Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-09-2020] Ngày 19 tháng 4 năm 2014, một nhóm cảnh sát đã xông vào nhà bà Cao Thuý Liên ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam trong khi gia đình bà đang dùng bữa với bạn bè. Không xuất trình bất kỳ giấy tờ pháp lý nào, cảnh sát đã bắt giữ 14 người chỉ vì họ có cùng đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bốn chị em gia đình họ Cao sau đó đã bị truy tố và bị kết án tù. Hai học viên đến chơi nhà họ lúc đó là bà Chu Quỳnh Huy và ông Trương Quang Kỳ đã bị tra tấn đến chết trong lúc bị giam giữ.

Dưới đây là chi tiết về tình huống của mỗi thành viên trong gia đình.

Người con cả trong gia đình – bà Cao Thuý Liên

Bà Cao Thuý Liên, 49 tuổi, là chị cả trong gia đình. Bà bị teo cơ ở tuổi 23 và bị tàn tật. Cùng những căn bệnh kinh niên khác, cuộc sống trở nên quá sức chịu đựng đối với bà. Thậm chí bà đã nghĩ đến việc tự tử. Chỉ sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào mùa đông năm 1998, cuộc sống của bà mới thay đổi. Mọi bệnh tật đã biến mất và bà trở nên hạnh phúc dù vẫn chưa thể đi lại được. Bà sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn và cả gia đình chung sống hòa thuận.

Bị gãy cánh tay trong lúc bị bắt

Ngày 19 tháng 4 năm 2014, khi gia đình bà Cao cùng nhiều người bạn khác (tổng cộng 16 người), đang tụ họp tại nhà bà thì cảnh sát xông vào. Cảnh sát cho biết họ thuộc Đồn Công an thôn Bắc Đại và gia đình bị tố giác vì có một buổi tập trung bất hợp pháp. Cha bà, ông Trần Lâu Xương và ông Dương Tự Tường, một cựu chiến binh tàn tật và là họ hàng của chị em bà Cao, là hai người đầu tiên bị bắt.

Vì bà Cao không thể đi lại do bị tàn tật nên bà đã hô to để cầu cứu: “Cảnh sát đang bắt giữ người tốt!”

Một lúc sau, nhiều cảnh sát hơn kéo đến. Một người xông vào bà Cao để vặn tay trái của bà và ghì bà xuống đất.

Chồng bà, ông Phục Bồi Sinh, vừa mới đi làm trở về nhà vào thời điểm đó. Ông vội vã chạy đến và cố đỡ bà dậy, rồi ông bị chừng mười cảnh sát lôi ra. Một số đá vào người ông và những người khác đá vào đầu ông.

Sau một hồi hỗn loạn, cảnh sát đã bắt giữ tất cả những người tại buổi tập trung mà có thể đi lại, bao gồm chồng bà Cao và hai em gái của bà.

Cả bà Cao và em trai, ông Cao Khoa Thất, người đang ngồi xe lăn vì chân có vấn đề, đã bị bỏ lại. Họ chứng kiến cảnh sát lục tung nhà. Một cảnh sát nói rằng nơi ở của bà quá lộn xộn và anh ta đe doạ rằng sẽ bắn bà nếu anh ta là người phụ trách. Khi bà Cao hỏi tên của các cảnh sát, họ đều trả lời: “Chúng tôi là cảnh sát nhân dân.”

Hai ngày sau, ngày 21 tháng 4, cha mẹ chồng của bà Cao đưa bà đến bệnh viện và biết rằng cánh tay của bà bị gãy xương xoắn ốc và cần phải phẫu thuật. Họ không có tiền để phẫu thuật và đã đi về nhà. Họ đưa bà đến Đồn Công an Thôn Bắc Đại để gửi đơn kiện nhưng trưởng đồn không có ở đó và không ai tiếp nhận vụ việc của bà.

Ngày 23 tháng 4, bà Cao đã đến một bệnh viện khác để chụp X quang phần cánh tay.

26b3059e4bc32cb1f0cf5a96d4536891.jpg

2a6c60a27d722a1b2f3a061cd87fb6d8.jpg

Cánh tay của bà Cao bị cảnh sát vặn gãy trong cuộc đột kích vào nhà bà.

Sau khi chồng bà là ông Phục Bồi Sinh được thả, ông đưa bà đến một bệnh viện thứ ba vào ngày 26 tháng 4 năm 2014. Bác sỹ nói rằng người của chính quyền thông báo với bệnh viện rằng chi phí phẫu thuật của bà sẽ được chi trả miễn là bà thừa nhận rằng bà tự làm gãy tay mình. Nhưng bà từ chối nói lời dối trá như vậy.

Dù tài chính hạn hẹp nhưng chồng bà Cao vẫn mượn tiền để bà phẫu thuật. Nhưng xét nghiệm trước phẫu thuật cho thấy bà bị dị ứng thuốc nên phẫu thuật không phải là giải pháp.

Khi trở về nhà, bà Cao đã luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công và tay của bà đã lành mà không cần phẫu thuật.

Bà đã đệ đơn kiện lên Viện Kiểm sát Thành phố Côn Minh vì sự tàn bạo của cảnh sát đối với bà. Nhân viên ở đó đã hướng dẫn bà đến văn phòng thỉnh nguyện địa phương. Bà đã đến đó nhiều lần nhưng không ai nhận đơn của bà.

Bị kết án tù

Bà Cao, ba chị em và người họ hàng ông Dương đã bị truy tố sau đó. Toà án Huyện Thạch Lâm đã xét xử họ vào ngày 9 tháng 12 năm 2014. Chồng bà Cao đã đưa bà đến toà án. Ông Dương cũng được con trai đưa đến toà vì ông bị thương ở chân. Em gái út của bà là Cao Quỳnh Phương cũng đi lại khó khăn vào ngày hôm đó.

Bà Cao đã tường trình tại toà án về việc cảnh sát đã làm gãy tay bà. Nhưng thẩm phán đã bác bỏ lời của bà và nói rằng họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy cảnh sát đã hành hung bà.

Thẩm phán đã kết án bà Cao, em trai bà và ông Dương (hơn 50 tuổi), mỗi người 3,5 năm tù và hai em gái của bà là Cao Thuý Phương và Cao Quỳnh Phương mỗi người 3 năm tù.

Ngày 9 tháng 6 năm 2015, bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam trên một chiếc xe lăn. Trong suốt thời gian bị giam, bà bị một tù nhân giám sát chặt chẽ. Gia đình đã đến thăm bà ba lần nhưng chỉ được gặp bà vào lần cuối cùng. Bà được thả vào ngày 8 tháng 12 năm 2018.

Cảnh sát và nhân viên uỷ ban khu phố tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà trở về nhà. Bà đã bị sách nhiễu bảy lần từ ngày 2 tháng 1 năm 2019 đến ngày 11 tháng 8 năm 2020.

Ngày 2 tháng 6 năm 2020, một nhân viên uỷ ban khu phố đã gọi cho con gái và con trai bà để sách nhiễu. Một tháng sau, vào ngày 10 tháng 7 năm 2020, người này lại gọi cho chồng bà và hỏi địa chỉ con trai của họ. Người này sau đó đã tìm thấy con trai họ và yêu cầu anh ký vào một biên bản hứa sẽ không tham gia vào mọi hoạt động phi pháp. Sau khi bà Cao biết việc này, bà đã gọi cho người đã sách nhiễu con trai bà và nói rằng sách nhiễu con bà là phạm pháp. Người nhân viên nói: “Đừng nói luật với tôi.”

Người con thứ hai-ông Cao Khoa Thất

Ông Cao Khoa Thất, 47 tuổi, là con trai duy nhất trong gia đình bà Cao. Ông từng bị bệnh gút nặng. Khi chân bị đau, ông không thể đi lại và phải nằm trên giường nhiều ngày. Ông hết sức tìm cách chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng vô ích.

Một người trong gia đình đã khuyên ông tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2010. Ông đã tu luyện và sức khoẻ đã dần dần được cải thiện.

Sau khi bị kết án 3,5 năm tù, ông Cao đã bị đưa đến Nhà tù Nam Số 1 Tỉnh Vân Nam vào ngày 9 tháng 6 năm 2015. Vì ông phản đối bản án phi pháp bằng cách không tuân theo nội quy nhà tù, bao gồm đeo số hiệu tù nhân hoặc lao động, nên lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân tra tấn ông. Họ nắm chân ông lôi đến xưởng là việc, nhấc bổng ông lên và ném xuống đất. Họ đấm đá ông trước mặt các tù nhân khác và lăng mạ ông.

Có lúc ông thấy thị lực bị mờ sau khi ăn xong. Ông để ý và phát hiện một tù nhân đổ chất bột không rõ nguồn gốc vào thức ăn của ông. Khi ông đến trước mặt người tù nhân đó và hỏi thuốc đó là gì thì người này nói rằng nó có thể là thuốc điều trị huyết áp cao. Ông Cao đã hỏi một lính canh về việc nay vì ông không bị huyết áp cao. Lính canh không thể trả lời nhưng lại mắng người tù nhân vì đã nói cho ông biết sự thật.

Ông Cao được thả khỏi tù vào ngày 8 tháng 12 năm 2018 và cảnh sát của Đồn Công an Bắc Đại đã đến nhà ông để sách nhiễu cùng ngày hôm đó. Họ có gắng chụp ảnh ông nhưng bị mẹ ông và bà Cao Thuý Liên (cũng được thả vào ngày hôm đó) ngăn cản.

Người con thứ ba – Bà Cao Thuý Phương

Bà Cao Thuý Phương, 44 tuổi, là người con thứ ba trong gia đình họ Cao. Chồng bà mồ côi mẹ năm 14 tuổi. Ông chưa học xong nhưng bắt đầu làm việc ở các công trình xây dựng để kiếm tiền. Có lần ông nhận một dự án, nhưng hoá ra nó là lừa đảo. Ông đã mất tất cả tiền và mắc một khoảng nợ lớn.

Để trả nợ, bà Cao đã vất vả chăn nuôi bò sữa trong khi vừa phải chăm sóc nhỏ. Công việc khó khăn đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà và bà bị chẩn đoán bệnh Meniere (một bệnh lý gây rối loạn thính lực) vào năm 2007, và bà thường xuyên cảm thấy rất chóng mặt. Sau đó, bà còn bị thoát vị đĩa đệm cuột sống thắt lưng nghiệm trọng, khiến bà đau đến mức không thể làm việc. Bà không thể trả nổi 70.000 nhân dân tệ chi phí phẫu thuật và phải trở về nhà. Cuộc sống của bà trở nên rất khó khăn và cả gia đình bà chìm trong tuyệt vọng.

Trước đó, chị bà là Cao Thuý Liên đã khuyên bà tu luyện Pháp Luân Công, nhưng bởi vì sự tuyên truyền ma quỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bà không dám tiếp nhận. Vì không còn sự lựa chọn nào khác nên bà đã quyết định thử tập Pháp Luân Công. Thông qua việc học Pháp và luyện công, mọi căn bệnh của bà đã biến mất và bà đã hồi phục hoàn toàn. Từ đó bà tràn đầy năng lượng.

Án tù ba năm lần đầu tiên

Được thụ ích từ tu luyện Pháp Luân Công nên bà muốn nói với mọi người về pháp môn và cuộc bức hại. Vào năm 2008, bởi nói chuyện với mọi người trong một khu chợ, bà đã bị bắt và sau đó bị Toà án Trung cấp Côn Minh kết án ba năm tù.

Ngày 19 tháng 3 năm 2009, bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam. Ngay từ ngày đầu tiên bà đã bị ép phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm trong một tư thế cố định. Bà bị mắng chửi khi cử động. Bà chỉ được phép đi vệ sinh bốn lần một ngày và không được tắm. Bà bị tra tấn như vậy trong năm tháng rưỡi. Trong thời gian này, bà cảm thấy chóng mặt và thần trí không tỉnh táo.

Vào ngày 8 tháng 9 năm 2009, bà bị chuyển từ Khu 9 sang Khu 3. Ở đó, bà ngày càng yếu hơn. Bà bị đau hai mắt, bụng sưng, mặt, hai tay chân bị tê. Có lúc bà không thể di chuyển mà phải ngồi trên sàn nhà.

Tháng 6 năm 2010, bà bị đưa đến bệnh viện nhà tù để kiểm tra và phát hiện có một khối u ở cổ. Sau đó, nó ngày càng lớn hơn khiến bà không thể nuốt nổi bánh bao. Tuy nhiên, lính canh và bác sỹ lại từ chối cung cấp loại thức ăn mà bà có thể nuốt được. Khi tình trạng của bà xấu đi, nhà tù đã thả bà vào ngày 12 tháng 4 năm 2011, khi hết thời hạn giam giữ.

Trong thời gian bà bị cầm tù, cuộc sống của chồng bà và hai đứa con nhỏ tại nhà gặp khó khăn và không đủ ăn.

Sau khi trở về nhà, bà khôi phục tu luyện Pháp Luân Công và khối u trên cổ bà đã biến mất sau chưa đầy một tháng.

Án tù ba năm lần thứ hai

Bà Cao cũng tới nhà chị gái vào ngày 19 tháng 4 năm 2014. Sau khi cảnh sát xông vào, họ xô bà ngã xuống đất và nắm chân bà lôi đi trên sàn nhà hơn 90 mét. Quần và vớ (tất) của bà bị tuột ra và đồ lót của bà bị rách. Bà bị đưa đén Công an Huyện Thạch Lâm và bị thẩm vấn hai ngày trên ghế cọp (một dụng cụ tra tấn) mà không được ngủ. Ngày 21 tháng 4, bà bị đưa đến Trại tạm giam Thành phố Côn Minh.

Sau khi bị Toà án Huyện Thạch Lâm kết án, bà lại bị giam trong Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam. Lính canh đã lệnh cho các tù nhân giám sát và tra tấn bà. Bà không được rời khỏi phòng giam hay nói chuyện với người khác. Vì không được cung cấp đủ thức ăn nên bà bị suy dinh dưỡng và cảm thấy chóng mặt. Mãi đến khi bác sỹ nhà tù nói rằng bà cần phải được bổ sung dinh dưỡng thì bà mới được mua thêm thức ăn.

Trước khi được thả, chồng bà đã ngoại tình và nhà họ bị phá dỡ. Chồng bà đã nợ một khoản tiền lớn và không thể chi trả tiền học phí cho con gái. Người con trai 21 tuổi của họ đã mượn tiền để đóng học phí cho em gái.

Sau đó chồng bà lái xe đâm vào một người và phải mượn thêm tiền để bồi thường khoản chi phí y tế cho người đó. Vì thấy ông ấy không còn tiền nên nhân tình đã bỏ ông.

Gia đình tan nát đã khiến con trai bà Cao vô cùng đau khổ, anh đòi bỏ nhà ra đi.

Bản án thứ ba 1,5 năm tù

Sau khi bà Cao được thả vào ngày 19 tháng 4 năm 2017, bà đã tha thứ cho chồng và cố hết sức để hàn gắn gia đình. Bà và chồng nhận thầu khoán xây nhà cho một cư dân địa phương. Khi nói chuyện với các người chủ, bà đã giảng chân tướng về Pháp Luân Công và đưa cho họ một tấm dán có thông tin Pháp Luân Công, họ cảm kích và dán tấm dán ở nhà mới của họ. Tuy nhiên, khi các quan chức chính quyền đến nghiệm thu ngôi nhà, họ đã thấy miếng dán và lại bắt giữ bà Cao vào ngày 29 tháng 4 năm 2018 trong khi bà đang tới chơi nhà cha mẹ.

Cảnh sát đã còng hai tay bà ra sau lưng và lôi bà đi bằng còng tay. Bà đã bị đánh đập và bị thẩm vấn tại Đồn Công an Kim Toả. Cảnh sát cũng siết chặt còng khiến tay bà bị sưng tấy nghiêm trọng.

Sức khỏe của bà Cao suy giảm hàng ngày sau khi bà bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Côn Minh. Bà không thể ăn hay nói chuyện. Bà bị chóng mặt đến nỗi không thể đứng dậy và thường xuyên ngất xỉu trên sàn. Cảnh sát cho rằng bà giả vờ và không chú ý đến bà. Một tù nhân khác đã xác nhận tình trạng của bà và bà được đưa đến bệnh viện. Kiểm tra kết luận là bà bị ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Trại tạm giam đã yêu cầu thả bà nhưng thẩm phán Chương Vân Giang của Toà án Huyện Tầm Điện đã từ chối.

Bà Cao ra toà lần đầu vào ngày 10 tháng 8 năm 2018. Bà yếu đến nỗi không thể đứng vững. Một bác sỹ được gọi đến nhưng ông ta đã thông đồng với thẩm phán Chương, tuyên bố rằng bà vẫn ổn. Vì thế phiên toà vẫn tiếp tục. Phiên toà bị hoãn lại khi luật sư của bà Cao yêu cầu xem xét lại nhiều bằng chứng hơn nữa.

Phiên toà thứ hai được tổ chức trong một toà án tạm thời ở trại tạm giam Thành phố Côn Minh vào ngày 9 tháng 10 năm 2018. Bà yếu đến nỗi không thể ngồi hay thậm chí ngẩng đầu lên để trả lời các câu hỏi trong phiên toà. Sau khi luật sư kiên quyết yêu cầu, thẩm phán Chương đã cho hoãn phiên toà. Ông ta ra lệnh đưa bà ra ngoài và để ngồi trên mặt đất trong khi hai tay vẫn bị còng.

65e3c79ad7aec862bce05904b00bded7.jpg

Bà Cao Thuý Phương gần như ngã quỵ trong phiên toà.

Trong lúc nghỉ giải lao, luật sư đã viện dẫn kết quả xét nghiệm gần đây của bà Cao cho thấy tình trạng nguy hiểm và yêu cầu bảo lãnh bà để chữa trị. Phiên toà đã kết thúc sớm vào khoảng giữa trưa.

Viện Kiểm sát địa phương đã yêu cầu chồng bà Cao ký vào một biên bản vào ngày 10 tháng 10, nói rằng bà sẽ được thả để chữa trị trong hai ngày. Gia đình bà Cao đã đến Toà án Tầm Điện vào ngày 12 tháng 10 và đề nghị bảo lãnh chữa trị cho bà nhưng thẩm phán Chương đã từ chối gặp họ.

Ngày 16 tháng 10 bà Cao bị kết án 1,5 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam vào ngày 20 tháng 12 năm 2018 bất chấp tình trạng của bà. Sức khoẻ của bà đã suy giảm trong tù. Bà trở nên rất yếu, không thể nói chuyện, khó thở và đau khắp thân thể. Mẹ bà đã viết thư gửi cho nhà tù yêu cầu để bà được bảo lãnh điều trị y tế, nhưng bị từ chối.

Bà Cao vẫn kiên định đức tin vào Pháp Luân Công và biết rằng đây là hy vọng sống sót duy nhất của bà. Thông qua tu luyện Pháp Luân Công, tình trạng của bà đã dần được cải thiện.

Khi bà Cao được thả vào ngày 28 tháng 11 năm 2019, người của Phòng 610 Huyện Nghi Lương cùng cảnh sát đã đến nhà tù để sách nhiễu bà. Bà cũng phát hiện 1.800 nhân dân tệ trong tài khoản ngân hàng bị toà án đóng băng.

Người con út – Bà Cao Quỳnh Phương

Bà Cao Quỳnh Phương, người con út trong gia đình, cũng bị lôi vào một xe cảnh sát và bị đưa đến trụ sở Công an Huyện Thạch Lâm trong vụ bắt giữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Bà đã bị cấm ngủ và bị đánh đập trong hai ngày thẩm vấn.

Bà Cao đã bị đưa đến Trạm tạm giam Số 1 Thành phố Côn Minh vào ngày 21 tháng 4 năm 2014, tại đây bà liên tục bị thẩm vấn, đánh đập và đe dọa. Bà không thể đi lại vào ngày diễn ra phiên xét xử tại Toà án Huyện Thạch Lâm ngày 9 tháng 12 năm 2014. Bà đã bị kết án ba năm tù.

Bà Cao đã bị chuyển đến Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam vào ngày 5 tháng 6 năm 2015. Bà và một nhóm học viên Pháp Luân Công đã bị kiểm soát chặt chẽ, họ bị lệnh phải viết một hối quá thư và ngồi trên một cái ghế nhỏ trong thời gian dài và không được di chuyển hay sử dụng nhà vệ sinh.

Sự tàn phá tinh thần và tra tấn thể xác đã khiến bà bị huyết áp cao, mỡ máu cao, đường huyết cao và chức năng gan kém.

Cha mẹ bị bức hại

Cha mẹ họ là ông Trần Lâu Xương, 71 tuổi, và bà Cao Phượng Anh, 67 tuổi, cũng bị bắt trong lần đoàn viên gia đình vào ngày 19 tháng 4 năm 2014. Hai cảnh sát đã vặn tay ông Trần và bắt giữ ông. Họ đã đưa ông đến Đồn Công an Lộc Phụ ở Huyện Thạch Lâm. Tay chân ông bị trói vào ghế cọp từ 9 giờ tối đến 10 giờ sáng vào hôm sau. Kết quả là tay chân ông bị sưng phồng và không thể đi lại được.

Ông bị đưa đến trại tạm giam Thạch Lâm vào ngày 21 tháng 4 năm 2014. Luật sư của ông đã đến gặp ông vào ngày 13 tháng 5 và cho ông biết tin rằng con gái lớn bị gẫy tay. Ông đã khóc và rất lo lắng cho con. Vì thế ông đã viết một hối quá thư trái với ý nguyện của mình và đã được thả vào ngày 17 tháng 5.

Bà Cao Phượng Anh bị đưa đến Đồn Công an Lộ Mỹ Ấp vào tối ngày 19 tháng 4 năm 2014. Bà bị còng tay vào một cái ghế nhỏ suốt năm tiếng thẩm vấn. Bà bị đưa đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Côn Minh vào ngày 21 tháng 4 năm 2014. Sau đó cứ 2-3 ngày bà lại bị thẩm vấn và tay bà vẫn bị còng trong khi bị thẩm vấn. Bà rất lo lắng cho con gái lớn và đã ký tên vào hối quá thư trái với ý nguyện của mình. Sau đó bà đã được thả.

Ông Trần và bà Cao đã tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 khi cả hai mắc nhiều bệnh tật và sức khoẻ rất yếu kém. Thông qua tu luyện Pháp Luân Công, họ đã phục hồi sức khoẻ của mình.

Hai học viên qua đời sau khi bị bức hại

Trong khi khoảng phân nửa số học viên bị bắt trong cuộc càn quét của cảnh sát tại nhà bà Cao Thuý Liên đã được thả sau 28 ngày bị giam, thì có hai học viên đã bị kết án cùng với chị em nhà họ Cao và ông Dương. Bà Mã Linh, hơn 50 tuổi và con gái là cô Trương Tắc, cả hai đều ở thành phố Côn Minh, bị kết án lần lượt 4 năm và 3,5 năm tù.

Hai học viên khác đã qua đời. Ông Trương Quang Kỳ, khoảng 70 tuổi, ở huyện Nghi Lương, đã bị đưa đến Đồn Công an Lộc Phụ Thạch Lâm vào tối ngày 19 tháng 4 năm 2014 và sau đó bị chuyển đến trại tạm giam Thạch Lâm. Do sự bạo lực và làm nhục của cảnh sát, sức khoẻ của ông đã suy giảm và ông đang bên bờ vực cái chết. Sợ rằng ông có thể chết trong trại tạm giam, cảnh sát đã sớm thả ông. Tuy nhiên, ông ngày càng trở nên yếu hơn sau khi về nhà và đã sớm qua đời.

Bà Chu Quỳnh Huy, hơn 50 tuổi, ở huyện Nghi Lương, bị giam 28 ngày trong trại tạm giam Thành phố Côn Minh sau khi bị bắt. Sau khi được thả, chính quyền thường xyên sách nhiễu bà và cố ép bà ký vào thư từ bỏ Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng sách nhiễu con gái bà và lệnh cho cô phải tố giác các học viên Pháp Luân Công khi họ đến gặp bà Chu.

Do sống trong sợ hãi và áp lực, bà Chu ngày càng yếu hơn. Bệnh ung thư vú của bà từng được chữa lành nhờ tu luyện Pháp Luân Công lại tái phát. Bà đã qua đời vào ngày 12 tháng 6 năm 2015.

Bài viết liên quan:

Người phụ nữ bị ung thư kháng án tù oan sai, luật sư yêu cầu thả người

Vân Nam: Một phụ nữ lâm trọng bệnh bị cưỡng chế ra hầu tòa và bị kết án tù, luật sư đã đệ đơn kiện thẩm phán

Tạm hoãn phiên xét xử khi người phụ nữ mang trọng bệnh trở nên quá yếu không thể đối thoại

Gần như sắp quỵ xuống vì sức khỏe yếu, bà Cao Thúy Phương vẫn bị bắt phải đứng suốt phiên xét xử kéo dài 4 tiếng


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/11/411654.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/26/190092.html

Đăng ngày 13-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share