Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-12-2020] Bà Hoàng Trị Bình, một người dân ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị kết án 3,5 năm tù ngay sau phiên tòa xét xử vào ngày 3 tháng 9 năm 2020, vì đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Hoàng bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước bản án gần nhất, bà đã bị ba lần kết án lao động cưỡng bức và ba lần bị giam tại trung tâm tẩy não. Nhà của bà cũng bị lục soát ít nhất mười lần. Cuộc bức hại kéo dài khiến chồng và cha bà qua đời; con gái bà 30 tuổi và con trai bà 20 tuổi đã phải lớn lên trong sợ hãi; và chị gái của bà, cũng là một học viên Pháp Luân Công, trở nên rối loạn tinh thần do bị ép tiêm các thuốc không rõ nguồn gốc khi giam giữ.

Bắt giữ và kết án gần nhất

Bà Hoàng đã bị công an từ Công an quận Cao Bình bắt tại một khu chợ vào ngày 9 tháng 9 năm 2019. Cảnh sát đã lục soát nhà của bà sau khi lấy được chìa khóa nhà. Sách Pháp Luân Công, máy in, máy tính và tiền mặt của bà đã bị tịch thu.

Một năm sau khi bị giam giữ, bà Hoàng bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Cao Bình vào ngày 3 tháng 9 năm 2020. Các con của bà và một số người thân của bà đều có mặt. Hai luật sư đã thay mặt biện hộ vô tội cho bà.

Trong phiên xét xử, các luật sư của bà lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công, vì vậy thân chủ của họ lẽ ra không nên bị truy tố vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo hiến định.

Bà Hoàng cũng đã viết bản bào chữa cho mình nhưng không rõ lý do vì sao bà không được phát biểu trong phiên tòa. Bà chỉ có thể viết, gật đầu hoặc lắc đầu. Sau đó, thẩm phán chỉ đạo cho nhân viên hỗ trợ của tòa án đọc lời khai của bà Hoàng thay mặt bà. Tuy nhiên, anh ta dừng lại sau một vài câu vì bà Hoàng đã viết trong phần mở đầu rằng bà đã tuân theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công để trở thành một người tốt.

Sau khi thẩm phán ra lệnh cho nhân viên hỗ trợ ngừng đọc lời khai của bà, bà Hoàng đã viết một tin nhắn cho nhân viên hỗ trợ tòa án một vài lần, yêu cầu ông đọc xong lời khai của bà. Nhưng thẩm phán đã không cho phép. Khi phiên tòa kết thúc, bà Hoàng đã viết cho gia đình: “Tôi không có tội, thời gian sẽ chứng minh tất cả.”

Không lâu sau phiên xét xử, bà Hoàng bị kết án 3,5 năm tù.

Bị tống giam tại các trại lao động và trung tâm tẩy não

Bà Hoàng từng là công nhân tại Nhà máy tơ lụa Quảng An. Chồng bà, ông Vương Đạo Đức, là một nhân viên tàu hỏa. Bà Hoàng coi con gái của ông Vương từ cuộc hôn nhân trước như con ruột của mình và giới thiệu Pháp Luân Công cho cô bé vào năm 1997. Cô gái, lúc đó đang mắc bệnh bạch cầu, sớm đã có thể khỏi bệnh.

Bà Hoàng đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vài lần từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1999. Bà bị bắt và bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong một năm sau khi trở về nhà vào tháng 11.

Khi ông Vương cũng bị bắt vì kháng cáo cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm 1999, con gái 9 tuổi và con trai 10 tháng tuổi của họ bị bỏ lại ở nhà mà không ai chăm sóc. Cậu bé khóc suốt bảy ngày và không chịu ăn uống gì khi chị gái cố cho cậu ăn.

Cảnh sát đã lục soát nhà của bà Hoàng nhiều lần và tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công của bà và một sợi dây chuyền vàng là quà cưới mà bạn của bà đã tặng bà. Cảnh sát cũng đe dọa sẽ bắt và giam giữ con gái bà.

Vài ngày sau, khi người hàng xóm đưa cô con gái đến thăm, cô con gái đã khóc: “Con sợ quá mẹ ơi. Hãy mau về đi mẹ!”

Bà Hoàng sau đó đã nhờ anh trai giúp chăm sóc con trai mình. Nhưng cậu bé một lần nữa chứng kiến ​​cảnh sát lục soát nhà của gia đình mình. Kể từ đó, bất cứ khi nào cậu bé nhìn thấy cảnh sát, cậu bé sẽ nói với mẹ để chạy trốn.

Chưa đầy hai tháng sau khi trở về nhà, bà Hoàng lại bị bắt khi bà đưa con trai đến thăm cha vào ngày 19 tháng 1 năm 2001. Hàng chục cảnh sát đã đến nhà và gõ cửa vào đêm khuya. Sau khi cha bà mở cửa, các cảnh sát đã xông vào và bắt đầu lục soát ngôi nhà, tịch thu một cuốn sách Pháp Luân Công. Cảnh sát đã bắt giữ bà Hoàng và bắt bà hai năm lao động cưỡng bức.

Bà Hoàng được thả về nhà vào đầu năm 2002 nhưng thường xuyên bị nhà chức trách sách nhiễu. Do thường xuyên bị sách nhiễu và khó khăn về tài chính, bà Hoàng đã đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông để làm việc vào năm 2003. Tuy nhiên, nhà chức trách đã gây sức ép buộc chồng bà phải gọi bà quay về.

Khi bà Hoàng trở về vào tháng 5 năm 2004, nhà chức trách đã bắt bà và bà bị giam thêm hai năm tại Trại lao động cưỡng bức Nam Mộc Tự.

Tại trại lao động cưỡng bức, bà bị bắt làm việc 16 giờ mỗi ngày và bị cấm sử dụng nhà vệ sinh. Nếu cần sử dụng nhà vệ sinh, bà phải thừa nhận mình là một tù nhân đã phạm tội nghiêm trọng. Bà cũng bị đánh đập và bắt phải viết báo cáo tư tưởng. Bà trở nên rối loạn và mất kiểm soát tay và chân của mình; phổi của bà trở nên sưng tấy nghiêm trọng và bà cảm thấy khó thở. Dù đang trong tình trạng nguy kịch nhưng bà đã không được tạm tha để điều trị y tế.

Bà Hoàng cũng bị diễu hành trên đường phố, bị cảnh sát thẩm vấn và làm nhục. Khi bà bị bắt, cảnh sát đã lột quần áo và khám xét cơ thể bà. Hơn 3.000 nhân dân tệ tiền mặt, một số sổ ngân hàng và một cuốn sách Pháp Luân Công của bà đã bị tịch thu. Những đồ đạc bị tịch thu của bà đã được giao cho Đồn Công an Tiểu Long.

Sau khi ra khỏi trại lao động, bà đã đến Đồn Công an Tiểu Long để yêu cầu trả lại đồ đạc bị tịch thu nhưng chỉ được đưa lại 1.000 nhân dân tệ tiền mặt. Nữ trưởng đồn nói rằng số tiền còn lại của bà đã được sử dụng cho phí đi lại, ăn uống của họ.

Khi bà Hoàng bị đưa vào trại lao động cưỡng bức lần thứ ba, chồng bà đã bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não địa phương, nơi ông bị giam trong một tháng. Con cái của họ bị bỏ lại một mình và phải dựa vào hàng xóm để lo cho việc ăn uống. Cảnh sát cũng đến trường học của trẻ và thông báo cho toàn trường rằng cha mẹ của các cháu đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Kết quả là bọn trẻ đã bị phân biệt đối xử và trở nên tự ti.

Bà Hoàng cũng bị bắt và đưa đến cùng trung tâm tẩy não.

Khi chính quyền cộng sản đang họp tại Bắc Kinh từ ngày 28 tháng 9 đến ngày 24 tháng 10 năm 2007, nhà chức trách đã đến nhà bà Hoàng để bắt bà. Bà bị đưa đến trung tâm tẩy não và bị giam trong một tháng.

Bà Hoàng lại bị giam tại trung tâm tẩy não trong một tháng trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic 2008.

Vào ngày 22 tháng 4 năm 2010, bà Hoàng vừa đi chợ về thì nhận được cuộc gọi từ một viên chức thị trấn. Viên chức này đã gọi cảnh sát bắt bà Hoàng và đưa bà vào trung tâm tẩy não.

Chồng qua đời

Sau khi cuộc bức hại diễn ra, ông Vương đã bị giam hai lần tại Trại tạm giam Cao Bình và một lần bị đưa đến trung tâm tẩy não.

Khi ông Vương trở về từ Bắc Kinh vào tháng 10 năm 1999, ông bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam Nam Sung để tra tấn — các tù nhân dùng bàn chải kim loại để chà lên cơ thể ông. Ông được thả sau khi gia đình nộp 8.000 nhân dân tệ cho trại tạm giam.

Tuy nhiên, các nhân viên của Đồn Công an Tiểu Long đã đến ngân hàng để phong tỏa tất cả các tài khoản của gia đình ông Vương và sau đó bảo ông trả tiền vé máy bay mà họ đã đến Bắc Kinh để bắt ông.

Để trang trải cho gia đình, ông Vương phải bán chiếc xe máy mới trị giá hơn 3.000 nhân dân tệ với giá chỉ 300 nhân dân tệ để có tiền mặt.

Ông Vương từng là nhân viên tàu hỏa và kiếm được vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng. Tuy nhiên, vì ông tu luyện Pháp Luân Công nên công ty đã điều chuyển vị trí của ông xuống làm công việc dọn dẹp vệ sinh với mức lương hàng tháng là 300 nhân dân tệ. Tiền lương không đủ để nuôi sống gia đình ông vì phải trả 200 nhân dân tệ để thuê một người trông trẻ và con trai ông vẫn còn rất nhỏ.

Năm 2000, lương của ông được tăng lên 600 nhân dân tệ nhưng khoản tiền dôi ra của ông đã bị quản lý giữ lại. Nếu ông phải mua một cái gì đó cho gia đình, ông phải đi với người quản lý và sau đó người này sẽ thanh toán cho ông. Sau khi trở thành nhân viên dọn dẹp vệ sinh, ông Vương không có ngày nghỉ nào và phải xin phép đồn công an nếu muốn nghỉ phép. Ngoài ra, cảnh sát cũng thường xuyên sách nhiễu gia đình ông.

Ông Vương đã qua đời vào ngày 21 tháng 10 năm 2017, do bị xuất huyết não.

Để giải quyết các vấn đề về nhà cửa của người chồng quá cố, bà Hoàng đã đến ủy ban khu phố vào tháng 10 năm 2017. Bí thư chi bộ đã đồng ý hỗ trợ bà và bảo bà đợi trong văn phòng. Sau một thời gian, một người hướng dẫn từ đồn công an và phó bí thư chi bộ của ủy ban đến và yêu cầu bà Hoàng từ bỏ đức tin của mình. Bà đã từ chối tuân thủ.

Nơi làm việc của ông Vương lúc đầu đồng ý chuyển tiền trợ cấp cho bà Hoàng, nhưng sau đó họ đã thay đổi quyết định.

Sự bức hại các thành viên khác trong gia đình

Sau khi cuộc bức hại diễn ra, cha của bà Hoàng đã vô cùng đau đớn khi thấy các con gái, con rể và những người thân khác của mình bị giam giữ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Vào tháng 4 năm 2004, cha của bà Hoàng đã qua đời khi bà bị đưa vào trại lao động lần thứ ba.

Chị gái của bà Hoàng, bà Hoàng Trị Lan, cũng là một học viên Pháp Luân Công. Bà đã bị bắt hai lần khi tập Pháp Luân Công ở ven sông. Cảnh sát đã đưa bà đến bệnh viện tâm thần và cưỡng bức tiêm bà bằng loại thuốc làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, khiến bà bị rối loạn tâm thần. Chồng bà Hoàng cũng bị giam giữ nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Kết quả là không có ai chăm sóc cho cậu con trai nhỏ của họ.

Các đối tượng liên quan đến vụ bức hại bà Hoàng:

Trương Tiêu (张瀟), phó đội trưởng Công an Quận Cao Bình: + 86-18113931711

Tưởng Minh Lễ (蒋明礼), giám đốc trại tạm giam thành phố Nam Sung: + 86-817-2584133

(Thông tin liên lạc của các đối tượng có trong bài viết bản tiếng Hán.)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/8/416158.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/23/188952.html

Đăng ngày 05-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share