Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-08-2020] Ngày 2 tháng 8 năm 2020, bà Hồ Triết Huy, sống tại thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh đã được ra tù sau 15 năm bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Trong suốt thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, bà đã phải chịu đựng sự đối xử tàn bạo và bị tra tấn đến gần chết. Sau khi được thả, mặc dù bà cao 1m63 nhưng lại nặng chưa đến 40 kg.

Bà Hồ, 55 tuổi, từng làm việc tại Công ty Lục Tỉnh thuộc lĩnh vực dầu mỏ ở Liêu Hà. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996 và bà tin rằng nhờ tu luyện mà rất nhiều bệnh tật của bà đã được chữa khỏi, bao gồm bệnh tim và viêm thấp khớp. Bà luôn cố gắng sống tuân theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công và trở nên tốt bụng và vị tha. Gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp đều công nhận sự thay đổi tích cực ở bà.

Bị bắt cùng với các học viên khác

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà bị buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị chính quyền sách nhiễu. Khi bà trở về nhà để thăm con gái vào ngày 3 tháng 8 năm 2005, viên cảnh sát chịu trách nhiệm theo dõi bà đã bắt bà lại.

Cảnh sát đã đánh đập và tra tấn bà trong lúc bắt giữ. Khi bà tuyệt thực để phản đối bức hại, cảnh sát đã trói bà trên giường chết trong 39 ngày và bức thực bà.

45991537c2e6e4e7ac5024c54112158b.jpg

Mô phỏng hình thức tra tấn: Giường chết

Bốn học viên khác gồm anh Tân Mẫn Đạc cùng vợ mới cưới của mình là cô Bào Tuấn Sầm, ông Hầu Vân Phi, và ông Dương Lập Tân cũng bị bắt vào ngày hôm đó.

Cảnh sát đã lục soát nhà anh Tân và tịch thu tiền cùng một vài đồ nội thất mới mua của anh. Anh và vợ mình đã bị đánh đập, trói trên giường chết và bức thực trong khi bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Bàn Cẩm.

Ông Dương, người trước đó đã từng bị kết án tù 6 năm nhưng đã được thả để điều trị y tế, nay lại bị bắt trở lại Nhà tù Đại Bắc tại thành phố Thẩm Dương để hoàn thành án tù của mình.

Phiên toà xét xử và kết án

Ngày 12 tháng 9 năm 2005, bà Hồ, anh Tân, cô Bào, và ông Hầu bị đưa đến phiên toà xét xử tại Toà án quận Hưng Long ở thành phố Bàn Cẩm. Tất cả họ đều đến và đi khỏi phiên toà trong tình trạng cơ thể yếu nhược vì bị tra tấn trong suốt thời gian bị giam giữ.

Bà Hồ đã bị bất tỉnh trong lúc diễn ra phiên toà. Sau khi điều trị y tế khẩn cấp cho bà, phiên toà được tiếp tục. Kết thúc phiên toà, bà Hồ bị kết án tù 15 năm, ông Hầu bị kết án tù 14 năm, và anh Tân bị kết án tù 13 năm. Trước đó cô Bào đã từng bị ở tù 12 năm nên cô được giảm nhẹ án phạt thành một năm giam giữ tại trại lao động.

Anh Tân bị giam tại Nhà tù Nam San ở thành phố Bàn Cẩm và đã bị tra tấn đến chết vào ngày 1 tháng 9 năm 2006, một năm sau khi anh bị kết án tù. Lúc đó anh 33 tuổi.

Tra tấn và ngược đãi thường xuyên

Sau khi bà Hồ bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, bà đã bị bức thực trong khi đang bị trói trên giường chết. Khi sức khoẻ bà vừa hồi phục được một chút, các lính canh liền bắt bà đi tẩy não. Bà bị bắt phải quỳ xem các đoạn băng và những bài viết ngắn lăng mạ Pháp Luân Công. Bà bị đánh đập mỗi ngày và không được nói chuyện với bất kỳ ai. Các tù nhân thường nghe thấy tiếng hét thất thanh và đau đớn của bà.

Các cai ngục cũng xúi giục một vài tù nhân lấy cắp các thức ăn dinh dưỡng mà gia đình gửi cho bà. Vào dịp Tết Nguyên Đán, bà Hồ bị bắt phải đứng cả ngày. Lính canh lột hết quần áo của bà và chỉ để bà mặc đồ lót để nhục mạ bà. Khi bà phản đối bức hại, các tù nhân đã được sắp xếp để quản thúc và đánh đập bà. Họ nhét tất vào miệng bà để bà không thể hét lên. Khi bà bị đánh đến chảy máu, các tù nhân đã bắt bà phải lau sạch máu trên sàn.

Có lần một vài tù nhân đã đổ nước sôi lên cánh tay bà. Khi bà báo cáo việc đó cho cai ngục đang làm nhiệm vụ, cai ngục đó đã khẳng định rằng bà đã bị thương trước khi vào tù và buộc tội bà vu khống các tù nhân.

Khi một tù nhân với tấm lòng chính nghĩa cung cấp bằng chứng về việc bà Hồ bị người khác đánh đập, cai ngục đã nêu tên và tát tù nhân đó trước mặt tất cả mọi người. Cai ngục này sau đó đã được tuyên dương như là một nhân viên kiểu mẫu, được thưởng và thăng chức lên làm ở Phòng 610 (một tổ chức ngoài pháp luật được thành lập để đàn áp Pháp Luân Công) phụ trách việc bức hại ở trong tù.

Vào tháng 12 năm 2010, một tù nhân đã bắt lỗi bà vì tắm lâu và đánh bà. Bà Hồ đã chạy ra hành lang và phản đối bức hại bằng cách la lên rằng bà bị một tù nhân đánh đập. Cai ngục làm như không có chuyện gì xảy ra còn các tù nhân khác thì không dám lên tiếng cho bà.

Bà Hồ đã tuyệt thực trong bảy ngày. Lính canh đưa bà đến bệnh viện nhà tù để bức thực bà trong tám ngày. Sau sáu ngày bà bị bức thực, một trong các tù nhân chứng kiến quá trình đó không thể cầm được nước mắt của mình khi kể lại cho người khác rằng việc bức thực rất kinh khủng và bà không ngừng kêu thét. Bà Hồ được đưa trở lại bệnh viện một tháng sau đó và bà chỉ còn lại da bọc xương.

Cai ngục và các quan chức nhà tù đã xúi giục các tù nhân đổ nước lạnh lên người bà và đánh đập bà thường xuyên dù chỉ là vì một việc nhỏ, chẳng hạn như là việc bà dùng nhà vệ sinh lâu hơn một chút. Vì bà vẫn từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, bà không được nói chuyện với bất kỳ ai, bị tát và đánh đập, và thường xuyên bị bỏ đói.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/10/410220p.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/18/186823.html

Đăng ngày 01-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share