Bài viết của Lý Tĩnh Phi, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 26-10-2020] Ngày 26 tháng 10, Đại sứ quán và các Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã công bố trên trang web của mình phiên bản tiếng Trung của Báo cáo Quốc gia về Tình hình Nhân quyền 2019: Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông, Ma Cao, và Tây Tạng). Báo cáo này đã chỉ rõ những vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó kêu gọi sự chú ý tới cuộc bức hại Pháp Luân Công và cả tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Bản gốc bằng tiếng Anh được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 13 tháng 3. Bản dịch tiếng Trung của báo cáo nhân quyền này giúp người Trung Quốc hiểu rõ hơn về các chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

d991c3df9190f87dfd9b38b0cf50ab87.jpg

Bản tiếng Trung của Báo cáo Nhân quyền 2019 của Trung Quốc công bố trên trang web của Đại sứ quán và các Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Một danh sách dài các vi phạm nhân quyền

Mục Tóm lược Báo cáo của báo cáo này đưa ra một danh sách dài các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Ngoài ra, sự kiểm soát nghiêm ngặt của ĐCSTQ đối với bộ máy chính quyền Trung Quốc cũng được phác họa nhằm giải thích chính thể chuyên chế này vận hành như thế nào.

Theo báo cáo này, “Những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng gồm có: chính quyền giết người tùy tiện hoặc bất hợp pháp; chính quyền cưỡng chế mất tích; tra tấn; chính quyền giam giữ tùy tiện; môi trường giam giữ và nhà tù hà khắc, nguy hiểm cho mạng sống; tù nhân chính trị; can thiệp tùy tiện vào quyền riêng tư; các vấn đề trọng yếu liên quan tới sự độc lập của ngành tư pháp; đánh đập và truy tố hình sự đối với các nhà báo, luật sư, nhà văn, bloger, người bất đồng chính kiến, người khiếu kiện, và các đối tượng khác cũng như thân nhân của họ.”

Báo cáo này cũng ghi nhận các hình thức vi phạm nhân quyền khác như kiểm duyệt thông tin và chặn các trang web được cho là đe dọa tới ĐCSTQ, cấm hội họp ôn hòa và đàn áp tự do tín ngưỡng.

Báo cáo giải thích: “Quyền lực tối cao thuộc về 25 Ủy viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Ủy ban Thường vụ gồm bảy ủy viên của nó. Cụ thể là, các cơ quan an ninh nội địa gồm có Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Công an và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang.

Cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Báo cáo này cũng đề cập đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.

Như được đề cập trong báo cáo, “Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc (Australian National University) về dữ liệu thống kê chính thức của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa (PRC) về hiến tặng nội tạng đã chỉ ra rằng có ‘bằng chứng thuyết phục’ dựa trên thống kê pháp y cho thấy dữ liệu này đã bị ‘làm giả’. Hơn nữa, nghiên cứu này cũng chỉ rõ rằng chương trình cấy ghép nội tạng của chính phủ này còn nhận cả tạng của người hiến tặng ‘không tự nguyện’ được tính vào diện “công dân hiến tạng”.

Các phát hiện của báo cáo này nhất quán với phán quyết cuối cùng của Tòa án Độc lập về Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng từ Tù nhân Lương tâm tại Trung Quốc, một “’Tòa án Nhân dân’ được thành lập như các tòa án khác nhằm ra quyết định về một vấn đề quan trọng gây quan ngại cho cộng đồng nhưng không được giải quyết ở đâu.” Tòa án này đã tiến hành một cuộc điều tra về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng và đã phát hiện “nhiều bằng chứng trực tiếp hoặc gián tiếp về hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng” ở Trung Quốc. Kết luận này căn cứ vào “thời gian chờ đợi ngắn bất thường” và “sự phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng và nhân viên y tế cho các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng”.

Bắt giữ và tra tấn bất hợp pháp

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc thường giam giữ hành chính các nhà hoạt động chính trị và các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công lên tới hai năm tại các trung tâm cai nghiện ma túy.

Hơn nữa, các học viên Pháp Luân Công, như Biện Lệ Triều và Mã Chấn Vũ, thường xuyên bị giam giữ quá thời hạn cho phép. “Các tổ chức nhân quyền ước tính hàng chục nghìn tù nhân chính trị vẫn còn bị giam giữ, hầu hết đang bị cầm tù và một số đang bị giam giữ hành chính. Chính quyền Trung Quốc không cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế tiếp cận những tù nhân chính trị này.”

Báo cáo này cũng liệt kê những hình thức tra tấn được sử dụng với các tù nhân lương tâm, gồm có đánh đập, cưỡng hiếp, gây sốc điện, cấm ngủ, bức thực và cưỡng bức uống những loại thuốc không rõ chủng loại.

Bức hại các luật sư

Báo cáo cho biết chính quyền Trung Quốc còn bức hại các luật sư nhân quyền đại diện cho các học viên Pháp Luân Công và các nhóm người vô tội khác.

Lấy ví dụ, mật vụ ở tỉnh Quảng Tây đã bắt giữ luật sư Đàm Vĩnh Phái vào tháng 10 năm 2019 với tội danh “kích động lật đổ chính quyền nhà nước”. Lệnh bắt giữ chính thức được đưa ra sau đó hai tháng, đến cuối năm đó, ông vẫn đang bị giam giữ tại Trại giam Nam Ninh Số 1 mà không được tìm đại diện pháp lý.

Báo cáo này ghi nhận rằng “ông Đàm đã xử lý một số trường hợp nhân quyền, trong đó có những trường hợp trong vụ ‘709’ luật sư và học viên Pháp Luân Công; đã giúp đỡ nhiều người nghèo khổ, yếu thế; đồng thời, công khai những hành vi sai trái các quan chức cấp cao trong chính quyền và ĐCSTQ.”

Trước khi bị bắt giữ, ông Đàm đã bị tước quyền hành nghề luật sư vào tháng 5 năm 2018, sau khi hành nghề từ giữa những năm 1990. Các quan chức không giải thích tại sao ông Đàm bị bắt .

Đây là một hiện tượng phổ biến trong những năm gần đây. Báo cáo cho biết: “Chính quyền đã đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề của một số luật sư đảm nhận những vụ việc nhạy cảm, như biện hộ cho người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động giáo hội Cơ Đốc tại gia, học viên Pháp Luân Công hoặc những người chỉ trích chính phủ”.

Cụ thể, chính quyền đã dùng quy trình rà soát chứng chỉ thường niên cho “Hiệp hội Toàn Luật sư Trung Quốc” để giữ lại hoặc trì hoãn việc gia hạn các giấy phép hành nghề luật. Một trường hợp luật sư Lưu Chính Thanh ở tỉnh Quảng Đông, nổi tiếng là luật sư biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công. Vào tháng 1 năm 2019, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Đông đã thu hồi giấy phép của ông, còn gán cho ông tội danh “phá hoại an ninh quốc gia” vì đã bào chữa cho thân chủ trước tòa.

Báo cáo Nhân quyền 2019 của Trung Quốc đăng trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ có liên quan đến các báo cáo nhân quyền thường niên của các năm từ 2016 tới 2018. Bốn báo cáo thường niên này đã đưa ra nhiều ví dụ về các học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại ở Trung Quốc vì đức tin của họ. Hầu hết các trường hợp này đều dẫn nguồn từ trang Minh Huệ (Minghui.org).


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/6414714.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/8/188159.html

Đăng ngày 15-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share