Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-10-2020] Nhiêu Đức Lỗ mới lên 4 tuổi khi bố của bé bị bức hại đến chết vào năm 2002 vì tín ngưỡng của mình nơi Pháp Luân Công. Bố của bế mới chỉ 34 tuổi. Trong mấy năm sau đó, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu Đức Lỗ và mẹ của bé cho đến khi hai mẹ con chạy trốn sang Thái Lan vào năm 2005.

Bố của Đức Lỗ, anh Nhiêu Trác Viễn, sinh ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông vào tháng 10 năm 1968. Anh là một người quản lý bộ phận thực phẩm ở Sở Vệ sinh và Chống dịch thành phố Quảng Châu. Vào tháng 12 năm 1994, anh Nhiêu bắt đầu tập Pháp Luân Công sau khi tham dự một cuộc hội thảo ở Quảng Châu.

411d66c87c8f089a7da2b3f9013ed45d.jpg

Anh Nhiêu Trác Viễn

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ truyền với những nguyên tắc đạo đức cốt lõi là Chân Thiện Nhẫn. Môn tập lần đầu tiên được truyền dạy ở Trung Quốc năm 1992 và sớm phổ biến ra khắp toàn quốc vì những lợi ích rất lớn về mặt sức khỏe và những bài giảng sâu sắc bắt nguồn từ trí huệ truyền thống của môn tập.

Sau một khoảng thời gian tập Pháp Luân Công, chứng viêm mũi mãn tính của anh Nhiêu đã biến mất. Anh trở nên khỏe mạnh và tràn đầy hy vọng. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng ở nơi làm việc và trở thành một người được các đồng nghiệp của mình rất quý mến.

Vợ anh Nhiêu, tên là Lâm Khiêm, khi đó làm việc ở Bệnh viện Răng miệng tỉnh Quảng Đông. Cô cũng bắt đầu tập Pháp Luân Công sau khi tham dự cũng khóa học đó ở Quảng Châu vào ngày 21 tháng 12 năm 1994. Sau 6 tháng tập luyện, chứng viêm loét dạ dày và u tuyến yên của cô đã hoàn toàn biến mất.

Cô Lâm nói, “Chính Pháp Luân Đại Pháp đã cứu tôi khỏi sự tuyệt vọng và cho tôi một cuộc đời mới. Những chứng bệnh của tôi đã ra đi. Tôi trở nên vui vẻ và mọi thứ diễn ra tốt đẹp, bao gồm cả công việc và cuộc sống gia đình của tôi. Khoảng thời gian từ khi tôi bắt đầu tập vào năm 1994 đến ngày 19 tháng 7 năm 1999 là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời tôi.”

Sau khi chứng kiến những thay đổi tích cực ở hai vợ chồng trẻ, bố mẹ và anh trai của anh Nhiêu là anh Nhiêu Triêu Nguyên cũng theo tập Pháp Luân Công.

Nhưng chỉ một năm sau khi hai vợ chồng đón đứa con gái nhỏ của mình chào đời vào năm 1998, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc. Vì từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình, anh Nhiêu đã bị bắt giam trong những bệnh viện tâm thần và trại lao động nhiều lần. Anh đã chết vì bị ngược đãi về mặt thể xác mà anh phải chịu trong khi bị giam giữ vào ngày 5 tháng 8 năm 2002.

Cô Lâm cũng liên tục bị sách nhiễu và đe dọa. Cô đã bị giam ở một cơ sở tẩy não trong khi chồng cô được phóng thích vì lý do y tế. Phòng 610 quận Hải Châu đã luôn cố gắng bắt cô từ năm 2005. Cô và con gái cô không còn chỗ nào để trốn ở Trung Quốc và vì thế đã buộc phải di tản sang Thái Lan để tránh bị bắt lần nữa.

1b025cb3efb2c3474c3fbfa824c7262c.jpg

Anh Nhiêu Trác Lỗ, vợ anh là cô Lâm Khiêm và con gái Nhiêu Đức Lỗ

Anh trai của anh Nhiêu đã bị bắt vào tháng 12 năm 2000. Anh đã bị kết án 8 năm tù vào tháng 1 năm 2003 sau hơn 2 năm bị tạm giam. Anh bị tra tấn trong Trại tù Tứ Hội và hậu quả là một chân của anh đã trở nên tàn phế.

Bị nhắm vào vì đi thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày mà chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh đàn áp, cả anh Nhiêu và cô Lâm đều đi đến trụ sở chính quyền thành phố Quảng Châu và chính quyền tỉnh Quảng Đông để thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công. Vì những nỗ lực này mà anh Nhiêu bị cho vào danh sách đen của chính quyền và cô Lâm bị những người lãnh đạo nơi cô làm việc gây sức ép giao nộp tất cả các cuốn sách Pháp Luân Công của cô.

Anh Nhiêu đã bị bắt vào ngày 16 tháng 9 năm 1999, 2 ngày sau khi anh đi Bắc Kinh thỉnh nguyện về. Anh đã bị giam trong 15 ngày tại Trại giam số 1 quận Hải Châu và sau đó là 4 ngày tại nhà khách Viện Công nghiệp nhẹ tỉnh Quảng Đông.

Cô Lâm nói rằng chính quyền đã không cho cô vào thăm anh Nhiêu và và không nhận quần áo mà cô gửi vào cho anh. Khi cô đến đón anh vào lúc anh hết hạn 15 ngày tạm giam, một lính gác nói với cô rằng, “Chúng tôi không thể phóng thích một người tập Pháp Luân Công ngay cả khi đã mãn hạn. Nếu anh ta bị bắt vì dùng ma túy hay trộm cắp thì chúng tôi có thể phóng thích anh ta nhưng không thể phóng thích một người tập Pháp Luân Công.”

Vào ngày 3 tháng 7 năm 2000, anh Nhiêu lại bị bắt và bị đưa từ cơ quan anh đến Bệnh viện Tâm thần Giang Thôn. Ở đó, anh đã bị tra tấn trong 54 ngày. Gia đình anh không được biết thông tin gì về việc anh đang ở đâu cho đến khi anh được phóng thích vào ngày 25 tháng 8.

Sau khi bị bắt và bị bức hại, anh Nhiêu đã bị giáng chức từ vị trí trưởng bộ phận thực phẩm xuống phòng cung ứng để làm việc rửa vỏ chai và những công việc đơn giản khác. Lương của anh cũng bị giảm, đầu tiên là xuống còn 700 tệ mỗi tháng và sau đó là chỉ còn 380 tệ mỗi tháng.

Vào ngày 4 tháng 9 năm 2001, anh bị đưa đến Trường Giáo dục Luật pháp Quảng Châu, vốn là một cơ sở tẫy não khét tiếng trong việc đàn áp và bức hại các học viên Pháp Luân Công. Anh đã bị giam ở đó trong 26 ngày. Người quản lý anh nói rằng lý do bà ấy đưa anh đến cơ sở tẫy não này là để khôi phục cấp bậc cho anh ở cơ quan.

Cô Lâm nhớ lại rằng, “Khi chúng tôi đến thăm chồng tôi, cô con gái 2 tuổi của chúng tôi đã khóc đòi bố trở về nhà với mình. Nhưng đề nghị của chúng tôi đã bị từ chối. Đồng thời, chính quyền cũng thường sách nhiễu tôi tại nhà, khiến cho mẹ tôi bị suy sụp tinh thần. Chỉ sau khi tôi mạnh mẽ đề nghị Sở Y tế và Phòng dịch Quảng Châu phóng thích anh ấy thì anh ấy cuối cùng mới được trả tự do vào ngày 30 tháng 9.”

Sau khi anh Nhiêu trở về nhà, Phòng 610, một cơ quan đứng ngoài vòng pháp luật được thành lập bởi Ban lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc để đàn áp Pháp Luân Công, đã cho người đến theo dõi anh ấy. Anh nhiêu đã buộc phải trốn đi để tránh bị sách nhiễu.

Cô Lâm nói, “Anh ấy không dám gọi điện về nhà vì điện thoại của chúng tôi đã bị nghe trộm. Tôi không biết anh ấy ở đâu. Vào ngày 26 tháng 10 năm 2001, một cảnh sát từ Đồn cảnh sát Tân Cảng đã gọi điện và bảo tôi đến thăm chồng tôi. Chỉ khi đó tôi mới biết là anh đã lại bị bắt.”

Bị bức hại ở trong trại lao động

Anh Nhiêu đã bị bắt ở một căn nhà anh thuê bởi các đặc vụ của Phòng 610 vào ngày 26 tháng 10 năm 2001. Đầu tiên anh bị đưa đến Trại giam số 1 quận Hải Châu và sau đó bị chuyển đến Trại lao động số 1 Hoa Đô.

Anh đã tuyệt thực để phản đối việc bắt giam tùy tiện này. Do bị tra tấn tàn bạo, cân nặng của anh đã bị giảm từ gần 68 kg xuống chỉ còn gần 35 kg và gia đình anh không thể nhận ra anh được.

Anh Nhiêu gầy hốc hác đến mức không thể tiêm tĩnh mạch được. Anh được đưa đến Bệnh viện Tư pháp ở Thạch Tỉnh, quận Bạch Vân để điều trị y tế vào tháng 11 năm 2001. Hai ngày sau đó, bác sĩ đã bắt gia đình anh Nhiêu ký một bản tuyên bố cam kết từ bỏ tín ngưỡng của anh và phóng thích anh vì lý do y tế.

Cô Lâm nhớ lại, “Tôi đã phải khiêng anh ấy về nhà bởi vì anh ấy không thể tự đi được. Con gái tôi sợ anh và trốn sau lưng tôi. Cháu không thể tin được rằng người này là bố cháu.”

Chết vì bị bức hại

Anh Nhiêu đang phục hồi tại nhà thì vợ anh lại bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 19 tháng 1 năm 2002. Cô nhớ lại, “Tôi đã bị còng tay vào một cái ghế dựa và bị thẩm vấn bởi hơn một chục cảnh sát. Tôi bảo họ rằng tôi không phải là một phạm nhân. Tôi là một người tốt luôn luôn sống theo những nguyên tắc đạo đức là Chân Thiện Nhẫn. Một số cảnh sát mặc thường phục nhìn vào một bức ảnh như thể họ đang xác minh điều gì đó. Điều này đã làm tôi nhớ lại một sự việc khi khoảng hơn một chục người bắt giữ tôi trong khi tôi đang đi phát những tư liệu về Pháp Luân Công và một người đã cào vào mặt tôi ở bên phải.

Ngày hôm sau, cô bị đưa đến một cơ sở tẩy não, nơi cô đã bị bắt phải xem những video phỉ báng, bôi nhọ Pháp Luân Công và đọc những bài báo xúc phạm. Các lính gác đe dọa sẽ đưa cô đến một trại lao động nếu cô từ chối “chuyển hóa”. Cô bị các tù nhân theo dõi 24/24 giờ mỗi ngày và không được phép ra khỏi phòng.

Gia đình cô Lâm đã phải chịu sức ép rất lớn trong thời gian cô bị giam giữ. Mẹ cô, vốn đã không còn có thể tự chăm sóc bản thân mình, bị ốm ở nhà mà không có ai chăm sóc. Con gái cô không được phép vào thăm mẹ. Gia đình cô bị tống tiền 100 tệ mỗi tháng bởi cơ sở tẩy não này cho đến khi chô Lâm được phóng thích vào ngày 19 tháng 6, chỉ 5 ngày sau khi anh Nhiêu lại bị bắt và bị đưa trở lại trại lao động.

Mẹ của anh Nhiêu lo lắng về tình hình của anh đến mức tự bà đã đi đến trại lao động để thăm anh vào ngày 28 tháng 6, nhưng bà đã bị từ chối. Trên thực tế, 2 ngày trước khi bà đến đó, anh Nhiêu đã bị đưa đến Bệnh viện Nhân dân Hoa Đô. Nhưng cho đến tận bây giờ, gia đình anh vẫn không biết là điều gì đã xảy đến với anh trong thời gian đó.

Vào ngày 1 tháng 7, cô Lâm đã nhận được thông báo của các đặc vụ Phòng 610 là đến gặp chồng cô ở bệnh viện. Cô cảm thấy rằng điều gì đó tồi tệ hẳn là đã xảy ra. Khi cô đến bệnh viện, một lính gác tù bảo cô rằng anh Nhiêu đã nhảy từ cầu thang bộ trên tầng 7 và sau đó đứng lên và đập đầu vào một cái tường. Lính gác này nói cú ngã này đã gây nên một vết vỡ vụn ở đốt sống thắt lưng thứ 5.

Từ phương diện y học, một người bị vỡ đốt sống thắt lưng thứ 5 sẽ không thể đứng lên và đập đầu vào tường được – vết vỡ đó sẽ khiến cho người ta bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Rõ ràng là lính gác đó đang nói dối.

Theo các bác sĩ, y tá và 2 tù nhân, anh Nhiêu vẫn tỉnh và có thể nói chuyện được khi anh được đưa đến bệnh viện. Nhưng bệnh viện đã không thông báo cho vợ anh về việc này cho đến khi anh Nhiêu bất tỉnh.

Anh Nhiêu đã không thể nói được khi cô Lâm đến bệnh viện. Nhưng anh liên tục khóc. Khu vực xung quanh tai bên phải và cổ anh bị sưng tím. Hai tay và chân anh có những dấu hiệu của việc bị chấn thương vì ngoại lực mạnh, và đầu anh có một vết thương tụ máu.

fbfa06637ab63476c00f38c5e1d9f553.jpg

Vết thương tụ máu ở phía sau đầu anh Nhiêu

Khi cô Lâm đề nghị được xem y bạ của anh Nhiêu, bác sĩ có vẻ lo lắng và từ chối đề nghị của cô. Họ cũng cấm cô ở lại trong bệnh viện để chăm sóc anh. Bác sĩ quả quyết rằng tình trạng sức khỏe của anh Nhiêu đang tiến triển tốt và rằng anh không bị nhiễm trùng.

Vào tối ngày 5 tháng 8, bệnh viện thông báo cho cô Lâm rằng anh Nhiêu đã qua đời. Cô nghi ngờ rằng chồng cô đã bị bệnh viện bỏ cho chết vì đói.

Bệnh viện không chỉ đòi gia đình cô trả 100.000 tệ tiền chi phí y tế mà còn đe dọa sẽ kiện gia đình cô khi gia đình cô từ chối chi trả.

Một tuần sau đó, Phòng 610 và ban lãnh đạo bệnh viện đã đưa thi thể của anh Nhiêu đến nhà tang lễ và cho hỏa táng mà không có sự đồng ý của gia đình anh.

Di tản sang Thái Lan

Cô Lâm nói rằng sau khi anh Nhiêu chết năm 2002, Ôn Xuân Lan ở Phòng 610 quận Hải Châu đã khuyến khích người quản lý cô ở chỗ cô làm phân biệt đối xử với cô và sỉ nhục cô. Họ cũng phao tin đồn trong số những người đồng nghiệp của cô rằng chồng cô đã tự tử và thuyết phục họ cô lập cô Lâm. Cô bị theo dõi chặt và điện thoại của cô bị nghe trộm.

Cô nói thêm, “Tôi đã gửi thông tin về việc bức hại chồng tôi lên trang web Minh Huệ vào ngày 12 tháng 2 năm 2005. Từ tháng 4 năm 2005, Phòng 610 ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu đã nhiều lần cố gắng bắt giữ tôi. Trung tâm tẩy não quận Hải Châu và và Ủy ban cư trú Tiểu Trung Dụ đã đến đe dọa tôi tại nơi tôi làm việc. Vào ngày 3 tháng 8, hai người từ Phòng 610 muốn thẩm vấn tôi. Tôi từ chối yêu cầu của họ trước mặt các đồng nghiệp của tôi. Tôi cũng yêu cầu họ bồi thường cho cái chết của chồng tôi, người đã bị họ giết hại.”

Việc bức hại nặng nề và những sang chấn tinh thần lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian ngắn như vậy đã khiến cho trí nhớ của cô Lâm bị suy giảm. Cô không thể làm việc và sống một cuộc sống bình thường. Vào tháng 12 năm 2005, cô Lâm và con gái cô đã di tản từ Trung Quốc sang Thái Lan để tránh bị bức hại thêm nữa.

Người anh trai bị bức hại đến mức bị tàn phế

Anh trai của anh Nhiêu là anh Nhiêu Triêu Nguyên, nằm trong số 8 học viên Pháp Luân Công bị bắt ngày 14 tháng 12 năm 2000. Anh bị đã bị đưa đến Trại giam quận Thiên Hà và gia đình anh không được phép vào thăm anh. Một năm sau đó, anh Nhiêu đã bị đưa ra Tòa án quận Thiên hà vào ngày 12 tháng 12 năm 2001.

Vào ngày 14 tháng 1 năm 2003, sau một năm nữa bị giam và 4 tháng sau khi người em trai của anh bị bức hại đến chết, anh Nhiêu Triêu Nguyên đã bị kết án 8 năm tù và bị chuyển đến Trại tù Tứ Hội.

Khi gia đình anh vào thăm anh vào ngày 18 tháng 7 năm 2004, họ đã phát hiện ra rằng anh Nhiêu Triêu Nguyên đã bị tàn phế ở một chân bởi vì anh liên tục phải đeo cùm ở chân đó. Việc đi lại đã trở nên rất khó khăn đối với anh.

Một cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Thanh Hoa là anh Hoàng Quỳ, là người cũng bị giam ở trong cùng một khu với anh Nhiêu Triêu Nguyên đã vạch trần những việc ngược đãi được thực hiện ở trong Trại tù Tứ Hội.

Anh Hoàng nói, “Ngồi xổm là một thủ đoạn tra tấn thường được dùng ở trong Trại tù Tứ Hội. Một hôm có một lính gác gọi tôi vào phòng anh ta. Anh ta đã bắt tôi ngồi xổm và sau đó bắt đầu đá tôi và chửi tôi trong một vài tiếng đồng hồ. Tôi cảm thấy hai chân tôi đang gãy vì tôi không được phép duỗi chân hay ngồi ở tư thế bình thường. Sau đó, tôi bị phân công đến xưởng mộc. Tôi bị bắt ngồi xổm ở đó trong 3 ngày, từ sáng đến tối, bởi vì tôi từ chối làm công việc lao động không được trả công. Một đệ tử đồng môn từ chối ngồi xổm và tuyệt thực để phản đối. Anh ấy bị cùm bằng xích sắt lớn nặng mấy chục cân ở cả hai chân.”

Anh Hoàng nói thêm, “Tất cả các tù nhân đều bị ra lệnh phải ngồi xổm ở trên sân vào giữa trưa vào ngày 21 tháng 4. Học viên đã phải đeo cùm sắt và tôi lập tức bị còng tay ra sau lưng. Khi tôi từ chối quỳ xuống, tôi đã bị đã và bị cho điện giật bằng hàng chục cái dùi cui điện trên khắp thân thể tôi, đặc biệt là ở những chỗ nhạy cảm như lòng bàn tay và tai. Tôi bị đau đớn đến mức toàn thân thể tôi bắt đầu co giật.”

“Để vạch trần cuộc đàn áp và bức hại này, tôi đã phải nhớ lại tất cả những thống khổ mà tôi đã trải qua,” anh Hoàng nói. “Nhưng ngôn từ không đủ để diễn tả được. Sự đau đớn là không thể tả được. Trong những giây phút thống khổ đó, mỗi giây đều khó mà chịu được và mỗi bước đều khó mà bước được.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/3/412392.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/31/190184.html

Đăng ngày 23-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share