Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 27-6-2019] Tại sao năm đó môn đồ của Phật Thích Ca lại lẫn lộn giáo lý của Bà La Môn giáo vào trong Phật giáo? Theo cách nói của chúng ta, đây là vấn đề “bất nhị Pháp môn” và “dĩ Pháp vi Sư”: Tại sao người tu vi phạm những khoản này? Lịch sử đã qua. Tôi cũng không biết quá khứ là thế nào; nhưng cũng mạnh dạn nương theo vấn đề này mà chia sẻ ra một chút nhận thức eo hẹp của mình cùng các quý đồng tu.

Bài học giáo huấn quan trọng bậc nhất trong lịch sử

Khi Sư phụ giảng về những gì trong quá khứ, thì tôi thấy rằng chỉ có duy nhất một điều —không còn điều nào khác mà Sư phụ nhấn mạnh đến thế— được Sư phụ gọi là “bài học giáo huấn quan trọng bậc nhất trong lịch sử”. Đó là vấn đề năm xưa môn đồ của Phật Thích Ca đã lẫn lộn giáo lý của Bà La Môn giáo vào Phật giáo, khiến cho Phật giáo tiêu mất khỏi Ấn Độ. Lời răn dạy nghiêm khắc ấy được Sư phụ nhắc lại rất nhiều lần.

Liệu chúng ta có ai vô tình đi vào vết xe đổ trong lịch sử chăng? Có học viên Đại Pháp nào lẫn lộn giáo lý của Phật giáo vào đây hay không? Tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp là khác quá nhiều so với tu luyện của Phật giáo kia mà?

Đệ tử: Đại Pháp chúng ta bao gồm Lý của Phật gia, Đạo gia và Kỳ môn, một số Pháp Lý mà các vị Như Lai khác đã chứng ngộ, thì có tác dụng chỉ đạo đối với chúng con không?
Sư phụ: Không có. Đại Pháp bao hàm hết thảy, nhưng lại không thể thêm vào Lý của những tiểu đạo, tiểu môn nào đó hoặc Lý của Như Lai nào đó, điều đó chỉ có thể khiến chư vị ngộ lệch lạc, bởi vì nó không thể đứng ngang hàng với Đại Pháp vũ trụ. Nhận thức và quả vị tại các tầng thứ khác nhau đều là Pháp tạo ra. Hết thảy những gì chư vị tu luyện trong Đại Pháp này, cũng có nhân tố mà chư vị tự mình chứng ngộ được về Pháp, đó chính là quả vị mà chư vị tự mình đắc được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999])

Đệ tử hỏi rất trực tiếp, và Sư phụ trả lời cũng rất minh bạch rồi. Nhưng mà, theo quan sát của tôi, thì có một vòng lặp khó thoát thế này. Một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đến giai đoạn tu luyện đó và sinh ra cái tâm “mục đích” cho rằng tu luyện chính là để buông bỏ các tâm người thường. Mà điều này rất dễ xảy ra, vì họ rất có thể lý giải Pháp mà Sư phụ giảng theo ý đó:

“[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Nếu như vậy thì người tu này có thể cảm thấy rất nhiều điều được giảng trong Phật giáo hoặc các tôn giáo khác là phù hợp, là tương thích, vì họ đo lường một điều gì đó có phù hợp hay không là bằng “mục đích” mà họ nhìn nhận rằng tu luyện là để bỏ các tâm người thường. Do đó bèn tiếp thu và thậm chí còn quảng bá những điều của môn khác. Nhất là khi mà Phật giáo và các tôn giáo kia đã có thời gian phát triển cả mấy nghìn năm, và ở đó đã hình thành một bộ rất hoàn thiện và phong phú các loại lập luận, các ví dụ, các câu chuyện dẫn dắt mà người tu đó cảm thấy rất là hay, rất cuốn hút, dễ thông tình đạt lý, rất là khớp với mục đích mà mình cho là đúng.

Không nhận ra đã vi phạm đạo lý “bất nhị pháp môn”, không thực sự theo đúng tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư” như thế, thì người tu này khó có thể đạt đến cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp”. Dù học Pháp nhiều bao nhiêu cũng rất khó vượt qua, bởi vì trong quá trình học Pháp của Pháp Luân Đại Pháp, thì đồng thời cũng tiếp thu những lập luận, những kiến giải của Phật giáo hay tôn giáo khác. Mỗi khi đo lường và đối đãi việc gì, thì đã lẫn những thứ của môn khác vào đó mất rồi, cho nên dù học Pháp bao nhiêu lâu rồi vẫn không đạt được cảnh giới từ Pháp nhận thức Pháp.

Vì tu nhiều năm mà không đạt đến cảnh giới ấy, nên Pháp không hiển lộ nội hàm cao hơn cho người đó; vậy là người đó không ngộ ra nội hàm sâu hơn của Pháp Chân-Thiện-Nhẫn, và rốt cuộc không đột phá được nhận thức “mục đích” thấp ấy, vẫn cứ mãi lầm tưởng rằng tu luyện chính là để từ bỏ nhân tâm. Người đó có thể cảm thấy học Pháp nhiều và ngộ ra được rất nhiều điều sâu sắc trong Phật giáo hoặc tôn giáo khác, nên có ảo giác là mình đang tiến bộ. Đây chính là vòng lặp khó thoát mà tôi đang muốn nói đến. Theo tôi đây cũng là thuộc về trường hợp mà trong bài «Tiến về viên mãn» được Sư phụ miêu tả là “không thể tính là đệ tử của tôi”.

Nếu để lâu, và người này bước ra hồng Pháp, thì chính là sẽ đi đúng vào vết xe “bài học giáo huấn quan trọng bậc nhất trong lịch sử” nêu trên, tức là truyền đạt lẫn lộn những điều của Phật giáo hay tôn giáo khác vào trong Pháp Luân Đại Pháp.

Trước khi trở thành học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi cũng đã từng tu luyện theo Phật giáo. Sau khi hiểu được “từ Pháp nhận thức Pháp”, thì tôi cũng phát hiện rằng mình là có vấn đề này; không nặng, nhưng mà là có. Rất khó giải quyết. Cuối cùng tôi quyết định là giải theo cách này: Mỗi khi học Pháp như đọc sách hay nghe hoặc xem bài giảng Pháp Quảng Châu thì tôi đặt vào trạng thái quên hết. Cụ thể là, thông thường khi ta học Pháp, khi nghe câu này thì có khi trong đầu đã nhớ sang câu sau. Nhưng mà, khi nhớ như thế thì cũng nhớ luôn cả Pháp của môn khác. Tôi quyết định là học theo kiểu là quên. Tức là đặt mình vào trạng thái không biết gì mà học Pháp, có nhớ ra bất kể cái gì thì phải bỏ đi như chưa từng biết. Người ta học để nhớ thêm, còn tôi thì quên đi để học như mới. Trải qua liên tục khoảng nửa năm thì thành công. Đột nhiên tôi hiểu được Pháp theo cách mà hoàn toàn không bị lẫn môn khác vào. Không phải là mình quên đi thì sẽ phí công đã học trước đó đâu. Mà là tự nhiên hiểu ra mọi thứ theo đúng cách mà nó nên được hiểu.

Cũng nhờ thế mà tôi nhìn ra vòng lặp khó thoát nói trên. Trong vòng lặp ấy, thì khâu cho rằng “mục đích” tu luyện là để buông bỏ nhân tâm chính là khâu có vấn đề. Cũng là vì lý giải một cách không thích đáng Pháp mà Sư phụ giảng. Phân tích cụ thể như sau.

Nhân tố tu luyện phản ánh vào cuộc sống ở xã hội nhân loại

Chúng ta tu luyện ở xã hội người thường, và nhân tố tu luyện —vốn dĩ ở tầng thứ cao hơn người thường, thậm chí là từ tầng thứ rất cao— cũng được phản ánh vào cuộc sống của chúng ta ở đây. Lấy ví dụ về một câu hỏi điển hình mà học viên mới hay hỏi: Tôi theo Pháp Luân Đại Pháp, và tôi cảm thấy nếu nhường nhịn đồng nghiệp ở cơ quan khi họ bắt nạt mình thì cũng được thôi, nhường một chút không sao cả. Hàng xóm bên cạnh bắt nạt mình, thì tôi cảm thấy mình nhường nhịn họ, thế cũng không phải là không làm được. Nhưng mà nhường họ xong thì họ cảm thấy mình hiền lành quá, họ lại bắt nạt mình tiếp thì sao?

Trường hợp gặp câu hỏi kiểu này thì tôi thường trả lời đùa rằng: Nếu thế thì không tu lên được. Tại sao? Tại vì dùng cái Lý của tầng thấp để lý giải sự việc, thì không cách nào tu lên tầng cao, kiểu như đến đại học mà vẫn học theo sách tiểu học vậy. Chỉ có thể tu lên nếu người đó biết cách áp dụng Pháp ở cao tầng vào đây. Dĩ Pháp vi Sư, người ấy nghĩ, họ bắt nạt ta có thể là vì ta nợ họ, nợ từ đời trước hoặc đời này, giờ ta nhường một lần thì nợ bớt đi rồi, nhường vài lần thì hết nợ rồi, nhường nữa thì họ nợ ta và họ sẽ không bắt nạt ta được nữa. Ấy là nói ví dụ thế, chứ không nhất định phải suy nghĩ theo kiểu ấy. Là ý muốn nói rằng, nếu người đó biết cách theo tôn chỉ dĩ Pháp vi Sư mà dùng Pháp Lý cao hơn, thì mới có thể tu lên cao.

Các khảo nghiệm dù diễn ra giống như các sự việc cõi người nơi đây, nhưng nếu có Pháp ở cao tầng chỉ đạo, thì sẽ nhìn ra nhân tố tu luyện xuất phát từ tầng rất cao đang phản ánh vào trong đó. Đây là có an bài. Khi an bài nhân tố tu luyện từ tầng cao ánh xạ vào tầng thấp này, thì sẽ nhất định là gắn vào cái gì đó ở tầng thấp này. Nếu không gắn vào thì hiển nhiên không phản ánh xuống tầng thấp này được.

Cụ thể là: Cái ta cần lựa chọn bỏ đi ở tầng thứ cao sẽ là gắn vào cái nhân tâm chấp trước ở tầng thứ thấp này. Như vậy, khi ta bỏ cái nhân tâm ấy, thì ta thực sự được tính là đã tu ở tầng thứ rất cao kia, chứ không phải chỉ là đơn thuần là bỏ cái nhân tâm ở tầng thấp này. Nhưng tiền đề là phải từ Pháp mà nhận thức được những điều trên kia và nhìn ra ánh xạ ấy thì mới được. Để minh họa rõ ý này, xin dẫn ví dụ như sau.

Một học viên phát tờ rơi về vấn đề mổ cướp tạng, và học viên này bị công an bắt vào đồn. Người học viên này trình bày các quan điểm về nhân quyền, về bản chất tà ác của ĐCSTQ, v.v., và sau đó công an hiểu ra nên không làm khó dễ nữa, và học viên trở về nhà.

Phân tích. Nếu học viên này chỉ nói nhân quyền là nhân quyền thôi, thì học viên này chỉ là có phúc phận. Nếu khi mở miệng nói mà đồng thời buông bỏ các nhân tâm nổi lên —tâm sợ hãi, tâm cầu danh, tâm tranh đấu, v.v.— thì học viên này chính là tu được ở tầng thứ buông bỏ nhân tâm. Bề ngoài vẫn chỉ là nói chuyện thôi, nhưng thực ra đã được tính là tu ở tầng đó rồi đấy. Nếu học viên này xác định rằng công an kia thực ra là bị nhân tố tà ác thao túng, vừa mở miệng nói chuyện nhân quyền vừa phát chính niệm diệt trừ tà ác ở không gian khác, thế thì học viên đó được tính là đang tu ở tầng thứ tương ứng. Nếu học viên đó hiểu được đây là an bài của cựu thế lực rằng là thế này thế kia, và toàn bộ công việc bước ra phát tờ rơi giảng chân tướng là để phá trừ an bài ấy như thế nào, thì tức là học viên ấy đang tu ở tầng thứ còn cao hơn nữa. Nếu học viên này hiểu rõ được bản chất an bài cựu thế lực và cần phá trừ ra sao là do sự khác biệt của Pháp Lý cũ và Pháp Lý mới, và hiểu được chỗ khác biệt đó là ở đâu, và khi mở miệng nói chuyện về nhân quyền thì có phản ánh của Pháp Lý vũ trụ mới vào lời mình nói, thế thì học viên này đã tu ở tầng rất cao, đã bước ra được bước đi xuất ra khỏi vũ trụ cũ mà bước sang vũ trụ mới.

Biểu hiện vẫn chỉ là mở miệng nói chuyện về nhân quyền thôi, nhưng mà tu được ở tầng thứ nào, thì là ở cái tâm. Dĩ Pháp vi Sư, tuân chiếu Pháp Chân-Thiện-Nhẫn, Pháp của vũ trụ mà thành tựu bản thân mình. Đương nhiên, tu luyện theo cách này trở thành có nghĩa và có thể thành công là vì, trong việc người công an bắt học viên Pháp Luân Công là đã có một phản ánh xâu chuỗi suốt từ tầng rất cao xuống đến nơi xã hội nhân loại này. Người học viên cần từ Pháp mà nhìn ra phản ánh đó, nhìn ra nhân tố tu luyện trong đó, từ đó mà tu lên.

Đương nhiên, chỉ một việc lẻ tẻ thì không đủ. Nếu học viên này tại các việc đụng phải trong đời —khi gặp mâu thuẫn, trong giao tiếp giữa các đệ tử đồng môn, trong các vấn đề hạng mục hay phối hợp chỉnh thể cộng đồng học viên, v.v.— hết thảy đều có thể làm được như thế ở một tầng thứ rất cao nào đó, thì học viên ấy được tính là đã đang tu ở tầng thứ đó rồi.

“Toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người”, như trích dẫn trong «Chuyển Pháp Luân» bên trên, và tôi hiểu câu ấy là, chính là có an bài nhân tố tu luyện tầng tầng lớp lớp từ rất cao xâu chuỗi phản ánh vào các nhân tâm. Do đó biểu hiện ra là quá trình tu luyện chính là quá trình buông bỏ nhân tâm. Nhưng mà nếu học viên lý giải rằng, tu luyện chỉ bỏ hết nhân tâm là xong, thế thì chỉ có thể đắc quả vị La Hán là hết, vì không nhìn ra nhân tố tu luyện ở các tầng thứ cao hơn đang được phản ánh vào đó. Không nhận ra nhân tố tu luyện ở tầng thứ cao hơn, thì hiển nhiên không cách nào tu lên cao hơn được. Hiểu như thế là chưa hiểu đúng ý của Pháp mà Sư phụ giảng đâu.

Như vậy trong tình huống nêu ra ở mục trước, thì ấy là, vì hiểu chưa đúng như thế, nên một số học viên cứ tưởng rằng “mục đích” tu luyện chỉ là buông bỏ nhân tâm, cho nên không thoát ra khỏi vòng lặp nêu trên.

Theo tôi hiểu, tương lai, nhân loại và Tam giới cũng là có tồn tại phản ánh kiểu thế này; vì nhân loại và Tam giới ở vũ trụ mới sẽ là nơi mà lưu tồn cơ hội tu luyện phản bổn quy chân, tu luyện quay trở về. Nhân loại và Tam giới là có quan hệ như thế với các tầng thứ cao hơn.

Theo tôi hiểu, có một tình huống khác mà cũng có cách thức an bài phản ánh từ trên xuống dưới khá là tương tự: Con người lựa chọn tương lai.

Khi kỷ nguyên mới bắt đầu, thì có cái được giữ lại và có cái bị đào thải. Trong Chính Pháp lần này thì con người có được cơ hội tự mình lựa chọn tương lai. Nhưng mà con người không hiểu Pháp ở tầng thứ cao; các khái niệm vũ trụ cũ mới thế nào thì trong đầu họ hoàn toàn không có; thậm chí rất nhiều người là thuộc loại vô thần; và còn nhiều người hơn nữa tuy không phải vô thần nhưng mà nhận thức về Thần đã biến dị rất nhiều rồi. Thế thì bảo họ lựa chọn tương lai thì họ chọn thế nào?

Có an bài rằng những nhân tố các tầng thứ khác nhau các không gian khác nhau được phản ánh vào nhân loại nơi đây. Tất cả những gì mà chú định bị đào thải sẽ đều phản ánh vào phe cánh ĐCSTQ. Ở nơi xã hội nhân loại này, ĐCSTQ phạm tội ác đối với nhân loại. Con người có thể không hiểu Pháp ở tầng thứ cao, nhưng họ nhất định hiểu được cuộc đàn áp Pháp Luân Công là thế nào. Hễ họ lựa chọn ủng hộ Pháp Luân Công hoặc lựa chọn phe cánh ĐCSTQ, thì điều ấy được tính là lựa chọn tương lai cho mình rồi.

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, chắc chắn còn rất nhiều hạn chế. Có gì chưa thích đáng mong được các đồng tu từ bi chỉ ra.

*
*     *

Dĩ pháp vi Sư (bài 1/5): https://vn.minghui.org/news/131887-di-phap-vi-su.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 2/5): https://vn.minghui.org/news/131890-di-phap-vi-su-2.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 3/5): https://vn.minghui.org/news/131893-di-phap-vi-su-3.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 4/5): https://vn.minghui.org/news/131896-di-phap-vi-su-4.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 5/5): https://vn.minghui.org/news/131899-di-phap-vi-su-5.html

Share