Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ tại Canada

[MINH HUỆ 25-11-2020] Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada đã phúc đáp một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu có các chế tài đối với các quan chức Trung Quốc vì bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Trong phúc đáp vào ngày 19 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng François-Philippe Champagne cho biết Canada đã và sẽ tiếp tục “nêu lên những quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc và chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tuân thủ nghĩa vụ quốc tế của mình.”

Ông cho biết chính phủ Canada quan ngại sâu sắc về tình trạng đe dọa và áp bức đối với các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm tín ngưỡng, trong đó có các học viên Pháp Luân Công và sẽ lợi dụng mọi cơ hội thích hợp để tiếp tục làm như vậy, bao gồm việc trực tiếp nêu quan ngại của họ với các quan chức đứng đầu của Trung Quốc, đưa khuyến nghị lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và ký các tuyên bố chung nhằm ủng hộ tự do tôn giáo.

Bộ trưởng Champagne cho biết chính phủ Canada đã thành lập Văn phòng Nhân quyền, Tự do và Hòa nhập (OHRFI) để tích cực tham gia đối thoại và bảo vệ nhân quyền. Đồng thời, chính phủ Canada cũng đang nỗ lực để giải quyết nạn buôn bán người và buôn bán nội tạng bất hợp pháp nhằm nỗ lực ngăn chặn hành vi tàn ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc.

Bản kiến nghị

Bản kiến nghị do Nghị sỹ James Bezan trình bày vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, gồm 1.806 chữ ký thu thập trong khoảng thời gian từ ngày 27 tháng 8 đến ngày 26 tháng 9.

Bản kiến nghị có viết: “Đạo luật về Công lý cho Nạn nhân của các Quan chức Nước ngoài Tham nhũng (Đạo luật Magnitsky) trừng phạt các quan chức nước ngoài chịu trách nhiệm trước những vi phạm nhân quyền hoặc hành vi tham nhũng.”

Bản kiến nghị ghi chú: “Pháp Luân Công là môn tu luyện gồm năm bài công pháp chậm rãi tường hòa. Đạo lý cốt lõi của môn tu luyện tập trung vào nguyên lý ‘Chân-Thiện-Nhẫn’. Những người tu luyện Pháp Luân Công sống và hành xử theo những nguyên lý này…”

Bản kiến nghị viết: “Trong hơn 21 năm qua, các quan chức Đảng Cộng sản tham nhũng của Trung Quốc đã dàn xếp việc tra tấn và giết hại lượng lớn những người tu luyện Pháp Luân Công, đặc biệt là để lấy nội tạng sống của họ cung cấp ngành công nghiệp cấy ghép béo bở ở Trung Quốc trên quy mô lớn,..”

Bản kiến nghị cũng liệt kê các trường hợp người Canada tu luyện Pháp Luân Công bị ĐCSTQ nhắm đến. Ví dụ, “Bà Tôn Thiến, công dân Canada, đã bị kết án tám năm tù và tám học viên Pháp Luân Công khác có quan hệ thân thích với Canada đang phải chịu cảnh ngục tù ở Trung Quốc với mức án lên tới 16 năm vì đức tin của họ…”

Cuối cùng, bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Canada “triển khai tất cả các chế tài pháp luật, kể cả việc phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào Canada” đối với 14 quan chức tham nhũng chính và những cựu quan chức tham nhũng của ĐCSTQ, những người đã minh chứng là tội phạm chính trong những vi phạm nhân quyền tàn bạo, gồm có Giang Trạch Dân, La Cán, Lưu Kinh, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lý Lam Thanh, Ngô Quan Chính, Lý Đông Sinh, Cường Vệ, Hoàng Khiết Phu, Trịnh Thụ Sâm, Vương Lập Quân, Trương Siêu Anh và Cổ Xuân Vương.

Dưới đây là nội dung phúc đáp đầy đủ của Bộ trưởng Champagne:

Việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Canada và là vấn đề ưu tiên trong cam kết của chính phủ chúng ta với Trung Quốc. Canada đã liên tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tôn giáo tín ngưỡng cho tất cả mọi người.

Canada đã công khai bày tỏ quan ngại về việc đe dọa và áp bức các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo cũng như các học viên Pháp Luân Công và sẽ tiếp tục làm như vậy vào mỗi cơ hội thích hợp.

Cam kết của Canada về nhân quyền thể hiện trong các chuyến thăm cấp cao; các tuyên bố công khai; phát biểu về các vấn đề cụ thể và các vấn đề quan ngại cấp song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương; sự can thiệp và vận động của Đại sứ quán Canada; cũng như phương thức tiếp cận xã hội.

Để đảm bảo bảo vệ hết thảy nhân quyền, kể cả quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng (FoRB), Canada giải quyết các quyền một cách toàn diện thông qua Văn phòng Nhân quyền, Tự do và Hòa nhập (OHRFI), khuyến khích một môi trường hòa nhập, tôn trọng sự đa dạng để thúc đẩy quyền của những người thường xuyên bị cách biệt trong xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, OHRFI thường xuyên tham gia nhiều cộng đồng người hải ngoại và cộng động tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, cũng như cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn để thông tin về cách tiếp cận của mình trong việc bảo vệ nhân quyền, kể cả quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng.

Chính phủ Canada đã trình bày trực tiếp những quan ngại về tình trạng nhân quyền với các nhà chức trách Trung Quốc trong rất nhiều trường hợp. Những quan ngại này được nêu ra với chính phủ Trung Quốc ở các cấp cao nhất, bao gồm cả chuyến viếng thăm của Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang Canada vào tháng 9 năm 2016, chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc vào tháng 8 năm 2016 và tháng 12 năm 2017, chuyến thăm của Toàn quyền đến Trung Quốc vào tháng 7 năm 2017 và trong một chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Canada sang Trung Quốc vào tháng 8 năm 2017. Thủ tướng Canada và Thủ tướng Lý cũng có một cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở về nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng trong Cuộc Đối thoại Thường niên cấp Lãnh đạo Canada-Trung Quốc lần thứ ba vào tháng 11 năm 2018. Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng G20 tại Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao Canada đã trực tiếp nêu tình hình nhân quyền ở Trung Quốc với đối tác Trung Quốc trong một cuộc họp song phương. Và gần đây nhất vào tháng 8 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Canada đã nêu những quan ngại về nhân quyền với đối tác Trung Quốc trong một cuộc họp song phương ở Rome.

Ngày 6 tháng 11 năm 2018, Canada đã đưa ra các khuyến nghị công khai về vấn đề nhân quyền với Trung Quốc trong khuôn khổ cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva. Thời điểm đó, Canada kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc truy tố và bức hại vì tôn giáo tín ngưỡng, kể cả đối với các học viên Pháp Luân Công. Gần đây nhất, tại Ủy ban Thứ ba của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ngày 6 tháng 10 năm 2020), Canada đã cùng với 38 quốc gia khác, đồng ký kết một bản tuyên bố chung về tình hình nhân quyền tại Tân Cương và Hồng Kông.

Tháng 7 năm 2019, Canada đã ký một tuyên bố chung tại Hội nghị thúc đẩy Tự do Tôn giáo cấp Bộ trưởng của Hoa Kỳ tại Washington. Hội nghị này do Hoa Kỳ khởi xướng nhằm giải quyết các vấn đề vi phạm tự do tôn giáo và quy tụ các Bộ trưởng ngoại giao và đại diện chính phủ, xã hội dân sự cũng như nạn nhân của việc bức hại và phân biệt đối xử tôn giáo. Tuyên bố chung nhấn mạnh sự lo ngại trước những hạn chế đáng kể về tự do tôn giáo ở Trung Quốc và kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng nhân quyền của tất cả các cá nhân. Bản tuyên bố chỉ ra rằng nhiều thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo ở Trung Quốc phải đối mặt với áp bức và phân biệt đối xử tàn khốc vì tín ngưỡng của họ, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công. Ngày 27 tháng 10 năm 2020, trong một tuyên bố về Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada đã nêu những quan ngại đối với cuộc bức hại đang diễn ra nhắm vào tín ngưỡng và cộng đồng tín ngưỡng ở Trung Quốc, gồm cả các học viên Pháp Luân Công.

Chính phủ Canada vẫn cam kết chống lại tất cả các hình thức buôn bán người, gồm cả mục đích lấy nội tạng. Chính phủ Canada tích cực tham gia cùng các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, để bảo vệ và thúc đẩy việc thực thi Nghị định thư của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nhằm ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn và chống buôn bán người, bao gồm cả mục đích lấy nội tạng. Giải quyết vấn đề buôn bán nội tạng bất hợp pháp là phức tạp và cần có sự hợp tác quốc tế. Canada đã tích cực tham gia quá trình chỉnh sửa Nguyên tắc Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về cấp ghép mô và nội tạng người đã được các quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc, thông qua vào năm 2010.

Việc thúc đẩy, bảo vệ và tôn trọng nhân quyền là những trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Canada sẽ tiếp tục nêu lên những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc và chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tuân thủ nghĩa vụ quốc tế của mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/25/415577.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/29/188484.html

Đăng ngày 03-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share