Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 19-12-2020] Ngày 10 tháng 12 năm 2020, Ngày Nhân quyền Thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 17 quan chức chính phủ Trung Quốc và các công dân nước ngoài khác vì vi phạm nhân quyền. Động thái này diễn ra chỉ ba ngày sau khi DOS trừng phạt 14 quan chức hàng đầu của Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc “phát triển, chấp thuận hoặc thực thi” luật an ninh quốc gia hà khắc đối với Hồng Kông trong mùa hè này.

14 quan chức hàng đầu của Trung Quốc bị xử phạt là các phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPCSC), những người có liên quan đến việc xây dựng, thông qua hoặc thực thi Luật An ninh Quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hồng Kông. NPCSC đã bỏ phiếu nhất trí thông qua luật an ninh quốc gia mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần sử dụng để trấn áp người bất đồng chính kiến và bắt giữ người phản đối các chính sách đàn áp của ĐCSTQ.

Hoàng Nguyên Hùng, Cảnh sát Trưởng của Phòng Cảnh sát Hạ Môn thuộc Sở Cảnh sát Ngô Thôn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nằm trong số 17 quan chức Trung Quốc và các nước khác bị xử phạt. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố rằng cảnh sát trưởng Hoàng Nguyên Hùng của Sở Cảnh sát Ngô Thôn đã bị xử phạt vì liên quan đến “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền” đối với các học viên Pháp Luân Công. Cả Hoàng cùng vợ ông ta hiện đều bị từ chối cấp thị thực vào Hoa Kỳ.

Trong số 14 phó chủ tịch NPCSC bị xử phạt, ngoài việc thông qua luật an ninh Hồng Kông, thì năm người cũng đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công. Dưới đây là thông tin chi tiết về một số quan chức bị xử phạt.

Vương Thần

Vương Thần, 70 tuổi, từng là ủy viên Bộ Chính trị của ĐCSTQ vào năm 2017 kiêm Phó Chủ tịch Đại hội Nhân dân Trung Quốc năm 2018. Vương khởi nghiệp là một phóng viên và đã tích cực đi theo đường lối của ĐCSTQ suốt gần hai thập kỷ làm tổng biên tập tờ Quang Minh Nhật báo, tổng biên tập kiêm chủ tịch Nhân dân Nhật báo, thứ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cục trưởng Cục quản lý Không gian Mạng Trung Quốc. Ông ta đã viết nhiều bài báo nhằm chuyển hướng dư luận để biện minh cho cuộc bức hại Pháp Luân Công của cựu lãnh đạo đảng Giang Trạch Dân.

Trước cuộc bức hại nghiêm trọng của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, Từ Quang Xuân, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương, đã triệu tập một cuộc họp với tổng biên tập của mười tờ báo hàng đầu ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1996. Từ đã vượt quyền để yêu cầu xuất bản các bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công. Vương, tổng biên tập của Quang Minh Nhật báo vào thời điểm đó, đã đi đầu và đăng các bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công tại những vị trí nổi bật của tờ báo.

Sau khi các bài báo vu khống trên Quang Minh Nhật báo được đăng, một số học viên Pháp Luân Công đã đến tòa soạn, thiện chí đề nghị được gặp Vương. Họ đã gửi tài liệu giải thích sự thật về Pháp Luân Công nhằm làm sáng tỏ những điểm sai lầm trong bài báo. Nhưng Vương đã từ chối gặp họ và yêu cầu thư ký ghi lại tên các học viên Pháp Luân Công đã đến. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ nổ ra vào tháng 7 năm 1999, Vương đã gửi danh sách này đến Sở Công an của ĐCSTQ, khiến những học viên Pháp Luân Công này bị bức hại.

Từ năm 2000 đến năm 2001, khi Vương là phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hắn đã liên tục chỉ thị báo chí và truyền thông đẩy mạnh nỗ lực tạo đà cho cuộc bức hại Pháp Luân Công, và đặc biệt là tuyên truyền vụ lừa đảo tự thiêu ở Thiên An Môn. Với vai trò này, hắn đã đóng góp rất nhiều trong việc leo thang bức hại.

Vào năm 2001, sau khi Vương trở thành tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo lớn nhất của ĐCSTQ, hắn đã lãnh đạo việc bức hại Pháp Luân Công trong lĩnh vực dư luận. Năm 2002, Vương được thăng chức làm tổng giám đốc tờ Nhân dân Nhật báo. Năm 2008, hắn lại được thăng chức làm thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương, đồng thời là Cục trưởng Cục Quản lý Không gian mạng và Văn phòng Thông tin Nhà nước. Hắn tiếp tục chỉ thị cho các kênh truyền thông nhà nước phỉ báng Pháp Luân Công.

Năm 2013, Vương trở thành phó chủ tịch kiêm tổng thư ký của Đại hội Nhân dân Toàn quốc. Vào tháng 3 năm 2018, hắn trở thành phó chủ tịch thứ nhất của Đại hội Nhân dân Toàn quốc. Vào tháng 3 năm 2019, hắn làm chủ tịch Hiệp hội Luật sư của ĐCSTQ. Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2019, hắn đã tổ chức tám khóa đào tạo tăng cường đặc biệt trên toàn quốc để duy trì cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Những người tham gia các khóa đào tạo này bao gồm các đặc vụ và cán bộ phụ trách Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) của các khu vực và quận chịu trách nhiệm hoạch định và thực thi các chính sách bức hại của ĐCSTQ; những người đứng đầu và cán bộ của “các hiệp hội và ban ngành chống tà giáo“; những người phụ trách sở công an, viện kiểm sát, cơ quan pháp lý và tư pháp, cũng như Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập để chuyên trách việc bức hại Pháp Luân Công.

Tào Kiến Minh

Tào Kiến Minh, 65 tuổi, là giảng viên lâu năm tại Trường Cao đẳng Khoa học Chính trị và Luật miền Đông Trung Quốc. Sau khi Giang Trạch Dân bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Tào, thời điểm đó là hiệu trưởng trường, đã đăng các bài báo trên Tân Hoa Xã để phỉ báng Pháp Luân Công và nhà sáng lập.

Tháng 11 năm 1999, Tào được thăng chức làm phó chủ tịch Tòa án Nhân dân Tối cao của ĐCSTQ, đồng thời là hiệu trưởng Học viện Thẩm phán Quốc gia.

Trước khi thăng chức, Tào đã dạy các khóa luật cho các lãnh đạo ĐCSTQ. Trong tiểu sử của mình, hắn cũng tuyên bố rằng sau khi vào Trung Nam Hải (khu phức hợp chính quyền trung ương) để giảng dạy, hắn đã “bắt tay” với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Có tin cho rằng Giang hậu thuẫn cho việc thăng chức của hắn.

Tào cũng là thân tín của Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi Chu phụ trách PLAC vào năm 2007, Tào được thăng lên làm phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào năm 2008. Chu là cấp trên trực tiếp của Tào.

Khi Chu bị điều tra về tội tham nhũng vào năm 2013, có tin rằng Tào cũng bị điều tra vì liên quan đến các hoạt động của Chu, nhưng cuối cùng hắn không bị truy tố.

Kể từ năm 2015, hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn kiện chống lại Giang Trạch Dân lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao, do Tào và Chu Cường quản lý. Cả hai cá nhân này đều vi phạm quy định và trả đơn kiện về địa phương. Vì thế, nhiều học viên Pháp Luân Công bị chính quyền địa phương bắt giữ và sách nhiễu. Một số học viên bị kết án, thậm chí bị bức hại đến chết vì kiện Giang.

Theo thống kê trên trang Minh Huệ, ít nhất 7.056 học viên đã bị bức hại vì kiện Giang vào năm 2015, và 2.547 học viên khác cũng bị bức hại vì lý do tương tự vào năm sau đó. Các học viên bị bức hại đến chết vì kiện Giang bao gồm Vương Căn Phát từ tỉnh Cam Túc, Ngô Nguyên Thanh từ tỉnh Sơn Đông, Lưu Thúy Vinh từ tỉnh Hà Bắc, Trương Niên Tiết từ tỉnh Hồ Bắc, Đại Phượng Trân từ tỉnh Liêu Ninh, Vương Tú Lan từ tỉnh Hà Nam và Tiêu Quế Anh từ tỉnh Cam Túc.

Vào ngày 25 tháng 1 năm 2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành một văn bản giải trình về tư pháp cho việc bức hại Pháp Luân Công; nhưng tài liệu này lại được các tòa án Trung Quốc sử dụng để kết án sai trái các học viên Pháp Luân Công.

Tào trở thành phó chủ tịch của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3 năm 2018.

Cát Bỉnh Hiên

Cát Bỉnh Hiên, 69 tuổi, từng là phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình ĐCSTQ, phó Ban Tuyên giáo Trung ương, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang.

Theo báo cáo ngày 25 tháng 12 năm 2010 của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), về việc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang, thì Cát, Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, là người chịu trách nhiệm chính.

Báo cáo chỉ ra kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, sau khi Giang Trạch Dân khởi xướng cuộc bức hại Pháp Luân Công, tỉnh Hắc Long Giang là một trong những khu vực bị bức hại nghiêm trọng nhất. Theo thống kê hiện có, tại tỉnh Hắc Long Giang có 14.081 học viên Pháp Luân Công đã bị thương, bị tàn tật và bị kết án bất hợp pháp. Trong số đó, 782 học viên bị tra tấn đến chết, chỉ riêng ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh có tới 332 học viên bị chết.

Cát từng là Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang từ năm 2008 đến năm 2013, và được bổ nhiệm làm phó Chủ tịch Đại hội Nhân dân Toàn quốc vào năm 2013.

Cát cũng là thân tín của Giang Trạch Dân, trước đây là Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Hà Nam và Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung ương. Hắn cũng có quan hệ mật thiết với Lệnh Kế Hoạch, khi đó là chánh văn phòng trung ương kiêm là phụ tá trưởng của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Có tin cho rằng sau khi Cát được chuyển sang làm bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang vào năm 2008, hắn đã đưa em vợ của Lệnh Kế Hoạch là Cốc Nguyên Húc, từng làm việc cho CCTV, đến Hắc Long Giang và thăng chức lên phó giám đốc Sở Công an Hắc Long Giang.

Cát cũng là thuộc hạ cũ của Lưu Vân Sơn (một thân tín khác của Giang). Trong thời gian Lưu Vân Sơn làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương từ năm 2002 đến năm 2012, Cát từng là phó ban và phó ban điều hành của Ban Tuyên giáo Trung ương từ năm 2001 đến năm 2008. Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan chỉ huy trực tiếp trong hệ thống Tuyên truyền của Đảng, và là công cụ đàn áp và bức hại Pháp Luân Công.

Trương Xuân Hiền

Trương Xuân Hiền, 57 tuổi, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam và Bí thư Khu tự trị Tân Cương, chịu trách nhiệm về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở những khu vực này.

Vào tháng 6 năm 2014, WOIPFG đưa tin, Trương, lúc đó là Bí thư Thành ủy Tân Cương, bị liệt vào danh sách những người chịu trách nhiệm về việc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Tân Cương.

Theo thông tin do Minh Huệ thu thập được, kể từ khi Trương nhậm chức Bí thư Thành ủy Tân Cương, hắn đã triển khai các lớp “chuyển hóa” quy mô lớn khắp Tân Cương để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Theo dữ liệu hiện có, 41 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết ở Tân Cương kể từ năm 1999.

Trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam từ năm 2005 đến năm 2010, Trương tiếp tục triển khai chính sách bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ . Các học viên Pháp Luân Công ở nhiều khu vực khác nhau của tỉnh Hồ Nam đã bị bắt giữ phi pháp, bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức và bị kết án. Phòng 610 thường xuyên tổ chức các khóa tẩy não các học viên, và Trương là kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp cho các hoạt động này.

Kể từ năm 1999, đã có ít nhất 154 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết ở tỉnh Hồ Nam.

Trương kế nhiệm Vương Nhạc Tuyền làm Bí thư Thành ủy Tân Cương vào năm 2009. Hắn được Chu Vĩnh Khang, lúc đó là Bí thư PLAC và là người đứng đầu Nhóm điều hành Tân Cương của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, tiến cử. Trương cũng được thăng chức lên Ủy viên Bộ Chính trị năm 2012 vì y phụ trách Tân Cương, đồng thời giữ vai trò phó Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo công tác xây dựng Đảng Trung ương thứ trưởng nhà nước.

Trương không được tái bầu chọn làm Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 năm 2016, và bị giáng cấp xuống phó Ủy viên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3 năm 2018. Vị trí này được coi là một vai trò tượng trưng không có thực quyền.

Trần Trúc

Trần Trúc, 67 tuổi, cùng quê tỉnh Giang Tô với Giang Trạch Dân. Y tốt nghiệp tiến sỹ tại Pháp. Sau khi ĐCSTQ đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ của sinh viên “ngày 4 tháng 6” năm 1989, Trần trở về Trung Quốc vào tháng 7 cùng năm và làm việc tại Bệnh viện Thụy Kim trực thuộc Đại học Y Thượng Hải (nay là Trường Y khoa trực thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải).

Trần được bầu làm viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc vào năm 1995. Năm 2000, y được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc. Năm 2007, y được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Năm 2013, y trở thành phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.

Theo một báo cáo ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Đài Á Châu Tự do, việc thăng tiến của Trần là nhờ vào sự đỡ đầu của con trai cả của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng.

Được biết khi Nghiêm Nghĩa Huân, Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc, từ chức vào năm 2000, Giang Trạch Dân đã nói chuyện với con trai là Giang Miên Hằng, phó chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc, về một ứng cử viên cho vị trí phó chủ tịch mới. Giang Miên Hằng nói rằng hắn ngưỡng mộ Trần, người đã có thâm niên làm việc ở Thượng Hải. Trần được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc vào tháng 10 năm 2000.

Sau khi Trần trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế vào năm 2007, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã nghi ngờ tội ác thu hoạch nội tạng sống của Bộ Y tế dưới sự lãnh đạo của y.

Vào tháng 10 năm 2012, Đại học Minnesota của Hoa Kỳ đề xuất cấp bằng tiến sỹ danh dự cho Trần. Tuy nhiên, Giáo sư Kirk C. Allison của trường đại học và 21 chuyên gia khác về đạo đức sinh học, y học và nhân quyền cho rằng điều đó là không phù hợp. Họ đã ký một bản kiến nghị trên Star-Tribune để phản đối đề xuất này.

Giáo sư Allison cho biết Bộ Y tế do Trần đứng đầu chịu trách nhiệm giám sát việc cấy ghép nội tạng, trong khi các chuyên gia y tế của ĐCSTQ đã nhiều lần thu hoạch nội tạng của tù nhân, và việc cấy ghép phi pháp diễn ra tràn lan. Họ nói rằng trong tình huống này, không rõ có nên trao danh hiệu danh dự cho Trần hay không.

Báo cáo chỉ ra rằng ĐCSTQ bị nghi ngờ thu hoạch nội tạng từ tử tù và các nhóm tín ngưỡng bị bức hại như các học viên Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/19/416704.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/3/189717.html

Đăng ngày 11-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share