Bài viết của Hải Thiên

[MINH HUỆ 23-12-2020] Có một chủ đề chung giữa các nền văn hóa, đó là khi con người thành kính tín Thần, tuân theo ý chỉ của Thần, và ăn năn về lỗi lầm khi làm điều sai trái thì sẽ được ban phúc, gặp những điều kỳ diệu. Điều này có thể giúp chúng ta tìm ra lối thoát cho các vấn đề của ngày hôm nay.

Sau khi bằng chứng về gian lận bầu cử tổng thống Hoa Kỳ xuất hiện vào đầu tháng trước, các hãng truyền thông lớn, tòa án, và chính phủ các tiểu bang đã từ chối thừa nhận sự tồn tại phổ biến của gian lận, chứ chưa nói đến hành động cụ thể để điều tra và giải quyết vấn đề. Nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump đã lo lắng.

Hai cuộc mít-tinh lớn đã được tổ chức tại Washington D.C. Trong thời gian này, một vào ngày 14 tháng 11 và một vào ngày 12 tháng 12. Hàng trăm nghìn người đã tham gia mỗi sự kiện, nhằm kêu gọi chấm dứt trộm cắp (Stop the Steal) và tìm kiếm công lý cho một cuộc bầu cử công bằng. Cả hai sự kiện đều có cuộc diễu hành phỏng theo cuộc tuần hành Jericho: mọi người đi vòng quanh Điện Capitol của Hoa Kỳ bảy lần, trong tay cầm cuốn Kinh Thánh. Những người tham gia hy vọng điều này sẽ mang lại phước lành và đập tan các thế lực nhà nước ngầm cản trở một cuộc bầu cử công bằng.

Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc cũng tồn tại khái niệm tương tự về tế Trời. Một ví dụ là câu chuyện huyện Phượng Tiên kể trong Tây Du Ký. Hạn hán kéo dài ba năm khiến khu vực này nghèo đói, chết chóc và tuyệt vọng. Nhưng khi mọi người thay đổi quan điểm, điều kỳ diệu đã xảy ra ngay lập tức.

Cả hai câu chuyện này có thể giúp chúng ta lý giải được tình hình hiện tại. Khi thế giới tự do đang trải qua những mối đe dọa chưa từng có thì giải pháp có thể đến từ chính chúng ta và đức tin của chúng ta.

Tường thành Jericho

Trận chiến ở thành Jericho đã được ghi lại trong sách Joshua. Sau khi Moses dẫn người Israel ra khỏi Ai Cập và thoát khỏi ách nô lệ, ông đã trải qua vô số phép lạ như vượt qua Biển Đỏ và đồ ăn từ trên trời rơi xuống. Tuy nhiên, Moses đã qua đời trước khi đến được miền đất hứa là xứ Canaan. Tuân theo ý chỉ của Thần, Moses đã chọn Joshua làm lãnh tụ dân Do Thái. Sau đó, Joshua quả nhiên dẫn dắt người Do Thái băng qua sông Jordan, cuối cùng cũng tới xứ Canaan thịnh vượng, nhưng muốn tới đó, trước tiên nhất định phải tiến vào thành Jericho.

Thành Jericho trấn giữ đường vào xứ Canaan, là cứ điểm quân sự, một đại pháo đài, tường thành cực kỳ cao và hùng vĩ. Những người Do Thái tiến tới cửa thành, nhưng binh lính coi giữ quyết không cho họ vào, lại đóng chặt cửa thành.

Tuy nhiên, Chúa đã ban cho Joshua chỉ dụ để chinh phục thành Jericho. Theo chỉ dụ, Joshua dẫn hết thảy binh sỹ Do Thái đi vòng quanh thành mỗi ngày một lần, liên tục trong sáu ngày, rước theo Hòm Giao ước, đi đầu là bảy tư tế cầm bảy chiếc kèn tù và thổi; đi hết một vòng thì quay về trại đóng quân. Trong khi đi quanh thành, người Do Thái không hô tiếng nào, không có hành vi kích động, chỉ nghe thanh âm tù và của các tư tế. Đến ngày thứ bảy, sau khi đi một vòng quanh thành, tư tế thổi tù và. Người Do Thái theo chỉ dụ, khi nghe thấy tiếng kèn lệnh, liền cất tiếng hô lớn, tường thành kiên cố bỗng chốc ầm ầm sụp đổ.

Câu chuyện này cho chúng ta biết rằng có niềm tin vững chắc vào Thần và tuân theo chỉ dẫn của Thần thì thần tích sẽ xuất hiện.

Câu chuyện về núi gạo huyện Phượng Tiên

Nhiều người nghe Kinh Thánh có thể không thấy quen thuộc, nhưng nghe đến Tây Du Ký là biết. Giai thoại về huyện Phượng Tiên xuất hiện trong hồi 87 của Tây Du Ký. Trên đường đi thỉnh Kinh, Đường Tăng và các đồ đệ đến huyện Phượng Tiên. Nơi này thuộc nước Thiên Trúc, vốn là nơi đông đúc, trù phú, nhưng đã gặp hạn hán liền ba năm, bách tính khổ cùng cực, chết đói hai phần ba số dân trong vùng, người sống lúc nào cũng có thể tử vong. Quận hầu thương dân, dán bảng cáo thị thỉnh pháp sư cầu mưa cứu dân. Tôn Ngộ Không thấy sự tình này, bèn quyết định giúp một phen.

Tôn Ngộ Không đến Tây Thiên Môn, Thiên Vương mới nói cho Ngộ Không biết huyện Phượng Tiên không có mưa là bởi đang trong thời gian bị trừng phạt vì Quận hầu mạo phạm Thiên đế, nên bị Thượng đế trách tội. Nay đang dựng núi gạo, núi bột, và đại khóa vàng, chờ đến khi cả ba đã hết thì trời mới mưa. Ngộ Không không biết chuyện này có ý gì nên đi hỏi Ngọc Hoàng, mới hay ba năm trước, khi Ngọc Hoàng đi thị sát thì thấy Quận hầu xô đổ đàn tế Trời, đem đồ cúng cho chó ăn, lại nói lời mạo phạm. Vì lẽ đó mà phải gánh ba nạn sau.

Tứ Thiên Sư dẫn Tôn hành giả tới Phi Hương điện, thấy một ngọn núi gạo ước chừng cao gần 10 trượng, một núi bột ước chừng cao gần 20 trượng. Bên cạnh núi gạo có một con gà lớn mổ gạo ăn. Bên cạnh núi bột có con chó liếm bột ăn. Bên trái là một cái kệ sắt, trên kệ có treo chiếc khóa vàng, ước chừng dài một thước, ba, bốn tấc, thân khóa rộng cỡ ngón tay, phía dưới có ngọn đèn cháy sáng. Thiên Sư nói Quận hầu này xúc phạm trời cao, Ngọc Đế mới lập ba cái nạn này, chờ cho gà mổ hết gạo, chó liếm sạch bột, ngọn đèn phá được khóa thì trời mới mưa. Hành giả nghe vậy, kinh hãi đến biến sắc, không dám khởi bẩm thêm gì nữa.

Quay về đến hạ giới, Tôn hành giả trách cứ Quận hầu, chỉ vì ông ta mà lê dân gặp nạn. Quận hầu sợ, không dám che giấu, bèn nói thật sự tình. Thấy ông ta ăn năn, Tôn hành giả truyền cho ông ta phép hóa giải, bảo Quận hầu về sửa tâm hướng thiện, sớm tối niệm Phật có thể cảm động cửu tầng thiên.

Quận hầu nghe lời, dập đầu sám hối, thề nguyện tín Phật, dạy cho bá tánh trong ngoài thành, bất luận nam nữ, đều phải thắp hương niệm Phật. Từ đó, tiếng lành đồn xa, Đại Thánh thấy bàn dân hối cải, bèn lên thiên đình bẩm báo, sấm chớp liền nổi lên, dân trong thành dâng lư hương trên đầu, quỳ lạy lễ Phật, quả nhiên kinh động trời cao, núi gạo, núi bột thoáng chốc đã tiêu sạch, chiếc khóa cũng nổ tung, Ngọc đế truyền chỉ cho mưa xuống. Từ đó, bách tính huyện Phượng Tiên được gột rửa tâm, thành tâm hướng thiện, kính Thiên tín Phật.

Tây Du Ký tuy được coi là thần thoại, nhưng đã phản ánh đạo đức và trạng thái tinh thần của con người thời cổ đại, và gửi gắm một thông điệp: Thần coi trọng nhất là lòng người, mọi tư tưởng của con người, Thần đều biết rõ. Chỉ cần con người tôn kính Thần, tín Thần, và biết thành tâm sám hối khi làm điều sai trái thì sẽ được Thần bảo hộ.

Từ thời cổ đại đến xã hội hiện đại

Hai câu chuyện trên, một ở phương Đông và một ở phương Tây, không phải là duy nhất. Trong các nền văn minh, đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc, con người tin vào Thiên Địa Nhân hợp nhất. Khi tuân theo chuẩn mực đạo đức, con người sẽ khiêm nhường trước Thần, làm tròn bổn phận và quan tâm đến nhau. Đổi lại, họ sẽ có một cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc.

Tuy nhiên, tất cả những điều này đã biến mất sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền vào năm 1949. Với danh nghĩa giúp đỡ người nghèo, ĐCSTQ đã chiếm đoạt đất đai của địa chủ, cướp bóc của cải của các chủ doanh nghiệp và gần như xóa sổ các giá trị và đạo đức truyền thống của người Trung Quốc, kể cả giới trí thức. Với sự trợ giúp của các nước phương Tây, chế độ độc tài toàn trị này đã dần vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai và là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Với nền kinh tế hùng mạnh, ĐCSTQ đã không lãng phí thời gian trong việc bành trướng hệ tư tưởng cộng sản của nó ra toàn cầu. Từ thao túng các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm tung tin sai lệch thông qua các hãng thông tấn và mạng xã hội, chính quyền này đã thống trị thế giới và gần như phá hủy thế giới tự do sau nhiều thập kỷ thâm nhập.

Vì thế, xã hội phương Tây phần lớn đã coi nhẹ hoặc làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, bao gồm vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và cuộc bức hại Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1999 và kéo dài cho đến nay. Thế giới đã trở nên quá yếu để phòng vệ trước những thông tin sai lệch về đại dịch virus corona của ĐCSTQ, chứ chưa nói đến việc truy cứu trách nhiệm của chính quyền này. Luật An ninh Quốc gia thực thi tại Hồng Kông nếu bị bỏ qua thì có thể trở thành một bước đệm nữa để ĐCSTQ leo thang sự thống trị ở khu vực và toàn cầu.

Đức tin và tương lai của chúng ta

Ở thời khắc then chốt này, ông Trump đã xuất hiện. Khi thề “tát cạn đầm lầy”, ông đã tuyên bố: “Ở Mỹ, chúng tôi không tôn thờ chính phủ — chúng tôi tôn thờ Chúa.” Ông cũng chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ kể từ khi nhậm chức tổng thống vào năm 2017.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông trong việc khôi phục các giá trị và đức tin truyền thống cũng như đứng lên chống lại ĐCSTQ đã vấp phải sự chống đối chưa từng có của các hãng truyền thông tin tức, quan chức chính phủ và các nhóm tinh anh khác. Bằng chứng về gian lận bầu cử xuất hiện ngày càng nhiều là dấu hiệu cho thấy Hiến pháp Hoa Kỳ cũng như thế giới tự do đang lâm nguy. Các phương tiện truyền thông lớn, các quan chức chính phủ, thậm chí cả Tối cao Pháp Viện đều từ chối thực hiện các hành động thích đáng.

Ông Trump cho biết trong một bài phát biểu vào ngày 2 tháng 12, “Với tư cách là Tổng thống, tôi không có nhiệm vụ cao hơn là bảo vệ luật pháp và Hiến pháp của Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao tôi quyết tâm bảo vệ hệ thống bầu cử của chúng ta, hiện đang bị tấn công và bao vây phối hợp.” Ông giải thích: “Nếu chúng ta không xử lý tận gốc hành vi gian lận, gian lận khủng khiếp và trầm trọng đã diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2020, thì chúng ta không có quốc gia nữa.”

Khi gần như mọi nỗ lực nhằm giải quyết gian lận bầu cử đã thất bại và hầu như không còn hy vọng nào trước mắt, chúng ta có nên tiếp tục đấu tranh cho một cuộc bầu cử công bằng hay chấp nhận hiện trạng? Đây là một câu hỏi cho tất cả chúng ta, và cho cả đức tin của chúng ta.

Trong tiếng Anh, từ “trump” có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là “kèn trumpet”. Khi dân Do Thái thổi kèn, bức tường thành Jericho đã sụp đổ một cách kỳ diệu. Thật trùng hợp, chúng ta có một tổng thống tên là “Trump”. Có lẽ đã đến lúc phải làm theo ý chỉ của Thần. Chỉ cần có đức tin, chúng ta sẽ được chứng kiến thần tích.

Cô Arina Grossu, người đồng sáng lập của cuộc tuần hành Jericho March, kết luận: “Những người có đức tin đã sáng lập quốc gia này và chúng tôi không thể để mất nước.“ Cũng như người đồng sáng lập khác là anh Rob Weaver, cô đã nghe thấy tiếng nói của Chúa rằng “mọi chuyện vẫn chưa kết thúc”. Vào thời điểm đó, cô không biết Weaver, nhưng cô cũng thấy cảnh tượng ấy trong đầu. Phát biểu trong cuộc mít-tinh, cô nói: “Chúng tôi muốn tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe… Chúng tôi muốn Chúa nghe thấy tiếng nói của chúng tôi. Chúng tôi đang cầu cứu Ngài, cầu xin Ngài thương xót đất nước của chúng tôi, để sự thật và sự minh bạch được phơi bày.”

Cô kêu gọi cả nước hãy dành một ngày để cầu nguyện. Bằng cách ăn năn, tất cả chúng ta có thể quy về Đức Chúa Trời với tư cách là một quốc gia. “Bởi vì đó là điều mà các vị quốc phụ của chúng ta đã làm và chúng ta cũng đã giành được chiến thắng trên đất nước này như thế, vì chúng ta yêu Chúa và đức tin của chúng ta”, cô giải thích.

Phát biểu tại sự kiện này còn có Thượng nghị sỹ Doug Mastriano của bang Pennsylvanian, người khởi xướng phiên điều trần của Thượng viện ở Gettysburg vào ngày 25 tháng 11. Ông cũng gợi nhắc lại mùa đông năm 1776 khi George Washington bị đánh bại vào mùa đông. Tinh thần sa sút, binh lính bỏ đi. Lúc ấy, “George Washington đã thỉnh cầu thiên thượng. Chúa đã can thiệp, hôm đó là ngày Giáng sinh”, ông Mastriano kể lại. Nhờ đó, Washington đã có thể đánh bật kẻ thù ra khỏi Trenton, đánh bại chúng và thay đổi lịch sử.

Ông nói rằng đức tin cũng sẽ giúp chúng ta. Ông nhận xét: “Đây là thời của chúng ta, và đây là thế hệ của chúng ta.”

baee85223bfdd39fd9acc361f67191e9.jpg

Cầu nguyện trong mưa phùn ở Lansing, Michigan, vào ngày 12 tháng 12 năm 2020

Không chỉ có Washington D.C., những người tham dự các cuộc mít-tinh khác cùng ngày cũng bày tỏ ý kiến tương tự.

Ngày 12 tháng 12, trong một cuộc mít-tinh dưới mưa ở Lansing, Michigan, ông Timothy Parker và bạn là ông Larry Van Beek cho biết họ cảm thấy gian lận xảy ra là do đạo đức ở Mỹ ngày càng suy đồi.

Ông Timothy Parker và bạn là ông Larry Van Beek đã tham gia cuộc mít-tinh. Ông Parker có bằng Tiến sỹ Thần học. Họ cảm thấy lý do cho sự gian lận bầu cử trên quy mô lớn và được tính toán trước này là do đạo đức ở Hoa Kỳ liên tục xuống dốc nhiều năm qua. Vai trò của nhà thờ và đức tin của mọi người vào Chúa và đạo đức đang mai một.

Ông Parker cho biết: “Thomas Jefferson đã cảnh báo nếu chúng ta mất đi đạo đức, chúng ta sẽ mất nền cộng hòa.”

Ông Van Beek chia sẻ: “Vấn đề này xảy ra là do chúng ta đã rời xa Chúa. Nhiều người đã trở nên hèn nhát. Chúng ta đã không thuyết giảng phúc âm trong nhiều nhà thờ, bởi vậy các nhà thờ ngày nay rất yếu kém. Tôi không nói nhà thờ nào cũng vậy. Nhưng chúng ta có rất nhiều người được gọi là tín đồ Cơ Đốc nhưng không thực sự tuyên dương chân lý của Chúa.”

Ông Van Beek nói: “Chúa có con chiên của Ngài và Ngài đưa họ tới. Vì vậy, nếu chúng ta không hiểu rằng Chúa muốn cứu rỗi con người thoát khỏi tội lỗi của con người thì đó là vấn đề lớn nhất. Khi chúng ta lờ đi tội lỗi và gia tăng tội lỗi, chúng ta đang gặp rắc rối. Mặc dù đất nước chúng ta có nhiều tín đồ Cơ Đốc, nhưng trên thực tế, nhiều người đã quên mất Chúa và gia tăng tội lỗi, đó là lý do tại sao chúng ta gặp rắc rối.”

Anh Rally-goer Dean cho biết: “Các giá trị truyền thống của Mỹ được xây dựng dựa trên niềm tin rằng tất cả nam giới và phụ nữ đều được tạo ra là bình đẳng, rằng có một vị Thần đã tạo ra chúng ta và ngài là Đấng lập ra quy phạm đạo đức và con người có giá trị bởi giá trị đó đến từ Đấng tạo ra phép tắc.”

Anh tiếp tục: “Hệ tư tưởng mới kia xuất phát từ chủ nghĩa vô thần và nỗi tuyệt vọng, muốn phóng túng bản thân khi tự huyễn hoặc mình là Chúa trời. Nhưng thay vào đó họ lại muốn tạo ra sự thống trị của riêng họ. Khi làm vậy, họ hạ thấp giá trị con người và điều mà quý vị nhận được là sự chết chóc và hủy diệt dưới sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, tôi ở đây vì cuộc sống của nhân loại, vì tự do và vì các giá trị Mỹ được xây dựng dựa trên các giá trị trong Kinh thánh, cũng như cho gia đình, hàng xóm và cộng đồng.”

Bạn của anh là cô Lisa tán đồng: “Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi nghĩ anh ấy đã tóm gọn rằng chúng ta ở đây vì Chúa đã gọi chúng ta đến đây vì những giá trị này. Chúng tôi không muốn đất nước này rơi vào tay chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, những chế độ không cho chúng ta có bất kỳ quyền tự do nào. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đến từ một xứ sở vô thần. Chúng ta là con dân của Chúa. Chúng ta yêu cuộc sống này. Chúng ta yêu gia đình. Chúng ta yêu thích hôn nhân truyền thống.”

“Tôi tin rằng sự thật sẽ chiến thắng. Cái ác luôn tự tìm đến cái chết. Cái ác tự phụ vì nó không tin vào Đấng Sáng Thế bởi Ngài sẽ không để nó tồn tại mà không bị phán xét”, anh Dean kết luận.

Nếu ông Trump là người được chọn cho sứ mệnh khôi phục truyền thống và đánh bại ĐCSTQ, và tiếng kèn đã bắt đầu báo hiệu cuộc chiến giữa thiện và ác, thì mỗi người chúng ta nên làm gì?

Rốt cuộc, đức tin của chúng ta không chỉ đơn thuần là những gì chúng ta nói cho người khác biết chúng ta là ai. Nói đúng hơn, chính trái tim, lời nói và hành động của chúng ta sẽ nói lên chúng ta là ai, đưa chúng ta quay về con đường đúng, và dẫn chúng ta đến tương lai.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/23/416892.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/25/189000.html

Đăng ngày 30-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share