Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 9-11-2018] Mười năm cầm tù, trên 20 hình thức tra tấn, và lao động cưỡng bức hơn 12 giờ mỗi ngày – đây là những gì mà bà Vương Tố Mai, học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Liêu Ninh, đã trải qua. Khi bà bước ra khỏi Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào ngày 21 tháng 6 năm 2018, chị gái bà gần như không nhận ra bà: tóc bà đã bạc trắng, bà bị mất bốn cái răng bảy cái bị lung lay. Thị lực của bà cũng kém đi.

Sau khi trở về nhà, dù mới 56 tuổi, nhưng bà Vương gần như không thể tự chăm sóc cho bản thân. Bà cũng không thể tự đi ra ngoài. Người thân và hàng xóm đến thăm bà đều cảm thấy đau lòng vì những ngược đãi mà bà đã phải trải qua chỉ vì bà không chịu từ bỏ đức tin của mình. Họ còn khâm phục lòng can đảm và sự quyết tâm của bà.

Bà Vương là một trong nhiều học viên Pháp Luân Công bị bắt tại quận Thẩm Bắc Tân ở Thẩm Dương, trước kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Vì “lý do an ninh”, các viên chức ở khắp Trung Quốc đã ra lệnh bắt giữ học viên Pháp Luân Công, kể cả ở Thẩm Dương, dù thực tế nó chỉ cách Bắc Kinh khoảng 400 dặm.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một phương pháp tu luyện dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Khi số lượng học viên vượt quá số lượng đảng viên, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã cấm Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.

Bị bắt giam

Bà Vương từng bị bệnh đau nửa đầu, bệnh phụ khoa và các bệnh tật khác. Sau khi dùng hết khoản tiền tiết kiệm của gia đình, bà phải vay tiền của họ hàng nhưng vẫn không khỏi bệnh. Thời điểm bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 chính là bước ngoặt của bà. Toàn bộ các bệnh của bà đã biến mất trong một tháng, và bà sống vui vẻ hơn trước đây.

Ngày 21 tháng 7 năm 2008, bốn công an đã tới nhà bà lúc 4 giờ 30 sáng. Sau khi đưa bà tới đồn công an để thẩm vấn, họ lục soát nhà và tịch thu các tài liệu về Pháp Luân Công. Ngày hôm sau, bà bị đưa tới Trại tạm giam Thẩm Dương Số 1.

Đưa ra xét xử và bản án 10 năm tù

Ngày 8 tháng 10 năm 2008, viện kiểm sát địa phương đã kết tội bà Vương theo chỉ đạo của Phòng 610 ở quận Thẩm Bắc Tân. Trên đường tới phiên xử vào ngày 5 tháng 11 năm 2008, một lính canh đã tát vào miệng bà Vương hai lần và đá bà mạnh đến mức hai chân bà tím bầm.

Ở trong phòng xử, chủ tọa Trâu Đông Huy không cho phép bà Vương tự bào chữa và đuổi người thân của bà ra ngoài. Sau khi bị kết án 10 năm tù giam, bà Vương đã kháng cáo lên Toà trung thẩm Thẩm Dương. Chủ tọa Chu Hải Thư vẫn giữ nguyên bản án vào ngày 23 tháng 12 năm 2008.

Gia đình bà Vương đã thuê một luật sư cho bà và trình lời bào chữa vô tội tới Toà trung thẩm Thẩm Dương. Nhưng họ không nhận được hồi âm.

Bị tra tấn trong tù

Bà Vương bị đưa tới Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào ngày 3 tháng 3 năm 2009. Lúc đầu, bà ở Đội 8 rồi đến Khu Người già và Tàn tật ở Đội 11. Gia đình bà Vương thuê một luật sư ở Bắc Kinh. Ngày 13 và 14 tháng 5, luật sư đến thăm bà. Giám đốc nhà tù là Dương Lỵ đã không cho luật sư gặp bà, vì thế luật sư không thể nhận vụ việc hoặc tìm hiểu về nó.

Lính canh ở nhà tù chia tù nhân thành các nhóm ba người – nếu một trong ba người cư xử không đúng, thì cả ba đều bị trừng phạt. Nhằm buộc học viên từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, họ thường ghép hai phạm nhân và một học viên thành một nhóm. Các phạm nhân này thường ngược đãi các học viên để tránh bị trừng phạt.

Chỉ vì bà Vương không chịu từ bỏ đức tin của mình, bà đã bị tra tấn bằng hơn 20 cách khác nhau. Họ không mang đồ ăn cho bà, ép phải đứng thời gian dài, trói lại, đánh đập, cấm ngủ, chịu lạnh cóng, bức thực, biệt giam, kéo căng với hai cái còng, kéo căng trên “giường chết”, dội nước lạnh, tát vào mặt, bị túm tóc kéo đi, treo lên cao, dùng băng keo bịt miệng lại, dìm đầu vào thùng nước, phải lao động cưỡng bức hơn 12 giờ mỗi ngày, không cho dùng nhà vệ sinh, không được dùng nước để tắm rửa, không cho mua sắm đồ dùng cá nhân, không cho người nhà vào thăm, và bị nhục mạ. Các tù nhân còn dẫm lên lưng bà. Bà Vương bị tra tấn như vậy trong suốt 10 năm. Miệng của bà thường chảy máu vì bị tát. Cân nặng của bà cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 40 kg.

Đội 8: Dội nước lạnh và dìm đầu vào thùng nước

Sau khi chuyển tới Đội 8, bà Vương chỉ được ăn một bữa mỗi ngày rồi bà bị bỏ đói trong ba tháng. Nhưng bà vẫn bị ép phải làm việc 12 tiếng một ngày, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Sau đó, bà còn bị ép đứng đến 1 giờ sáng hàng ngày.

Hai phạm nhân, trong đó một người bị cầm tù vì tội giết người, đã dội nước lạnh lên người bà. Vào cùng lúc đó, họ bắt bà đứng trong một cái bồn đựng đầy nước lạnh. Họ còn tát vào mặt và véo vào đùi bà mỗi ngày. Ngay cả khi bà Vương đang lao động nặng nhọc, các phạm nhân đôi khi vẫn đánh bà không cần lý do.

Thời tiết vào tháng 11 ở vùng Đông Bắc Trung Quốc thường rất lạnh. Bởi vì bà Vương không chịu từ bỏ đức tin của mình, các phạm nhân khác chỉ cho bà mặc một lớp quần áo mỏng và chân không được đi tất.

Lính canh liên tục thay đổi tù nhân trong đội của bà Vương. Một số còn treo bà cao đến mức hai bàn chân của bà không chạm đất. Có lần họ còn túm tóc và dìm đầu bà vào thùng nước, khiến bà gần như bị ngạt thở.

fadc39dd13d218b3fa133833e66ff68c.jpg

Miêu tả lại tra tấn: Treo lên cao với hai chân không chạm đất

8c52765459921c737bc308d380724b2e.jpg

Miêu tả lại tra tấn: Dìm đầu trong thùng nước ở phòng tắm

Một phạm nhân phạm tội giết người khác đã tra tấn bà Vương bằng cách dùng vũ lực ép bà mở miệng và ấn mạnh vào răng của bà. Mặc dù không gây chấn thương bề mặt, nhưng răng của bà Vương lung lay và bắt đầu bị đau.

Một phạm nhân tát vào mặt bà Vương 27 lần, trong khi phạm nhân khác ngồi đếm. Việc này xảy ra thường xuyên đến mức miệng của bà Vương thường bị chảy máu.

Để bà Vương không luyện các bài công của Pháp Luân Công, các phạm nhân thường còng tay bà sau lưng ngay cả khi bà ngủ. Việc tẩy não cũng rất tàn khốc. Có lần họ không cho bà ngủ suốt hơn 10 ngày trong khi đọc to các đoạn phỉ báng Pháp Luân Công cho bà nghe. Khi bà Vương ngủ, họ còn đặt ngón tay của bà điểm chỉ lên biên bản nói rằng bà đã dừng tu luyện Pháp Luân Công.

13c8aeb5b81524423544acaed6dd8c39.jpg

Miêu tả lại tra tấn: Còng tay sau lưng

59f38fb1018c0965b6e94708ed9942d2.jpg

Miêu tả lại tra tấn: Còng tay vào giường trong tư thế đau đớn

Lính canh ép các phạm nhân phải tra tấn bà Vương. Những người được cử canh chừng bà Vương thường nói họ sẽ bị trừng phạt nếu không tuân thủ.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, sự kiên định của bà Vương đã thay đổi tình hình. Bà đã có thể luyện công và các phạm nhân khác đã bỏ qua cho bà.

Đội 11 và Khu biệt giam

Do liên tục bị ngược đãi về thể chất lẫn tinh thần, lại thêm 12 giờ lao động cưỡng bức mỗi ngày và chế độ ăn nghèo nàn, bà Vương bị chẩn đoán có lượng đường trong máu thấp. Vì thế, bà bị đưa tới Khu Người già và Tàn tật ở Đội 11 vào ngày 25 tháng 1 năm 2012.

Công việc lao động cưỡng bức ở Đội 11 là xoắn miếng gạc trong quá trình sản xuất. Một số phạm nhân đã không rửa tay sau khi đi vệ sinh, trong khi một số khác phải làm việc ngay cả khi đang ốm. Khi bà Vương đang luyện công vào ban đêm, lính canh và tù nhân đều tìm cách ngăn bà lại. Sau khi Ngô Nghiên được bổ nhiệm là đội phó Đội 11, bà ta ra lệnh cho phạm nhân tiếp tục tra tấn bà Vương, bao gồm việc giam bà trong phòng biệt giam nhiều lần.

Phòng biệt giam có kích thước chỉ bằng một chiếc giường với một cửa sổ nhỏ ở sát trên trần. Nhiệt độ trong phòng thường lạnh vào mùa đông và nóng vào mùa hè. Người bị giam ở trong phòng không được ra ngoài dù bất cứ lý do gì. Bà Vương bị còng tay sau lưng trong toàn thời gian ngay cả trong bữa ăn hoặc khi bà đi ngủ. Đội phó Ngô còn thẩm vấn bà mỗi tuần một lần để gây áp lực khiến bà từ bỏ đức tin. Nhận thấy bà Vương không chịu từ bỏ tu luyện, Ngô đã ra lệnh cho phạm nhân dùng hai còng tay kéo căng người bà và doạ sẽ nhốt bà trong phòng biệt giam.

Bị còng tay ở sau lưng khiến bà Vương không ăn được, vì thế bà đã tuyệt thực. Ba ngày sau, lính canh đưa bà tới bệnh viện nhà tù để bức thực bà. Bà bị trói trên giường 24 tiếng một ngày – một hình thức tra tấn gọi là giường chết. Trong suốt 42 ngày bị bức thực, bà Vương đã bị tra tấn theo cách này.

aeb8abaff181519827b5f5eb239973a9.jpg

Miêu tả lại tra tấn: Bức thực

Chỉ vì luyện công mà bà đã bị nhốt trong phòng biệt giam tổng cộng ít nhất bốn lần. Khi bà trở lại buồng giam thông thường, các phạm nhân khác tiếp tục tra tấn bà. Để ngăn không cho bà luyện công, đội phó Ngô thường ra lệnh cho phạm nhân còng tay bà Vương hoặc trói bà vào giường. Có lần bà Vương bị trói chặt trên giường vào ban đêm trong cả tháng. Ngoài ra, Ngô còn không cho phạm nhân nói chuyện với bà Vương.

Nhưng bà Vương không chịu từ bỏ đức tin. Bà vẫn tiếp tục luyện công bất cứ khi nào bà có thể. Cuối cùng, lính canh đã cho bà ngồi thiền trên giường.

Lời kết

Không gì có thể tả hết những điều bà Vương đã phải trải qua trong 10 năm đó. Ngoài việc hoàn toàn không được tôn trọng và mất đi lòng tự trọng, việc ngược đãi về thể xác và tinh thần cũng rất tàn khốc.

Trong suốt 10 năm đó, gia đình bà Vương đã nhiều lần không được vào thăm bà. Những lần đó, bà Vương bị tra tấn quá tàn bạo nên các viên chức ở nhà tù không muốn người ngoài biết được.

Không chỉ có bà Vương, ba học viên khác ở quận Thẩm Bắc Tân bị bắt vào thời điểm Thế Vận Hội 2008 cũng trải qua nhiều điều khủng khiếp. Trong phiên xử vào ngày 1 và ngày 9 tháng 12 năm 2008, ông Hề Thượng Hải bị kết án 11 năm tù; ông Tôn Ngọc Thư 8 năm tù; ông Hoắc Đức Phúc 6 năm tù. Ông Hình đã bị đột quỵ và suy thận do bị tra tấn ở nhà tù và nhiều căn bệnh khác. Ông qua đời vào ngày 25 tháng 9 năm 2015.

Các báo cáo liên quan:

Bà Vương Tố Mai kiên định tu luyện Pháp Luân Công ở trong tù

Phán quyết không hợp lý được công bố tại vùng phía Bắc thành phố Thẩm Dương năm 2008


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/19/377278.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/27/173408.html

Đăng ngày 08-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share