Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-08-2020] Khía cạnh khó khăn nhất của tu luyện là vượt qua những khổ nạn gia đình; tôi luôn gặp khó khăn với điều đó. Vợ tôi tính tình không tốt. Cô ấy hay cằn nhằn, dễ bực tức, và nói rằng tôi là một con lợn bẩn thỉu, “hệt như mẹ của tôi.” Mẹ tôi đã mất được hơn 10 năm, và tôi không thích nghe vợ tôi nói điều này. Khi có đầy đủ chính niệm, tôi biết rằng cô ấy đang giúp tôi tu luyện; nhưng lúc nhân tâm mạnh mẽ, tôi vẫn sẽ oán hận cô ấy. Tôi tự hỏi làm cách nào để có thể đề cao và vượt qua khổ nạn này.

Có lần cô ấy mắng tôi rất gay gắt, tôi đáp lại mấy câu thì cô ấy uất ức, rồi khóc đến nỗi mắt sưng lên và không thèm nói chuyện với tôi trong hai ngày. Tôi cũng lo lắng rằng mình không thể luôn ở trong trạng thái này được? Mình vẫn là một người tu luyện và mình cần phải đột phá vấn đề này.

Tôi tự nhủ: “Tại sao mình lại không thể vượt qua được chướng ngại này và buông bỏ tâm oán hận?” Khi nghĩ về điều đó, tôi nhận ra mình chỉ đang tu bề mặt. Mặc dù tôi vẫn học Pháp, luyện công, và phát chính niệm, nhưng điều này vẫn chưa đủ, vì tôi không thực sự tu luyện. Tôi cứ luôn trong vòng luẩn quẩn của “mâu thuẫn” rồi lại “hối tiếc”, và hiếm khi thực sự đề cao. Mỗi khi có mâu thuẫn, tôi luôn nhìn nó trên bề mặt, sau đó hối hận, lặp đi lặp lại mà không đề cao được.

Buông bỏ

Tôi lại hướng nội và nhận ra gốc rễ của tâm oán hận này là một thứ bùn đất hậu thiên bẩn thỉu. Chỉ có dùng Đại Pháp tẩy sạch nó, thì mới có thiện có từ bi, mới có thể làm được vô oán vô hận. Khi tôi có mong muốn đề cao, Sư phụ đã giúp tôi. Tôi nhớ Sư phụ giảng:

“nhưng đề cao chân chính ấy là ‘xả bỏ’, chứ không phải là ‘đắc được’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia [2002])

Đặc biệt hai chữ “xả bỏ” là hai chữ cần phải nhớ. Để xả được người ta phải lùi một bước. Việc này sao có thể dễ dàng được? Những chấp trước của chúng ta, chẳng hạn như chấp vào tự ngã, chấp vào tư duy và quan niệm người thường, giống như một đại dương rộng lớn. Quá trình buông bỏ những chấp trước là quá trình thanh lọc và thăng hoa. Toàn bộ quá trình tu luyện là một quá trình buông bỏ.

Khi nghĩ như vậy, tôi thấy tư tưởng của mình rộng mở hơn, cảm thấy thoải mái hơn. Khi vợ tôi lại cằn nhằn, tôi như đám mây lành ở ngoài những gì đang xảy ra và có thể bình tĩnh nhìn cô ấy. Dù cô ấy có độc đoán hay thô lỗ đến đâu, tôi vẫn có thể bình thản chấp nhận. Chỉ cần cô ấy ủng hộ tôi tu luyện, vậy là đủ.

Có thể có sự khác biệt về quan điểm giữa vợ và chồng. Nếu cứ khăng khăng ôm giữ quan điểm của bản thân chỉ dẫn đến tranh đấu và hận thù. Tôi biết rằng buông bỏ là cách đối đãi đúng. Ví dụ như, khi chúng tôi mua thịt để làm nhân bánh bao, cô ấy luôn yêu cầu tôi phải băm thịt ở nhà hơn là xay thịt ở cửa hàng. Khi tôi hỏi cô ấy lý do, cô ấy nói rằng làm như vậy thì nó sạch hơn. Khi tôi nói chuyện này không thành vấn đề vì có rất nhiều người đang mua thịt ở cửa hàng, cô ấy đã nổi giận với tôi. Sau đó tôi bảo cô ấy rằng tôi sẽ làm như cô ấy muốn. Cả “sự sạch sẽ” của cô ấy và “tiết kiệm thời gian” của tôi đều là quan niệm. Từ bỏ quan niệm giúp giữ hòa khí. Cô ấy đang giúp tôi tu luyện. Và nếu có bất kỳ leo thang mâu thuẫn nào, nó sẽ giúp tôi đề cao hơn nữa nhờ buông bỏ.

Người bảo vệ vũ trụ

Khi cháu gái của tôi bị sốt, vợ của tôi đã dùng rượu để châm cứu và mát-xa cho cháu. Tôi cảm thấy lo lắng khi thấy điều này, vì cháu gái tôi tu Đại Pháp nên sẽ bị ô nhiễm bởi thứ vật chất đen như vậy, vì vậy tôi đã yêu cầu vợ tôi dừng lại. Cô ấy đã nổi giận với tôi. Cháu gái tôi nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại. Tôi cảm thấy rất phẫn uất và thậm chí còn có một số suy nghĩ xấu. Nếu trước đây điều này xảy ra, tôi đã mang đứa trẻ đi, nhưng lần này thì không. Tôi nhận ra Sư phụ đang quản cháu gái của tôi – ai có thể làm hại cháu được? Đây là cơ hội tốt để tôi loại bỏ tâm oán hận, vì vậy tôi đã phát chính niệm để loại bỏ nó! Sau đó tâm tôi không còn bị chướng ngại và sáng sủa hơn.

Sư phụ giảng:

“Chúng ta là có tính nhắm thẳng, thật sự chỉ thẳng vào cái tâm ấy, vứt bỏ cái tâm ấy; như vậy tu được mau lẹ phi thường.” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Sư phụ. Khi tư tưởng con người, quan niệm và ma tính của tôi nổi lên, tôi có thể tóm bắt và loại bỏ chúng! Kể từ đó, đề cao của tôi rõ ràng hơn.

Điều này rất đơn giản, dễ dàng và hiệu quả. Tôi nhìn thấy mình là người bảo vệ tiểu vũ trụ của chính cơ thể mình. Tôi chịu trách nhiệm cho những nhân tố chính của nó. Nếu một phần cơ thể tôi cảm thấy khó chịu hay đau đớn, điều đó có nghĩa là vũ trụ này có gì đó không ổn. Tôi sẽ phát chính niệm để chính lại thiên thể, để các chúng sinh đều có thể được cứu.

Sau khi hình thành được thói quen “buông bỏ”, tôi thấy vợ mình thật đáng thương. Bất kể nhân duyên của chúng tôi như thế nào, tôi sẽ xem việc cô ấy xử tệ với tôi như đang giúp tôi thành tựu. Thi thoảng khi cô ấy sắp nổi cáu, tôi xin cô ấy đừng như vậy để cô ấy không tạo thêm nghiệp chướng. Khi tôi có thể nhẫn chịu và khoan dung hơn với cô ấy, tôi cảm thấy mình thật cao thượng.

Vợ tôi sức khoẻ không tốt. Trước khi ra ngoài, cô ấy thường nhờ tôi xỏ giày giúp cô ấy. Lúc đầu, tôi nghĩ việc này khiến mình cảm thấy bị hạ thấp và tôi không sẵn lòng làm. Nhưng sau đó tôi tự nhủ: “Thế nào là cao quý? Chẳng phải đây là hành động giúp đỡ người khác sao? Vợ tôi không phải là một trong những người khác sao?” Khi tôi thay đổi suy nghĩ của mình, hành vi của tôi tự nhiên thay đổi. Tôi đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu và coi đó là thiện đãi người khác; điều đó khiến tôi hạnh phúc, vì vậy tôi sẵn lòng làm.

Điều này cũng đúng giữa các học viên. Bất kể chúng ta tu luyện tốt như thế nào, đôi khi chúng ta vẫn sẽ thấy những thiếu sót hoặc những biểu hiện của ma tính. Nhưng, nếu chúng ta có thể buông bỏ mâu thuẫn, không nhìn vào khuyết điểm của họ, mà chỉ nhìn vào những điều tốt đẹp, khi ấy chúng ta sẽ không bị lôi kéo, và sẽ không hình thành gián cách giữa các học viên.

Ví dụ, có lần tôi nhìn thấy một học viên cạo gió (một liệu pháp massage). Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy vậy nhưng ngay lập tức tôi biết mình cần “buông bỏ”. Trước đây nếu nó xảy ra, tôi sẽ bảo anh ấy đừng làm vậy.

Tôi nhớ Sư phụ giảng:

“không nên nhìn vào phía không tốt của người ta, mà luôn nên nhìn vào phía tốt của người ta.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Sư phụ biết rất rõ trạng thái tu luyện của từng học viên. Những thiếu sót của các học viên khác là tấm gương để chúng ta tu bản thân. Chỉ khi luôn nhìn vào mặt tốt của họ chúng ta mới có thể thấy những thiếu sót của chính mình. Khi tiếp tục buông bỏ, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình đã từ bi hơn và chúng ta sẽ dần đạt đến tiêu chuẩn của Đại Pháp. Chỉ qua buông bỏ tự ngã, chúng ta mới có thể đặt người khác trong tâm mình, mới có thể vì người khác mà nỗ lực, chúng ta mới càng thuần tịnh hơn.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/10/410276.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/29/188019.html

Đăng ngày 30-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share