Theo một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 21-10-2010] Ngày 3 tháng 7 năm 2010, học viên Pháp Luân Công bà Lưu Thuật Linh bị tra tấn đến chết tại Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang. Theo lời nhân chứng, bà Lưu bị trói vào một cái ghế kim loại và chết do bị sốc điện bằng dùi cui điện. Có một vòng vết máu bầm (sự đổi màu của da do bị thâm tím) ở phía sau tai trái và cổ của bà Lưu.
Bà Lưu Thuật Linh, 55 tuổi, sống tại xã 57 thuộc trấn Hồng Vĩ, thành phố Thất Đài Hà. Năm 2008 bà bị đưa đến Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân để bức hại. Dự kiến bà sẽ được thả vào ngày 26 tháng 7 năm 2010.
Vào ngày 3 tháng 7 năm 2010, gia đình bà Lưu nhận được thông báo từ trung tâm cai nghiện rằng bà đã đột ngột qua đời trong nhà vệ sinh do bị đột quỵ. Theo lời một tù nhân trong trung tâm cai nghiện, không ai được phép đi vào nhà vệ sinh, mỗi người có một cái xô riêng trong phòng của họ để đi vệ sinh. Làm sao mà bà Lưu Thuật Linh lại đột nhiên chết trong nhà vệ sinh được chứ?
Ngay khi nhận được thông báo, gia đình bà Lưu đi đến Bệnh viện số 2 của thành phố và thấy có một vòng vết bầm máu quanh cổ bà. Bác sĩ tại trung tâm cai nghiện nói rằng vết vòng máu xuất hiện trên thi thể là điều bình thường. Gia đình muốn khám nghiệm tử thi, nhưng công an từ chối và bảo rằng họ cần được bộ phận giám định y tế cho phép nhìn thấy toàn bộ thi thể. Công an cũng nói với gia đình rằng họ phải trả 8.000 nhân dân tệ và chính quyền sẽ không đưa tiền cho gia đình để lo cho đám tang. Sau đó nhiều công an hăm dọa gia đình, bảo họ mau chóng hỏa thiêu xác, và ký vào một “bản thỏa thuận” mà nhiều lần đề cập rằng bà Lưu Thuật Linh qua đời một cách tự nhiên. Vì gia đình sống trong hoàn cảnh tài chính khó khăn nên họ đã ký vào biên bản, với lời hứa nhận được 2.850 nhân dân tệ từ chính quyền trong “mối quan tâm nhân đạo.” Tuy nhiên gia đình không nhận được một xu nào.
Do có nhiều điểm khả nghi liên quan đến cái chết của bà Lưu Thuật Linh, một phóng viên báo Minh Huệ đã phỏng vấn một học viên Pháp Luân Công khác mà cũng bị giam giữ phi pháp tại Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân lúc đó. Vì lý do an toàn, tên của cô sẽ không được tiết lộ. Dưới đây là những gì cô đã chứng kiến đối với cái chết của bà Lưu trong trung tâm cai nghiện.
1. Ngược đãi các học viên Pháp Luân Công tại Trung tâm cai nghiện ma túy vào ngày 1 tháng 7
Sáng ngày 1 tháng 7 năm 2010, tất cả lính canh đều tham dự một cuộc họp, chỉ để lại một lính canh để trực. Giám đốc Trương Hồng Ngạn và Triệu Gia Côn chủ trì cuộc họp này. Họ công khai lên kế hoạch làm sao để ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ niềm tin của mình.
Khoảng 12 giờ 30 phút trưa, nhân viên Vu Miểu nói với tôi rằng đội trưởng Lưu Nguy muốn nói chuyện với tôi. Tôi được đưa đến văn phòng đội trưởng ở tầng ba. Khi đi xuống cầu thang, tôi thấy rất nhiều lính canh nam và nữ mới ở trong phòng. Sau khi tôi vào phòng thì cánh cửa đóng lại và Vu Miểu đã khóa cửa.
Tiếp đó tôi nghe âm thanh giống như ba hay bốn viên chức đẩy mạnh ai đó xuống ở bên ngoài. Người đó dường như bị đập vào khung cửa – đó là học viên Vu Hiểu Hoa. Vu hô lên, “Pháp Luân Đại Pháp Tốt.” Những người bức hại sử dụng băng keo để dán miệng cô. Tôi nghe âm thanh của đấm đá, chửi rủa, và còng tay được sử dụng. Sau đó tôi nghe âm thanh của người học viên đó bị kéo đi. Âm thanh của cuộc đánh đập và chửi rủa vẫn còn đọng lại. Tôi cũng nghe âm thanh lớn của nhiều người chạy lên xuống cầu thang, và âm thanh của một chiếc giường bị phá.
Tiếp theo tôi biết rằng dưới sự xúi giục của giám đốc trung tâm là Trương Hồng Ngạn, đội trưởng Lưu Nguy đã đích thân chỉ đạo các lính canh sau đây ngược đãi các học viên Pháp Luân Công: Dương Minh Quân, Lưu Mính, Lương Tuyết Mai, Trương Xuân Cảnh, Tạ Lệ Giai, Triệu Húc Huy, Sư Suất, Lục Bác Nhã, Vương Hải Anh, Vu Khôn, Vu Miễu, Trần Hương Di và những người khác, cùng với các tù nhân hình sự Khúc Phi Nham, Trương Hoan, Tôn Bình, Ngô Thanh Linh, Cao Thăng. 12 học viên bị ngược đãi là: Vu Hiểu Hoa, Lưu Huệ, Mã Thục Phân, Lưu Diễm Hoa, Trình Lệ, Vương Phượng Hà, Môn Thu Ngân, Nhậm Thục Hiền, Giải Vi, Cao Ngọc Mẫn, Đông Á Cầm, Lưu Thục Linh.
Việc ngược đãi xảy ra tại những phòng riêng biệt trên tầng năm và tầng sáu. Các học viên bị treo lên, bị ngồi trên ghế kim loại trong thời gian dài, bị còng tay và xích chân trên giường. Việc tra tấn này kéo dài hết buổi trưa cho đến hơn 5 giờ chiều.
Cuộc bức hại đột ngột này kéo dài hơn một tuần với đội trưởng Lưu Nguy phụ trách. 12 học viên phải chịu đựng những sự bức hại tàn bạo khác nhau. Trong khi đó, để che dấu tội ác, các lính canh trong trung tâm cai nghiện đã giữ những người khác trong phòng. Họ thậm chí không được phép rời phòng để đi vệ sinh. Họ phải ở trong phòng và đi vệ sinh vào những cái xô, thức ăn được mang đến phòng cho họ.
Ngày 5 và ngày 6 tháng 7, vài học viên đã trở lại. tay của bà Vương Phượng Hà bị còng và có màu tím đen, chân của bà cũng vậy. Vài học viên bị triệu chứng cao huyết áp và đau tim. Tuy nhiên, bà Lưu Thuật Linh không trở lại.
2. Bà Lưu Thuật Linh bị bức hại đến chết trong khi các viên chức trung tâm cai nghiện tuyên bố rằng bà đã được thả
Khi ở trong trung tâm cai nghiện, tôi nghe từ đội trưởng Lưu Nguy rằng bà Lưu Thuật Linh đã được thả và trở về nhà. Khi được thả ra, tôi biết rằng bà Lưu Thuật Linh đã bị bức hại đến chết.
Bà Lưu Thuật Linh và chồng là ông Tề Triệu Thiên
Ảnh của bà Lưu Thuật Linh (lúc 40 tuổi) cùng con gái và con trai
Tôi nhớ lại nhiều điểm nghi vấn về cái chết của bà Lưu Thuật Linh:
Tối ngày 2 tháng 7, tôi nghe hai tiếng thét đau đớn từ tầng sáu. Bà Lưu Thuật Linh qua đời vào ngày 3 tháng 7, ngày mà gia đình bà thấy thi thể của bà, nhưng ngày chết lại bị ghi là ngày 4 tháng 7.
Cái gì đã gây nên những vết máu bầm quanh cổ bà Lưu khi bà qua đời? Tại sao gia đình bà không được phép nhìn gần hơn?
Trung tâm cai nghiện cho các tù nhân dùng những cái xô trong phòng thay vì cho họ dùng nhà vệ sinh, vậy tại sao các viên chức nói rằng bà chết trong nhà vệ sinh? Tại sao họ bắt gia đình ký vào biên bản? Các viên chức vội vã thiêu xác bà, để phá hủy bằng chứng, và do đó ngăn chặn gia đình thực hiện việc khám nghiệm.
Khoảng 9 giờ 30 phút tối ngày 2 tháng 7, ngay sau khi điểm danh, tôi nghe hai tiếng hét đau đớn và những âm thanh bất thường, giống như âm thanh vào ngày 4 tháng 5, khi bà Lưu Thuật Linh đang bị tra tấn.
3. Vu Khôn tham gia vào việc ngược đãi Lưu Thuật Linh
Sáng ngày 4 tháng 5 năm 2010, bà Lưu Thuật Linh đang ngồi trên giường thì lính canh Vu Khôn đến để gây rắc rối lần thứ tư. Anh ta lấy màn của bà, ngược đãi bà tàn bạo, và sau đó gọi bà đến văn phòng. Anh ta túm lấy cổ bà và ép bà ngồi trên một cái ghế, nói rằng, “ Phòng này không có người nào giám sát. Tôi có thể đánh bà bất cứ khi nào tôi muốn.”
Ngay khi Nhậm Thục Hiền và tôi nghe bà Lưu Thuật Linh thét lên, chúng tôi liền chạy đến văn phòng. Khi đến nơi chúng tôi thấy Vu Khôn đang bóp cổ bà Lưu và đã nhanh chóng đẩy anh ta ra.
Ngày 8 tháng 6, bà Lưu viết một bức thư dài gửi đến giám đốc trung tâm, yêu cầu xử lý đúng đắn vấn đề này. Bà cũng cảnh báo họ rằng bà sẽ phơi bày cuộc bức hại khi bà được thả ra.
4. Các hình thức bức hại được sử dụng trong Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân
(1) Tẩy não
Đầu tiên tất cả các học viên bị giam sẽ bị tách ra và phải chịu sự tẩy não cùng với cấm ngủ. Họ phải thức dậy lúc 4 hay 5 giờ sáng và chỉ được phép ngủ vào giữa đêm.
Học viên Ngô Thiên Ca ở Giai Mộc Tư bị nhốt vào phòng vệ sinh để bị ép “chuyển hóa”. Anh phải ngồi trên một cái ghế nhỏ giữa những nhà vệ sinh hôi hám mà không có cửa sổ. Các học viên khác bị giam ở nhà kho, một phòng dưới cầu thang, hay những phòng nhỏ. Có vô số sự ngược đãi thể xác và tra tấn không ngừng.
(2) Kéo dài thời hạn giam giữ
Bất kỳ lính canh nào cũng đều có thể kéo dài thời hạn giam giữ một học viên. Nói chuyện, đi lại, và đi vào nhà vệ sinh đều được dùng như một cái cớ để kéo dài thời hạn giam giữ. Kéo dài thời hạn giam của một tù nhân hình sự thì cần phải có chữ ký của người đó, việc này không áp dụng cho các học viên Pháp Luân Công; nó chỉ đơn giản là thông báo trên tấm bảng công cộng.
(3) Cấm học viên được gặp gia đình của họ
Đội trưởng Lưu Nguy và đội phó là Tôn Bảo Liên quyết định cấm gia đình thăm các học viên. Gia đình của bà Vương Hiểu Vân không biết được tình trạng này, họ đến trung tâm cai nghiện ba lần và đều không gặp được bà.
(4) Lao động cưỡng bức – Làm việc ngoài giờ
Không có những ngày nghỉ cuối tuần tại Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân. Các học viên và vài tù nhân hình sự thường xuyên bị ra lệnh thực hiện lao động cưỡng bức như là dệt vải gai, phân loại giấy, chọn đậu tương, trồng ngô, đóng gói đũa, đóng gói tăm, làm đồ thủ công mỹ nghệ và những việc khác. Họ cũng phải làm việc trong một tầng hầm không có lỗ thông hơi. Những năm gần đây họ đóng gói rất nhiều tăm . Nếu không hoàn thành công việc được giao thì thời hạn giam giữ của họ sẽ bị kéo dài. Mỗi lô hàng cần năm đến mười ngày để xử lý. Điều này yêu cầu làm việc thêm ngoài giờ trước khi tăm được chuyển đi xuất khẩu. Thời hạn giam của các học viên sẽ bị kéo dài vì những vi phạm nhỏ nhặt.
(5) Thu phí cao cho những nhu cầu thiết yếu
Tất cả tù nhân bị ép phải trả 280 nhân dân tệ tiền lệ phí. Đổi lại, họ sẽ có một cái chăn theo kiểu quân đội, một bồn rửa chén, chi phí giặt giũ rẻ và một đôi dép.
Từ mùa thu đến tháng 6 năm sau, tất cả những bữa ăn đều làm từ củ cải và dưa bắp cải. Giá cả tại trung tâm thì cao hơn giá ở chợ. Bảy trái táo loại vừa có giá 15 nhân dân tệ. Bảy quả chuối nhỏ giá 10 nhân dân tệ.
(6) Kiểm tra an ninh
Kiểm tra an ninh không báo trước nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Các lính canh Tôn Bảo Liên, Vu Miểu, Tạ Lệ Giai, Tiểu Vương Đan, Vu Khôn, Tống Dương, Hình Vũ, Trần Hương Di còn trơ tráo lột quần lót của các học viên ra để kiểm tra an ninh.
(7) Bà Mã Xuân Lợi và bà Lưu Diễm Hoa bị ngược đãi
Sau khi bị tra tấn 21 ngày tại Trại giam Giai Mộc Tư, học viên Mã Xuân Lợi bị đưa đến trung tâm cai nghiện khi đang bất tỉnh. Kiểm tra thể chất cho kết quả rằng tim bà có một tâm nhĩ mở rộng, và bệnh viện quyết định điều trị cấp cứu ngay lập tức. Tuy nhiên người của Trại giam Giai Mộc Tư nói rằng, “Mọi thứ đều tốt cả. Bà ấy sẽ không chết.”
Do bà Mã Xuân Lợi không thể tự chăm sóc mình nên đội trưởng Lưu Nguy chỉ thị cho một người nóng nảy là Ngô Thanh Linh trông chừng bà. Ngô tra tấn bà tùy thích. Bà Mã không thể nuốt đồ ăn, thường xuyên nôn mửa, và hay bị co giật một cách vô ý thức. Bà nằm liệt giường từ khi đến trung tâm, và thậm chí không thể đi vệ sinh vì không có khả năng di chuyển. Không ai giúp bà vệ sinh thân thể và người bà bốc ra mùi hôi. Trong những đợt thanh tra và thăm viếng, bốn người sẽ khiêng bà lên một cái nệm và giấu bà vào một góc. Những học viên dám nói chuyện hay dám khiếu nại, cùng với những người bị bệnh, thì bị dấu vào trong một nhà kho, phòng ngủ tập thể của lính canh hay những khu vực khác.
Lưu Diễm Hoa bị đưa đến trung tâm cai nghiện bởi Phòng 610 thành phố Y Xuân. Lưu Diễm Hoa từ chối lao động cưỡng bức và bị ngược đãi, tra tấn thể xác và bị cách ly. Bà cũng từ chối mặc đồng phục trung tâm cai nghiện. Bà vẫn bị giam với một bản án kéo dài vì viết đơn khiếu nại.
Ở trên là lời kể của tôi về những gì diễn ra tại Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/10/21/231276.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/3/4/123589.html
Đăng ngày 26-03-2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho phù hợp hơn với nguyên bản.