 21 tháng 7 đến ngày 31 tháng 8 năm 1999 để tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Cũng chính “Tin tiêu điểm” sau đó đã phát sóng “vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn” vào năm 2001 để củng cố lòng tin và lòng thù hận của người dân Trung Quốc đối với các học viên.

Tuy nhiên, khi tiến hành cuộc bức hại, ĐCSTQ đã dùng cách tiếp cận khác. Thay vì thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trắng trợn, họ chuyển sang lén lút bức hại, qua mắt công chúng Trung Quốc .

Với sự kiểm duyệt thông tin gắt gao, hầu hết mọi người không biết gì về cuộc bức hại đang tiếp diễn, trừ trường hợp là học viên hoặc có người nhà tu luyện Pháp Luân Công. Công chúng càng không biết về cuộc bức hại thì ĐCSTQ càng bức hại trắng trợn các học viên Pháp Luân Công.

Không có sự theo dõi của công chúng, Phòng 610 càng tùy phạm những “tội phạm chuyên nghiệp” một cách vô đạo đức hơn, chủ yếu thực hiện chính sách bức hại để “hủy hoại thân thể, bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính”.

Những tội ác mà ĐCSTQ gây ra đối với các học viên Pháp Luân Công trong những năm qua nhiều không kể xiết.

Một trong những tội ác khủng khiếp nhất của ĐCSTQ trong cuộc bức hại là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công. Một người trong cuộc đã tiết lộ với thế giới về tội ác chưa từng có này vào tháng 3 năm 2006.

Không lâu sau khi cuộc bức hại bắt đầu, số ca ghép tạng ở Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân và Trung Quốc trở thành điểm đến phổ biến nhất cho “du lịch ghép tạng”, dù không có bất kỳ hệ thống hiến tạng nào. Sau đó, các nhân chứng đã đứng ra làm chứng rằng các học viên Pháp Luân Công là mục tiêu chính của nạn mua bán nội tạng.

Những đường dây giết người bí mật quy mô lớn như vậy chỉ khả thi với các bệnh viện, nơi giam giữ và đôi khi là các đơn vị quân đội được Phòng 610 huy động cùng lúc.

Với tội ác này, các bác sỹ và y tá được đào tạo để cứu người, nay lại trở thành những kẻ giết người tàn nhẫn. Đối với họ, có lẽ mạng sống của các học viên Pháp Luân Công không là gì, mà chỉ là bàn đạp để họ có được địa vị chính trị và để làm giàu. Do đó, chính sách bức hại của ĐCSTQ đã biến cưỡng bức thu hoạch nội tạng thành “nghề” bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Thẩm Trung Dương, cựu giám đốc Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Trung ương đầu tiên Thiên Tân và Viện Cấy ghép Gan của Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang, luôn tích cực công kích Pháp Luân Công kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu.

Trịnh Thụ Sâm, cựu chủ tịch Bệnh viện Số 1 trực thuộc Đại học Chiết Giang, giám đốc Tổ chức Mua bán Nội tạng Trung Quốc, kiêm chủ tịch “Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc” tỉnh Chiết Giang từ năm 2007 đến năm 2017, phụ trách việc sản xuất và truyền bá tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, cả trong và ngoài nước.

Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nhân dân Nhật báo (tờ báo nhà nước lớn nhất của Trung Quốc) vào năm 2001, “Cuộc chiến chống lại Pháp Luân Công là một cuộc chiến chính trị nghiêm trọng, và chúng ta không nên nương tay với một số thành viên cốt cán.”

Bị lừa dối bởi tuyên truyền thù hận của ĐCSTQ và bị tẩy não bởi văn hóa Đảng, các “chuyên gia y tế” nhẫn tâm này đã đánh mất nhân tính và đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài việc “hủy hoại thân thể các học viên”, một nhiệm vụ chính khác của Phòng 610 là tổ chức các trung tâm tẩy não để hủy hoại đức tin của các học viên Pháp Luân Công sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Theo thông tin do Minghui.org thu thập được, có 3.600 trung tâm tẩy não trên khắp Trung Quốc đã được lập hồ sơ, là nơi các học viên bị tra tấn và ép buộc phải từ bỏ đức tin.

Phòng 610 đã thuê “các nhà giáo dục chuyên nghiệp” hòng khiến các học viên từ bỏ đức tin. Những người này thường tổ chức các cuộc họp để trao đổi kinh nghiệm tra tấn và tẩy não các học viên, nhằm đạt được tỷ lệ “chuyển hóa” cao hơn. Một phương pháp tra tấn được coi là hiệu quả nhất là cấm ngủ trong thời gian dài, có thể khiến các học viên suy sụp tinh thần nhưng không để lại tổn thương nào trên thân thể.

Theo một quảng cáo tuyển dụng do Phòng 610 ở thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông đăng vào năm 2014, bất kỳ sinh viên nào mới tốt nghiệp đại học, dưới 28 tuổi và là đảng viên ĐCSTQ đều được khuyến khích nộp đơn. Có đáng buồn không khi những người trẻ có triển vọng lại tham gia vào “nghề” bức hại những người tốt?

Trình Đông Hiểu, Giám đốc Phòng 610 ở quận Cổ Lâu, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, là một trong những “kẻ bức hại chuyên nghiệp”. Ông ta đã dành hơn một thập kỷ để tẩy não các học viên Pháp Luân Công. Ông ta từng nói: “Không có nơi nào trên thế giới như đất nước chúng tôi có hệ thống tẩy não khổng lồ được thiết lập ở tất cả các cấp chính quyền.” Ông ta tuyên bố rằng một trong những kinh nghiệm thành công nhất mà ông ta có được là tổ chức “các buổi tẩy não biệt lập” cho các học viên.

Ngoài việc nhắm vào các học viên, các hoạt động tẩy não của Phòng 610 cũng vươn tới mọi ngóc ngách xã hội, kể cả các trường tiểu học.

Ngày 6 tháng 12 năm 2017, các lãnh đạo Phòng 610 tỉnh ủy, thị ủy, quận ủy của tỉnh Sơn Đông đã phái cán bộ đến Trường Tiểu học Thực nghiệm số 3 Huyện Cử để kiểm tra hiệu quả của chiến dịch tuyên truyền chống Pháp Luân Công đối với học sinh.

ĐCSTQ cũng không ngừng truyền bá chính sách bức hại ra bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ như trường hợp Bộ Công an và Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, vào ngày 30 tháng 3 năm 2021, cùng ban hành thư bổ nhiệm Ngô Tú Hoa đứng đầu “Chiến dịch Chống Pháp Luân Công, Chi nhánh Bắc Mỹ”.

Ở cấp độ quốc gia, Phòng 610 cũng tổ chức các sự kiện đặc biệt vài năm một lần nhằm phỉ báng Pháp Luân Công và kích động công chúng thù hận các học viên, như “Giáo dục cảnh giác với tà giáo” năm 2004, “Trận chiến cải tạo và củng cố giáo dục” vào năm 2010 và 2012, “Thẻ cam kết của gia đình trong việc từ chối các tôn giáo” vào năm 2011, “Cuộc chiến kiên quyết chuyển hóa học viên Pháp Luân Công” từ năm 2013-2015, chiến dịch “Gõ cửa” từ năm 2017-2020, và gần đây nhất là chiến dịch “Xóa sổ” vào năm 2020-2021. Tất cả những chiến dịch này đều nhằm gây áp lực với các học viên, tiếp tục tước đi các quyền cơ bản và không gian sống của họ.

Đối với “những kẻ bức hại chuyên nghiệp” trong hệ thống Phòng 610, con đường sự nghiệp của họ được xây dựng trên “cuộc bức hại chuyên nghiệp” đối với những người cố gắng sống theo “Chân-Thiện-Nhẫn”.

Bất chấp cuộc bức hại tàn bạo về thể chất và bức hại tinh thần suốt 22 năm qua, hầu hết các học viên vẫn kiên định với đức tin của họ.

Trình Đông Hiểu, Giám đốc Phòng 610 ở Nam Kinh đề cập bên trên, từng thừa nhận rằng “Cải biến tín ngưỡng, cải biến tâm hồn người ta, thật quá khó.” “Hiệu quả thực tế bao năm qua cho thấy…(các chiến dịch nhằm xóa bỏ Pháp Luân Công) không chỉ không đạt được bước tiến nào, mà ngày càng tệ đi.”

Trong một tài liệu nội bộ khác do Ủy ban Khu phố Hưng Đông ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh ban hành vào ngày 26 tháng 1 năm 2021 mà The Epoch Times có được, nói rằng: “Rất nhiều cán bộ chuyển hóa Pháp Luân Công ở khu phố chúng tôi đang phải đối mặt với áp lực rất lớn vì số học viên chưa chuyển hóa rất lớn. Ủy ban Chính trị và Pháp luật khu phố cần phải nhìn nhận thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt.”

Ông Sam Brownback, cựu Đại sứ Lưu động Toàn quyền về Tự do Tôn giáo Quốc tế, phát biểu trong một tuyên bố qua video vào năm 2020: “ĐCSTQ đang trong một cuộc chiến mà họ sẽ không thắng – cuộc chiến bức hại đức tin mà các chính phủ khác cho dù cố gắng cũng không thể thành công. Nó luôn thất bại, [bởi vì] tâm hồn mạnh hơn chính phủ, đức tin của một người mạnh hơn kẻ muốn bức hại họ.“

Cuộc bức hại vẫn đang diễn ra sau 22 năm và Phòng 610 và các cơ quan khác vẫn đang điều hành cuộc bức hại. Chỉ khi có nhiều người hơn, bao gồm cả những “kẻ bức hại chuyên nghiệp”, hiểu được bản chất tà ác của ĐCSTQ thì chúng ta mới có thể chấm dứt cuộc bức hại, một cuộc bức hại phá hủy nền tảng đạo đức của xã hội Trung Quốc.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/18/428310.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/19/194156.html

Đăng ngày 24-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share