Bài viết của Shirley, phóng viên báo Minh Huệ tại Thụy Sỹ

[MINH HUỆ 24-11-2020] Từ Hoa Kỳ đến Châu Âu, các học viên Pháp Luân Công đang tiếp tục nỗ lực phổ biến thông tin cho các quan chức chính phủ và công chúng về cuộc bức hại tàn bạo kéo dài 21 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đặc biệt là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) .

Ngày 19 tháng 11, Hiệp hội các Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) đã tổ chức một diễn đàn trực tuyến. Hai học viên đã kể lại trải nghiệm cá nhân khi bị bức hại ở Trung Quốc vì kiên định với đức tin của họ. Một vấn đề cụ thể được thảo luận là các cuộc kiểm tra y tế khác thường cho các học viên bị giam giữ và hoạt động mổ cắp các cơ quan nội tạng.

Từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 11, tại Diễn đàn Geneva lần thứ Ba, ông Nico Bijnens, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Bỉ, đã trình bày những hình thức ngược đãi mà các học viên ở Trung Quốc phải gánh chịu vì đức tin của họ. Ông đã liệt kê nhiều báo cáo khẳng định tội ác của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công.

Diễn đàn DAFOH

Ông Steven Chabot, Nghị sỹ Hạ viện Hoa Kỳ đại diện bang Ohio, đã chỉ trích tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và gọi đây là một hành vi “tàn ác và man rợ”. Ông đang xây dựng một điều luật nhằm buộc các quan chức ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm đối với cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả những người tham gia thu hoạch nội tạng.

Ông Weldon Gilcrease của Đại học Utah là phó giám đốc DAFOH. Ông cho biết số ca cấy ghép đã tăng vọt kể từ năm 1999, khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công. Sự gia tăng các ca cấy ghép xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc không có hệ thống hiến tạng còn tốt và số tù nhân tử hình ở nước này đã giảm.

Ngay cả trong đại dịch năm nay, những người bị nhiễm virus corona ở Trung Quốc chỉ cần 3 đến 4 ngày chờ đợi đã được cấy ghép phổi. Thời gian chờ đợi ngắn đến bất ngờ này cho thấy một nguồn cung tạng khổng lồ bao gồm những người có thể bị giết bất cứ lúc nào để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với hoạt động đàn áp Pháp Luân Công quy mô lớn và động cơ tài chính, ĐCSTQ đã biến Trung Quốc thành quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống thu hoạch nội tạng do chính phủ vận hành.

Một báo cáo của một tòa án nhân dân độc lập năm ngoái cũng đã được thảo luận tại diễn đàn này. Tòa án Trung Quốc (China Tribunal), có trụ sở tại London, phát hiện ĐCSTQ đã tiến hành thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn ở Trung Quốc nhiều năm qua. Đã có đủ bằng chứng cho thấy chính quyền này phạm tội giết người, diệt chủng và những tội ác phản nhân loại khác.

Hai học viên trốn khỏi Trung Quốc đã làm chứng tại diễn đàn này. Anh Lưu Văn Vũ, tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, đã bị giam giữ nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong thời gian bị giam giữ, anh và hơn 40 học viên khác đã trải qua các cuộc khám sức khỏe đặc biệt và bị lấy máu. Những người bị giam giữ khác không phải là học viên không bị yêu cầu làm các xét nghiệm tương tự hay lấy mẫu máu.

Cô Giang Lỵ từ Trùng Khánh kể cha cô, học viên Giang Thiếc Thanh, đột nhiên qua đời trong một trại lao động vào năm 2009. Khi cô và những người thân vội đến nhà xác, họ đã bị sốc khi thấy thi thể của cha cô vẫn còn ấm. Khi họ từ chối ký đồng ý hỏa táng thi thể, các quan chức vẫn tiến hành hỏa táng. Họ còn đề nghị trả 300.000 nhân dân tệ (tương đương 46.000 USD) để gia đình cô im lặng. Hai tháng sau, một cán bộ kiểm sát từ Trùng Khánh tuyên bố rằng tất cả các cơ quan nội tạng của ông Giang Thiếc Thanh đã được lấy để làm mẫu vật. Dựa trên những bằng chứng khác liên quan đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, cô Giang Lỵ tin rằng cha cô chính là một nạn nhân trong số đó.

Ông Hamid Sabi, một luật sư của Tòa án Trung Quốc, cho hay tòa án đã xem xét hơn 50 lời khai trước khi đưa ra kết luận vào năm 2019. Ông cho biết tội ác này vẫn tiếp diễn và các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính.

Ông Matt Salmon, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề với chính phủ tại Đại học Bang Arizona, cũng là cựu Nghị sỹ Hạ viện Hoa Kỳ, đã thúc đẩy những hành động như: kiên quyết không khoan nhượng đối với tội ác này. “Tôi không chắc rằng chỉ đưa ra dự luật nhằm lên án tội ác đã là đủ. Tôi cho rằng chúng ta cần phải có một hệ thống luật pháp thực sự hiệu quả đằng sau đó”, ông nhận định.

Diễn đàn Geneva

Trong phiên họp thứ hai của Diễn đàn Geneva lần thứ ba hôm 11 tháng 11, ông Bijnens đã có bài phát biểu với tiêu đề “Cuộc bức hại tín ngưỡng: Đàn áp người có đức tin ở Trung Quốc”. Ông cho biết cuộc bức hại ở Trung Quốc gây ra hậu quả thảm khốc. Ngoài tra tấn thể xác tàn bạo, ngược đãi tinh thần và tâm thần, cuộc đàn áp này còn nhắm trực tiếp vào những người nỗ lực đề cao nhân cách đạo đức theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Bởi vậy, người dân buộc phải lựa chọn hoặc các giá trị truyền thống, hoặc đi theo thù hận và dối trá của ĐCSTQ.

39a6e9f22069b93523ba81c62d870788.jpg

Ông Nico Bijnens,Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Bỉ, phát biểu tại Diễn đàn Geneva lần thứ ba vào ngày 11 tháng 11 năm 2020.

Cuộc bức hại này là độc nhất vô nhị bởi nó còn liên quan tới nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, một tội ác bị đưa ra ánh sáng vào năm 2006 sau một cuộc điều tra độc lập của luật sư nhân quyền người Canada David Matas và cựu Quốc vụ khanh Canada (phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) David Kilgour. Năm 2009, họ đã công bố những phát hiện của mình trong một cuốn sách với tựa đề “Thu hoạch Đẫm máu: Thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc” (Bloody Harvest: Organ Harvesting of Falun Gong Practitioners in China)​.

Các tác giả viết trong phần tóm tắt của cuốn sách: “Hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ và bị ép từ bỏ tu luyện. Nếu không, họ sẽ bị tra tấn. Nếu họ vẫn kiên định tu luyện, họ sẽ mất tích”. Thời gian chờ đợi ghép thận có thể mất 6 đến 7 năm ở một quốc gia phương Tây, trong khi tại Trung Quốc, chỉ cần vài ngày. Ông Bijnens cho biết điều này chỉ có thể được giải thích bằng tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng, mà các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung chính.

Ban diễn giả của hội nghị nhất trí rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia có tình trạng nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Việc triển khai các thiết bị công nghệ cao đã đưa việc giám sát và kiểm duyệt ở Trung Quốc lên một tầm cao mới. Các diễn giả đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, cũng như Liên Hợp Quốc, hành động để giải quyết vấn nạn này.

Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/24/415539.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/24/415539.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/27/188448.html

Đăng ngày 01-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share