Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 21-10-2020] Xin phép mở bài bằng trích dẫn một đoạn Pháp mà Sư phụ giảng năm 2003:

Hỏi: Trong lớp chín ngày cho học viên mới dạy phát chính niệm, có cần chú ý đặc biệt gì?

Sư phụ: Thực ra không nên bảo học viên mới phát chính niệm, (cười) bởi vì lúc đó năng lực của họ chưa lớn như thế, vì rốt cuộc họ vừa mới học Pháp, họ cần có một quá trình. Không nên gấp rút bảo họ phát chính niệm.

(Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York 2003, Giảng Pháp tại các nơi III)

Thể ngộ của tôi là không nên thay Sư phụ dạy phát chính niệm cho học viên mới. Học viên mới vẫn là cần thông qua quá trình học tập từng bước: Đọc «Chuyển Pháp Luân» ít nhất 5 lần hoặc 3 lần để nắm được những khái niệm cơ bản của môn phái chúng ta đã, sau đó đọc Kinh Văn —và cũng là nên đọc thuận theo thứ tự thời gian— và đến khi học đến phần Sư phụ giảng về phát chính niệm —Kinh Văn sau năm 2000, đọc tối thiểu đến những bài giảng năm 2005 về khái niệm “tà linh”— thế thì mới bắt đầu nói chuyện “phát chính niệm” được. Khi đó học viên mới, mà lúc đó có lẽ cũng không còn là “rất mới” nữa, là đã thông qua học Pháp của Sư phụ mà đạt được nhận thức về vấn đề này rồi, thế thì khi đó mới trao đổi, chia sẻ, và cùng tham gia hoạt động phát chính niệm.

Nếu một học viên mới chưa học phần Sư phụ giảng về phát chính niệm, thậm chí có người còn chưa đọc trọn vẹn một lần cuốn «Chuyển Pháp Luân», thế mà đến điểm luyện công, lại được “học viên cũ” ở đó bảo rằng hãy phát chính niệm thế này thế này, hoặc là bằng cách hướng dẫn đôi câu ba lời, hoặc là bằng cách đưa cho một tờ giấy bảo về nhà đọc đi, v.v. Có những học viên mới vì thế mà cho rằng chủ đề phát chính niệm tất cả chỉ là vậy. Những tình huống như thế thì tôi cho rằng đó đều là thay Sư phụ dạy phát chính niệm cho học viên mới.

Qua quan sát, tôi cho rằng nếu thay Sư phụ dạy phát chính niệm cho học viên mới thì có thể xuất hiện 2 vấn đề như sau.

Thực hiện phát chính niệm không đúng

Chúng ta đều biết, phát chính niệm mà không đúng thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng không tốt đến việc tu luyện của chính học viên thực hiện.

Phát chính niệm là chủ đề không nhỏ trong tu luyện. Riêng về phương diện “phương pháp”, thì có thể xem như là một cơ chế điều động công năng, và còn hơn thế nữa. Xin phép trích dẫn một đoạn Sư phụ giảng về phát chính niệm và điều động công năng, trả lời thắc mắc của học viên quan tâm về vẽ tranh liên quan đến chủ đề này:

Đệ tử: Đệ tử Đại Pháp tham dự Chính Pháp ở không gian khác, họ cũng là với hình tượng Phật, Đạo, Thần, cũng là có cùng loại hình tượng với chư Phật, Đạo, Thần khác hay không?

Sư phụ: Hình tượng thì là như thế. Đệ tử Đại Pháp chỉ là chứng thực Pháp ở nơi người thường, còn bên kia về cơ bản là bất động; tuy nhiên khi phát chính niệm thì có thể điều được công năng ở bên kia. Khi chứng thực Pháp thì cơ bản đều là chủ thể bên này làm, khi chính niệm mạnh mẽ thì có thể điều động năng lượng cũng như pháp khí và thần thông, thông thường là như vậy.

Đệ tử: Thế thì họ chỉ có thể ngồi ở đó thôi phải không?

Sư phụ: Là vì không cho phép khi không có chủ thể ở đó mà lại tự vận động. Bởi vì sau khi chủ thể tu thành xong thì sẽ động theo chủ thể, còn trong tình huống không có chủ thể mà nó tự mình vận động thì bằng như bộ phận đó tự chủ rồi, phải không? Thế thì chẳng phải đã là một sinh mệnh khác? Thay thế cả chư vị, thao túng ngược trở lại, như thế có được không? Những thứ tu được thì thảy đều không là chư vị nữa, như thế không thể được, do vậy phải là chủ thể đã hoàn thành hết thảy rồi thì sau đó mới hợp thành nhất thể. Nói một cách khác, cánh tay của chư vị mà tự nó vận động, không khống chế được nữa, thì nó có còn là của chư vị nữa không? (mọi người cười)

Đệ tử: Bên kia bất động thì làm các việc như thế nào?

Sư phụ: Thật sự làm các việc thì đó là chư vị chứng thực Pháp ở thế gian con người này, chính là chư vị ở đây phát chính niệm, chư vị khi giảng chân tướng cứu độ con người thế gian. Chính niệm mạnh mẽ thì có thể điều động năng lượng của chư vị, các tầng thứ khác nhau đều có năng lượng, pháp khí, và công của các tầng thứ khác nhau, chính niệm càng mạnh thì điều động được năng lượng càng lớn. Cũng có một số học viên có thể ‘nguyên thần xuất xác’, ‘nguyên thần ly thể’, trong Chính Pháp cũng có thể khởi tác dụng. Có thể nguyên thần xuất ra khỏi thân xác ấy là những ai có thể làm chủ phần Thần thể đã tu xong.

(Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật 2003, Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác Âm nhạc và Mỹ thuật)

Lưu ý, đây là cách điều động công năng khác với cách mà Sư phụ đã giảng trước đó (trước khi cuộc đàn áp nổ ra năm 1999). Khi người tu luyện mà xuất công năng, nhưng mà tâm tính chưa đủ, thì phần công năng đó bị khóa lại, không dùng được. Chỉ khi tâm tính đề cao đến trình độ tương ứng, và tiến trình tu luyện của cá nhân người đó là thích hợp như thế, thế thì công năng đó mới được khai mở. Khi ấy, công năng là được ý niệm của người đó điều khiển trực tiếp, tựa như ý niệm điều khiển chân và tay của bản thân mình vậy.

Đối với người luyện công mà xét, thì ý niệm chỉ huy công năng người ta để thực hiện các việc; còn đối với người thường mà xét, thì ý niệm chỉ huy tứ chi, các giác quan để làm các việc. (Chuyển Pháp Luân, Bài Giảng Thứ Chín)

Tóm lại, muốn dùng được công năng nào đó thì phải có tâm tính tương ứng, tối thiểu là như vậy. Giả sử như có công năng có thể biết vé xổ số giải nhất ngày mai là bao nhiêu, thế thì khi chưa có tâm tính tương ứng, thì dù luyện ra công năng ấy rồi cũng sẽ không được dùng. Cơ chế này đòi hỏi phải có tâm tính rất cao, cho nên, số người dùng được công năng sẽ không nhiều. Đương nhiên, ở đây không tính các công năng thuộc trạng thái “chỉ nhìn xem chứ không làm gì”, kiểu như nhìn thấy ánh sáng mông lung ở không gian khác, nghe âm nhạc từ không gian khác, nhìn thấy một số vật thể hay sinh mệnh ở không gian khác, v.v. Nhưng chỉ nhìn chỉ nghe chứ không thực sự làm gì có thể tác động hay thay đổi cái gì bên ngoài, có thể tăng thêm tín tâm tu luyện chứ không nhất định tạo ra sự thay đổi gì; những công năng loại này thì số học viên có thể làm được là khá nhiều.

Sau khi cuộc đàn áp nổ ra ở Trung Quốc, Sư phụ mở ra phương thức mà hầu hết các học viên đều làm được, và Sư phụ cũng bảo các học viên cùng làm —phát chính niệm và phát chính niệm tập thể— nghĩa là yêu cầu về tâm tính sẽ không cao đến thế. Như vậy, ai tâm tính chưa đủ thì vẫn có thể điều động công năng, nhưng không phải là dùng ý niệm trực tiếp điều khiển một cách tự do như ý như là dùng ý niệm điều khiển chân tay. Tức là đây là cơ chế khác với cơ chế được giảng trước năm 1999. Ít nhất về hình thức bề ngoài, thì khi phát chính niệm là có câu chú. Ví như mở cửa mà trực tiếp giơ tay mở thì đó là điều động trực tiếp, tự do như ý; còn mở cửa mà thông qua câu chú kiểu như “vừng ơi mở cửa ra” rồi cửa mới mở, thì đó là gián tiếp, cần thông qua câu chú để điều động.

Phàm đã là một cơ chế điều động công năng —tối thiểu là như vậy, kỳ thực còn hơn cả thế nữa— thế thì “phát chính niệm” đã là chủ đề mà không thể nào thông qua đôi câu ba lời mà truyền đạt chuẩn xác cho học viên mới được.

Học viên mới đến điểm luyện công, được bảo rằng hãy để tay thế này, niệm trong đầu câu này, nghĩ trong đầu thế này, v.v. Là phát chính niệm rồi, và họ cho rằng phát chính niệm tất cả chỉ là như thế, thế thì, nếu họ không hiểu đúng, thực hiện sai đi thì làm sao bây giờ?

Có một học viên phát chính niệm cho con hết trớ —con mấy tháng tuổi có hiện tượng hay trớ sữa— và học viên này được các đồng tu góp ý rằng Sư phụ dạy phát chính niệm là để giải quyết vấn đề xuất hiện thời kỳ Chính Pháp chứ có phải là giải vấn đề trớ sữa đâu. Nhưng mà chả hiểu sao học viên này không tiếp thu góp ý. Mãi sau này mới thôi. Không rõ đó là vì học viên này tự hiểu ra vấn đề rồi thôi, hay là vì em bé lớn rồi, tự nó thôi trớ sữa nên thôi.

Trong bài giảng Pháp tại Canada 2001, khi Sư phụ lần đầu tiên yêu cầu quảng đại học viên phát chính niệm tập thể, Ngài đã căn dặn rất rõ ràng rằng không được dùng phát chính niệm vào mục đích khác đi, ai làm thì sẽ phải gánh chịu hậu quả:

Tuy nhiên nếu chư vị dùng để làm việc mà người tu luyện chẳng nên làm, thì không có tác dụng; niệm đầu vừa xuất hiện liền bị báo ứng hoặc rớt xuống tầng [dưới]. Hãy nhớ lấy! (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada năm 2001, Đạo Hàng)

Mục tiêu của phát chính niệm, hiểu nôm na là phái binh đi đánh địch, thì mục tiêu (địch) ấy là những gì. Bản thân mục tiêu của phát chính niệm là gắn chặt với tiến trình Chính Pháp, nghĩa là, người phát chính niệm phải hiểu được tiến trình Chính Pháp mà Sư phụ giảng, ít nhất là như thế, thì mới hiểu được mục tiêu của phát chính niệm, mới hiểu được tại sao những thứ đó được liệt kê vào danh sách mục tiêu của phát chính niệm. Mà muốn hiểu đúng điều này, thì nhất định phải học Pháp. Không ai có thể thay Sư phụ giảng dạy về chủ đề “tiến trình Chính Pháp” cho học viên mới được.

Có một lần chia sẻ nhóm về mục tiêu của phát chính niệm, chia sẻ nhận thức cá nhân về “lạn quỷ”, “hắc thủ”, “tà linh”, và “loạn thần”. Sau khi nghe chia sẻ xong, thì có học viên cảm thán rằng té ra thời gian qua toàn đọc nhầm, lẽ ra phải nói “hắc thủ lạn quỷ”, thì lại nhầm thành “hắc quỷ lạn thủ”. Đây hiển nhiên là tình huống phát chính niệm mà không thật sự hiểu rõ về mục tiêu của phát chính niệm. Ví như đem binh đi đánh địch, nhưng mà vấn đề “địch là ai” vẫn còn chưa rõ, thế thì thử hỏi đánh địch kiểu gì?

Cần thiết phải học Pháp, hiểu về tiến trình Chính Pháp, thế thì mới hiểu đúng về chủ đề “mục tiêu của phát chính niệm” này. Nhất là vấn đề “tà linh”. Không ít học viên mới vì không hiểu đúng về việc tại sao “tà linh” là một trong mục tiêu của phát chính niệm, và chính vì không lý giải được cho nên thậm chí có phản cảm về phát chính niệm. Do đó tôi có kiến nghị cá nhân là, tối thiểu đã học Pháp mà Sư phụ giảng trong giai đoạn từ 2000 đến 2006 (tức là giai đoạn đã giảng về “tà linh”), đây là tối thiểu, thì mới bắt đầu tính đến việc “phát chính niệm” được.

Biến phát chính niệm tập thể thành hoạt động mang tính hình thức

Biến hoạt động phát chính niệm tập thể thành một loại hoạt động mang tính hình thức, điều này tiềm ẩn hậu quả rất không tốt. Nếu một người làm điều gì đó trong trạng thái không hiểu bản chất việc mình làm, thế thì, nhất định người ấy sẽ biến việc làm đó thành một việc làm kiểu máy móc, hình thức, nghi thức.

Trong cuốn «Chuyển Pháp Luân», Bài Giảng Thứ Năm, Sư phụ có kể về một hiện tượng mà tôi cho rằng đây là hiện tượng do biến một hoạt động thành hoạt động mang tính nghi thức máy móc thuần túy:

Một bức tượng Phật lớn bằng đồng chế tạo tại Nam Kinh, [được] đưa đến đặt trên Đại Dữ Sơn ở Hồng Kông; tượng Phật rất to lớn. Nhiều hoà thượng trên toàn thế giới đến để khai quang tượng Phật này; trong đó có một hoà thượng hướng mặt tấm gương về phía Mặt Trời, để ánh sáng phản chiếu rọi lên mặt của tượng Phật [và] gọi đó là khai quang. (Chuyển Pháp Luân, Bài Giảng Thứ Năm)

Thích Ca Mâu Ni giảng rằng chính niệm, [đạt đến được] niệm kinh nhất tâm bất loạn, thì thật sự có khả năng tạo ra chấn động đến thế giới pháp môn tu của Ông, như thế mới mời được Giác Giả. (Chuyển Pháp Luân, Bài Giảng Thứ Năm)

“Khai quang” nguyên vốn là thỉnh mời Pháp thân của Thần Phật vào ngự trên tượng, mà đây vốn là việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Tuy rằng về lý thuyết thì có thể thông qua “niệm kinh nhất tâm bất loạn” là được, nhưng thực tế thì không phải ai cũng có thể làm. Không phải ai cứ cầm kinh của Phật Thích Ca lên, đọc kinh một lúc liền có thể thỉnh mời được Pháp thân của Phật Thích Ca, quá hiển nhiên rồi, đây phải là hòa thượng chân tu thế nào đó mới làm được thế.

Tôi hiểu rằng, trong Phật giáo khi đưa ra cơ chế nghi thức khai quang tập thể —dùng tập thể nhiều hòa thượng để tiến hành khai quang— là có lý do bên trong của mình. Nhưng mà phải quản lý tốt việc đó mới được. Nếu quản lý không tốt và dẫn đến việc những người tham gia nhưng không hiểu được ý nghĩa việc mà mình làm, do đó thực hiện một cách máy móc mang tính hình thức nghi thức, thế thì sớm muộn cũng xảy ra vấn đề. Lần đầu 100 người làm có cả 100/100 người đều hiểu, thế thì OK. Lần sau 90/100 người hiểu thôi, 10/100 là làm theo hình thức. Lần sau 80/100 người. V.v. Rồi thì đến khi tất cả đều không hiểu, đều chỉ là làm việc khai quang này như một hoạt động hình thức hay nghi thức gì đó, thế thì chẳng phải sớm muộn sẽ xảy ra vấn đề? Nào là có nơi cho rằng khai quang chính là chiếu ánh sáng vào tượng Phật, nào là có người cho rằng khai quang điểm nhãn chính bôi son chu sa vào mắt tượng, v.v. Tất cả biến dị ấy thảy đều xuất phát từ cái lý do gốc khi người ta biến hoạt động này thành hoạt động mang tính hình thức. Chính là như vậy đó.

Tôi cho rằng đạo lý này cũng đúng trong tình huống phát chính niệm tập thể.

Có học viên mới đến điểm luyện công, thấy ở đó người ta làm các tư thế nào đó, và học viên mới bèn hỏi: “Bác làm gì thế”. Thế là nhận được câu trả lời “Chúng tôi phát chính niệm”, rồi được hướng dẫn cách làm. Có không ít học viên mới đã tham gia hoạt động phát chính niệm tập thể theo cách ấy. Thực hiện trong khi chưa hiểu ý nghĩa, thế thì nhất định sẽ thực hiện việc đó kiểu hình thức mà thôi.

Trong một lớp 9 bài giảng, đã có học viên hỏi thế này: “Tôi là học viên mới, đi các nơi phát chính niệm tập thể thì thấy khác nhau. Có nơi niệm 1 câu chú, có nơi niệm 2 câu chú. Nơi nào giải thích nghe cũng chuẩn lắm. Tôi không hiểu thế nào mới đúng. Có người bảo tôi hãy đọc Kinh Văn, nhưng Kinh Văn nhiều quá nên tôi cũng vẫn chưa tìm hiểu kỹ. Hôm nay nhân dịp có lớp, vậy thì học viên cũ hãy thống nhất luôn cho các học viên mới chúng tôi là niệm 1 câu chú hay là niệm 2 câu chú. Chúng tôi cứ theo đó mà làm là được rồi, cùng vào phát chính niệm cho năng lượng nó mạnh.”

Tình huống đó rất khó trả lời. Vì vấn đề thực sự không nằm ở chỗ khi phát chính niệm tập thể là dùng 1 câu chú hay dùng 2 câu chú. Vấn đề thực sự chính là ở chỗ học viên đó đã coi việc phát chính niệm tập thể là một hoạt động mang tính hình thức, mang tính nghi thức. Nếu là như thế, thì cũng giống như ví dụ về khai quang nói trên, sớm muộn việc phát chính niệm tập thể cũng xảy ra vấn đề. Mà một phần lớn nguyên nhân là việc “học viên cũ” thay Sư phụ dạy phát chính niệm cho học viên mới.

Nếu không chỉnh lại chỗ này, nếu cứ để đông đảo học viên làm phát chính niệm theo hình thức máy móc như vậy, thì sớm muộn cũng xảy ra vấn đề thuộc loại “chiếu ánh sáng vào tượng”; đó là nhất định. Hiện nay vấn đề chưa lộ ra, chẳng qua là vì chưa đến lúc.

Nhân dịp viết bài chia sẻ về chủ đề này, thì cũng thuận tiện chia sẻ luôn nhận thức cá nhân về vấn đề “1 câu chú hay là 2 câu chú” nêu trên.

Câu chú số hai là dành cho tình huống cụ thể, thông thường không dùng khi phát chính niệm tập thể

Có 2 câu chú phát chính niệm: (i) Pháp Chính càn khôn, tà ác toàn diệt; và (ii) Pháp Chính thiên địa, hiện thế hiện báo [1]. Phát chính niệm tập thể, ấy là chủ yếu nói về phát chính niệm đồng bộ toàn cầu mỗi ngày, theo như thông báo của Minh Huệ: Yếu lĩnh phát chính niệm và thời gian phát chính niệm đồng bộ toàn cầu [2].

Ngay trong Thông báo đó, có đoạn giải thích rõ về mục (2) của Thông báo. Nội dung của mục (2) và phần giải thích đó như sau:

[…]

(2) cũng có thể nhắm vào một hai mục tiêu cụ thể;

(3) […] cũng có thể tuỳ nhu cầu bản thân mà niệm thêm “Pháp Chính thiên địa, hiện thế hiện báo” […]

[…]

Về mục (2) nói trên, cũng là trước khi niệm khẩu quyết và niệm chữ “diệt”, có thể căn cứ theo tình hình cụ thể của địa phương mà niệm thêm một niệm. Ví dụ: thanh trừ tà ác tại một trại cưỡng bức lao động hoặc một lớp tẩy não nào đó, bắt một kẻ ác nhân nào đó phải “hiện thế hiện báo” (chịu quả báo ngay trong đời này), v.v. Nhưng nhất định phải chú ý: mục tiêu cụ thể không được quá nhiều, quá chi li, nếu không niệm phát ra sẽ lâu quá, lỡ mất thời gian phát chính niệm đồng bộ cùng mọi người, hơn nữa nếu tâm không tĩnh lại được thì không khởi được hết tác dụng của phát chính niệm, và nếu chỉ vì việc cụ thể thì cũng có thể làm hạn chế tác dụng và phạm vi phát huy phát chính niệm của bản thân mình.

(Thông báo của Minh Huệ: Yếu lĩnh phát chính niệm và thời gian phát chính niệm đồng bộ toàn cầu)

Thể ngộ của tôi là, mục (2) trong thông báo là phần không bắt buộc, là phần thuộc loại tùy vào tình hình cụ thể để nhắm vào một số mục tiêu cụ thể; và tác động “hiện thế hiện báo” ấy là nhằm vào những mục tiêu cụ thể ấy.

Thông thường, mục tiêu của phát chính niệm tập thể là mục tiêu chung chung về một số thứ không phải là người, và chủ yếu là những thứ ở không gian khác (lạn quỷ, hắc thủ, tà linh, loạn thần, v.v.) và tác động cần làm nhắm vào chúng chính là “diệt” như được niệm trong câu chú số một (i). Ví như về “lạn quỷ” chẳng hạn; đó là các sinh mệnh đã biến dị quá rồi, ngay trong vũ trụ cũ thì cũng là đáng bị đào thải rồi, và hiển nhiên cũng không cách nào bước sang vũ trụ mới, tức là đằng nào thì cũng bị “diệt” thôi, chỉ là sớm hay muộn; khi những thứ đó mà tham gia phá hoại, thì phát chính niệm “diệt”. Những mục tiêu này là được Sư phụ chỉ ra thuận theo tiến trình Chính Pháp. Ban đầu là “lạn quỷ”, tiếp đến là “hắc thủ” (2004), tiếp đến là “tà linh” (2005 2006), v.v.

Còn “mục tiêu cụ thể” được nhắc đến ở mục (2) của thông báo, thì thường là nói về người ở không gian này —kẻ ác nhân nào đó, kẻ ác ở trại cưỡng bức lao động hay lớp tẩy não, v.v.— và với mục tiêu đó thì tác động được sử dụng là “hiện thế hiện báo”. Đây tuyệt đối không phải là “diệt”. Chúng ta là tu Thiện, “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu”, không dùng tay đấm người, không dùng chân đá người, không dùng miệng mắng người, cũng không dùng công năng hay gì đó để đánh đấm họ, đều không làm những cái đó. Tác động ở đây là “hiện thế hiện báo”, tức là kẻ ác đó phải chịu quả báo do chính họ tạo ra. Là do kẻ đó tự làm tự chịu, chứ không phải do chúng ta đánh đấm gì. Nghĩa bề mặt của câu chữ “hiện thế hiện báo” là báo ứng đến trong đời này đến trong lúc này.

Biểu hiện khi phát chính niệm có hiệu quả có thể là kẻ ác đó có thể bị báo ứng tức thời, như kẻ đó dùng dùi cui điện đánh học viên Pháp Luân Công, nhưng chả hiểu sao học viên thì không bị giật, mà kẻ ác lại bị điện giật. Hoặc là bị báo ứng trong ngày, trong tuần. Tóm lại, “hiện thế hiện báo” là nhắm vào những mục tiêu cụ thể kiểu như vậy.

Mục tiêu loại nào là có tác động tương ứng với loại đó. Nếu là lạn quỷ ở không gian khác, thì tác động là “tà ác toàn diệt”, là “diệt”, như thế là thích đáng; chứ dùng “hiện thế hiện báo” đối với mục tiêu đó thì không có ý nghĩa lắm. Còn với mục tiêu là kẻ ác nhân ở không gian này, thì “hiện thế hiện báo” là thích đáng; chứ “diệt” họ thì không có đúng.

Tóm lại, 2 câu chú, 2 loại tác động, là dành cho các mục tiêu 2 loại khác nhau.

Năm đó ở Trung Quốc, có tình huống là một số học viên cùng nhau đến bên ngoài trại cưỡng bức lao động, đến gần lớp tẩy não, và khi đó họ phát chính niệm tập thể và có thể sử dụng câu chú số hai (ii).

Còn trong các tình huống phát chính niệm tập thể nói chung, thì chỉ sử dụng câu chú số một (i). Trong thông báo của Minh Huệ cũng chỉ rõ rằng mục (2) của thông báo là không phải mục bắt buộc, và mục đó chỉ dùng với mục tiêu cụ thể.

Trên đây chỉ là nhận thức và thể ngộ cá nhân, có gì thiếu sót xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


[1] Khi niệm chú là niệm bằng tiếng Trung, khẩu âm Bắc Kinh.

[2] Minh Huệ: Yếu lĩnh phát chính niệm và thời gian phát chính niệm đồng bộ toàn cầu (https://vn.minghui.org/news/1013-Yeu-linh-phat-chinh-niem-va-thoi-gian-phat-chinh-niem-dong-bo-toan-cau.html)

Share