Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan

[MINH HUỆ 02-12-2020] Trong cuộc sống này, có rất nhiều sự việc chúng ta vốn dĩ không thể kiểm soát được nhưng cho dù là vậy thì chúng ta lại có thể quyết định được việc mình muốn trở thành một người như thế nào và cách chúng ta đối mặt với những khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Ông Hải ở Đào Viên, Đài Loan, nhớ lại cơ duyên đã đưa ông đến với Pháp Luân Đại Pháp và những thay đổi tích cực từ việc tu luyện Đại pháp trong cuộc sống của mình.

Cuộc sống khó khăn đưa đến cơ duyên tu luyện

Là con trai lớn trong một gia đình nông dân có 10 người con, ông Hải đã phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm trong gia đình cũng như việc đồng áng. Ông chia sẻ: “Sau giờ học trên trường, tôi không bao giờ được nghỉ ngơi. Thay vào đó, tôi đã phải đi làm các việc như: cấy lúa, làm cỏ, thu hoạch và chăn trâu. Tôi đã từng ngước nhìn lên bầu trời và thầm nghĩ: Cuộc sống này thật quá đỗi vất vả! Các vị thần chắc hẳn được sống một cuộc sống hạnh phúc“.

Cha mẹ của ông bắt đầu đi làm từ trước lúc mặt trời mọc và không dừng lại cho đến khi mặt trời lặn. Họ hiếm khi có cơ hội trò chuyện với ông, nhưng họ là một tấm gương sáng về tinh thần chăm chỉ, trung thực và cầu thị. Bất chấp tình hình tài chính khó khăn của gia đình nhưng ông Hải không bao giờ từ bỏ ước mơ học hành của mình. Ông thường học đến tận đêm khuya, bằng cách làm việc bán thời gian để có tiền trang trải học hành, cuối cùng ông đã lấy được tấm bằng đại học.

Sau khi xuất ngũ, ông Hải đã vượt qua kỳ thi quốc gia và trúng tuyển vào làm việc cho một cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Sự chăm chỉ và chú ý đến từng chi tiết của ông đã giúp ông đứng đầu trong một lớp đào tạo về kỹ năng viết tiếng Anh. Ông đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo của cơ quan trợ lý tiếng Anh của chính phủ.

Ông Hải đã bị mất ngủ trong nhiều năm, hàng đêm ông luôn trằn trọc và mọi lo lắng đều đè nặng lên tâm trí ông. Ông hầu như chỉ ngủ thiếp đi được một lúc trước khi đến giờ dậy đi làm. Dùng thuốc ngủ cũng không giúp ích được gì, ông bị đau hai bên thái dương và tim của ông đập mạnh.

“Dù tôi đã kiệt sức nhưng tôi cũng không thể ngủ được trong suốt một giờ ngồi trên xe buýt khi đến cơ quan hoặc trong suốt giờ nghỉ trưa. Cuộc sống của tôi trở thành một vòng luẩn quẩn trong những đau đớn” – ông nhớ lại.

Mệt mỏi với những vấn đề sức khỏe trong nhiều năm, ông cảm thấy tuyệt vọng và chuyển sang luyện các môn khí công. Ông Hải bày tỏ: “Tôi đã học tất cả các loại khí công và tiêu tốn hàng chục nghìn đô la, nhưng nó không giúp ích được gì. Tôi tiếp tục tập khí công với các đồng nghiệp của mình trong giờ nghỉ trưa ở cơ quan. Người đồng nghiệp hay hướng dẫn tôi các bài tập khí công đã dừng không tập nữa. Cô nói với tôi vào một ngày cuối năm 1998 là cô đã tìm thấy một môn tập luyện khác tốt hơn”.

Sau khi người đồng nghiệp nói với ông Hải về môn tập khí công tốt hơn đó có tên là Pháp Luân Đại Pháp, thì cũng là lúc mà ông đã ngừng tham gia tất cả các lớp khí công đắt tiền mà không có hiệu quả. Ông đã học Pháp Luân Đại Pháp từ người đồng nghiệp đó. Trong suốt quá trình luyện tập, ông Hải nhận thấy tâm lý lo lắng và các bệnh tật khác của mình đã được chữa khỏi. Cuối cùng thì ông đã cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống thật sự là như thế nào!

“Ngay sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Tôi thức dậy vào buổi sáng với cảm giác cơ thể mình đã hoàn toàn được nghỉ ngơi. Tôi dần dần ngừng uống các loại thuốc, những thay đổi này đối với tôi thật là tuyệt vời. Cuối cùng tôi cũng có thể ngủ ngon và ăn ngon. Cơ thể tôi tràn đầy năng lượng và trông tôi rất khỏe mạnh!” – ông Hải nói.

“Sau khi đọc cuốn sách ‘Chuyển Pháp Luân‘, tôi nhận ra rằng những gì tôi cho là đúng nhưng lại thực sự sai. Ví dụ, tôi đã từng nghĩ mình càng đạt được nhiều thì càng tốt, nhưng các nguyên lý của vũ trụ lại phản đảo lại, bạn càng đạt được nhiều thì bạn càng làm hại người khác, nên bạn càng mất nhiều đức”. Ông cũng đồng ý với tất cả những điều nói về cách trở thành một người tốt trong cuốn sách. Sau khi suy nghĩ của ông thay đổi thì các vấn đề về tim, mất ngủ, loét dạ dày, viêm xoang và các bệnh tật khác của ông đã được giải quyết. Ông trở nên lạc quan và bình tĩnh hơn.

69141136fa71525ec220b2d25b6b38f9.jpg

Hình ảnh ông Hải đang đọc cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”

Học cách nghĩ cho người khác bằng cách tuân theo các Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp

Ông Hải giải thích rằng các Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp đã giúp ông trở thành một người tốt như thế nào.

“Trước đây, tôi là người thiếu kiên nhẫn và xấu tính, nhưng sau khi bước vào tu luyện Đại Pháp, tôi đã trở thành người biết quan tâm đến người khác. Chẳng hạn, khi xe của tôi bị đâm từ phía sau — tôi tự nhắc bản thân mình là một người tu luyện và người lái xe không hề cố ý đâm vào tôi. Tôi thậm chí còn không ra khỏi xe để yêu cầu họ bồi thường, những vụ va chạm kiểu như vậy đã xảy ra vài lần với tôi”.

Trong tòa nhà chung cư nơi ông Hải sinh sống, tất cả các hộ gia đình đều đặt kệ giày ở bên ngoài trước cửa phòng. Riêng ông Hải đã không làm thế mà để khoảng trống trước cửa phòng vì ông muốn nhường chỗ đi lại cho mọi người ở hành lang. Khi đỗ xe dưới tầng hầm của tòa nhà, ông luôn đỗ sát tường để nhường chỗ cho những người khác.

Ông Hải cũng tự đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân trong công việc, như ông thường kiểm tra hai hoặc ba lần các tài liệu của mình để đảm bảo không có sai sót. Ông luôn trau dồi để cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình. Nhờ sự tận tâm của bản thân, ông đã được giao làm trợ lý tiếng Anh cho Bộ trưởng Tài chính và tổng giám đốc khi họ đến thăm các nước khác hoặc tham dự các hội nghị quốc tế như APEC.

Mặc dù áp lực khối lượng công việc của ông chưa bao giờ được giảm bớt, nhưng nhờ tu luyện Đại Pháp, năng lực của ông tăng được lên và điều này đã giúp ông đạt được hiệu quả làm việc tốt hơn. “Trước đây, khi có đồng nghiệp đến hỏi tôi về tiếng Anh và nhờ giúp đỡ, tôi thường thấy miễn cưỡng vì có suy nghĩ đây không phải là công việc của tôi. Nhưng sau khi bước vào tu luyện, tôi coi vấn đề của người khác là của mình và tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp họ — mặc dù việc này đã khiến khối lượng công việc của tôi nhiều hơn trước”.

Khi cơ quan trao tiền thưởng và giải thưởng, ông Hải thường nhường lại suất của mình cho người khác. Ông cũng yêu cầu đồng nghiệp xóa tên mình khỏi danh sách những người sẽ được thưởng để nhường phần của mình cho những trường hợp khó khăn hơn. Nhiều lần ông tự ý bỏ tên mình khỏi hạng A trong đợt đánh giá xếp loại cuối năm để nhiều người cấp dưới có cơ hội đạt hạng A, vì số người được hạng A là có giới hạn.

Dùng các kênh truyền thông để giảng chân tướng

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp vào năm 1999, những tuyên truyền của ĐCSTQ đều là vu khống và bôi nhọ Pháp Luân Đại Pháp với mục đích nhằm ngăn cản mọi người hiểu chân tướng và kích động lòng thù hận đối với môn tu luyện tâm linh này. Với lòng thiện tâm muốn giúp cho thế giới biết được sự thật, các học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại đã thành lập các kênh truyền thông để phá trừ các tuyên truyền sai trái của ĐCSTQ. Vì vậy, nhiều học viên Pháp Luân Công đã sử dụng nền tảng chuyên môn, kiến ​​thức và khả năng của mình để xây dựng các phương tiện truyền thông giảng chân tướng và ông Hải cũng là một trong số học viên đó.

Ông Hải đã viết và dịch hơn 1.000 bài báo cho các phương tiện truyền thông tin tức của các học viên. Ông nói: “Tôi cảm thấy công việc viết báo là một cơ hội tu luyện, tôi luôn tìm kiếm những câu nói hay nhất để mỗi bài viết trở nên ý nghĩa và cảm động hơn. Đôi khi tôi dành 30 phút hoặc hơn để dịch đúng một từ hoặc để diễn đạt một ý. Một số bài sửa đổi có khi mất cả ngày hoặc cả tuần. Đó là một công việc rất khó khăn, nhưng khi nghĩ đến hàng tỷ người trên thế giới không biết tiếng Trung cũng cần được biết sự thật là tôi đã vượt qua mọi khó khăn bằng chính niệm của một người tu luyện Đại Pháp”.

Để nâng cao chất lượng nội dung các bài viết của mình, ông Hải đã tự học làm nhiếp ảnh và dựng phim. Ông đã tải phần mềm miễn phí về và tự học cách chỉnh sửa phim cũng như cách thêm chú thích và âm nhạc. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Hải có thị giác nhạy bén, thính giác tốt và có thể dễ dàng sử dụng hai tay để điều khiển con chuột máy tính. “Sau khi lặp đi lặp lại các động tác kéo và nhấp chuột trong thời gian dài, khuỷu tay và các ngón tay của tôi trở nên đau nhức đến mức tôi không thể ngủ được. Tôi đã phải chuyển sang sử dụng chuột bằng tay trái, sau đó tôi chuyển sang ngón giữa khi ngón trỏ của tôi đau nhức. Bây giờ tôi có thể sử dụng ngón cái, ngón út và thậm chí cả ngón áp út của mình”.

Trên chặng đường hơn 20 năm tu luyện, ông Hải đã có những trải nghiệm tuyệt vời sau khi tu bỏ được những chấp trước của bản thân và cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn thuần tịnh, một sức khỏe tốt và sự thăng hoa tự tại của bản thân. Ông nhận ra rằng, nếu muốn giúp được nhiều người hơn nữa thì ông cần phải liên tục nâng cao năng lực và rèn luyện các kỹ năng viết của mình.

Ông nói: “Tôi biết rằng khả năng viết, dịch và biên tập của tôi đều là do Sư phụ Lý (người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) và Đại Pháp đã ban cho tôi. Tôi có những kỹ năng này là để có thể giúp nhiều người hơn biết sự thật và lựa chọn một tương lai tươi sáng vào thời khắc lịch sử quan trọng này, tôi vô cùng biết ơn Sư phụ!”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/2/415855.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/16/188817.html

Đăng ngày 08-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share