Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 27-6-2019] Dĩ Pháp vi Sư, lấy Pháp làm Thầy, là tôn chỉ nền tảng mà tôi tuân theo suốt chặng đường tu luyện những năm qua. Xin chia sẻ với các quý đồng tu về chủ đề này qua quá trình tu luyện dần dần từng bước đề cao.

Tôn chỉ nền tảng trong tu luyện

(1) Một học viên bắt đầu học Pháp Luân Đại Pháp, thì cần phải học Pháp. Sư phụ có vô số học viên trên thế giới, Ngài không gặp mặt trực tiếp từng người, và Ngài dùng phương thức công bố những điều mà Ngài muốn truyền đạt cho học viên của mình qua các bài viết hay bài giảng theo hình thức văn bản hoặc video/audio, v.v., cũng được gọi là Pháp. Do vậy, muốn học Pháp Luân Công thì ắt phải học Pháp. Nếu không, thì chính là không học được. Những ai đến với Pháp Luân Đại Pháp mà nói: “tôi chăm chỉ luyện công là được rồi, chứ không cần coi trọng đọc sách”, thế thì chính là đi học nhạc mà bảo tôi chơi đàn hay là được rồi chứ không học cách đọc bản nhạc như thầy yêu cầu, đi học vẽ mà không học kỹ thuật hội họa cơ bản, đi học múa mà không luyện chân, v.v., tức là chính là không học được. Nghĩa là tu luyện thì ắt phải học Pháp. “Dĩ Pháp vi Sư”, một trong những tôn chỉ nền tảng, là được bắt đầu một cách tự nhiên như thế.

(2) Đương nhiên, không phải học rồi bỏ đấy như một mớ lý thuyết suông. Học viên cần phải biết dùng Pháp để đo lường và đối đãi các việc trong đời. Ý này được Sư phụ nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần:

“Người thường nói tốt ấy không nhất định là tốt; người thường nói xấu ấy cũng không nhất định là xấu. […] Là người tu luyện, thì phải dùng đặc tính vũ trụ mà nhận định, thì mới có thể phân biệt ra cái gì là thật sự tốt và thật sự xấu.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Như vậy, nếu không có ý thức vận dụng Pháp để đo lường chính-tà thiện-ác đúng-sai, không biết dùng Pháp để đối đãi các việc, thì không thể nào tự nhận là học viên Pháp Luân Đại Pháp được. Dù có rất thích giáo lý Chân-Thiện-Nhẫn đi nữa, thì cũng chỉ có thể là tự nhận là một “người hâm mộ” Pháp Luân Công, chứ không thể tự nhận là “học viên” Pháp Luân Công. Không làm theo Pháp mà Pháp Luân Đại Pháp dạy, thì hiển nhiên không thể nào tự nhận là người theo học Pháp Luân Đại Pháp được. “Dĩ Pháp vi Sư” cũng là tôn chỉ nền tảng của người đệ tử theo góc nhìn này.

(3) Nếu người học viên tiếp tục thực hành đúng tôn chỉ này, lấy Pháp Chân-Thiện-Nhẫn để đo lường sự việc. Bắt đầu từ các việc lẻ tẻ, rồi dần dần nhiều việc hơn, và cho đến lúc hầu như việc gì trong đời cũng dùng Pháp để đo lường và đối đãi, thế là người đó đạt tới cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp” như được Sư phụ viết trong bài «Tiến về viên mãn, Tinh tấn yếu chỉ II». Ý chia sẻ này đã được viết rõ trong phần sau của bài “Trân quý Pháp”[1], nên không nhắc lại chi tiết ở đây nữa.

Khi mới tham gia Pháp Luân Công, mà nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, thì dù người đó thông tuệ đến đâu, dù đã tu luyện môn nào đó chưa, thì nội hàm của chữ “hảo” ấy vẫn là căn cứ theo quan niệm của người đó, chứ không thể từ Đại Pháp; vì là người mới mà. Nhưng nếu khi học viên này chăm chỉ “dĩ Pháp vi Sư”, dần dần đạt đến trạng thái lấy Pháp để đo lường và đối đãi mọi việc, thì nội hàm của chữ “hảo” ấy chính là từ Pháp mà người đó hiểu, tức là học viên đó đạt tới cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp”. Cảnh giới này là từ tu mà có được theo cách như vậy.

Đây là điểm xuất hiện một chuyển biến mang tính đột phá trong tu luyện như sau.

Học hiểu Pháp

“Từ Pháp nhận thức Pháp” là một trong những điều kiện tiên quyết để học viên có thể học hiểu Pháp, ý là nói, hiểu được nội hàm của Pháp. Nói nôm na thế này, giả sử có công năng có thể biết ngày mai xổ số giải nhất là bao nhiêu, nhưng mà người tu kia tâm tính chưa đủ, vẫn còn tham tiền tài, thế thì người ấy không thể nào có được khả năng đó. Đồng dạng đạo lý ấy, nếu một học viên vẫn ở trạng thái thế này: “con cảm ơn Sư phụ vì tất cả những gì Ngài ban cho con, giờ con đã có được một gia đình hạnh phúc như hằng mong đợi”, “cuốn «Chuyển Pháp Luân» là cuốn sách vô giá, nhờ đó mà tôi hiểu được những thắc mắc lâu nay không giải được trong kinh điển Phật giáo”, v.v.; nếu là như thế, thì học viên này chưa tới cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp”, và vẫn đang dùng quan niệm ngoại lai để đo lường Pháp; cho nên không thể hiểu ra được nội hàm cao thâm của Pháp.

Một người kia vẫn dùng cái đấu để đo biển thì có thể đo được không? Biển không thể đo bằng đấu. Muốn hiểu được biển thì chỉ có thể tới sống ở ven biển. Tương tự, nếu chưa đạt tới cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp”, thì không hiểu Pháp. Đương nhiên, không thể nói mọi thứ quá tuyệt đối. Nhưng đạo lý chung thì chính là thế này. Khi chưa đến cảnh giới này, thì nếu học Pháp đúng cách thì vẫn là có thu hoạch, nhưng chủ yếu là thu hoạch về đạo lý ở tầng thấp, đạo lý nền tảng, có thể chỉ đạo để người đó đạt tới cảnh giới từ Pháp nhận thức Pháp, chứ khó có thể hiểu được nội hàm thâm sâu hơn.

Điều Sư phụ giảng là Pháp, điều đệ tử học là Pháp

Để minh họa rõ hơn trạng thái tu luyện này, thì tôi xin dựa theo trải nghiệm cá nhân, mà đưa ra một miêu tả một cách thô thiển về các giai đoạn.

Giai đoạn 0: Học Pháp Luân Công là vì sức khỏe, vì tri thức, hay vì gì đó. Sau khi học Pháp Luân Công, phát hiện có hiệu quả sức khỏe, cho nên rất thích. Trong giai đoạn này thường biểu hiện sẽ là thích nói và thích nghe những gì “hiệu nghiệm” “thần kỳ”, kiểu như: “Bạn hãy nhẩm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” mỗi khi có khó khăn, và sẽ thấy vô cùng hiệu nghiệm”, “tôi từng ở tình huống ma nạn giống bạn, thế là tôi bèn đến nhóm học Pháp để nương nhờ trường năng lượng mạnh mẽ của mọi người và quả nhiên đã vượt qua được ma nạn ấy”, “khi ấy tôi lập chưởng phát chính niệm mạnh mẽ, đặt niềm tin tuyệt đối vào Sư phụ và niệm rằng con xin Sư phụ hãy giúp con thế này thế này”, v.v.

Tất nhiên, rất có thể tất cả những chia sẻ đó đều đúng thực tế khách quan. Nhưng mà nhận thức về Đại Pháp kiểu ấy thì có lẽ điều đó nói lên rằng, người này chưa phải là người tu, vì cái tâm vẫn đặt trọng tâm vào hướng ngoại mà thôi. Cho đến lúc nào đó, người ấy phát hiện ra, cách “hiệu nghiệm” nhất và “thần kỳ” nhất kỳ thực chính là hướng nội tìm chỗ thiếu sót của mình và buông bỏ các tâm chấp trước. Thế thì người đó bước tiếp sang giai đoạn 1.

Giai đoạn 1: Hướng nội tìm, tu bỏ các tâm chấp trước của người thường. Người học hiểu được tu ở đây chính là tu tâm. Những chia sẻ thuộc loại “thần hiệu” như trên không còn đem lại hứng thú nữa, vì chúng không phải tu tâm. Những khó nạn trong đời là xuất phát từ nghiệp, mà nghiệp là do tâm không tốt dẫn đến hành xử không tốt mà thành. Phát thiện tâm, tu tâm, chịu khổ, trả nghiệp, tâm thanh tịnh, vô vi, vô lậu, v.v., tự nhiên trở thành những gì mà người tu này theo đuổi.

Khi hồng Pháp cho học viên mới, người tu này cũng dẫn dắt sao cho người ta đến với Đại Pháp là để tu tâm, chứ không phải vì cầu sức khỏe, hay cầu gì đó. Vì người tu ấy biết rằng giai đoạn 0 thực ra không phải tu luyện. Giai đoạn 0 tuy có thể đem lại những lợi ích nhất định, nhưng lợi ích đó rất nhỏ, tiến bộ rất chậm; ngoài ra nếu hiểu sai và truy cầu quá đi thì có khi còn làm ra những gì không đúng với Pháp, kết quả có khi còn không tốt. Cho nên, hễ hồng Pháp thì chú trọng dẫn dắt người ta đọc sách và biết thế nào là tu tâm. Chỉ có tu tâm thì mới có tiến bộ tâm linh một cách đúng nghĩa.

Sau khi tâm đã thuần khiết hơn do các chấp trước và truy cầu thô thiển đã được bỏ đi, đồng thời hiểu được những đạo lý cơ bản của Đại Pháp, thì như trình bày bên trên, nếu người tu này tuân thủ đúng tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư” thì nhất định sẽ tới cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp”, và tu luyện chuyển sang giai đoạn 2. Nếu tu nhiều năm mà không đạt cảnh giới từ Pháp nhận thức Pháp, thì chỉ có một lý do duy nhất: Người này không thực hành tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư”; và người ấy sẽ thuộc vào trường hợp mà trong bài «Tiến về viên mãn» được Sư phụ miêu tả là “không thể tính là đệ tử của tôi”.

Giai đoạn 2: Bắt đầu hiểu được nội hàm cao thâm hơn, và khi hiểu được đủ nhiều và đủ sâu sắc, thì người tu hiểu ra rằng, điều Sư phụ giảng là Pháp và điều học viên chúng ta học là Pháp. Hướng nội bỏ tâm chấp trước ở giai đoạn 1, theo một nghĩa nào đó, chẳng qua chỉ là tạo nền tảng điều kiện cho giai đoạn 2 này. Phương thức tu luyện Đại Pháp là tu luyện độc nhất vô nhị, xưa nay chưa từng có, và e rằng tương lai sẽ không hoặc sẽ rất khó mà có lại phương thức tu luyện thế này. Nếu có giống thì e rằng cũng sẽ không giống được hết. Tại sao? Tại vì Pháp được giảng ra chính là Pháp vũ trụ, là đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ.

Pháp vũ trụ đã được giảng ra rồi, thì mục đích hiển nhiên là hãy học hiểu Pháp đó đi; và khi đó cái gọi là tiêu nghiệp, vô vi thanh tịnh, vô lậu không chấp trước, v.v., của giai đoạn 1 đều trở thành quá nhỏ bé, chúng chỉ đóng vai trò tạo nền tảng cơ sở mà thôi. Cần chúng là vì nếu tâm không đủ thuần khiết, vẫn còn lắm truy cầu, thì hiển nhiên sẽ không được phép hiểu biết Pháp ở các tầng cao hơn.

Vô lượng vô số con mắt đang chăm chú vào những gì diễn ra ở nơi đây, nhìn không chớp mắt, không muốn bỏ sót dù chỉ một niệm của đệ tử Đại Pháp, của chúng sinh nơi đây. Nếu tu luyện chỉ là để tâm thanh tịnh, sạch hết tâm người thường, thì quả vị cao nhất có thể đắc được là quả vị La Hán, và đương nhiên không có gì đáng để chư Thần ở vô lượng vô số các tầng thứ khắp vũ trụ quan tâm đến thế. Chính vì Pháp vũ trụ đang được giảng ra ở đây, và chính vì các đệ tử Đại Pháp đang học và thực hành cái đó như thế nào, mà chúng Thần mới quan tâm đến thế.

Kiên trì theo đúng tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư”, khi đến bước này, thì thông thường sẽ tự hiểu ra rằng phân chia giai đoạn như trên cũng là do chướng ngại trong tu luyện mà thành. Bài tiếp theo tôi sẽ chia sẻ nhận thức của mình về chướng ngại đó là gì và làm thế nào để vượt qua chướng ngại này, cũng là từ góc độ “dĩ Pháp vi Sư”.

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, chắc chắn còn rất nhiều hạn chế. Có gì chưa thích đáng mong được các đồng tu từ bi chỉ ra.

*
*     *

Dĩ pháp vi Sư (bài 1/5): https://vn.minghui.org/news/131887-di-phap-vi-su.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 2/5): https://vn.minghui.org/news/131890-di-phap-vi-su-2.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 3/5): https://vn.minghui.org/news/131893-di-phap-vi-su-3.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 4/5): https://vn.minghui.org/news/131896-di-phap-vi-su-4.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 5/5): https://vn.minghui.org/news/131899-di-phap-vi-su-5.html


[1] Trân quý Pháphttps://vn.minghui.org/news/123751-tran-quy-phap.html

Share