Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 27-6-2019] Để kết thúc loạt bài về chủ đề “dĩ Pháp vi Sư”, xin chia sẻ nhận thức cá nhân của tôi về một loại khảo nghiệm như sau.

Khảo nghiệm cho người học Pháp vũ trụ

Có một bối cảnh thế này cho các học viên chúng ta. Những năm truyền Pháp 1992 1994 ấy, Sư phụ đã giảng xuất ra Pháp của vũ trụ, dùng ngôn ngữ nhân loại mà giảng ra ở nơi đây, và các tầng không gian đồng thời đều có Công thân của Sư phụ giảng. Pháp này được truyền xuất ra từ tầng nhân loại này cho đến tận tầng cao nhất trong vũ trụ; sau đó được định lại khi Ngài công bố cuốn sách «Chuyển Pháp Luân» vào tháng Giêng năm 1995.

“Đại Pháp của chúng ta, tôi bảo mọi người, bất kể người nào cũng không xứng khảo nghiệm Ông. Bởi vì tất cả các sinh mệnh, bao gồm hết thảy các sinh mệnh bên trong vũ trụ đều là Ông khai sáng, [do] Ông sáng tạo, tạo ra, cho nên không ai xứng khảo nghiệm Ông. Thế thì, tại sao chúng ta lại gặp phải sự việc như thế này? Mọi người biết rằng, Lý Hồng Chí là lấy hình thức biểu hiện của người thường, là lấy thân thể của người thường, [dùng] ngôn ngữ thấp nhất của sinh mệnh trong toàn vũ trụ —ngôn ngữ của con người, hơn nữa là ngôn ngữ nông cạn đơn giản nhất của con người hôm nay và hình thức thấp nhất trong tu luyện— phương thức khí công để làm sự việc này, đã làm mê hết thảy chúng sinh trong vũ trụ. Bởi vì phải nhận định vị trí tâm tính sở tại của hết thảy các chúng sinh trong vũ trụ, sắp đặt họ lại từ đầu, nên buộc phải khiến họ biểu hiện ra tiêu chuẩn tâm tính thật sự của họ, vậy thì sẽ không thể để họ biết được chân tướng. Tất cả các sinh mệnh trong toàn bộ vũ trụ đều không biết được chân tướng, họ coi tôi như người tu luyện, cho nên họ mới dám làm như thế này.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [2000])

Người tu luyện chúng ta có thể coi đây là Pháp chỉ đạo cho tu luyện của mình. Nhưng kỳ thực, đây là Pháp vũ trụ, được giảng ra xuyên suốt khắp các tầng thứ, vậy hiển nhiên là mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.

Có một thắc mắc tự nhiên nảy sinh: Pháp vũ trụ ấy, mà giảng ra một lần xuyên suốt vô lượng vô số các tầng thứ cho đến tận tầng cao nhất như thế, thì chắc hẳn chỉ có Đấng Sáng Thế Chủ mới làm được. Nhưng mà Trái Đất nhỏ bé thế, nhân loại còn nhỏ bé hơn nữa, nhỏ bé đến mức không là gì cả, vậy tại sao một điều to lớn nhường ấy lại có thể diễn ra ở nơi đây? Điều này quá là bất khả tư nghị!! Nhưng tôi cho rằng không khó hiểu lắm đâu; tôi hình dung như sau.

Thần tạo ra con người chỉ một niệm là thành, một niệm liền từ bùn đất mà tổ thành thân người này. Nhưng mà, chỉ cái thân người thôi thì không đủ. Muốn nhân loại thật sự có nội hàm cần thiết, thì phải trải qua một quá trình, kiểu như quá trình “đào tạo”: 100 triệu năm thử nghiệm, và rồi 100 triệu năm là để hoàn thiện cái nội hàm ấy. Tôi dùng cái lô-gic tương tự mà nghĩ, các tầng vũ trụ hẳn cũng cần có bước tương tự như thế. Cần có quá trình hình thành nội hàm Pháp Lý ở các tầng thứ khác nhau. Vô lượng vô số tầng thứ. Khi Đấng Sáng Thế Chủ dựng lập một vũ trụ mới, thì đúng là có một phương án: Ngài đến tầng thấp nhất để giảng ra Pháp của vũ trụ. Như vậy, tất cả các tầng chúng sinh đều được nghe, và Pháp ấy là xuyên suốt từ trên xuống dưới. Làm một lần là định ra xong. Mà lúc bấy giờ cũng là lúc trong an bài tự cứu của các sinh mệnh vũ trụ cũ, có một khâu là đưa các đại biểu của các Thiên thể khắp vũ trụ tập trung vào nhân loại nơi Trái Đất này. Thế là Sư phụ tương kế tựu kế như vậy.

Nhân loại tuy nhỏ bé, nhưng đã trở thành nơi truyền ra Pháp vũ trụ như vậy đó. Đấy là tôi nhận thức như vậy từ Pháp.

Thế thì, cuốn «Chuyển Pháp Luân», cùng với Pháp mà Sư phụ giảng ra ở nơi đây —cũng đều là giải thích và bổ sung cho «Chuyển Pháp Luân» như Sư phụ tuyên bố nhiều lần— là có thể được hình dung như một bản vẽ thiết kể tổng thể của vũ trụ này. Tất nhiên, Thiên cơ bất khả tiết lộ, đây là bản vẽ khái quát, tổng quan. Đệ tử nào muốn hiểu chi tiết thì phải tu rồi mới đắc. Đương nhiên, có thể đồng tu khác không cảm thấy cách hình dung “bản vẽ thiết kế tổng quan” này là đúng; và có thể hình dung theo cách khác. Thực ra hình dung thế nào cũng không sao cả, vì tôi không phải là thực sự muốn nói ý đó. Chỉ là mượn cách hình dung đó để biểu đạt về nhận thức về tu luyện và khảo nghiệm ở bài này mà thôi.

Khi người tu luyện chúng ta học Pháp, tức là khi chúng ta nhận bản vẽ thiết kế tổng quan này, thì là ý nghĩa gì?

Ví dụ thế này. Có một tòa nhà chung cư cao tầng, rất nhiều tầng, mỗi tầng rất nhiều căn hộ. Người dân đến thuê và ở. Đương nhiên, căn hộ được thuê là cấu hình cơ bản. Khi vào ở thì người ta sẽ chỉnh sửa theo nhu cầu sử dụng của mình. Phòng bếp có thể chuyển sang chỗ khác, phòng khách có thể được mở rộng bằng cách chuyển vị trí một bức tường ngăn, v.v., rồi thì xây thêm các chi tiết mang tính thẩm mỹ, sơn tường treo tranh thêm đèn, v.v. Nhưng mà dù chỉnh sửa thế nào, thì kiến trúc khung của tòa nhà là không thể thay đổi. Vách tường ngăn thì có thể đập đi xây sang chỗ khác, nhưng cột trụ chịu lực thì phải giữ nguyên.

Vũ trụ này được tạo ra, từ vi quan nhất tổ hợp đến hồng quan nhất, đó là cái khung, là Pháp căn bản, là cái khung kết cấu của tòa nhà chung cư.

“Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ. Ông là căn bản của khai thiên tịch địa, của tạo hóa vũ trụ, nội hàm từ cực nhỏ đến cực lớn, có triển hiện khác nhau tại các tầng thứ thiên thể khác nhau. Từ vi quan nhất của thiên thể đến lạp tử vi quan nhất xuất hiện, [qua] tầng tầng lạp tử vô lượng vô số, từ nhỏ đến lớn, mãi cho đến nguyên tử, phân tử, hành tinh, thiên hà mà nhân loại biết ở tầng bề mặt và cho đến cả to lớn hơn nữa, các lạp tử lớn nhỏ khác nhau tổ [hợp] thành các sinh mệnh lớn nhỏ khác nhau cũng như các thế giới lớn nhỏ khác nhau hiện hữu khắp nơi trong thiên thể vũ trụ.” (Luận Ngữ)

Trong vũ trụ ấy có vô số thế giới lớn nhỏ khác nhau ở các tầng thứ khác nhau do các chư Thần chư Phật tạo ra. Tam giới cũng là một phần trong vũ trụ. Tôi hiểu nôm na vũ trụ tựa như tòa chung cư, và những thế giới hoặc Tam giới ấy là những căn hộ, hay những nhóm căn hộ. Các thế giới hoặc Tam giới được kiến tạo ra ấy, thì bản thân là có Pháp riêng của mình, đặc tính riêng của mình. Ví như Tam giới là có “tình”. Tựa như người chủ căn hộ sau khi vào ở thì sẽ chỉnh trang căn hộ theo nhu cầu mà mình cần.

Các thế giới hoặc Tam giới là có đặc tính chuyên biệt của mình, nhưng thảy đều dựa trên Pháp vũ trụ mà Đấng Sáng Thế Chủ đã định ra; cũng tựa như người chủ căn hộ sẽ chỉnh sửa theo nhu cầu của mình, muôn hình vạn trạng, muôn màu muôn vẻ, nhưng mà cấu trúc khung của tòa chung cư là không được cải biến.

Chẳng hạn như ta là con cháu của người chủ hộ, lớn lên ở căn phòng đó và cả đời chưa bao giờ bước ra khỏi nơi ấy. Một ngày kia, có người đưa cho ta bản vẽ thiết kế tổng thể của cả tòa nhà chung cư, thế thì điều gì sẽ xảy đến? Ý nghĩa mà ta nhận được bản vẽ trong tay là gì?

Là để xem ta có đọc hiểu bản vẽ đó không! Quá hiển nhiên rồi. Có thể còn nhiều nghĩa khác, nhưng mà ý nghĩa đơn giản nhất, và cũng là đầu tiên nhất, chính là nhìn rồi thì có hiểu không? Không hiểu thì chưa thể nói chuyện khác được đâu! Nhất là tình huống khi mà người mang bản vẽ ấy cho ta xem chính là đích thân ông chủ tòa nhà chung cư kiêm chức kiến trúc sư trưởng thiết kế ra tòa nhà ấy, thế thì ý nghĩa ấy càng quá là hiển nhiên.

Ta nhận bản vẽ rồi, cho một ngày nghiên cứu bản vẽ; và hôm sau ta được dẫn đi tham quan các nơi các nơi. Học lý thuyết rồi, và giờ là đi thực tế.

(i) Tham quan. Đến chỗ nào ta cũng gật gù: Hay quá! Đẹp quá! Thế thì tham quan một ngày xong kết quả là nhận 0 điểm. Tại sao? Vì điều đó nói lên rằng ta xem bản vẽ xong mà chả hiểu gì! Không hiểu được cái ý nghĩa bên trong đó là gì! Người ta đặt bản vẽ vào tay ta, cho ta nghiên cứu một ngày, rồi dẫn ta đi các nơi xem, mà ta chả hiểu được ý nghĩa của việc đó là gì! Cho nên ta nhận 0 điểm.

(ii) Nếu đi đến chỗ bức tường này và ta nói, bức tường này là không có trong bản vẽ, hẳn là được xây thêm. Khi được dẫn đến cái cột kia và ta nói, cột này là có trong bản vẽ, nhưng được ốp thêm bên ngoài và gắn thêm đèn. Thế thì sau một ngày tham quan ta sẽ được điểm cao hơn, đúng không?

(iii) Nếu ta nói, phòng bếp này được chuyển sang chỗ này là vì người chủ căn hộ không muốn bếp quá lộ liễu, để ra đây cho kín đáo; chỗ phơi quần áo được điều chỉnh thế này là vì trong căn hộ này có người đi xe lăn nên điều chỉnh sao cho người ấy cũng có thể vận hành được. Nếu trả lời được đến mức như thế thì còn được điểm cao hơn nữa, đúng không?

Chúng ta học «Chuyển Pháp Luân» rồi. Đấy là bản vẽ thiết kế tổng quan đó. Hàng ngày hàng giờ ta tiếp xúc với mọi thứ xung quanh. Tức là ta đang tham quan đó. Thế thì ta dùng Pháp ấy để lý giải và đối đãi thế nào, dĩ Pháp vi Sư, đây chẳng phải đúng là khảo nghiệm này hay sao?

Chỉ vì cái tâm “mục đích” quá hạn hẹp mà thành ra không nhìn ra yêu cầu đầu tiên cơ bản nhất: Học hiểu Pháp. Sư phụ truyền dạy là Pháp vũ trụ, thì ta hiểu được ngần nào?

Học hiểu Pháp, không phải là học hiểu với nghĩa mà người tu luyện phổ thông vẫn hiểu đâu. Mà là học hiểu được cho xứng với cương vị là một đệ tử Đại Pháp, một người đang học Pháp vũ trụ do đích thân Đấng Sáng Thế Chủ dạy. Học Pháp như một đệ tử Đại Pháp.

““Đệ tử Đại Pháp” là một xưng hiệu đặc thù, là chưa từng có từ thuở khai thiên tịch địa” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Để minh họa cho rõ ý, thử lấy ví dụ tình huống thế này. Giả sử người ta cho ta xem giáo lý của môn phái khác nào đó, có thể ví như đi tham quan một căn hộ nào đó. Nếu ta đến đâu cũng gật gù “đẹp đấy” thì chính là nhận 0 điểm, đúng không? Đây chính là tình huống (i) nêu trên. Phải chăng chỉ vì ta tự cho rằng mục đích tu luyện của Đại Pháp chính là để buông bỏ các tâm con người, do đó cảm thấy giáo lý của môn phái khác kia cũng rất hay và đáng học tập?! Nhưng mà ta là đệ tử Đại Pháp. Nghiên cứu cả ngày bản vẽ tổng thể để làm gì? Đệ tử Đại Pháp học Pháp vũ trụ để làm gì?

Lời giải đạt điểm cao nhất, theo hiểu biết của tôi, là lời giải (iii), tức là mình coi giáo lý của môn phái đó là cơ hội để so sánh, đối chiếu, từ đó hiểu rõ ràng hơn nữa Pháp Chân-Thiện-Nhẫn. Nghĩa là bài 3 của loạt bài viết này chính là lời giải của tôi trong tình huống ấy. Tất nhiên, không chỉ vấn đề khi gặp giáo lý của môn khác, mà khi tiếp xúc với bất kể thứ gì trên đời, thì ta cũng có thể hiểu là ta đang ở trong khảo nghiệm loại này: Ta đang được dẫn đi tham quan thực tế, và ta có hiểu được biến hóa của Pháp vũ trụ ở đó là gì chăng?

Mà thực ra, học hiểu chẳng qua chỉ là bước đầu mà thôi. Vì nếu đọc bản vẽ mà chưa hiểu, thì đúng là chưa nói chuyện khác được. Tức là (iii) chỉ là lời giải điểm rất thấp. Nhưng trình độ của tôi chỉ có ngần này nên chỉ có thể chia sẻ vậy thôi.

(5) Nếu nhìn từ góc độ này, thì tôn chỉ dĩ Pháp vi Sư là vô cùng quan trọng. Quan trọng hơn các ý (1) (2) (3) (4) nêu ở các bài trên rất nhiều. Hiểu được Pháp Lý mà nhìn ra biến hóa của Pháp trong các tình huống mà chúng ta gặp. Dùng Pháp để đo lường và đối đãi mọi việc. Thành tựu đệ tử Đại Pháp.

Chính vì đây là Pháp của vũ trụ, do đó tu luyện của chúng ta là độc nhất vô nhị. Mỗi người chúng ta cũng là cần học hiểu Pháp, nhìn ra con đường tu luyện của mình dựa trên nhận thức về vũ trụ, xã hội, và nhân loại, và tự mình đi thành con đường ấy. Tu luyện cho đúng với cương vị là một đệ tử Đại Pháp.

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, chắc chắn còn rất nhiều hạn chế. Có gì chưa thích đáng mong được các đồng tu từ bi chỉ ra.

*
*     *

Dĩ pháp vi Sư (bài 1/5): https://vn.minghui.org/news/131887-di-phap-vi-su.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 2/5): https://vn.minghui.org/news/131890-di-phap-vi-su-2.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 3/5): https://vn.minghui.org/news/131893-di-phap-vi-su-3.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 4/5): https://vn.minghui.org/news/131896-di-phap-vi-su-4.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 5/5): https://vn.minghui.org/news/131899-di-phap-vi-su-5.html

Share