Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

Tiếp Theo phần 1

[MINH HUỆ 29-05-2020] Là học viên Đại Pháp, chúng ta thực sự may mắn đã ký thệ ước với Sư phụ. Chúng ta thệ nguyện sẽ đến thế gian trợ Sư chính Pháp, thức tỉnh lương tri của chúng sinh và hoàn thành thệ ước. Trong lịch sử vũ trụ, cơ duyên tu luyện trong Đại Pháp–một con đường chân chính, vô cùng quý báu và chỉ đến một lần.

Trải qua cuộc bức hại

Đến Bắc Kinh thỉnh nguyện với Chính phủ

Tháng 10 năm 2000, một học viên hỏi tôi, “Anh có dám đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện với Chính phủ không?” Tôi đáp, “Vấn đề không phải là tôi có dám hay không. Tôi tin Sư phụ và Đại Pháp là tốt và vô tội, do vậy tôi nên đi thỉnh nguyện.” Một vài học viên địa phương và tôi lên kế hoạch đến Bắc Kinh vào cuối tháng 11, mặc dù chúng tôi đã nghe kể nhiều câu chuyện về những học viên đã bị bắt, bị giam giữ và bị tra tấn tại Bắc Kinh.

Vừa khi tôi quyết tâm đi Bắc Kinh, bố tôi nói, “Bố nghe cảnh sát đã bắt nhiều học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh. Nhiều người bị đánh đập và bị thương.” Tôi biết bố lo lắng cho chuyến đi sắp tới của tôi.

Vào thời điểm đó, toàn bộ xã hội ngập tràn những thông tin sai lệch về Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Tất cả các kênh truyền thông lớn của Trung Quốc đều đăng tải các tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công của Chính phủ suốt ngày đêm. Những người bị lừa dối bởi những hoang ngôn này trở nên thù địch với học viên Đại Pháp. Hận thù và thành kiến khắp nơi thật dễ làm thoái chí. Ngay cả gia đình chúng tôi cũng không hiểu, và gây áp lực buộc chúng tôi phải từ bỏ niềm tin của mình. Chúng tôi cảm thấy áp lực bủa vây từ mọi phía.

Tuy nhiên, không gì có thể ngăn cản những học viên chúng tôi dừng chuyến đi đến Bắc Kinh và thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Thời điểm đó chúng tôi hãy còn ngây thơ tin tưởng rằng Chính phủ sẽ thay đổi quyết định và chấm dứt bức hại.

Đêm trước khi lên đường, tôi nói với vợ tôi, “Anh sắp đi Bắc Kinh thỉnh nguyện. Em có muốn đi với bọn anh không? Điều này hoàn toàn do em quyết định.” Cô ấy nói, “Em cũng muốn đi. Đó là lựa chọn của em.” Không ai trong chúng tôi không biết liệu rằng chúng tôi có thể trở về được không. Chúng tôi sắp để lại hai đứa con nhỏ và một người cha già, người mà chúng tôi không thể nói về chuyến đi bởi nếu chúng tôi nói cho họ biết, họ sẽ không để chúng tôi đi.

Đêm đó, chúng tôi cho hai con gái đi ngủ lúc 9 giờ tối. Chúng tôi đứng trước giường con một lúc lâu sau khi chúng đã ngủ say, và tôi không thể rời mắt khỏi gương mặt ngây thơ của các con. Tim tôi đang tan vỡ thành từng mảnh-ý nghĩ rằng chúng tôi có thể sẽ không bao giờ gặp lại con khiến tôi chết dần mòn.

Nhưng Sư phụ và Đại Pháp đang bị lăng mạ, và là một học viên Đại Pháp, tôi không thể ngồi đó mà không làm gì cả. Tôi biết rằng con gái chúng tôi sẽ rất tự hào về chúng tôi và lựa chọn của chúng tôi khi chúng trưởng thành. Ít nhất chúng sẽ biết rằng bố của chúng không phải là người vô ơn, cũng không phải là một người yếu nhược.

Chúng tôi rời nhà vào nửa đêm và đến điểm hẹn sớm. Sau khi đợi một lúc, mọi người đã tề tựu đầy đủ. Một học viên lớn tuổi không thể đi cũng đến để chào tạm biệt, “Các bạn thật sự vĩ đại. Những gì các bạn làm thật đáng ngưỡng mộ.” Chúng tôi cùng lên một chiếc ô tô, lái xe đến nhà ga xe lửa và lên chuyến tàu về Bắc Kinh. Với sự bảo hộ của Sư phụ, chúng tôi đã đến Bắc Kinh như kế hoạch.

thỉnh nguyện tại Quảng trường Thiên An Môn

Khoảng 5 đến 6 giờ sáng, chúng tôi đến quảng trường Thiên An Môn. Có nhiều người đang tụ tập ở đó chuẩn bị lễ thượng cờ. Sau này chúng tôi nghe kể lại rằng có nhiều cảnh sát mặc thường phục cũng ở đó.

Tôi nhìn quanh và nghĩ, “Vị trí dưới lá cờ thật tốt. Đám đông có thể nghe mình nói rất rõ.” Tôi bước về phía cột vờ, cố gắng đi lên hàng phía trước nhưng đám đông không để tôi len qua. Cột cờ được buộc dây chung quanh để mọi người không đến quá gần, và bên trong là một người lính vũ trang. Xung quanh cột cờ cũng có những người lính mặc sắc phục.

Tôi nói với một người lính đứng gần tôi nhất, “Tôi nghĩ rằng tôi nghe thấy có người nói về Pháp Luân Công.” Anh ta nhanh chóng nhìn quanh, “Ở đâu?” tôi vẫy tay, “Theo tôi.” Khi tôi di chuyển qua đám đông, người lính theo sau và hét lên với đám đông, “Tránh ra! Tránh ra! ” Mọi người tránh sang một bên, và để chúng tôi đi qua. Tôi trèo qua dây, đứng dưới gốc cột cờ và hét lớn hết mức có thể, “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”

Chỉ trong vài giây, tôi bị người lính phía sau và vài người mặc thường phục phía sau quật ngã. Khi tôi nằm xuống đất và bị còng tay, tôi nghe thấy tiếng hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Trả lại thanh danh cho Sư phụ của chúng tôi” từ mọi hướng. Thanh âm chân chính đó ngân vang khắp quảng trường Thiên An Môn. Đã hoàn thành những gì tôi muốn làm, tôi cảm thấy vui mừng và nhẹ nhõm.

Xe cảnh sát lao tới hiện trường với còi báo động. Cảnh sát nhảy ra và bắt đầu bắt bớ. Họ đánh học viên bằng gậy và cố giật băng rôn ra khỏi tay các học viên, “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân–Thiện–Nhẫn hảo. Trả lại thanh danh cho Sư phụ chúng tôi.” Cảnh sát đấm, đá và chửi rủa những ai không đưa băng rôn. Cán bộ chấp pháp ở thủ đô của nước chúng ta đã hành động như một nhóm xã hội đen giữa thanh thiên bạch nhật.

Bị bắt giam và đoàn tụ với vợ tôi

Tôi bị đẩy lên một chiếc xe cảnh sát có nhiều học viên bị bắt trên đó. Đó là lúc tôi nhận ra rằng tôi và vợ tôi đã bị tách ra.

Tôi bị đưa vào một đồn cảnh sát gần đó. Tất cả các phòng ở đó đều kín những học viên đến quảng trường Thiên An Môn từ khắp nơi của Trung Quốc–nam, nữ, trẻ, già, và từ tất cả những giai tầng khác nhau. Mặc dù tôi chưa gặp ai trong đó, nhưng tất cả mọi người đều trông quen thuộc và thân thiện với tôi.

Một học viên trạc tuổi tôi–khi ấy tôi 31 tuổi–nói với mọi người trong phòng, “Chúng ta không thể ở lại đây. Chúng ta nên rời đi.” Ngay khi nói, anh ấy đứng dậy và chạy ra khỏi phòng. Có lẽ đó là một điểm hóa của Sư phụ để tôi làm theo anh ấy, nhưng khi ấy tôi không nhận ra và chỉ đứng yên tại chỗ. Hồi tưởng lại, nếu hôm đó tôi cố gắng thì tôi hẳn đã có thể thoát ra vì cảnh sát rất lơi lỏng.

Khoảng 11 giờ, cảnh sát lại dồn chúng tôi vào một chiếc ô tô và đưa chúng tôi đến Nhà tù Thạch Cảnh Sơn. Sau khi ra khỏi xe, tôi đi cùng với những học viên khác hướng đến cổng trại tạm giam, các cảnh sát đi sau chúng tôi. Tôi xách hành lý trên tay và bước đi phía trước. Có một hàng lính canh đứng bên ngoài cửa. Tôi bước đến và gật đầu chào họ, “Xin chào.”

Những người lính canh không ngờ rằng tôi sẽ chào họ, nhưng sau đó, họ đứng thẳng người và đáp lại lời chào. Mỗi người họ đứng cách người bên cạnh 2 mét, tôi chào từng người một khi đi ngang qua. Các học viên khác cũng làm theo tôi và nhận được phản ứng tương tự. Mặc dù là những người bị áp giải đến nhà tù, nhưng tôi cảm thấy chúng tôi giống như những quan chức cấp cao đến đây để kiểm tra hơn.

Khi vào bên trong, lính canh quật chúng tôi xuống và lấy tất cả đồ đạc của chúng tôi. Một lính canh cao khoảng 1,8m đưa tôi đến một căn phòng và nói chuyện với tôi. Tôi không nhớ nhiều lắm về cuộc nói chuyện này vì thời gian cũng khá lâu rồi, nhưng đại khái tôi nhớ rằng tôi được hỏi tôi từ đâu đến, vì sao tôi đến Bắc Kinh và tôi đi với bao nhiêu người. Tôi không trả lời câu nào. Anh ta túm lấy tôi và kéo tôi lên một căn phòng khác trên lầu. Lên đến nơi, anh ta chưa kịp thở đã chỉ vào một xấp ảnh trên bàn và hỏi, “Anh có biết họ không?”

Tôi thấy ảnh vợ tôi. Má trái của cô ấy thâm đen, và tôi nghĩ rằng cô ấy bị đánh, “Anh đánh cô ấy à?” Lính canh cười to, “Anh biết cô ta hả?” Tôi nói rằng đó là vợ tôi. “Không, cô ta không bị đánh.” Anh ta đáp, “Anh có thể gặp nhưng trước tiên phải cho tôi biết tên và địa chỉ.” Tôi cho anh ta thông tin của tôi và tôi được đến chỗ vợ tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy cô ấy vẫn khỏe.

Chuyển giao tại nhà tù Thạch Cảnh Sơn

Khoảng giữa trưa, chúng tôi bị chia ra và đưa vào các phòng khác nhau. Tôi nghĩ, “Mình chưa bao giờ có thể hình dung rằng làm người tốt thì lại bị bắt và bị tạm giam như thế này? Thế giới này đã đảo lộn rồi sao?” Tôi vào phòng nam, và thấy 7-8 người đang ngủ trên một tấm gỗ đặt trên sàn. Phía bên trái căn phòng có một vòi nước và một bồn vệ sinh phía sau bức vách ngăn lửng.

Tôi ngồi xuống gần cửa, và lính canh mang cho tôi một bát bún ngô sậm màu và một bát rau. Không có cảm giác muốn ăn nhưng không biết điều gì đang chờ tôi phía trước, tôi nghĩ tốt hơn là nên ăn lúc vẫn còn có thức ăn.

Sau khi ăn, tôi tựa lưng vào tường và nhắm mắt. Tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi nghĩ về việc tôi chưa bao giờ ra khỏi làng trước đây, về hành trình đã dẫn tôi đến phòng giam này vào thời điểm này. Trong suốt chuyến đi, suy nghĩ của tôi thuần tịnh và tôi rất bình tĩnh, không hề sợ hãi. Tôi chỉ biết rằng tôi cần phải làm những gì tôi cần làm.

Tiếng nhạc chát chúa đột ngột vang lên từ chiếc loa trên tường đánh thức mọi người đang ngủ trên sàn dậy. Họ ngồi dậy và xếp thành một hàng. Tôi không biết họ đang làm gì. Một người nhìn chằm chằm vào tôi và bảo tôi cởi quần áo ra đi tắm. Tôi không thấy vòi hoa sen hay bồn rửa mặt ở đâu nên tôi hỏi tôi nên đi tắm ở đâu và làm thế nào. “Sử dụng phòng tắm nhưng không để sàn ướt. Ở đó có một cái chậu nhựa và hãy lấy nước lạnh từ bồn rửa.“

Tôi nghĩ, “Tôi là một học viên Đại Pháp và tôi không sợ điều gì. Nước lạnh sẽ làm gì được tôi nào. Cứ mang lại đây.” Tôi bỏ quần áo và xối nước lạnh lên đầu. Tôi không cảm thấy lạnh mà lại cảm thấy thoải mái. Sau đó tôi biết rằng đó là một luật bất thành văn của trại giam, tắm nước lạnh là để làm khó cho người mới đến và giúp họ thiết lập thứ bậc trong phòng giam.

Tắm xong, tôi mặc quần áo và ngồi xuống sàn. Người bảo tôi đi tắm đã trở nên thân thiện hơn nhiều với tôi. Mọi người trong phòng giam thấy tôi thản nhiên như không, bèn đồng thanh thốt lên, “Ồ.” Họ cũng đã thấy nhiều học viên Pháp Luân Công bị bắt giam trước đây.

Họ hỏi tôi Pháp Luân Công là gì. Tôi nói với họ rằng, “Pháp Luân Công dạy người ta làm người tốt, dạy người ta tuân theo nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn. Chúng tôi đề cao tâm tính và tu thiện. Đó là Phật Pháp tại cao tầng.”

Nghe xong, đột nhiên một người trong số họ liền đứng dậy, tiến lại gần tôi và nhìn tôi chằm chằm với ánh mắt đầy vẻ đe dọa, “Cút đi chỗ khác, lính mới! Vào trong góc ngồi. Không đến lượt anh.“ Tôi chỉ bình tĩnh nhìn anh ta và không làm gì khác. Anh chàng bảo tôi đi tắm đã cười nhạo anh ta và nói, “Không có tác dụng với anh bạn này đâu.” Người đó bèn xấu hổ và bỏ đi chỗ khác.

Trở về địa phương

Một lính canh gọi tôi khoảng 5 giờ chiều. Bên ngoài, tôi nhập vào một nhóm học viên cùng thành phố của tôi, gồm cả vợ tôi và một vài người khác cùng thị trấn. Tôi vui mừng khi gặp lại mọi người.

Lính canh dẫn chúng tôi đến lối vào trại tạm giam, ở đó có sẵn 7-8 cảnh sát mặc thường phục đang chờ. Sau khi lên xe cảnh sát, chúng tôi phát hiện rằng có một văn phòng liên lạc tại Bắc Kinh chuyên trách việc bắt giam học viên Pháp Luân Công của thị trấn tham gia thỉnh nguyện tại Thiên An Môn. Những cảnh sát này sẽ đưa chúng tôi đến văn phòng liên lạc này trước khi trả chúng tôi về địa phương.

Ngay khi đến văn phòng liên lạc này, chúng tôi bị chia ra thẩm vấn riêng từng người. Nó thực sự giống như một vụ ăn cướp hơn là một cuộc thẩm vấn–tất cả giấy tờ và tiền mặt của tôi bị lấy mà không có một tờ biên nhận. Bạn có thể nói rằng những người này đã làm việc này quá nhiều lần trước đó và họ biết chính xác họ đang làm gì. Họ có lẽ đã kiếm được kha khá bằng cách này. Chúng tôi sau đó bị chia ra và bị giam vào một vài căn phòng nhỏ.

Vợ chồng tôi và hai học viên nữ khác bị giam chung trong một căn phòng. Chúng tôi bị còng theo cặp, không được ăn, và bị bắt ngồi trên ghế suốt đêm. Những chiếc còng được siết rất chặt làm cho mỗi khi tay chúng tôi bị va vào ghế thì chiếc còng lại cứa vào và làm sưng tấy cổ tay của chúng tôi. Khi chúng tôi nhờ những người lính canh nới lỏng còng, họ nói không, “Đó là để cho các người chịu đựng. Là do các người gây rắc rối.”

Khi còn bé tôi đã từng tin rằng “Cảnh sát là người tốt” là người “truy đuổi kẻ xấu,” và họ có thể được tin tưởng vì họ “giúp đỡ người tốt.” Nhưng trải nghiệm của tôi ở Bắc Kinh đã cho thấy điều ngược lại. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh sát Bắc Kinh đánh đập công dân vô tội, kể cả người già và trẻ em. Lính canh ở văn phòng liên lạc còn cướp tiền và vật dụng cá nhân của người ta.

Họ đối xử với học viên Đại Pháp như tội phạm và không có khái niệm về nhân quyền. Tất cả những việc tôi gặp trong chuyến đi này khiến tôi thức tỉnh, và tôi hoàn toàn thất vọng với ĐCSTQ.

Sau đó chúng tôi bị trả về địa phương và bị tạm giam tại đó hơn ba tháng. Nhiều học viên địa phương cũng bị giam ở đó. Thời điểm đó nhận thức của tôi về Pháp khá nông cạn và tôi thực sự không biết làm sao để phản bức hại. Tất cả những gì tôi có là tín tâm kiên định vào Sư phụ và Đại Pháp.

Tại trại tạm giam

Ngay khi tới trại tạm giam, cảnh sát ở đó đã thẩm vấn chúng tôi. Phòng thẩm vấn gồm có một chiếc bàn ở giữa, một bên là hai chiếc ghế và bên còn lại là một chiếc ghế bằng kim loại. Tôi bị bảo ngồi vào ghế kim loại, sau đó cảnh sát lôi lên một thanh kim loại từ một bên ghế và khóa tôi vào đó. Tôi ngồi đó và bình thản nhìn họ.

Khi tôi rời nhà đến Bắc Kinh, tôi đã buông bỏ quan niệm về sinh tử. Tôi không còn chấp trước vào bất kể thứ gì hoặc bất kỳ ai trong thế gian này. Những gì cảnh sát nói hoặc làm không thể lay chuyển tôi. Tôi không nhớ chính xác họ đã hỏi tôi những gì trong những phiên thẩm vấn đó vì cũng đã gần 20 năm rồi, có lẽ chỉ là về người nào đã tổ chức chuyến đi và vì sao chúng tôi đến Bắc Kinh.

Tôi nói với họ rằng tất cả là ý tưởng của riêng tôi. Tôi nói với họ rằng Đại Pháp dạy tôi làm thế nào để trở thành người tốt, và là một công dân tuân thủ pháp luật có đóng góp tích cực cho xã hội. Tôi nói với họ rằng tôi học được từ Pháp cách viên dung mối quan hệ gia đình và hàng xóm, và luôn xem xét bản thân khi đối diện với xung đột.

Tôi ví dụ rằng tôi đã tình nguyện chuyển phần lương thực của mình cho Chính phủ vào mùa Thu. “Nếu mọi người đều thực hành Pháp Luân Đại Pháp, xã hội có phải sẽ ổn định và hài hoà không? Tôi không hiểu tại sao chính quyền lại dán nhãn cho một môn tu luyện tốt như thế là tà giáo.” Tôi nói với họ rằng tôi đến Bắc Kinh vì tôi muốn nói với lãnh đạo trên trung ương rằng Pháp Luân Đại Pháp thực sự là–một môn Pháp chân chính, dạy mọi người làm người tốt.

Cảnh sát ghi chú vào sổ tay khi tôi nói. Vài ngày sau, cảnh sát thông báo với tôi rằng họ đã bắt đầu quy trình pháp lý để buộc tội tôi, và tôi có thể sẽ bị kết án lao động cưỡng bức.

Tôi bình thản nói với cảnh sát, “Việc đó không do anh định đoạt.” Anh ta tò mò, “Vậy là ai?” Tôi nói, “Tôi đang nói với anh rằng Sư phụ tôi sẽ quyết định.” Khi đó tôi kiên định tín tâm vào Sư phụ và Pháp. Viên cảnh sát giễu cợt, “Chúng tôi sẽ sớm tìm ra xem ai làm chủ tình hình này.”

Thời gian trong môi trường khắc nghiệt của trại tạm giam với đa số mọi người là dài đằng đẵng nhưng với tôi, thời gian như trôi đi vùn vụt. Mỗi ngày tôi có thời gian nhẩm Pháp mà không phải lo nghĩ tới việc gì như lúc ở nhà, khi tôi phải đi làm và chăm sóc gia đình. Pháp ban cho tôi trí tuệ minh mẫn và tâm tĩnh lặng.

Chỉ có một lần khi tôi đang trực đêm, tôi nhìn qua cái lỗ nhỏ cỡ bàn tay trên tường, nhìn lên bầu trời đêm và những vì sao, và nghĩ về người cha già và hai đứa con gái đáng thương. Tuy nhiên, tôi hiểu, tất cả những khổ nạn mà họ đang trải qua sẽ mang lại kết cục tươi sáng.

Vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn

Đó là đầu năm 2001 và Tết Nguyên đán sắp đến. Một đêm cảnh sát tập trung tất cả người bị tạm giam xuống sân bắt xem một chương trình TV. Chương trình đó nói về là vụ tự thiêu do ĐCSTQ dàn dựng tại Quảng Trường Thiên An Môn, sự việc đã gây chấn động cả thế giới

Sau khi xem, lập tức tôi nói với lính canh, “Đó là giả mạo.” Anh ta hỏi, “Làm sao anh biết?” Tôi giải thích, “Trước hết, Sư phụ chúng tôi dạy rằng không được sát sinh. Thứ hai, tôi vừa mới bị bắt tại quảng trường Thiên An Môn. Binh lính, cảnh sát, cảnh sát mặc thường phục khắp mọi nơi. Tôi đến đó thậm chí không phải là ngày Tết nguyên đán, và tôi hình dung rằng họ sẽ tăng nhân lực trong những kỳ nghỉ. Làm sao tất cả những nhân viên thực thi pháp luật ở đó lại cho người đàn ông ấy có đủ thời gian đổ xăng lên người và châm lửa tự thiêu như vậy? Làm sao có thể được? Đó là một vụ giả mạo.” Lính canh không nói lời nào.

Một ngày tôi bị đưa vào một chiếc xe ô tô của cảnh sát và đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn, nói đó cảnh sát hỏi tôi một số câu hỏi như mọi khi. Sau đó, tôi bị còng vào giường sắt cả ngày. Chỉ có một tay bị còng vào ban ngày, nhưng vào ban đêm, cả hai tay tôi bị còng trên đầu và còng vào đầu giường. Tôi chỉ có thể nằm trên giường.

Tôi bị còng như thế trong bảy ngày, và hàng giờ đều có lính canh theo dõi. Trưởng đồn cảnh sát khá thô lỗ và thường xuyên la hét, chửi mắng các cảnh sát của ông ta. Với sự bảo hộ của Sư phụ, tôi không bị đánh hay bị phỉ báng. Tuy nhiên, trưởng đồn cảnh sát đã nói những lời bất kính với Sư phụ và đã phải nhận quả báo – ông ta đã chết trong một vụ tai nạn ô tô không lâu sau khi tôi được thả ra.

Sau một tuần, tôi bị đưa trở lại trại tạm giam. Thời gian còn lại tương đối bình yên. Những người tại trại tạm giam đó cho phép chúng tôi mỗi ngày ra ngoài trong vòng ba mét vuông. Đó là một khu vực dẫn đến một cái cổng bằng sắt, bên trên là tấm lưới làm bằng các thanh thép đường kính 16cm.

Học viên từ những buồng giam khác viết những bài giảng Pháp của Sư phụ vào những mảnh giấy nhỏ, xếp chặt lại gọn gàng và cuộn với mảnh giấy khác thành một khối trông như một quả bóng giấy. Khi chúng tôi đi ra ngoài vào buổi sáng, họ sẽ ném những quả bóng giấy này xuyên qua lưới sắt bên trên cánh cổng sắt.

Đó là cách mà chúng tôi chuyển kinh văn mới của Sư phụ từ người này qua người khác. Những học viên nữ bị tạm giam ở đó đã thực hiện được một công việc vĩ đại để duy hộ Pháp. Họ đã luyện công tập thể. Lính canh lôi họ ra khỏi buồng giam và đánh vào chân họ bằng gậy, nhưng họ chưa bao giờ bỏ cuộc.

Anh trai tôi đã liên lạc và đã trả 10 nghìn Tệ để bảo lãnh cho tôi sau ba tháng. Bố tôi không tức giận, nhưng ông bảo tôi không được làm việc này nữa. Vợ tôi được thả ra sau đó một tháng khi chúng tôi trả tiếp 10 nghìn Tệ nữa. Cảnh sát không đưa biên nhận nào cho chúng tôi, và tôi chắc chắn rằng số tiền đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của một ai đó.

(còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/29/403814.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/22/186450.html

Đăng ngày 11-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share