Bài viết của Lý Viễn

[MINH HUỆ 02-06-2021] Khi đạt giải Nobel Văn học năm 2012, tiểu thuyết gia Trung Quốc Mạc Ngôn (Mo Yan) đã kể lại câu chuyện thời thơ ấu của mình tại lễ trao giải. Trong thời kỳ Đại Nhảy vọt (1959–1961), gia đình ông, cũng như vô số gia đình khác vào thời điểm đó, đã cạn kiệt lương thực. Mẹ ông ra đồng với hy vọng tìm được vài bông lúa còn sót lại sau mùa gặt thì bị một xã viên tát vào mặt. Bà bị cảnh cáo rằng ruộng đất là của công xã nhân dân.

Khi đó, ông Mạc mới học mẫu giáo, và điều này là một trải nghiệm đau thương nhất trong cuộc đời ông. Nhiều năm sau, khi gặp người đã tát mẹ mình, ông nghĩ đến việc trả thù, nhưng mẹ ông đã ngăn lại. Ông Mạc nói, sự bao dung của mẹ là điều ông đã học được lần đó, và bài học đó đã giúp ông trong suốt cuộc đời.

Mặc dù ông Mạc không trực tiếp lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng bài phát biểu của ông bị công kích bởi “các tiểu phấn hồng” — những thanh niên bị tẩy não, những người công khai bênh vực ĐCSTQ trên mạng. Không cần bàn đến nguyên nhân gây ra thảm kịch này, họ cứ chỉ trích ông Mạc về thái độ không “đúng đắn” về chính trị của ông.

Mặc dù đã gần 60 năm trôi qua kể từ thời kỳ Đại Nhảy vọt, nhưng thảm họa nhân tạo đó vẫn là điều cấm kỵ đối với ĐCSTQ. Hầu như không có học giả nào, chứ chưa nói đến các quan chức, dám vượt qua lằn ranh đỏ đó. Nhà nông học Trung Quốc Viên Long Bình (Yuan Longping) (1930 – 5/2021) là một trường hợp ngoại lệ. Tháng 4 năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết khoảng 40 triệu người đã chết trong thảm họa đó. Nhiều quan chức đã cố tình báo cáo vượt mức sản lượng để làm hài lòng cấp trên và nộp đi gần như toàn bộ số lương thực thu hoạch được, ông nói thêm.

Tuy nhiên, dưới sự cai trị độc tài của ĐCSTQ, hiếm ai dám liều mạng nói lên sự thật. Với việc ĐCSTQ liên tục che đậy tội ác và bóp méo lịch sử cho khớp với những câu chuyện của nó, các thế hệ trẻ, bao gồm cả “các tiểu phấn hồng”, thường chỉ biết những “sự thật” méo mó, nên lại có những thảm kịch tương tự xảy ra, rồi lại bị “lãng quên”.

Người bị tổn hại không chỉ có dân chúng. Nhiều nghệ sỹ đã chọn cách phớt lờ sự thật và làm hài lòng ĐCSTQ; như thế không chỉ lừa dối dân chúng mà còn khiến họ gặp hậu quả.

Bức tranh lệch lạc

Một ví dụ kể đến là tác phẩm “Vùng đất tươi đẹp”, được treo ở Đại lễ đường Nhân dân, tòa nhà của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Bức tranh này là tác phẩm của các họa sỹ Phó Bão Thạch (Fu Baoshi) và Quan Sơn Nguyệt (Guan Shanyue), được hoàn thành vào tháng 4 năm 1959, trong thời kỳ Đại Nhảy vọt, là một bức tranh mang tính chính trị, che đậy một cách tinh vi thực tế nhiều người đã chết đói.

Bức tranh lấy chủ đề từ một bài thơ do Mao Trạch Đông sáng tác về một cảnh tuyết rơi ở miền Bắc Trung Quốc. Sau khi vắt óc giải thích ý tưởng của Mao thể hiện trong bài thơ, hai họa sỹ quyết định tập trung vào cảnh đẹp ở miền Nam Trung Quốc, lấy khung cảnh miền Bắc Trung Quốc làm nền. Thủ tướng lúc bấy giờ là Chu Ân Lai yêu cầu họ vẽ thêm mặt trời đỏ tượng trưng cho Mao, còn tướng Trần Nghị (Chen Yi) yêu cầu làm nổi bật vẻ đẹp của vùng nông thôn.

Tác phẩm hoàn thiện rộng 9 mét, cao 5,65 mét, và mất bốn tháng để vẽ. 30 tấm giấy khổ lớn từ thời Càn Long nhà Thanh được cất giữ trong Tử Cấm Thành đã được đem ra để vẽ bức tranh này. Chỉ riêng chỗ giấy đó đã tiêu tốn 1.800 nhân dân tệ, trong khi thu nhập bình quân hàng tháng vào thời điểm đó mới chỉ vài nhân dân tệ. Bút lông, mực và thuốc nhuộm của cửa hàng cao cấp Vinh Bảo Trai (Rong Bao Zhai). Mặt sau của bức tranh có phủ một lớp lụa để tạo độ cứng, còn khung tranh phải đóng thành ba lớp, và cần đến mười mấy người đàn ông to khỏe để đóng.

Bức tranh không hề phản ánh nạn đói và những cái chết đâu đâu cũng thấy. Vào thời điểm bức tranh được hoàn thành vào tháng 4 năm 1959, khoảng 16 tỉnh — một nửa Trung Quốc — đã báo cáo tình trạng thiếu lương thực và 25 triệu dân đói, mà đây mới chỉ là con số tổng hợp từ báo cáo của những quan chức dám lên tiếng phản đối cường quyền. Nhưng chính quyền vẫn tiếp tục tuyên truyền dối trá. Từ mùa đông năm 1959 đến mùa xuân năm 1960, chỉ riêng thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam đã có đến hơn một triệu người chết đói.

So với những cái chết vì đói, sự tàn bạo của các quan chức ĐCSTQ đối với dân chúng cũng kinh hoàng không kém. Một tài liệu của huyện Thương Thành, thành phố Tín Dương năm 1961 đã ghi chép về 45 trường hợp tàn bạo như vậy. Để vơ vét sạch chút thức ăn còn sót lại của người dân, các cán bộ còn lấy cuốc bổ vào đầu người dân, chặt ngón tay, dùng dây điện chọc thủng màng nhĩ, khắc chữ trên mặt, khâu miệng, đốt hậu môn bằng thanh kim loại nóng, chọc cành thông vào âm đạo, thiêu người bằng dầu hỏa, thiêu trẻ sơ sinh, và chôn sống người.

Theo nhà sử học Trung Quốc Ding Shu hiện đang sống ở Hoa Kỳ, Mao biết rõ tình hình lúc bấy giờ nhưng vẫn mặc nhiên thừa nhận sự tàn bạo này. Bành Chân, một bí thư quận ủy ở tỉnh Hà Nam, là người ủng hộ mạnh mẽ đường lối của Đảng. Khi ông trình bày vấn đề và xin cấp trên cung cấp lương thực, ông đã bị từ chối và khiển trách liên tục. Cuối cùng, gia đình 5 người của ông đã phải tự sát.

Sự thật và trí tưởng tượng

Không chỉ có Phó và Quan, mà nhiều nghệ sỹ khác cũng vậy. Lý Khả Nhiễm (Li Keran), một họa sỹ Trung Quốc khác, từng triển lãm ở các thành phố lớn như Quảng Châu và Thượng Hải. Ông Lý công khai ủng hộ ý tưởng dùng nghệ thuật để tuyên truyền chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ngoài nghệ thuật thị giác và nhận thức, ông ta còn khuyến khích trường phái suy luận và tưởng tượng.

Trong tình cảnh người dân Trung Quốc đang chết đói, Lý đến Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây và một số nơi khác vào năm 1959. Sau đó, ông vẽ bức “Sơn thủy Quế Lâm”, mô tả một khung cảnh yên bình, trù phú. Trong thời gian đó, ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm ca ngợi ĐCSTQ, như “Núi Lục Bàn”, “Cuộc trường chinh”, “Ca ngợi non sông”, “Vạn núi biến thành màu đỏ” và các tác phẩm khác.

Năm 1960, Lý vẽ bức “Cậu bé chăn bò mùa xuân”, được coi là một trong những tác phẩm đẹp nhất của ông, ông đã khéo léo khắc họa một cậu bé chăn bò vui vẻ trong khung cảnh thôn dã bình dị, nhưng hoàn toàn xa rời cuộc sống thực.

So với cảnh ăn thịt người thời đó, nhà văn Sa Thanh (Sha Qing) đã miêu tả một trường hợp ăn thịt đồng loại trong cuốn “Hồi ký về Đại Địa Loan”.

Tình hình ở huyện Quảng Tây, tỉnh Cam Túc, vô cùng khốn đốn. Khi hết lương thực, người ta phải ăn gần như bất cứ thứ gì tìm được như vỏ cây, vỏ lúa mì, thậm chí cả bông của chăn bông của chính mình, nhưng vẫn không đủ.

Một gia đình nọ, chỉ còn lại người cha, người con trai và người con gái. Một ngày nọ, người cha đang nằm chờ chết, đã dậy ra khỏi giường và bảo đứa con gái đi ra khỏi nhà. Khi em quay lại thì không thấy em trai đâu nữa, mà chỉ thấy cái nồi canh mỡ mỡ và xương trắng bên cạnh. Quá hoảng sợ, em bỏ chạy, không dám ngoảnh lại.

Vài ngày sau, cha em vẫy tay gọi em bằng cái giọng em chưa từng nghe, “Nào, lại đây…”

Quá kinh hãi, em co rúm người ngoài cửa. Khi người cha tiếp tục gọi, em òa khóc: “Cha ơi, xin cha đừng ăn thịt con. Con có thể kiếm củi và nấu ăn cho cha. Nếu ăn thịt con, cha sẽ không còn ai phụ giúp nữa.“

Theo nhà báo Trung Quốc Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), khoảng 931.000 người đã chết trong thời kỳ Đại Nhảy vọt, chiếm khoảng 4,6% tổng dân số tỉnh Quảng Tây, ông viết trong tác phẩm “Bia mộ”.

Tại cuộc họp lần thứ hai của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ tám vào tháng 5 năm 1958, Mao nói “Chiến tranh là chết chóc. Chúng ta đã thấy trong lịch sử Trung Quốc từng có nhiều lần nhân khẩu bị tiêu diệt một nửa. Chúng ta hiện tại không có kinh nghiệm về chiến tranh nguyên tử — ai biết được bao nhiêu người sẽ sống sót? Tốt nhất là sống sót được một nửa, không thì một phần ba. Thế giới có hai tỷ người, cho dù có chết một nửa, thì sau mấy lần kế hoạch 5 năm, cũng phát triển trở lại thôi.”

Khi các nghệ sỹ đỏ sáng tác ra những tác phẩm tao nhã chỉ để ca tụng ĐCSTQ, họ có từng nghĩ đến có bao nhiêu dân đen vô tội phải đổ máu tươi?

Nhóm người tinh hoa

Trong Tuyên ngôn Cộng sản, Karl Marx viết, “Những người Cộng sản không thèm che giấu quan điểm và mục tiêu của họ. Họ công khai tuyên bố mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách cưỡng chế đạp đổ mọi điều kiện xã hội cố hữu. Hãy khiến các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng Cộng sản.” Trớ trêu thay, một khi nắm quyền, giai cấp thống trị mới sẽ đàn áp dã man những người dân bình thường mà không hề cảm thấy tội lỗi trước tiếng khóc than.

Khi Phú và Quan sáng tác “Vùng đất tươi đẹp” vào năm 1959, họ đã yêu cầu Chu Ân Lai cung cấp rượu. Chu cấp cho họ rượu Mao Đài, một loại rượu thượng hạng dành riêng cho các quan chức cấp cao vào thời điểm đó. Nhân viên khách sạn sau đó đã gom được 120 chai rượu Mao Đài rỗng trong phòng của Phú trong bốn tháng ông ta vẽ tranh.

Cũng trong thời kỳ Đại Nhảy vọt, Phú, lúc đó là phó chủ tịch Hội Nghệ sỹ Trung Quốc, đã dẫn đầu 12 nghệ sỹ vào tháng 9 năm 1960 trong Cuộc Trường chinh Nghệ thuật kéo dài ba tháng để tìm ý tưởng ca tụng ĐCSTQ.

Trong hành trình đó, các nghệ sỹ đi lại bằng vé hạng nhất, ở những khách sạn tốt nhất, thưởng thức những món ngon và giải trí hạng nhất… được hưởng tiêu chuẩn như của đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC).

Khi các nghệ sỹ đến thăm tỉnh Tứ Xuyên, Cục trưởng Cục Tuyên truyền đã chiêu đãi họ sơn hào hải vị, bao gồm hơn 20 loại ẩm thực. Một nghệ sỹ viết: “Chúng tôi rất thích và đã ăn rất nhiều. Sau đó, chúng tôi xoa bụng, không thể ăn được nữa. Nhưng món ăn vẫn tiếp tục bày lên… ”

Được hưởng cuộc sống sung túc và xa hoa, những nghệ sỹ này tận dụng thời gian, tạo ra nhiều tác phẩm ca ngợi sự “quang vinh” của ĐCSTQ, chẳng hạn như “Công xã nhân dân phục vụ cơm miễn phí”, “Nhà ăn nhân dân núi Nga Mi” và những tác phẩm khác.

Không phải những nghệ sỹ này không biết đất nước đang có chuyện gì, mà họ cố tình phớt lờ. “Tại núi Lăng Vân thành phố Lạc Sơn (cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên), chúng tôi nhìn thấy thi thể một bà lão bên đường. Bà ăn mặc rách rưới và mặt tái nhợt, có vẻ như đã chết do bị bỏ đói và suy dinh dưỡng lâu ngày”, một nghệ sỹ viết. “Chúng tôi chỉ cúi đầu và đi qua.”

Trong khi những nghệ sỹ này tận hưởng ba tháng tuyệt vời vào Cuộc Trường chinh Nghệ thuật ở tỉnh Tứ Xuyên, người dân bị chết đói từ mùa đông năm 1958 đến mùa đông năm 1962. Chỉ riêng tỉnh Tứ Xuyên, đã có khoảng 7,97 triệu người chết vì đói, ông Dương cho biết.

Nạn nhân của khủng bố đỏ

Mặc dù những người nghệ sỹ này đã cống hiến tài năng — bán rẻ lương tâm — cho chế độ cộng sản, nhưng họ không thoát khỏi sự trừng phạt thảm khốc sau đó.

Quan bị đấu tố ngay sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu vào năm 1966. Vì vẽ mấy cành mai mà hướng xuống (“cành mai” trong tiếng Trung đọc là /dao mei/, đồng âm với từ “xui xẻo”), ông ta đã bị ghép vào tội “nguyền rủa chủ nghĩa xã hội”. Ông ta bị buộc phải thôi vẽ tranh và bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức. Khi Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976, ông được vẽ trở lại, liền mặc định hễ vẽ cành mai là phải hướng lên để không bị đấu tố nữa.

Phó chết vì đột quỵ ngay trước cuộc Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, ông đã bị công kích: mộ của ông bị đập phá, nhà bị lục soát, và các con ông là đối tượng bị nhắm đến. Những người cùng thời với ông cho rằng, nếu ông không chết thì cũng sẽ phải chịu chung số phận.

Ngay sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, Lý cũng bị bắt giam, đồ đạc cá nhân bị tịch thu và nhà cửa bị chiếm giữ. Các tác phẩm nghệ thuật của ông — kể cả những tác phẩm ca ngợi ĐCSTQ — đã bị công kích là phản cách mạng. Một số người gọi ông ta là “nhát như cáy”.

Các nghệ sỹ khác cũng gặp số phận tương tự. Diệp Thiển Dư (Ye Qianyu), La Công Liễu (Luo Gongliu) và Hoàng Vĩnh Ngọc (Huang Yongyu) từ Học viện Mỹ thuật Trung ương đều bị công kích. “Khối Đại Đoàn kết Nhân dân Trung Quốc” mà ông Diệp vẽ vào năm 1953 và ca ngợi ĐCSTQ đã bị công kích. Hồng vệ binh gọi bức tranh đó là “Đám trâu, quỷ, rắn vây quanh Mao Chủ tịch”, bèn dùng thắt lưng quần quất vào người Lý cho đến khi ông ngã xuống đất, máu tươi chảy ròng.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Diệp Thiển Dư viết rằng ông và ba nghệ sỹ khác (Lý Khả Nhiễm (Li Keran), Lý KHổ Thiền (Li Kuchan) và Quách Vị Cừ (Guo Weiqu) được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà vệ sinh. Hàng Châu (Huang Zhou), một nghệ sỹ quân đội nổi tiếng vì vẽ một con lừa, đã vẽ “Vũ điệu hoa sen” trong thời kỳ Đại Nhảy vọt. Mặc dù tác phẩm này từng vang bóng trong thời đại bi thảm đó, nhưng ông là một trong những nghệ sỹ đầu tiên bị nhắm đến sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, khi Hồng vệ binh gọi ông là “nghệ sỹ đen tối phản cách mạng”.

Họa sỹ Thạch Lỗ (Shi Lu) nổi tiếng nhờ tác phẩm có tựa đề “Chuyển đến Bắc Thiểm Tây”, là bức tranh tôn vinh Mao và Cuộc trường chinh. Tuy nhiên, bộ phim của ông, có tựa đề Lưu Chí Đan (Liu Zhidan), đã bị tố cáo vào năm 1964, cũng như bức “Chuyển đến Bắc Thiểm Tây” vào năm 1966. Sau đó, ông suýt bị hành quyết nhưng vẫn sống sót vì bị rối loạn tâm thần.

Vài thập kỷ đã trôi qua, nhưng sự tàn bạo và dối trá của ĐCSTQ vẫn tiếp diễn. Khi chế độ này thúc đẩy chương trình nghị sự cộng sản của nó ra khắp thế giới, nhiều người đã lầm tưởng về ĐCSTQ, khiến họ chọn con đường mù mịt. Hy vọng bài viết này sẽ giúp mọi người minh bạch và có những quyết định đúng đắn trước ngã rẽ lịch sử này.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/2/426443.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/6/193560.html

Đăng ngày 12-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share