Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-12-2020] Gần đây, tôi được nghe câu chuyện buồn về một học viên lớn tuổi đã qua đời. Tôi muốn chia sẻ nhận thức của mình dựa trên Pháp.

Học viên này giảng chân tướng về Đại Pháp rất tốt. Nửa cuối năm 2020, bụng của bà bị sưng trướng lên. Bà không thể bài tiết và không lâu sau đã qua đời. Nhiều đồng tu đã đến thăm và phát chính niệm cho bà. Họ cũng khuyên bà hướng nội, nhưng bà luôn trả lời rằng bà không thể tìm ra bất kỳ điều gì sai. Bà không hiểu tại sao mình lại gặp ma nạn này vì bà nghĩ mình đã làm tốt ba việc. Trong lúc vẫn còn đang bối rối thì bà đã qua đời.

Một số đồng tu mà tôi biết cũng có suy nghĩ tương tự. Họ không bao giờ thừa nhận rằng họ đã làm điều gì sai. Họ luôn nói: “Tôi đã làm tất cả những việc mà Sư phụ muốn chúng ta làm, và tôi đang tu tốt. Tôi nên hướng nội tìm gì đây? Sao tôi vẫn còn bệnh?” Một số hỏi: “Tại sao tôi là người duy nhất chịu ma nạn trong khi những người khác không sao?” Một số cảm thấy bất công khi họ phải chịu nghiệp bệnh mặc dù họ đã làm rất nhiều để giảng chân tướng.

Đúng là Sư phụ đã yêu cầu chúng ta làm ba việc, nhưng Sư phụ cũng đã nhiều lần nhấn mạnh việc hướng nội tìm và kiên định tu bản thân. Một số đồng tu không nhận ra sự cần thiết của việc hướng nội, những người khác không sẵn lòng hướng nội và một số không biết phải hướng nội như thế nào. Hầu hết các học viên đều cố gắng xem xét lại việc tu luyện của họ, nhưng không tìm ra được gốc rễ của vấn đề. Đó là nguyên nhân căn bản khiến họ không thể đạt được trạng thái tu luyện tốt.

Không nhận lỗi dường như là vấn đề lớn nhất trong tu luyện. Đồng tu này không thể nhìn ra vấn đề của chính mình, và trạng thái bất chính của bà có lẽ đã tồn tại trong thời gian dài mà bà không hề ý thức được. Điểm mấu chốt cho những vấn đề thường gặp là những lý do dưới đây:

Thứ nhất, không nhận lỗi tương đương với không tín Sư tín Pháp.

Sư phụ đã giảng cho chúng ta:

“Người tu luyện không phải là Thần tu luyện, trong quá trình tu luyện ai chẳng có lỗi lầm; vấn đề then chốt là đối đãi [các vấn đề] như thế nào. Có người nhận thức ra được, có người nhận thức không ra; cũng có vị chấp trước vào tâm hoảng sợ cũng như các chủng nhân tố [đến mức] chẳng chịu nhận thức nữa.” (Cũng một gậy cảnh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

“Dù tà ác kia điên cuồng đến đâu, chư vị nếu không có sơ sót thì chúng không dám động đến chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])

“Hễ trong khi luyện công mà xuất hiện can nhiễu này, can nhiễu kia, [thì] chư vị phải tìm xem nguyên nhân [ở] bản thân mình, chư vị còn điều gì chưa vứt bỏ được không.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Vì Sư phụ đã giảng cho chúng ta rằng mọi người đều có thể mắc sai lầm và tà ác sẽ không dám đụng đến chúng ta nếu chúng ta không có thiếu sót, nên không nhận lỗi chắc chắn phản ánh của việc không tin vào lời dạy của Sư phụ. Nếu chúng ta hoàn hảo, chúng ta sẽ không cần phải tu nữa. Chỉ cần còn sống trong nhân thế, chúng ta chắc chắn có chấp trước cần loại bỏ và sẽ phạm sai lầm. Thừa nhận điều này là điều kiện tiên quyết đối với tu luyện của chúng ta. Nhận lỗi cũng có nghĩa là chúng ta tín Sư tín Pháp.

Thứ hai, không nhận lỗi cho thấy người đó đang không thực tu.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện chân chính, cần phải hướng tâm mà tu, hướng nội mà tu, hướng nội mà tìm, chứ không hướng ngoại mà tìm.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Mặc dù một số học viên học Pháp mỗi ngày, chăm chỉ luyện công, và giảng chân tướng bất kể nắng mưa, họ có thể không tu luyện vững chắc như họ nghĩ. Có tiêu chuẩn cần đạt được để được xem là đệ tử Đại Pháp, hướng nội vô điều kiện là một trong số đó.

Nói cách khác, làm các việc không tương đương với tu luyện. Luôn bận rộn và chủ động làm các việc không nhất thiết có nghĩa là người đó đang tu luyện tinh tấn. Đồng thời nhiệt tình, làm việc chăm chỉ, phó xuất, và chịu khổ cũng không nhất định là tu luyện. Không che giấu sai lầm, không bao biện, hướng nội vô điều kiện và đề cao chính là tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Có những người mà về tu luyện xem ra rất tinh tấn, cũng đang học Pháp, cũng đang luyện công, nhưng, không hướng nội tìm, không hướng nội tìm ấy, mọi người nghĩ xem, đó chẳng phải chính là người thường mà.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Học viên này có chấp trước mạnh mẽ vào tình, đặc biệt là tâm oán hận. Các học viên địa phương chỉ ra rằng bà rõ ràng có vấn đề này. Nếu bà ấy kịp thời chính lại bản thân, có lẽ bà đã bỏ được rất nhiều chấp trước và tình trạng của bà sẽ không xấu đi.

Thứ ba, công của chúng ta sẽ không tăng cho đến khi chúng ta thừa nhận lỗi lầm của mình.

Sư phụ giảng cho chúng ta rằng:

“không biết Pháp tại cao tầng thì chẳng có cách nào tu; không hướng nội mà tu, không tu tâm tính [thì] chẳng thể tăng công.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Làm thế nào để chúng ta có thể minh bạch được Pháp lý ở cao tầng và biết được tiêu chuẩn của Pháp? Nếu chúng ta không biết tiêu chuẩn của Pháp, về cơ bản cũng giống như việc không đắc Pháp. Một số học viên học Pháp, nhưng vẫn dùng ngôn từ thô tục. Tiêu chuẩn của Pháp bao gồm thiện đãi mọi người và tu khẩu. Lời phát ra từ miệng của chúng ta nên đẹp như hoa sen. Những học viên mà nói tục đã sai ít nhất trên phương diện tu khẩu. Học Pháp không đảm bảo rằng một người sẽ đắc Pháp. Những người đắc Pháp giữ Pháp sâu trong tâm trí họ. Họ lấy Pháp đo lường hành vi của họ và chiểu theo các Pháp lý khi xử lý các việc trong cuộc sống.

Khi hướng nội, chúng ta tu những gì? Chúng ta loại bỏ những quan niệm, lời nói và hành vi không phù hợp với Pháp. Ví dụ, nếu những học viên hay nói tục có thể nhận lỗi và tu khẩu chiểu theo tiêu chuẩn của Pháp, họ sẽ loại bỏ thói quen xấu này, đề cao tâm tính, và công của họ sẽ tăng.

Thứ tư, không nhận lỗi phản ánh chấp trước vào tự ngã và thể diện.

Sư phụ giảng:

“[Nếu] chư vị có chỗ sai mà không thừa nhận, còn muốn người ta hiểu rằng chư vị không sai nên cứ biểu hiện mình không có sai, như thế không ai coi chư vị ra gì đâu; vì đó là thủ đoạn của người thường.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])

Tại sao chúng ta không muốn nhận lỗi? Một số học viên trước khi tu luyện có tâm lý kiêu căng, tranh đấu và thích cãi lý. Họ không bao giờ chấp nhận những lời chỉ trích hay thừa nhận nó khi họ làm bất cứ điều gì sai. Quan niệm này đã ăn sâu trong tâm trí họ. Sau khi bắt đầu tu luyện, họ vẫn bị quan niệm này thao túng, mặc dù Pháp đã giảng rõ ràng, và các đồng tu vẫn cố gắng giúp họ. Chỉ cần họ không cải biến quan niệm này hoặc không nhận ra lỗi của mình, họ sẽ không tìm được chân ngã.

Có người thà mất mạng còn hơn mất mặt. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để chứng minh mình đúng. Họ quan tâm đến việc bảo vệ danh tiếng của mình hơn là tu bản thân. Vì lý do tương tự, họ sẽ không cho phép ai chỉ trích họ. Tu luyện là quá trình buông bỏ các chấp trước. Việc ôm giữ chấp trước vào danh chỉ khiến chúng ta xa rời Pháp.

Thứ năm, không thừa nhận lỗi lầm dẫn đến không thể phủ nhận an bài của cựu thế lực.

Chúng ta thường nói: “Chúng ta phủ nhận an bài của cựu thế lực.” Phủ nhận như thế nào? Bằng cách nói điều đó mọi lúc, phát chính niệm hay phân phát tài liệu? Khi một người tu luyện không chịu nhận lỗi, không hướng nội tìm hay buông bỏ tình, người đó sẽ hành động giống như cựu thế lực không chịu thay đổi chính bản thân chúng. Sao người đó có thể phủ nhận an bài của cựu thế lực?

Một học viên nữ mắc chứng rối loạn kinh nguyệt bắt đầu viết ra những chấp trước của mình vào một cuốn sổ khi cô ấy nhận ra chúng. Cô ấy thấy mình có tâm tham lam, chấp trước vào an nhàn, tâm sợ hãi… và đã chính lại bản thân theo Pháp. Khi cuốn sổ của cô đã viết kín, trạng thái bất chính kia cũng biến mất. Cô chắc chắn rằng mình có sơ hở, vì vậy cô đã tự chính lại bản thân khi phát hiện ra thiếu sót, những chấp trước và sơ hở của mình.

Cuối cùng, không nhận lỗi khiến học viên sinh nghi tâm đối với Đại Pháp.

Vị học viên đã qua đời từng nói: “Tôi không làm gì sai cả. Tôi đã và đang làm ba việc. Tại sao tôi vẫn chịu khổ như thế này?” Lời của bà ngụ ý bà đang chất vấn và phàn nàn với Sư phụ vì đã không tịnh hóa thân thể cho bà. Trong tiềm thức bà cảm thấy rằng Sư phụ nên quan tâm đến vấn đề và bảo hộ bà vì bà đã làm ba việc. Ẩn sau lời của bà là tâm truy cầu những mục tiêu cá nhân mạnh mẽ trong khi bà đang làm ba việc.

Sư phụ giảng:

“[Khi] chư vị ôm giữ các loại mục đích hữu cầu mà đến học công, học Đại Pháp, [thì] chư vị sẽ không học được gì hết.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Nếu một học viên làm ba việc nhưng trong tiềm thức lại bám chấp vào lợi ích cá nhân, bất kỳ vấn đề nào mà học viên đó gặp phải sẽ dẫn đến nảy sinh nghi tâm, và cuối cùng là nghi vấn Sư phụ. Vì tư tưởng của học viên này không chính, bà ấy càng mặc cả với Đại Pháp, thì tư tưởng càng trở nên tệ hơn, có lẽ bà ấy sẽ càng đi chệch khỏi con đường tu luyện chân chính. Tư tưởng của bà ấy cuối cùng sẽ trở thành giống như người thường. Sư phụ và Đại Pháp sẽ không thể bảo vệ người thường, và đó có thể là lý do tại sao nghiệp bệnh của bà trở nên tệ hơn.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/27/417066.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/6/189775.html

Đăng ngày 09-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share