Bài viết của Vương Anh, phóng viên báo Minh Huệ

MINH HUỆ 26-12-2020] Trong tuyên bố ngày 7 tháng 12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã liệt Trung Quốc và một số quốc gia khác vào diện “quốc gia đặc biệt đáng quan ngại” theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998, đã được sửa đổi, vì đã tham gia hoặc dung túng một cách “có hệ thống, liên tục, và nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo.“

Trong tuyên bố, ông viết: “Tự do tôn giáo là quyền bất khả xâm phạm, và là nền tảng cho việc xây dựng và phát triển của các xã hội tự do. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi để chấm dứt việc thúc đẩy lạm dụng và bức hại tôn giáo trên khắp thế giới, và giúp đảm bảo rằng mỗi người, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, đều có quyền sống theo tiếng gọi lương tâm của họ.”

Theo một bài báo với tiêu đề “Đảng Cộng sản Trung Quốc cướp đi niềm tin tín ngưỡng của trẻ em như thế nào”, trên tờ Daily Signal ngày 15 tháng 12, viết Cuộc bức hại tín ngưỡng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một trong những cuộc bức hại nghiêm trọng nhất.

Theo bài báo của Sydney Kochan và Ann Buwalda, sự tàn bạo này bao gồm “việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương, thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công, cũng như bắt bớ và cầm tù tín đồ chỉ vì đức tin của họ, phá hủy các nhà thờ và biểu tượng nhà thờ, và bắt giữ hoặc đe dọa những tín đồ Cơ Đốc giáo học Kinh thánh tại gia. Tuy nhiên, việc bức hại trẻ em ở Trung Quốc lại chưa được phơi bày một cách rõ ràng”.

Bị tách khỏi cha mẹ và bị cấm tham gia các hoạt động tín ngưỡng

Một số bi kịch đã được Chiến dịch Jubilee, cùng với Tổ chức Điều phối Hiệp hội và Cá nhân vì Tự do Lương tri trình bày tại một sự kiện gần đây trong phiên họp thứ ba của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Bài báo trên Daily Signal viết: “Sự kiện này đã tiết lộ sự thật rằng ĐCSTQ đã hoàn toàn không tuân thủ các nghĩa vụ theo Công ước về Quyền trẻ em mà Trung Quốc đã ký kết. Trong khi toàn bộ các cộng đồng tín ngưỡng đã bị bức hại ở Trung Quốc vì tín ngưỡng và đức tin của họ, trẻ em đã phải chịu đựng gấp mười lần.”

“Chính quyền Trung Quốc đã tách trẻ em khỏi cha mẹ chúng và đe dọa sẽ đánh đập các em nếu cha mẹ các em không từ bỏ đức tin của họ. Các nhà chức trách thậm chí còn đe dọa cha mẹ nhận con nuôi rằng họ sẽ bắt những đứa trẻ đó, trả chúng về gia đình ban đầu, hoặc đưa chúng làm con nuôi cho gia đình khác nếu gia đình đó không chịu từ bỏ đức tin.”

Theo Quy định sửa đổi năm 2018 về các vấn đề tín ngưỡng ở Trung Quốc, “chính quyền địa phương đã diễn giải quy định để cấm tất cả trẻ em đến nhà thờ và các nơi thờ phụng khác, cũng như cấm trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tín ngưỡng nào, như trại hè tín ngưỡng, hoặc hướng dẫn thực thành tín ngưỡng, ví dụ như trường học ngày Chủ nhật.“

Tác động tiêu cực và lâu dài đến trẻ em

Do cha mẹ các em bị bắt giữ đột ngột và bị cầm tù chỉ vì đức tin và hoạt động lãnh đạo giáo hội của họ, những đứa trẻ này đã phải chịu đựng vô vàn thống khổ vì sự thiếu vắng cha mẹ và sự bất ổn gia đình.

Điều này đi ngược lại cam kết của ĐCSTQ với Liên Hợp Quốc trong quá trình ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền là “đặt trẻ em lên hàng đầu”. Trên thực tế, những hành động của nhà nước này đã gây tác động ngược lại và không suy xét tới lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Bài báo Daily Signal trích dẫn báo cáo thường niên của đại diện đặc biệt của tổng thư ký về bạo lực đối với trẻ em khẳng định rằng bạo lực và tước đoạt quyền tự do đã được chứng minh là có mối liên hệ với nhau, và việc tước đoạt quyền tự do của trẻ em hoặc cha mẹ chúng có “tác động tiêu cực và lâu dài” đến cuộc sống của trẻ em.

Báo cáo viết: “Hành vi bắt giữ tùy tiện, không dựa trên bất kỳ tội danh nào theo luật pháp quốc tế đã khiến các cuộc công kích các buổi tụ họp của trẻ em thuộc các nhóm thiểu số tín ngưỡng càng thêm phần quan ngại.”

Cô con gái 18 tuổi của một học viên Pháp Luân Công là một ví dụ. Cô đã kể lại khoảng thời thơ ấu ngắn ngủi mà cô có thể ở bên gia đình do cha cô bị giam cầm kéo dài.

Cô kể: “Cha tôi đã bị tống vào tù chỉ vì đức tin của ông. Ông đã qua đời trong bệnh viện và rời xa chúng tôi mãi mãi. Tôi chỉ gặp được cha hai lần. Lần đầu tiên khi tôi 7 tuổi. Chúng tôi gặp ông trong nhà tù, ông rất gầy, nhưng rất vui khi gặp tôi. Ông muốn ôm tôi. Mặc dù tôi biết ông là cha tôi, nhưng đối với tôi ông chỉ là một người lạ. Lần đó đã trở thành hối tiếc mãi mãi rằng tôi không bao giờ được ôm ông nữa.”

Phân biệt đối xử và ngược đãi trong trường học

Đối với những đứa trẻ này, sự bức hại đức tin và gia đình các em còn đến cả trường học.

“Những trẻ em từng là tín đồ Cơ Đốc giáo ở Trung Quốc, khi nói về những trải nghiệm khi được bảo vệ danh tính bằng hóa danh, nhớ lại rằng chúng đã được dạy ở trường rằng tín ngưỡng là bị cấm, chúng bị bắt nạt vì cha mẹ bị bắt giữ, bị loại khỏi các hoạt động ngoại khóa ở trường, bị trừng phạt vì đi nhà thờ và các hoạt động tín ngưỡng bên ngoài trường học, bị buộc phải đọc thuộc các khẩu hiệu chống tín ngưỡng và ủng hộ chủ nghĩa vô thần, và buộc phải ký vào các văn bản từ bỏ đức tin,” bài báo của Daily Signal cho biết.

Tháng 9 năm 2018, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã buộc các học sinh phải vượt qua bài kiểm tra về kiến thức chống tín ngưỡng để được tốt nghiệp. Bài báo viết: “Phòng hành chính tại Học viện Công nghệ Thương Khâu đã đe dọa đuổi những sinh viên có đức tin. Ở tỉnh Chiết Giang, nơi được biết đến với số đông người dân theo Cơ Đốc giáo, hai trường học đã yêu cầu hơn 300 trẻ em ký vào một mẫu đơn khẳng định các em không theo tín ngưỡng và “làm nhục” các em chỉ vì đức tin.”

Bài báo cũng dẫn lời của cô Emilie Kao, Giám đốc Trung tâm Tín ngưỡng và Xã hội Dân sự DeVos của Quỹ Heritage, người chỉ ra rằng hành động này rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế. “Luật pháp quốc tế đảm bảo cho trẻ em có quyền tìm kiếm sự thật và sống theo lương tâm của chính mình,” cô phát biểu tại sự kiện Chiến dịch Jubilee ngày 5 tháng 10 có tên “Trung Quốc cấm đức tin đối với mọi trẻ em”.

Đối với con cái của các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, trường học là nơi đầy sự phân biệt đối xử. “Tổ chức Những người bạn của Pháp Luân Công tiết lộ nhiều câu chuyện về những đứa trẻ lớn lên trong cuộc bức hại ở Trung Quốc đối với nhóm này năm 1999. Một cô gái tên Di Toa nhớ việc từng có người bạn cùng lớp nói rằng mẹ cô nên bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công,” bài báo viết.

Còn có một số câu chuyện đau thương. “Vivian, một đêm đang ngủ tại trường nội trú của cô thì bất ngờ bị một người bạn cùng lớp đánh thức, người bạn đập vào cô và nói với cô rằng cô bị điên vì tự hào tu luyện Pháp Luân Công, và cố gắng thuyết phục cô tự tử bằng cách nhảy ra khỏi cửa sổ phòng ngủ”, bài báo viết tiếp.

Giáo viên và ban giám hiệu nhà trường cũng tham gia vào. “Một cô gái khác tên Đan San, kể lại việc bị giáo viên lừa ký vào đơn từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Cô nói rằng cô đã bị đánh lừa khi tin rằng đó là đơn tham gia vào hoạt động từ thiện.”

ĐCSTQ đã phá hủy văn hóa truyền thống và dân tộc trong quá trình này. Bài báo viết: “[Các quan chức ĐCSTQ] về cơ bản đã xóa bỏ tín ngưỡng và bản sắc ngôn ngữ của trẻ em và thanh thiếu niên Phật tử Tây Tạng bằng cách cấm các khóa học Phật giáo và dạy tiếng Tây Tạng trong trường học. Cũng như với người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Phật giáo Tây Tạng bị coi là phần tử cực đoan và ly khai, và ĐCSTQ đã bắt đầu nhắm đến nền văn hóa này từ tận gốc rễ của nó, trong các trường tiểu học trên khắp khu vực tự trị”.

Bài báo kết luận: “Trong hầu hết mọi lĩnh vực cuộc sống, nền tảng tín ngưỡng và tinh thần của trẻ em Trung Quốc đã bị ĐCSTQ chiếm đoạt làm phương tiện để thực hiện cuộc bức hại, chia rẽ gia đình, đầu độc, và phân biệt đối xử. Năm 2020, hàng nghìn trẻ em ở Trung Quốc phải giữ bí mật về đức tin của mình vì sợ bị trả thù là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được và đáng bị lên án, đồng thời chứng tỏ sự thiếu quan tâm một cách rõ ràng của Trung Quốc đối với các quyền lợi và quyền bất khả xâm phạm của trẻ em.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/26/417050.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/27/189028.html

Đăng ngày 11-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share