Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 18-2-2021] Duyên, quan hệ nhân duyên, nhân quả báo ứng, v.v. Có ý nghĩa gì với người tu luyện? Sư phụ giảng không ít về chủ đề này, xin phép trích dẫn:

Chư vị có thể bước vào đây, có thể nghe được tôi giảng Pháp tại đây, đặc biệt là chư vị nghe được Phật Pháp, đó chẳng chính là “duyên” sao? Hy vọng chư vị có thể trân quý. Đương nhiên cái duyên này mà giảng kỹ ra, thì có rất nhiều phương diện, bởi vì cái duyên này chính là một loại quan hệ nhân duyên. Ví như chư vị nói, đời trước người này thiếu nợ người kia, đã từng làm việc xấu gì đó, đời sau hai người này còn phải gặp lại nhau, người này phải trả lại thứ mà anh ta đã nợ, đây là một loại duyên oan oán; còn nếu trong đời trước chư vị đối xử với anh ta rất tốt, anh ta phát thệ đời sau tôi có làm trâu làm ngựa cũng phải báo đáp anh, được thôi, đời sau chư vị có thể đi làm trâu làm ngựa, cũng có thể làm vợ của anh ta, hoặc làm chồng của cô ta, hoặc là người giúp đỡ người đó, đây là một loại duyên khác, gọi là thiện duyên. Thế còn duyên kết với Đại Pháp, rất có khả năng là một loại duyên cao thượng hơn, cũng có lẽ là trong người thường chúng ta đã từng là thân bằng hảo hữu, những điều này đều có thể thúc đẩy thành duyên phận, trong tương lai khiến cái duyên được kết, chính là một loại tình huống như vậy. (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [1999])

Các việc trên đời, mà có lẽ cả các việc ở tầng thứ cao hơn, cũng là căn cứ theo quan hệ nhân duyên mà được an bài. Lý giải trên nghĩa bề mặt chữ, ví như trồng một cây táo, thì hạt táo ấy là ‘nhân’, mưa thuận gió hòa ấy là ‘duyên’, và quả táo thu hoạch được thì ấy là ‘quả’; ‘quan hệ nhân duyên’, ‘nhân quả báo ứng’, chính là ý tứ này [1]. Ta vẫn hiểu rằng có nhiều ‘đức’ thì thăng quan phát tài, nhiều ‘nghiệp’ thì vất vả lận đận; đó là biểu hiện của đức & nghiệp. Nhưng mà cụ thể phát tài thế nào, vất vả ra sao, thì đó là chiếu theo ‘nhân duyên’ mà an bài. Ví như trước đây tạo nghiệp do vu khống, thì sau này có thể phải trả nghiệp ấy theo hình thức chịu oan uổng. Giữa biển người hỏi sao gặp nhau, ấy là vì có tiền duyên. V.v. Nhân nào quả nấy. Khi chư Thần an bài đường đời cho sinh mệnh tầng thấp hơn, hoặc an bài các việc, thì an bài cụ thể diễn biến thế nào là có tính đến mối quan hệ nhân duyên này.

Đệ tử: Tại sao Phật gia đặc biệt chú trọng duyên?

Sư phụ: Kỳ thực, ai cũng đều chú trọng duyên.

(Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [1999])

Sư phụ thường giảng rằng, để chuẩn bị cho hồng truyền Đại Pháp hôm nay, thì Ngài đã từng dành rất nhiều thời gian, chuyển sinh các đời, để kết duyên với vô số chúng sinh; như trong trích đoạn trên có giảng:

“Thế còn duyên kết với Đại Pháp […] có lẽ là trong người thường chúng ta đã từng là thân bằng hảo hữu”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [1999])

Nghĩa là, để một việc trôi chảy, thì không phải chỉ dựa vào ‘đức’, mà còn cần ‘duyên’ nữa.

Tôi là người rất kém về nhân duyên. Một phần lớn là do giao tiếp và hành xử xã hội rất kém. Trước đây từng tu theo Phật giáo, thì điều này không thành vấn đề. Phật giáo giảng lánh đời, chặt đứt mọi duyên thế gian, cho nên kém duyên thế gian không sao cả. Càng ít càng tốt, không có tốt nhất. Tu luyện cá nhân ở bên đó là vậy. Tuy nhiên nếu ai bước ra làm các ‘Phật sự’ thì cũng nên có nhân duyên tốt. Chẳng phải người ta dùng từ ‘hóa duyên’ để nói về việc các hòa thượng đi khất thực sao? Ý tứ là gieo thiện duyên đó. Nhưng cái ‘duyên’ họ nói ấy, thì thường là nói về duyên liên quan tu luyện xuất thế khỏi thế gian, chứ không có chú trọng rằng người tu đi phát triển các duyên thế gian. Chẳng hạn nếu hòa thượng nói với ta câu này: Thí chủ có túc duyên sâu dày với ngã Phật. Thế thì ta có thể hiểu hòa thượng ấy đang khuyên ta xuất gia đi tu đó.

Nhưng từ khi sang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thì tôi phát hiện rằng, môn tu luyện chúng ta có khác biệt, chúng ta vô cùng coi trọng vấn đề nhân duyên này, kể cả các duyên thế gian. Chúng ta tu luyện trong xã hội người thường, chứ không lánh đời. Chúng ta thường xuyên dùng Chân-Thiện-Nhẫn để giải các vấn đề gặp phải trong cuộc sống, cho nên nhân duyên thế gian (quan hệ xã hội) sẽ theo quá trình tu luyện mà càng ngày càng tốt; ít nhất thì về lý thuyết là như vậy. Chúng ta không nên chấp trước vào các thứ người thường, nhưng điều đó không có nghĩa là không giải quyết tốt nhân duyên thế gian, mà hoàn toàn trái lại, chúng ta cần cân bằng cho tốt và giải quyết cho thiện các mối quan hệ này. [2]

Cho nên tôi rất hâm mộ các đồng tu mà có nhân duyên tốt. Tôi từng gặp một bác cao tuổi từ hải ngoại về thăm thân nhân ở Việt Nam. Bác này có quan hệ nhân duyên rất tốt, nhân duyên có được từ trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cả trong Nam đến ngoài Bắc. Đến khi bác tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thì bác khéo chuyển các nhân duyên ấy thành duyên tu luyện: bác hồng Pháp được cho rất nhiều người.

Tôi thì không có nhân duyên tốt thế. Kiểu như mở cửa hàng, có người chính là có ‘duyên bán hàng’, mở cửa một cái là khách đến nườm nượp; họ khéo chiều khách, họ có duyên bán hàng; và có người kiểu như tôi, thì chính là chỉ có thể đứng ngoài hâm mộ thôi.

Duyên ấy, là có mỏng, có dày, có thiện, có ác. Đại Pháp hồng truyền, Chính Pháp tiếp cận tới nhân gian, thì vấn đề ‘duyên’ này và tầm quan trọng của nó cũng ngày càng lộ rõ hơn.

Để minh họa, xin dẫn hạng mục media làm ví dụ.

Viết và đăng một bài và được nhiều người đọc, thế chẳng phải là gieo được rất nhiều duyên sao? Nhưng ‘duyên’ ấy là có cái mỏng có cái dày, tựa như hạt giống là có cái lép cái mẩy vậy. Người Mỹ có câu “talk is cheap”, tức là cái duyên do mở miệng nói khơi khơi như thế thì thường là mỏng lắm. Một bài viết tri thức phổ thông bình thường thì nói chung là như vậy. Nhưng viết một bài đăng ra, mà nhiều đọc giả nói rằng hết sức cảm ơn tác giả đã có bình luận rất chí lý mang đầy ý nghĩa nhân văn, thế thì có lẽ đã gieo được duyên dày hơn nhiều đấy. Đúng không? Một bài viết do chạy theo câu view nên đưa tin giật gân, để rồi hóa ra đó là tin giả, làm công chúng chán ghét, thế thì e rằng đó là ác duyên! Đúng vậy không? Cho nên, đã ra làm hạng mục media, thì nhất định là phải chú trọng chữ ‘duyên’.

Hoặc ví như một cô gái ế ẩm mà vẫn suốt ngày đi xe duyên tơ hồng cho người khác thì tính sao? Đó có phải là việc thích đáng nên làm chăng? Tôi từng lên mạng Internet tìm kiếm chữ “Phật” ở một media nào đó của Đại Pháp, và chứng kiến hàng tràng hàng loạt các bài viết xe duyên cho môn phái khác được viết ở đó. Tôi cảm thấy rất cảm khái!

Con người hiện đại, nếp sống hiện đại, thời gian dành cho mạng xã hội nhiều hơn thời gian trò chuyện trực diện với thân nhân, nhận thức về quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên công thức hóa (bao nhiêu ‘like’ nhỉ), và ngày càng bớt coi trọng chữ ‘duyên’ này. Nhưng mà, toàn bộ vũ trụ này, khi an bài các việc, thì cụ thể diễn biến thế nào, thì vẫn là theo ‘quan hệ nhân duyên’ đó! Nhiều view là tốt chăng? Không nhất định đâu. Ấy chỉ là công thức hóa ở tầng thứ bề mặt nơi người thường mà thôi.

Tầng tầng tầng tầng vũ trụ này vẫn có đạo lý nhân duyên đang vận hành đấy.

Năm xưa Sư phụ dày công kết duyên vô số chúng sinh, để hôm nay hồng truyền Đại Pháp. Giờ đây các đệ tử chúng ta có cơ hội trợ Sư Chính Pháp. Chúng ta nên chăng học Sư phụ, khéo gieo thiện duyên với đại chúng?

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, rất còn hạn chế. Có gì thiếu sót mong được các bạn đồng tu chỉ rõ.


[1] Mượn ví dụ trồng cây táo nói trên, nếu có ai lấy cớ nào đó, cái cớ ấy có thể không phản ánh bản chất vấn đề, để chặt cây táo đi, thì đó gọi là ‘cớ’. Người Hoa có lối nói trong các câu phủ định hoặc câu nghi vấn, kiểu như: không có duyên cớ gì mà làm thế à, đó là việc vô duyên vô cớ phải không, v.v. Chữ ‘cớ’ này là xuất hiện trong cách nói vậy, chứ tuyệt đối không có khái niệm ‘quan hệ duyên cớ’. Chỉ có khái niệm ‘nhân duyên’, ‘nhân quả’, chứ không có cái gọi là ‘quan hệ duyên cớ’.

[2] Về vấn đề ‘các mối quan hệ xã hội’, so sánh giữa Phật giáo và Pháp Luân Đại Pháp, tham khảo bài Dĩ Pháp vi Sư (bài 3/5): https://vn.minghui.org/news/131893-di-phap-vi-su-3.html.

Share