Bài viết của Vương Anh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 19-11-2020] Ngày 17 tháng 11 năm 2020, nhóm Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một báo cáo mới với tiêu đề “Các nhân tố trong thách thức của Trung Quốc” (The Elements of the China Challenge). Báo cáo dài 74 trang này đã tóm tắt những thách thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và toàn thế giới. Nó đặt ra 10 nhiệm vụ cho chính phủ Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại để bảo vệ tự do quốc gia.

Báo cáo cho biết: “Ngày càng có nhiều người ở Hoa Kỳ—và các quốc gia trên thế giới—nhận thức được rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khởi phát một kỷ nguyên cạnh tranh mới giữa các cường quốc. Tuy nhiên, rất ít người hiểu rõ Trung Quốc đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách trên thế giới như thế nào, ít hơn nhiều so với hình thức thống trị cụ thể mà ĐCSTQ muốn đạt được.“

“ĐCSTQ không chỉ đang chiếm giữ vị trí đỉnh cao trong trật tự thế giới vốn có—một trật tự dựa trên cơ sở các quốc gia tự do và có chủ quyền, lấy nguyên tắc phổ quát làm cơ sở lập quốc và thúc đẩy lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ—mà còn làm thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới, đưa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) lên vị trí trung tâm và phục vụ các mục tiêu độc tài và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.

“Đối mặt với thách thức của Trung Quốc, Hoa Kỳ phải bảo vệ tự do.”

“Niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê” là cốt lõi của ĐCSTQ

Mọi người chưa hiểu được “hình thức chủ nghĩa độc tài và các mục tiêu bá quyền” của ĐCSTQ, bởi vì họ chưa nhìn thấu “niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê” (Mác-Lênin) của ĐCSTQ.

“Khi đi theo chế độ độc tài Mác-Lê của thế kỷ 20, ĐCSTQ cuối cùng đã tăng tốc quá trình hiện đại hóa và tạo ra sức tăng trưởng kinh tế mạnh chưa từng có—chủ yếu là nhờ quyết định của ĐCSTQ vào cuối những năm 1970 trong việc lợi dụng các yếu tố của thị trường tự do, cũng như quyết định của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới trong việc hợp tác và mở cửa giao thương với Trung Quốc.”

“Ngày nay, ĐCSTQ đã dùng sức mạnh kinh tế của mình để lôi kéo và cưỡng chế các nước trên thế giới; làm cho điều kiện xã hội và chính trị của các quốc gia khác phù hợp với các đặc tính ĐCSTQ; và nắn chỉnh lại các tổ chức quốc tế cho phù hợp với mô hình xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Đồng thời, ĐCSTQ đang xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới nhằm cạnh tranh và cuối cùng vượt qua quân đội Hoa Kỳ. Những động thái này cho phép ĐCSTQ tự tin theo đuổi cuộc chinh phục—tiến ra thế giới thông qua khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và bao phủ toàn cầu—nhằm đạt mục đích ‘tái thiết quốc gia’, cuối cùng thay đổi toàn bộ trật tự quốc tế.”

“Để hiểu được hình thức độc tài không đâu có và các mục tiêu bá quyền mà Trung Quốc đang thúc đẩy, cần phải nắm được nguồn tư tưởng xác lập nên hành vi của Trung Quốc: niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê của ĐCSTQ và cách diễn giải cực đoan của ĐCSTQ về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.”

“Nhìn trên tổng thể, các bộ phận chính cấu thành nên hành vi của Trung Quốc—như duy trì chế độ độc tài theo chủ nghĩa Mác-Lê; lấy sự thịnh vượng của quốc gia làm đòn bẩy để khiến nước ngoài phải phụ thuộc về kinh tế và phục tùng về chính trị, đồng thời thay đổi quan điểm của các tổ chức quốc tế từ bên trong theo tiêu chí và mục tiêu của ĐCSTQ; và xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới—đã cho thấy một cường quốc coi việc chuyển đổi trật tự quốc tế là then chốt trong kế hoạch thống trị thế giới của ĐCSTQ.”

Chế độ độc tài ở Trung Quốc

Báo cáo này đặc biệt đề cập đến “Chủ nghĩa độc tài toàn trị trong nước” của ĐCSTQ, trong đó nhấn mạnh rằng toàn bộ nhân dân Trung Quốc đều là nạn nhân của sự áp bức của ĐCSTQ.

“Cách hành xử của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế bắt nguồn từ hình thức chính phủ toàn trị của ĐCSTQ. Theo giáo điều của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ 20 và các quy tắc, thông lệ của các chính quyền theo chủ nghĩa Mác-Lê, ĐCSTQ thực thi chế độ độc đảng mang tính áp bức đối với khoảng 1,4 tỷ người.

“Trong những thập kỷ sau khi đàn áp tàn bạo những người biểu tình đòi dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp nội bộ và củng cố quyền kiểm soát đất nước bằng cách đẩy mạnh sử dụng một cách có hệ thống các hoạt động tuyên truyền, kiểm duyệt và bóp méo thông tin, giám sát bằng công nghệ cao, bắt cóc, và các biện pháp tàn bạo khác.

Những điểm yếu của ĐCSTQ

Báo cáo lưu ý rằng mặc dù ĐCSTQ đang đạt được những tiến bộ trong nghị trình của nó, nhưng cũng đã để lộ ra ngày càng nhiều điểm yếu ở nhiều phương diện.

Bài báo cho hay: “Dù vận hành chế độ cai trị độc tài đối với người dân nước CHNDTH và đe dọa đến tự do trên toàn thế giới, Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ có rất nhiều điểm yếu. Trước hết là những nhược điểm cố hữu của chế độ chuyên chế: kìm chế đổi mới, khó xây dựng và duy trì liên minh, và chi phí phát sinh từ việc đàn áp trong nước. Ngoài ra, CHNDTH còn có những nhược điểm đặc thù như: kinh tế bất ổn; nhân khẩu học mất cân bằng; môi trường suy thoái; tham nhũng tràn lan; tình trạng áp bức các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo; chi phí lớn cho việc giám sát, kiểm duyệt và tuyên truyền cho 1,4 tỷ người ở Trung Quốc;…”

Báo cáo còn cho rằng ĐCSTQ phải đối mặt với thách thức của bản thân trong việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo, khi nhiều quốc gia mất lòng tin vào nước này vì các chính sách đối ngoại của họ.

10 nhiệm vụ để giải quyết thách thức Trung Quốc

Báo cáo kết luận Hoa Kỳ cần phải quay về với các nguyên tắc cơ bản của mình để giải quyết những thách thức do ĐCSTQ đặt ra. Dưới đây là 10 khuyến nghị về chính sách đối ngoại được đề xuất trong báo cáo.

“Trước hết, Hoa Kỳ phải đảm bảo tự do trong nước bằng cách duy trì chính phủ hợp hiến, thúc đẩy sự thịnh vượng và bồi đắp một xã hội dân sự vững mạnh, tất cả những điều này sẽ ươm mầm cho sự hòa hợp của công dân, vốn luôn là yếu tố thiết yếu để có thể đối phó với những thách thức từ nước ngoài.“

“Thứ hai, Hoa Kỳ phải duy trì quân đội mạnh nhất, tinh nhuệ nhất, với công nghệ tinh vi nhất thế giới, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh, dựa trên lợi ích chung và trách nhiệm chung, với các đồng minh và đối tác.”

“Thứ ba, Hoa Kỳ phải củng cố trật tự quốc tế tự do, cởi mở, và dựa trên luật lệ, mà Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu tạo ra trật tự này kể từ sau Thế Chiến II, bao gồm các quốc gia có chủ quyền, dựa trên sự tôn trọng nhân quyền và trung thành với nền pháp trị.“

“Thứ tư, Hoa Kỳ phải đánh giá lại hệ thống liên minh của mình và mạng lưới các tổ chức quốc tế mà Hoa Kỳ tham gia nhằm xác định ở đâu cần củng cố trật tự quốc tế tự do, cởi mở, và dựa trên luật lệ và ở đâu còn chưa đạt được tiêu chí này.”

“Thứ năm, để tiến hành đánh giá lại như vậy, Hoa Kỳ phải củng cố hệ thống liên minh của mình bằng cách chia sẻ hiệu quả hơn trách nhiệm với bạn bè và đối tác và bằng cách thành lập nhiều nhóm và liên minh khác nhau để giải quyết các mối đe dọa cụ thể đối với tự do trong khi hợp tác với các nền dân chủ trên thế giới và các đối tác cùng chí hướng khác, cải tổ các tổ chức quốc tế khi có thể và xây dựng các tổ chức mới, khi cần thiết, dựa trên nguyên tắc tự do, dân chủ, chủ quyền quốc gia, nhân quyền, và pháp quyền.“

“Thứ sáu, Hoa Kỳ phải thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ bằng cách tìm kiếm cơ hội hợp tác với Bắc Kinh theo tiêu chí công bằng, có đi có lại, kiềm chế và răn đe CHND Trung Hoa trong hoàn cảnh cần thiết, và hỗ trợ người dân Trung Quốc tìm kiếm tự do.”

“Thứ bảy, Hoa Kỳ phải giáo dục công dân Mỹ về phạm vi và tác động của thách thức của Trung Quốc, bởi vì chỉ khi toàn thể công dân có hiểu biết, mới có thể kỳ vọng họ phối hợp thực thi hàng loạt chính sách phức tạp mà Hoa Kỳ phải áp dụng để đảm bảo tự do.“

“Thứ tám, Hoa Kỳ phải bồi dưỡng một thế hệ công chức mới—về ngoại giao, quân sự, tài chính, kinh tế, khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác—và các chuyên gia cố vấn chính sách công không chỉ thông thạo tiếng Trung và có kiến thức sâu rộng về văn hóa và lịch sử Trung Quốc, mà còn thông thạo các ngôn ngữ và có kiến thức sâu rộng về các nền văn hóa và lịch sử, về các đối thủ cạnh tranh chiến lược khác, bạn bè và đối tác tiềm năng.”

“Thứ chín, Hoa Kỳ phải cải cách nền giáo dục, trang bị cho học sinh, sinh viên đủ sức gánh vác trách nhiệm công dân trong một xã hội tự do và dân chủ bằng cách hiểu được nền tự do mà Hoa Kỳ được thừa kế, đồng thời chuẩn bị cho họ kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để đáp ứng các yêu cầu đặc biệt của một nền kinh tế toàn cầu hóa ở thời đại thông tin và phức tạp.“

“Thứ mười, Hoa Kỳ phải đi đầu trong việc bảo vệ các nguyên tắc tự do—những nguyên tắc phổ quát và là trung tâm của tinh thần dân tộc Hoa Kỳ—thông qua các tấm gương; các bài phát biểu; sáng kiến giáo dục; ngoại giao công chúng; viện trợ và đầu tư nước ngoài; các chế tài trong những trường hợp khó hơn cũng như các hình thức gây áp lực phi quân sự khác; và khi các lợi ích sống còn của quốc gia bị đe dọa, mà tất cả các phương thức khác không khởi tác dụng, thì thông qua lực lượng quân sự.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/19/415317.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/22/188369.html

Đăng ngày 27-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share