Bài viết của Vinh Vinh
[MINH HUỆ 06-02-2021] Người phụ nữ trẻ Trung Quốc này là cô Vu Minh Huệ. Mái tóc dài sẫm màu tôn lên những đường nét thanh tú của cô với một biểu cảm đặc trưng – đôi mắt hơi hướng xuống với đôi mi dài, yên bình và trầm lặng. Khác với vẻ trầm lặng của cô, Minh Huệ có tiểu sử đặc biệt và một gia đình phi thường.
Cô Vu Minh Huệ đứng trước bức tranh Nước mắt em bé mồ côi tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Chân-Thiện-Nhẫn vào tháng 6 năm 2013, trên tay cầm một tấm bưu thiếp kêu gọi giải cứu cha mình
Cơn ác mộng thời niên thiếu
Câu chuyện của cô bắt đầu từ cách đây 22 năm trước ở một thành phố nhỏ phía Đông Bắc có tên là Mẫu Đơn Giang thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Thành phố được đặt tên theo sông Mẫu Đơn (nghĩa đen là “sông hoa Mẫu Đơn”) chảy qua đó.
Minh Huệ và cha mẹ cô sống trong một căn hộ bình thường thuộc Tòa nhà số 38 ở khu vực trang trại đường sắt Tây Hải Lâm. Cuộc sống gia đình hạnh phúc của cô đã bị gián đoạn khi cảnh sát địa phương đập cửa nhà họ vào một ngày mùa hè tháng 7 năm 1999. Cuộc sống của cô khi mới 12 tuổi đã bị đảo lộn và ước mơ về mái ấm và gia đình của cô đã mãi mãi thay đổi.
Ngôi nhà của Minh Huệ ra sao? Đó là một căn hộ tuy không rộng rãi nhưng cô có không gian của riêng mình được ngăn cách bởi một tấm rèm vải. Thế giới nhỏ bé của cô được bố trí đơn giản – một cái bàn, cái ghế và một cái đèn – đó là nơi cô dành thời gian để đọc và vẽ.
Cha của cô, ông Vu Tông Hải, là một nghệ sỹ thông minh, hóm hỉnh và đầy tài năng. Ông trêu chọc và gọi cô là “nhóc con”. Dường như ông luôn có cách để chọc cười cô con gái nhỏ của mình – đó là việc kể một câu chuyện hay thể hiện kỹ thuật vẽ hoặc giả làm người chỉ huy dàn nhạc vẫy chiếc đũa trong không khí trong khi ăn. Mọi thứ cha làm đều khiến cô thích thú.
Khi Minh Huệ bắt đầu biết đọc, cha cô đã mang về nhà những chồng sách lớn từ thư viện thành phố nơi ông làm việc. Minh Huệ là một người ham đọc. Khi cô ngồi xuống để đọc, cô đọc hàng giờ liền mà không hề động đậy. Khi vào cấp hai, cô đã đọc gần như tất cả sách dành cho trẻ em ở thư viện.
Trong ký ức của Minh Huệ, mẹ cô, bà Vương Mi Hoằng, có đôi mắt rất đẹp và sáng lấp lánh khi bà nhìn cô. Mùa đông ở miền Bắc Trung Quốc thật khắc nghiệt. Mỗi buổi sáng, mẹ mặc cho Minh Huệ ba lớp quần áo ấm. Những ngón tay thon dài của bà liên tục di chuyển xung quanh cô nào là đội mũ, quàng khăn và đeo găng tay cho Minh Huệ. Bà chăm sóc cô mỗi buổi sáng và không bao giờ bỏ sót thứ gì.
Minh Huệ đi ngủ mỗi đêm bằng việc nghe nhạc của Mozart và thức dậy mỗi sáng với bản nhạc luyện công tuyệt vời của Pháp Luân Đại Pháp. Bố và mẹ cô đều là học viên của pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên Nguyên lý vũ trụ Chân-Thiện-Nhẫn này.
Cha mẹ cô đều là những nhân viên xuất sắc tại nơi làm việc và Minh Huệ đã học rất giỏi ở trường tiểu học. Cô có điểm số tốt và luôn là lớp trưởng trong lớp, một vị trí do giáo viên chủ nhiệm bổ nhiệm hoặc do các học sinh khác bầu chọn. Lớp trưởng có nhiệm vụ điều phối các hoạt động và là cầu nối giao tiếp giữa giáo viên và học sinh.
Vào năm đầu tiên trung học, Minh Huệ một lần nữa được bầu làm lớp trưởng với đại đa số phiếu bầu. Cô cũng được chỉ định là người trợ lý trong cả hai lớp tiếng Trung và tiếng Anh. Các giáo viên đều giành những điều tốt đẹp để nói về Minh Huệ và các bạn cùng lớp cũng rất yêu mến cô. Hơi mũm mĩm và luôn nở nụ cười, cô bé Minh Huệ dường như không bao giờ biết buồn.
Vào mùa hè sau năm lớp 7, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) trên toàn quốc. Trong hai mươi năm sau đó, hàng trăm nghìn học viên ở Trung Quốc đã bị bắt, bị giam giữ, bị kết án lao động cưỡng bức hoặc tại nhà tù và phải chịu đựng sự ngược đãi và tra tấn. Kết quả là nhiều người đã mất mạng và những người khác bị giết hại để phục vụ ngành dịch vụ cấy ghép nội tạng được nhà nước hậu thuẫn. Hàng trăm nghìn gia đình đã bị chia cắt, bao gồm cả gia đình của Minh Huệ.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cảnh sát đã đập cửa nhà họ và xông vào bắt ông Vu đi. Ngoài cha cô, hầu như tất cả các điều phối viên tình nguyện Pháp Luân Đại Pháp địa phương đều bị bắt vào ngày hôm đó. Ngay sau khi ông được trả tự do, ông đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện chính quyền trung ương cho quyền tự do tín ngưỡng đối với Pháp Luân Công. Ông lại bị bắt và bị đưa về Mẫu Đơn Giang và bị kết án lao động cưỡng bức một năm.
Lần bắt giữ thứ ba của ông diễn ra sau khi ông dùng sơn viết chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” lên một bức tường ở nơi công cộng, điều này dẫn đến bản án 15 năm tù cho ông. Vì nói với mọi người rằng Đại Pháp là tốt, mẹ cô cũng bị kết án 11 năm tù. Tại một thời điểm, Minh Huệ đã bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não.
Khi những đứa trẻ khác cùng tuổi vẫn còn đang được cha mẹ cưng nựng, Minh Huệ đã phải chia thời gian của mình giữa hai nhà tù ở hai thành phố khác nhau. Một chuyến xe lửa, một chuyến xe buýt, đi bộ hàng dặm, sau đó cầu xin trong nửa giờ trước khi cô có thể nhìn thấy mẹ hoặc cha thông qua một tấm kính dày và nghe tiếng nói của họ. Tuy nhiên, những cơ hội thăm nom hiếm hoi như vậy thường bị từ chối vì cha mẹ cô từ chối từ bỏ đức tin của họ vào Pháp Luân Đại Pháp. Với đầy ắp niềm hy vọng khi cô đến, Minh Huệ thường bị bỏ lại trong tiền sảnh, đợi chờ cả ngày, cho đến khi người gác cổng bắt đầu quét sân và đuổi mọi người ra ngoài.
Trong những lần Minh Huệ được phép đến thăm cha trong nhà tù, ông luôn tỏ ra lạc quan. “Nhóc con có biết cắt móng tay như thế nào không?”, “Dùng bấm móng tay.”, “Cha không có bấm móng tay. Đây là nhà tù.”, “Vậy thì làm thế nào để con cắt tỉa móng tay của mình đây?”, “Hãy để cha nói cho nhé – con hãy sử dụng răng của mình và cắn nhé.”, “Nhưng móng tay rất cứng.”, “Để cha nói cho nhóc con biết nhé, nếu con tiếp tục nhai chúng, khi chúng trở nên mềm thì con có thể cắn đứt. Ồ, hoặc con có thể giũa chúng trên nền xi măng. Ha ha.”
Ngồi trong phòng thăm nom của nhà tù, ông cười và dường như thực sự hạnh phúc, như thể hai cha con chỉ đang đùa giỡn với nhau tại nhà của họ ở Tây Hải Lâm.
Đến Vương quốc Anh
Sau khi tốt nghiệp trung học, Minh Huệ tiếp tục vào đại học để học nghệ thuật và thiết kế. Cô nổi bật trong cuộc tuyển chọn cạnh tranh gay gắt giữa các sinh viên nghệ thuật vào năm 2010 và được trao cơ hội để nâng cao kiến thức bằng việc học tập tại Vương quốc Anh.
Buồn vui lẫn lộn, Minh Huệ rời Trung Quốc để theo đuổi ước mơ của mình. Cô học thiết kế thời trang tại Trường Nghệ thuật Cambridge.
Khi Minh Huệ đến thăm cha mẹ cô trong tù, họ chỉ cười và động viên cô hãy mạnh mẽ lên. Họ giữ kín những gì họ đã trải qua trong tù cho riêng mình và không nói với cô con gái một lời nào. Giữ chặt những lời của Cha và Mẹ và những lời dạy của Đại Pháp trong lòng, Minh Huệ đã trở thành một phụ nữ trẻ can đảm và độc lập.
Mãi cho đến khi đến Vương quốc Anh và đọc các báo cáo trên trang Minh Huệ, cuối cùng, cô mới biết được điều gì đã thực sự xảy ra với cha mẹ mình trong thời gian họ ngồi tù kéo dài hàng thập kỷ. Nhiều đêm, bị bao trùm bởi những lo lắng, Minh Huệ đã suy sụp và khóc. Cô đếm từng ngày cho đến ngày cha mẹ cô được trả tự do.
(Còn tiếp)
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/6/419582.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/6/191747.html
Đăng ngày 09-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.