Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ tại Canada
[MINH HUỆ 27-11-2020] Ngày 26 tháng 11 năm 2020, Nghị sỹ Canada Garnett Genuis đã đệ trình bản kiến nghị M-55 của một thành viên tư nhân tại Quốc hội, nhằm kêu gọi chính phủ Canada tăng cường các quy định đối với sự can thiệp của nước ngoài. Cùng ngày, Nghị sỹ Genuis cùng đồng nghiệp Pierre Paul-Hus, và các nạn nhân bị chính phủ nước ngoài đe dọa và sách nhiễu, đã tổ chức một cuộc họp báo về bản kiến nghị này.
Nghị sỹ Canada Genuis tại cuộc họp báo ngày 26 tháng 11 năm 2020
Tự do và quyền lợi của người Canada phải được bảo vệ
Nghị sỹ Genuis cho biết, bởi đàn áp chính trị ,nhiều người đã phải rời bỏ quê hương để tới Canada tìm kiếm tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Những người mới đến này muốn có quyền biểu đạt ý kiến của mình bất cứ lúc nào mà không sợ bị đàn áp hay bạo lực, có quyền được công nhận là công dân bình đẳng bất kể tín ngưỡng hay địa vị của họ, và quyền tự do với đức tin và trung thành với đất nước mới của họ.
Nhưng một số người Canada mới, dù đã bỏ trốn, vẫn không không thoát khỏi sự đe dọa từ đất nước quê hương của họ. “Những người Canada mới đang dấy lên hồi chuông cảnh báo rằng ngày càng có nhiều lực lượng nước ngoài tìm cách kiểm soát cuộc sống của họ trên lãnh thổ Canada đây, nhằm giám sát, đe dọa, và gây áp lực để họ ủng các chính sách đối ngoại, hoặc ít nhất là cố gắng ép họ ngừng lên tiếng cho công lý và nhân quyền”.
Nghị sỹ Genuis cho biết thêm rằng điều này có thể đe dọa người nhà của các gia đình Canada mới ở tại quê hương của họ hoặc đe dọa bạo lực trực tiếp ở Canada. Những mối đe dọa kiểu như vậy không chỉ gây tổn hại cho những người Canada mới mà còn ảnh hưởng tới giới tinh hoa ở Canada và ngăn cản họ tự do trao đổi ý kiến cũng như phá hoại việc thực thi những quyền cơ bản và tự do của người Canada.
Ông nói: “Người Canada đã chiến đấu và hy sinh cho những quyền này. Chúng ta phải đảm bảo rằng những quyền này không bị các đặc vụ nước ngoài đang hoạt động trong các ngõ hẻm tối tăm tước đoạt. Canada phải duy trì một xã hội mà tại đó tất cả mọi người, bất kể quan điểm hay đất nước xuất thân của họ, đều có quyền tự do biểu đạt ý kiến”.
Mối đe dọa của nước ngoài là vấn đề an ninh quốc gia
Nghị sỹ Genuis cũng nói rằng Canada không thể để những người mới nhập cư, những người đã phải chịu áp bức và bạo lực ở quê hương của họ, vẫn tiếp tục phải đối mặt với những mối đe dọa ở Canada, quốc gia đã tiếp nhận họ. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã ghi nhận những can thiệp và đe dọa nhằm vào các công dân Canada và những người khác trên lãnh thổ Canada, cũng như những thách thức mà những người Canada đang đối mặt với sự hăm dọa có thể gặp phải khi cố gắng yêu cầu được trợ giúp.
Ông nhấn mạnh rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia. Những nạn nhân này không nên chỉ gọi cảnh sát địa phương. “Đây là một hành động chiến lược có chủ đích và có tổ chức được thực hiện bởi nước ngoài tại Canada. Đây không phải là việc mà sở cảnh sát địa phương có thể giải quyết một mình. Thay vào đó, chính phủ Canada phải chủ trì hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, các cấp chính quyền và xã hội dân sự khác để xác định và loại bỏ kiểu đe dọa và bạo lực này.“
Sự chà đạp nhân quyền của ĐCSTQ ở trong nước và nước ngoài
Nghị sỹ James Bezan
Chỉ vài ngày sau khi Nghị sỹ Genuis đệ trình bản kiến nghị này, nhiều đồng nghiệp của ông đã có một cuộc thảo luận sôi nổi tại quốc hội về vấn đề liệu Canada có nên cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi mạng 5G và những chính sách ngoại giao khác đối với Trung Quốc.
Trong cuộc thảo luận diễn ra vào ngày 17 tháng 11, Nghị sỹ James Bezan nói: “Tôi muốn nhìn nhận chế độ cộng sản ở Bắc Kinh là những kẻ đã và đang chà đạp nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công bằng cách thu hoạch nội tạng của họ, tước bỏ các quyền hội họp và thực hành tín ngưỡng theo cách của họ. Chúng ta cũng biết rằng họ (ĐCSTQ) cũng đang tước đoạt những quyền tương tự đối với người Duy Ngô Nhĩ và giam giữ họ trong các trại lao động cưỡng bức, và có nhiều thông tin về sự diệt chủng. Chúng ta cũng không bao giờ quên những Phật tử Tây Tạng, những người đã chiến đấu chống lại chính quyền Bắc Kinh trong nhiều năm qua. Tất nhiên, người Canada đã biết quá rõ về sự chà đạp nhân quyền mà ĐCSTQ đã thực hiện đối với những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông”.
Nghị sỹ Ed Fast
Nghị sỹ Ed Fast đã tuyên bố trong bài phát biểu của mình rằng ĐCSTQ không tôn trọng chủ quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của Canada. Điều này đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi ĐCSTQ, thông qua nhiều tổ chức như Ban công tác Mặt trận Thống nhất và các Viện Khổng Tử, đã có nhiều hành động cụ thể hòng bắt nạt và đe dọa người Canada gốc Hoa.
Ông cho biết rằng sự sách nhiễu của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công tại Canada là một ví dụ khác về một nhóm vốn đã bị bức hại tàn nhẫn ở Trung Quốc nay vẫn tiếp tục bị đe dọa tại Canada đây. Những kẻ trong hàng ngũ của ĐCSTQ, những kẻ đã đe dọa các học viên Pháp Luân Công sẽ nói rằng: “Chúng tôi biết cha mẹ các vị đang sống ở đâu ở Trung Quốc và chúng tôi sẽ theo dõi họ. [Và] chúng tôi cũng sẽ theo dõi anh chị em của các vị”.
“Đây là điều không thể chấp nhận được theo bất kỳ quy tắc quốc tế nào”, ông nói.
Mở rộng bức hại thông qua Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) và các tổ chức sinh viên
Nghị sỹ Kenny Chiu
Cùng tham gia cuộc thảo luận này, Nghị sỹ Kenny Chiu bổ sung thêm rằng: “Sự hăm dọa của các thế lực nước ngoài trên lãnh thổ Canada là một vấn đề rất thực tế và phổ biến”. Ông trích dẫn các báo cáo truyền thông nói về các nhóm khác nhau ở Canada, đang trở thành mục tiêu tấn công của các thế lực nước ngoài. Họ có thể là người Iran, người Duy Ngô Nhĩ hay các học viên Pháp Luân Công. Nhiều chính phủ nước ngoài đang sách nhiễu công dân Canada, và những nạn nhân này cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Điều này đã tác động bất lợi tới khả năng các nhóm dân tộc thiểu số có thể tham gia vào việc trải nghiệm các quyền mà người Canada chúng ta trân trọng. Mặc dù được chào đón tới đất nước của chúng ta nhưng họ vẫn không được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do liên kết và sống một cách tự do mà không lo sợ lại bị bức hại bởi những kẻ xấu hoạt động dưới sự chỉ đạo của các nhóm chính phủ nước ngoài hoặc người thân của họ ở quê nhà lại bị bức hại”.
Ông nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình của những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông ở Canada đã đụng độ với những người ủng hộ Bắc Kinh, vốn là những người sử dụng chiến thuật gây hấn, đối đầu và những người mà các quan sát viên chuyên nghiệp tin rằng có thể do chính quyền Trung Quốc chỉ đạo hoặc tổ chức. Các cuộc đối đầu giữa những người ủng hộ dân chủ và những người ủng hộ Bắc Kinh đã diễn ra vào năm 2019 tại Toronto, Vancouver, Halifax, Montreal, Ottawa và Richmond, British Columbia, với các thủ đoạn gây hấn, đe dọa và bắt nạt mà nhóm thân Bắc Kinh sử dụng.
Ông cho thấy rằng, từ các báo cáo truyền thông, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng đã xác định lưu học sinh là một trong 12 nhóm mục tiêu để hướng dẫn tư tưởng và truyền bá các chính sách của đảng, điều này rất quan trọng trong việc “củng cố và mở rộng” cơ sở của đảng. Một tài liệu tương tự của bộ trưởng bộ giáo dục Trung Quốc cũng kêu gọi thành lập mạng lưới liên kết “mẫu quốc, các lãnh sứ quán và đại sứ quán, các nhóm du học sinh và lượng lớn các lưu học sinh” nhằm tận dụng tinh thần yêu nước của các sinh viên ở nước ngoài.
Ông nói rõ rằng “một số chuyên gia đã xác định các sinh viên Trung Quốc và các hiệp hội học giả là một ví dụ cho sự xâm nhập của UFWD vào môi trường giáo dục ở hải ngoại. Những hiệp hội này có nhiệm vụ giám sát tư tưởng và hành vi của các sinh viên Trung Quốc trong các khuôn viên trường học Canada và là trung tâm kiềm chế tự do ngôn luận về các chủ đề có liên quan tới nhân quyền và dân chủ vốn được cho là nhạy cảm đối với chính phủ Trung Quốc. Điều này đã được khẳng định rõ hơn trong báo cáo của Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc gia Canada được công bố vào mùa xuân năm nay”.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/27/415667.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/2/188538.html
Đăng ngày 10-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.