Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-09-2020] Lần đầu tiên tôi thấy ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” tiếng Trung là tại nhà một người bạn vào tháng 4 năm 1996. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp.

Phải mất cả một năm rồi tôi mới quyết định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp — tôi muốn trở thành một người tốt hơn và đồng hóa với Nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”. Mãi cho đến hai năm sau, khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại trên toàn quốc đối với Pháp Luân Đại Pháp, đột nhiên tôi mới nghiêm túc tu luyện và tôi trở nên tinh tấn.

Hai mươi bốn năm trôi qua trong chớp mắt, và Pháp Luân Đại Pháp hiện đang được thực hành trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nơi môn tu luyện được truyền ra lần đầu tiên, các học viên lại bị đàn áp, bị ma quỷ hóa và bị bức hại. Thông qua việc kiên trì giảng rõ chân tướng về Đại Pháp và cuộc bức hại sai trái, các học viên đã biểu hiện lòng từ bi vĩ đại của họ khi đối mặt với nghịch cảnh.

Tôi đã nhiều lần đọc các sách của Pháp Luân Đại Pháp và đã hiểu sâu hơn về những lời dạy của Sư phụ Lý (nhà sáng lập). Tôi đề cao tâm tính của mình và tu tâm từ bi. Ban đầu tôi chỉ cố gắng để trở thành một người tốt, rồi dần dần tôi đã ngộ ra những nội hàm khác nhau của “Chân-Thiện-Nhẫn” ở mỗi tầng của nhiều cảnh giới khác nhau, và trở thành một người tốt hơn trong quá trình này.

Trở nên thực sự quan tâm đến người khác

Đối với hầu hết mọi người, tôi là một người hiểu biết, tốt bụng và hiền lành. Tôi cũng nghĩ mình là một người tốt. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã đọc câu Pháp:

“Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Có một tiêu chuẩn để phân biệt người tốt và người xấu. Nếu chỉ tự coi mình là một người tốt thì không nhất thiết khiến tôi là một người như vậy. Chỉ khi lời nói và hành động của một người được đo lường bằng “Chân-Thiện-Nhẫn”, chúng ta mới có thể phân biệt được liệu họ có thực sự là người tốt hay không.

Khi con tôi còn học mẫu giáo, bố tôi bị ốm và thường xuyên phải nhập viện. Là một giáo viên, tôi bận rộn và dạy 20 lớp một tuần. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, tôi còn phải soạn giáo án. Tôi đến thăm bố mẹ và giúp đỡ họ hết sức có thể. Là một người mẹ, tôi là người chăm sóc con cái. Ở nhà, tôi làm tất cả việc nhà trong khi chồng tôi thường chỉ ngồi, nhâm nhi tách trà và xem TV. Anh ấy hầu như không giúp đỡ mọi việc trong nhà nhưng lại dễ bực bội với tôi. Tôi trở nên kiệt sức và đau khổ.

Một ngày, trong khi đang nấu ăn, tôi đã nghĩ “Anh ta không bao giờ làm bất cứ việc gì trong nhà nhưng vẫn chỉ trích tôi! Tôi phải lo mọi thứ nhưng anh ta vẫn không hài lòng với tôi.” Đột nhiên, tôi nhớ lại lời Sư phụ giảng:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Khi tôi xem xét ý niệm của mình, tôi thấy rằng cảm giác bất công mạnh mẽ đã đặt bản thân tôi vào cảnh giới của một kẻ ác. Ý niệm của tôi phản ánh tư tưởng ích kỷ của bản thân về điều gì là đúng hay điều gì là sai. Tôi muốn được thoải mái như chồng tôi. Tôi không muốn làm việc vất vả như thế, nhưng tôi phải làm. Khi tôi thấy những người khác thư giãn và thoải mái, tôi không thể kiểm soát được. Tâm phàn nàn, giận dữ và phẫn uất của tôi đều nổi lên bề mặt. Tôi có phải là người tốt không?

Khi người khác có được những gì tôi muốn mà không được, tôi sẽ có đủ loại suy nghĩ tiêu cực và thái độ tồi tệ. Mặc dù tôi đã chăm lo mọi việc trong nhà, nhưng tôi không thực sự làm điều đó vì gia đình mình. Tôi đã làm điều đó bởi vì tôi không có sự lựa chọn. Tôi cảm thấy cuộc đời mình thật bất công và tôi cay đắng vì tôi phải làm nhiều việc hơn những người khác.

Tôi luôn nghĩ mình là một người tốt. Tôi gánh vác rất nhiều trách nhiệm trong gia đình và tôi đã kiệt sức. Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn của Đại Pháp, tôi thậm chí còn không phải là một “người thiện”, và còn xa mới đạt được “không oán, không hận, lấy khổ làm vui”. (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Vào thời điểm đó, tôi nhận ra mình nên cư xử như thế nào khi là một người tốt. Tôi luôn muốn người khác đối xử tốt với mình. Nhưng khi tôi làm cho người khác nhiều hơn họ đã làm cho tôi, tôi liền cảm thấy điều đó thật bất công. Tôi tự cho mình là trung tâm và thật ích kỷ.

Sau khi nhận ra điều đó, tôi đã cố gắng thay đổi. Nếu chồng tôi phàn nàn hoặc không hài lòng với những gì tôi làm, trước tiên tôi sẽ tự xem xét bản thân và tìm những thiếu sót của mình.

Tôi không còn tập trung vào thái độ tiêu cực của người khác, biểu hiện của họ không hài lòng như thế nào hay ngữ điệu của họ gay gắt ra sao. Không giống như trước đây, bất cứ khi nào có vấn đề, đầu tiên tôi thường nhìn xem người khác đã làm sai ra sao, bây giờ suy nghĩ đầu tiên của tôi là tìm xem bản thân mình thiếu sót ở đâu. Bây giờ tôi không ngừng sửa mình và tu luyện bản thân. Tôi cố gắng sống chiểu theo Pháp, liên tục đề cao bản thân và luôn cân nhắc đến người khác trước.

Sư phụ đã dạy chúng ta:

“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hòa ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hòa hoãn.” (Đề cao tâm tính, Chuyển Pháp Luân)

“Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân.” (Đề cao tâm tính, Chuyển Pháp Luân)

Một lần, tôi về nhà muộn sau khi đi cùng với một nhóm bạn. Đèn đã tắt và căn nhà tối om. Tôi cẩn thận mở cửa để không làm phiền ai và lẻn vào phòng tắm. Ngay sau đó, chồng tôi từ phòng ngủ đi ra, tức giận. Không nói một lời, anh ấy vừa đánh tôi vừa chửi bới. Lần này tôi vẫn bình tĩnh và không bực bội với anh ấy. Tôi nghĩ về điều Sư phụ đã dạy chúng ta,

“… ‘đả bất hoàn thủ mạ bất hoàn khẩu’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Tôi bình tĩnh để anh ấy tát mình mà không cố giải thích. Tôi hiểu rằng bằng cách nào đó tôi đã làm tổn thương anh ấy và vì vậy tôi cần phải chịu đựng điều này để anh ấy có thể thoát khỏi cơn giận của mình. Tôi hiểu rằng chồng tôi có thói quen của anh ấy. Khi về muộn, tôi đã khiến anh lo lắng và quấy rầy giấc ngủ của anh.

Khi tôi xem xét bản thân nhiều hơn nữa, tôi phát hiện ra rằng tôi đã quan tâm đến danh tiếng của mình quá nhiều. Khi dành thời gian cho bạn bè của mình, tôi luôn miễn cưỡng rời đi trước. Tôi thường đặt bạn bè lên hàng đầu trong những buổi tụ tập như vậy vì chồng tôi là người thân trong gia đình. Tuy nhiên, Sư phụ nói với chúng ta:

“tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị. Đối với ai cũng vậy, đối với cha mẹ, đối với con cái đều tốt, ở đâu cũng cân nhắc đến người khác; cái tâm ấy không phải là tự tư, mà là tâm từ thiện, là từ bi.” (Tự tâm sinh ma, Chuyển Pháp Luân)

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm như thường lệ và chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Tôi nói chuyện với mẹ chồng với khuôn mặt tươi cười. Tôi chăm lo cho con và đưa con đi học.

Kể từ sau sự việc đó, tôi đã cố gắng quản lý thời gian của mình một cách khôn ngoan và quan tâm đến gia đình khi đi chơi với bạn bè. Tôi dành đủ thời gian cho họ để không làm tổn thương cảm xúc của họ. Mối quan hệ của tôi với gia đình và bạn bè giờ đây rất hài hòa.

Tống khứ tâm tật đố

Trong cuộc sống hàng ngày và giao tiếp xã hội của chúng ta với những người khác, rất nhiều ý niệm xấu và chấp trước của chúng ta có thể xuất hiện. Ý niệm của chúng ta không chỉ làm tổn thương bản thân mà còn làm tổn thương người khác. Tật đố là một trong những chấp trước này.

Khi những người khác đang làm tốt, bạn bè hoặc gia đình họ có thể không thực sự hạnh phúc vì họ, thay vào đó họ có thể cảm thấy không thoải mái. Nhiều mâu thuẫn xuất phát từ tâm tật đố. Chúng ta cảm thấy mình giỏi hơn những người khác và đấu tranh với họ để chiếm ưu thế. Sau khi trở thành một học viên Đại Pháp, tôi nhận ra rằng nếu chúng ta không loại bỏ tâm tật đố, chúng ta không thực sự là người tốt.

Trong buổi đánh giá cuối năm của chúng tôi, trưởng khoa đã yêu cầu toàn thể nhân viên lựa chọn hai giáo viên có thành tích vượt trội trong năm qua. Có một giáo viên nhận được nhiều phiếu bầu hơn tôi. Tôi không vui và tôi có thể cảm thấy biểu hiện của mình không tự nhiên, mặc dù tôi vẫn mỉm cười.

Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng tôi đã tật đố và tôi cần phải loại bỏ nó. Nhưng bằng cách nào đây? Sư phụ dạy chúng ta hãy xem xét bản thân khi gặp vấn đề và hướng nội. Tôi đã cẩn thận suy nghĩ về những điểm bản thân còn thiếu sót khi là một giáo viên.

Tôi đã ngạc nhiên khi tôi nhận thấy một vài vấn đề. Tôi đã không cống hiến hết mình trong năm nay. Tôi đã không linh hoạt trong cách giảng dạy hoặc đưa ra một chương trình giảng dạy phong phú. Vì tôi tránh mâu thuẫn nên tôi đã không thẳng thắn với đồng nghiệp. Thay vào đó, tôi lặng lẽ giữ khoảng cách. Nhưng vị giáo viên kia đã làm việc xuất sắc. Cô ấy cởi mở, tận tâm và dễ thương. Nhìn vào những thiếu sót của bản thân và công việc tuyệt vời mà cô ấy đã hoàn thành, làm sao tôi có thể tật đố được? Tôi quyết định đề cao và trở thành một giáo viên tốt hơn.

Khi tôi tống khứ được tâm tật đố, những đám mây đen xuất hiện trong tâm tôi đã biến mất. Tâm tôi bình yên, và thậm chí thân thể tôi dường như nhẹ hơn. Tôi nghĩ về những điểm tốt của đồng nghiệp. Tôi chân thành muốn chúc mừng những người khác về thành tích của họ.

Trong thùng thuốc nhuộm lớn này của xã hội, tôi cứ trượt dần xuống cho đến khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Với sự chỉ đạo của Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, tôi đã quy chính lại bản thân mình bắt đầu từ từng chi tiết, từng suy nghĩ và từng hành động trong cuộc sống, công việc của mình cũng như trong cộng đồng và xã hội. Cuối cùng tôi đã hiểu được ý nghĩa của cuộc sống là phản bổn quy chân.

Hiện giờ tôi đã hiểu được rằng chỉ khi một người hoàn toàn đồng hóa với Nguyên lý phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn, người đó mới có thể trở thành một người tốt. Có một tiêu chuẩn để phân biệt người tốt người xấu. Để trở thành một người tốt hơn, bạn phải giữ mình ở những tiêu chuẩn cao hơn. Khi chúng ta gặp phải vấn đề hoặc mâu thuẫn, chúng ta cần tự xem xét bản thân và tìm thiếu sót của chính mình. Chúng ta nên sửa mình để có thể trở thành người tốt, và thậm chí là người tốt hơn nữa.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/27/410500.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/30/188033.html

Đăng ngày 18-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share