Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 27-6-2019] Người tu, ai cũng muốn làm sao tu một mạch từ đầu đến cuối thông suốt nhất. Nhưng mà đường tu thì không phải lúc nào cũng bằng phẳng như mong muốn, có chướng ngại nhiều loại. Trong các chướng ngại về nhận thức, thì có một cách giải, đó là nương theo một an bài đặc thù trong Pháp: Loại an bài mà thông suốt từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng. Nếu ta kiên trì theo đúng an bài đó, thì sẽ tránh bị đi đường vòng rất nhiều. Kiên trì theo tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư” là một cách mà tôi đã trải qua.

Chướng ngại: Phương tiện và mục đích

Một trong những chướng ngại lớn trong nhận thức, là vấn đề quan hệ giữa “phương tiện” và “mục đích”. Người học viên cho rằng học Đại Pháp có mục đích gì là dựa theo cảm nhận của giai đoạn mà họ đang tu, chứ không chịu nhìn rộng ra, thế thì không thăng hoa lên được, không sang giai đoạn sau được, vì cái “mục đích” của giai đoạn trước ấy, trong một số trường hợp, chẳng qua chỉ là “phương tiện” để sang giai đoạn sau mà thôi. Khi “mục đích” bị giới hạn ở một tầng thứ nào đó, thì nội hàm của Pháp ở tầng thứ cao hơn sẽ rất khó hiển lộ ra được. Đây là một loại chấp trước kiểu tư duy theo quán tính.

Đến với Đại Pháp vì vấn đề sức khỏe, thế thì một cách tự nhiên theo quán tính sẽ cho rằng mục đích theo Đại Pháp là để có sức khỏe. Thế thì không sang giai đoạn sau được. Chỉ khi nào hiểu ra, cái “hiệu quả” nhất cho luyện công chính là tu tâm tính, và bước sang tu tâm tính, thì mới hiểu ra: À, “sức khỏe” chỉ là cái phương tiện, cái cớ để mình thấy Đại Pháp là tốt và vào đây học. Người khác có thể là vì “tri thức” hay gì đó khác, và thấy Đại Pháp có cái mà họ theo đuổi trong đời, vì thế theo học Pháp Luân Công. Thời điểm gia nhập Pháp Luân Công thì những cái đó là được họ hiểu là “mục đích”. Nhưng mà khi người này thăng hoa tâm tính, lên giai đoạn tu luyện sau, thì hiểu ra, hóa ra những cái đó chỉ là “phương tiện” để người ta có thể gia nhập hàng ngũ học viên mà thôi.

Có không ít học viên thắc mắc kiểu thế này: Bây giờ nghiệp bệnh xuất hiện trở lại nơi tôi, và tôi được khuyên là đừng nghĩ về bệnh nữa và cứ học Pháp luyện công thì sẽ vượt qua, thế là tôi rất cố gắng không nghĩ về bệnh, chỉ đọc sách đọc sách, luyện công luyện công, đau đớn mấy cũng kệ và không uống thuốc, nhưng mà chả hiểu sao mãi vẫn chưa khỏi. Đây chính là không ngộ ra được. Người ta khuyên đừng nghĩ về bệnh tức là cái tâm hãy đặt vào cái khác cao hơn, cụ thể là cái tâm đặt vào hướng nội tìm tu tâm tính, chứ không phải đặt vào bệnh. Nhưng người này chẳng hiểu ra ý ấy, ngoài miệng thì nói là không nghĩ về bệnh, trong tâm thì tự ám thị rằng ta không nghĩ về bệnh, hành động thì chăm chỉ học Pháp luyện công và quên đi cái bệnh, nhưng thực ra mục đích của tất cả suy nghĩ, lời nói, và việc làm thảy đều là để chữa bệnh. Không thăng hoa lên được, vẫn là ở giai đoạn 0 mà không lên được.

Y chang đạo lý ấy. Nếu người học cho rằng mục đích tu luyện là bỏ các nhân tâm chấp trước, tu làm sao càng ngày càng thanh tịnh, thì chính là cũng không thăng hoa lên được, vẫn ở giai đoạn 1 mà không lên được. Những chia sẻ ở tầng thứ này thường là: Hôm nay tôi gặp vấn đề gì, tôi đã hướng nội và đã phát hiện được rằng mình còn tâm gì và bỏ nó ra sao, rằng tâm thanh tịnh là tốt đẹp biết bao, trạng thái tu luyện nhập định và thấy mọi thứ danh lợi tình trên đời đều phù phiếm vô thường như vầng trăng trong nước, như kiếp phù du ngắn ngủi, như ảo ảnh mộng mơ, thoáng cái rồi qua đi, chỉ có cái tâm của ta thường hằng tịch tĩnh mới là tốt nhất, v.v.

Pháp của vũ trụ to lớn thế được giảng ra chỉ để bỏ các tâm người thường thôi sao? Hiển nhiên, đó không phải mục đích! Khi người tu luyện thăng hoa lên trên, bước sang giai đoạn tu luyện cao hơn, thì mới hiểu ra: À, cái trước đây mình cho là mục đích, thì bây giờ chẳng qua là phương tiện mà thôi.

Không phải là khi cái tâm đặt vào bỏ các tâm người thường (giai đoạn 1) thì vấn đề về nghiệp bệnh (giai đoạn 0) biến mất. Không phải là khi đặt cái tâm vào học hiểu Pháp (giai đoạn 2) thì các tâm người thường (giai đoạn 1) đã sạch hết. Không phải thế. Ta vẫn phải giải các bài toán đó, chỉ là cảnh giới tâm tính đã thăng hoa, tu luyện chuyển sang giai đoạn mới với trạng thái tu luyện mới. Rào cản tư duy quán tính được phá vỡ, và người tu đề cao lên.

Nếu nhìn nhận như vậy, thì hóa ra tu luyện bị phân thành các giai đoạn kiểu như miêu tả ở trên, chẳng qua là vì người tu luyện theo tư duy quán tính rồi sinh ra cái tâm “mục đích” mà thành. Nghĩa là, về lý mà nói, nếu ngay từ đầu người tu luyện đã hiểu chính xác về mục đích tu luyện, thì con đường tu luyện sẽ là một đường bằng phẳng từ đầu đến cuối, không hề có các giai đoạn kiểu như thế. Tuy nhiên, trên thực tế điều đó rất hiếm khi làm được. Bởi vì lối tư duy dựa vào cảm ngộ của bản thân mà cho rằng “mục đích” việc này là thế này thế kia… là một trong những tư duy gần như bản năng của con người. Vì ích kỷ vị tư hoặc vì quan niệm cá nhân mà cho rằng việc này nên là mục đích nào đó, mà nhìn không ra những vận hành và biến hóa của sự vật sự việc. Như vậy, trở thành người tu luyện thì nên vượt qua chướng ngại của lối tư duy này.

Lấy “dĩ Pháp vi Sư” làm tôn chỉ, lấy “phản bổn quy chân” làm mục đích

Có một phương án thế này: Người học không nên tự đặt mục đích cho mình theo cách mình cho là đúng, không tự đặt tôn chỉ cho mình theo cách mà mình cho là đúng. Trái lại, hãy tuân theo đúng mục đích và tôn chỉ mà Sư phụ đặt ra. Về lý mà nói, sau khi đạt cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp” thì người tu luyện là có thể hiểu được và làm được như thế; còn trước đó, thì khó làm (do chưa chắc đã hiểu được nội hàm thâm sâu hơn của Pháp).

Tôi hiểu là, nếu lấy “dĩ Pháp vi Sư” làm tôn chỉ, lấy “phản bổn quy chân” làm mục đích, thì sẽ tu luyện một mạch từ đầu đến cuối, không bị vướng lại ở bất kỳ giai đoạn trung gian nào bởi chướng ngại thuộc loại này. Trong bài “Mục đích tu luyện”[1] tôi đã chia sẻ ý này rất rõ ràng cho trường hợp “phản bổn quy chân”. Tuy bài đó chỉ là chia sẻ về “phản bổn quy chân”, nhưng mà đạo lý trong đó cũng có thể áp đồng dạng cho “dĩ Pháp vi Sư”. Lý do rất đơn giản, cả hai chủ đề này đều là chủ đề mà Sư phụ an bài xuyên suốt một mạch từ bước tu luyện đầu tiên cho đến bước cuối cùng.

(4) Tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư” không chỉ dừng lại ở tầng thứ “từ Pháp nhận thức Pháp” như trình bày ở ý (3) bên trên. Đây là tôn chỉ nền tảng xuyên suốt quá trình tu luyện nơi xã hội nhân loại này. Những gì Sư phụ muốn truyền đạt cho học viên tu ở nơi đây, thì học viên đều thông qua phương thức này mà đón nhận.

Có rất rất nhiều chỗ, học viên hỏi rằng một việc nào đó cần làm thế nào, thì Sư phụ trả lời rằng, việc cụ thể ấy thì hãy chiểu theo Pháp mà làm, dĩ Pháp vi Sư, và rằng, nếu Sư phụ trả lời nữa thì sẽ tước đoạt mất cơ hội tu luyện của học viên đó. Có quá nhiều chỗ là giảng rõ ra như vậy. Thậm chí có chỗ Sư phụ nói thẳng ra là nhiều lúc Sư phụ không muốn gặp mặt một số học viên, vì trong tâm học viên này chính là đang muốn dò hỏi đáp án của bài toán mà học viên cần phải giải.

“… chư vị cảm thấy rất khó và ‘Mình phải hỏi Sư phụ làm thế nào, việc này làm đúng hay không thì mình phải hỏi Sư phụ’, tức là chư vị cứ đem con đường tu luyện [của chư vị] đưa cho tôi. Chư vị đều không biết khi tôi gặp chư vị, chư vị gặp tôi [và] rất mừng, tôi cũng phải tỏ ra cao hứng theo chư vị, nhưng trong tâm tôi rất khó chịu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Như vậy, không chỉ với các học viên ở xa Sư phụ, mà ngay cả đối với học viên ở sát bên Sư phụ, thì nhiều lúc cũng phải thông qua “dĩ Pháp vi Sư” mà nhận thức vấn đề, chứ không được phép dùng lối tư duy rằng: Mình gần Sư phụ, nên Sư phụ cứ bảo sao mình làm vậy là được rồi, bảo đi đâu, gặp ai, làm gì thì mình cứ y chang vậy là được rồi, chứ cái gì cũng đối chiếu theo Pháp mà nhận thức thì mệt quá.

Sư phụ cũng chỉ rõ:

“Chấp trước vào điểm hoá trong mộng không phải là tu luyện, là nhập tà đạo. Đệ tử Đại Pháp là tuân theo bộ sách Đại Pháp này, lấy Pháp làm chuẩn. Chư vị ở trong mộng cảnh cũng vậy, mà trong hoàn cảnh nào cũng vậy đều phải dùng Pháp này để đo lường đúng-sai, thì mới không bị can nhiễu. Tôi không hề lưu lại chư vị loại pháp tu [thế] này: chư vị khỏi cần tu nữa, Pháp thân bảo chư vị làm sao thì làm thế. Tôi không thừa nhận rằng đó là tu luyện. Đệ tử Đại Pháp sẽ không phải ai ai cũng ở bên tôi; điều tôi bảo chư vị là “lấy Pháp làm thầy”; có bộ Pháp này thì chư vị biết được tu như thế nào.” ( Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)

Kể cả những điểm hóa trong mộng, những gì nhìn qua thiên mục hay nghe qua thiên nhĩ, v.v., đều chỉ là điểm hóa mà thôi, và học viên vẫn luôn luôn phải căn cứ vào bộ sách Đại Pháp làm chuẩn, làm chỉ đạo cho mình. Tôi hiểu rằng, tuy Pháp là có phương thức truyền đạt khác; tại các tầng thứ cao hơn, thì có các phương thức cao hơn; nhưng chúng ta tu luyện ở xã hội nhân loại nơi đây, và “dĩ Pháp vi Sư” chính là như thế này, thông qua đọc bộ sách Đại Pháp này mà học được. Tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư” là xuyên suốt toàn bộ quá trình tu luyện nơi xã hội nhân loại, từ bước đầu tiên cho đến bước cuối cùng.

Qua các ý (1) (2) (3) (4) nêu trên, tôi đã chia sẻ nhận thức của tôi về “dĩ Pháp vi Sư” theo từng chặng đường tu luyện. Sự thăng hoa về nhận thức là gắn chặt với đề cao trong tu luyện. Đến bài cuối của loạt bài viết này, tôi sẽ chia sẻ nốt nhận thức về “dĩ Pháp vi Sư” theo ý (5), và đó cũng là khả năng nhận thức hiện giờ của tôi.

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, chắc chắn còn rất nhiều hạn chế. Có gì chưa thích đáng mong được các đồng tu từ bi chỉ ra.

*
*     *

Dĩ pháp vi Sư (bài 1/5): https://vn.minghui.org/news/131887-di-phap-vi-su.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 2/5): https://vn.minghui.org/news/131890-di-phap-vi-su-2.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 3/5): https://vn.minghui.org/news/131893-di-phap-vi-su-3.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 4/5): https://vn.minghui.org/news/131896-di-phap-vi-su-4.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 5/5): https://vn.minghui.org/news/131899-di-phap-vi-su-5.html


[1] Mục đích tu luyệnhttps://vn.minghui.org/news/106546-muc-dich-tu-luyen.html

Share