Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-01-2020] Trong 20 năm qua, ông Trần Đức Quang chưa có một ngày được sống bình yên. Vì kiên định với đức tin của mình vào Pháp Luân Công, ông Trần, vợ, con gái và con trai đã liên tục bị chính quyền bắt và giam giữ.
Cả ông Trần và vợ, bà Thịnh Xuân Mai, đều bị kết án chín năm tù vào năm 2013 vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần và thiền định cổ xưa đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bà Thịnh đã bị tra tấn tàn bạo tại Nhà tù Nữ Tỉnh Cam Túc và sức khoẻ của bà nhanh chóng xấu đi. Bà bị viêm túi mật, huyết áp cao và bệnh tiểu đường, nhưng nhà tù từ chối thả bà cho đến khi bà cận kề cái chết. Bà đã qua đời vào ngày 12 tháng 10 năm 2017, chỉ bảy tuần sau khi được thả, hưởng dương 65 tuổi.
Đến nay, ông Trần đã 74 tuổi và vẫn đang thụ án tại Nhà tù Lan Châu và thời điểm được thả dự kiến là tháng 7 năm 2020.
Có thông tin rằng ông đang bị hai tù nhân giám sát. Các lính canh đã treo ông lên trong 44 ngày. Họ cũng giẫm lên tay ông, thổi khói thuốc lá vào ông và bẻ các ngón tay của ông.
Ông Trần Đức Quang và cháu trai
Liên tục bị giam giữ và gia đình bị chia cắt
Ông Trần và gia đình bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Ông đã nhanh chóng bỏ hút thuốc lá và uống rượu. Bệnh viêm khớp dạng thấp của ông nhanh chóng biến mất. Bà Thịnh tin rằng môn tập đã giúp chữa lành bệnh viêm tuỵ và bệnh tim của bà. Con trai và con gái của họ cũng bước vào tu luyện.
Bà Thịnh đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào tháng 3 năm 2000 nhưng bị bắt và bị giam 15 ngày.
Công an liên tục sách nhiễu họ sau khi bà được thả, buộc ông Trần phải đóng tiệm đồ nguội vào tháng 8 năm 2000, chỉ ba tháng sau khi ông vừa mở.
Cả gia đình đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công thêm hai lần vào tháng 10 và tháng 12 năm 2000. Con trai 13 tuổi của họ đã chứng kiến cha mẹ mình bị công an đánh đập tàn bạo. Một công an cũng giẫm lên mặt, chân và bụng của cậu bé.
Sau đó cậu bé đã phải sống một mình trong nửa tháng khi cả gia đình bị giam.
Ông Trần đã bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức vào tháng 2 năm 2001. Con trai ông, Trần Kiếm Nho, buộc phải bỏ học tiểu học. Con gái ông, cô Trần Thịnh Hoa, bị đuổi khỏi trường đại học.
Chỉ một tháng sau khi ông Trần bị giam, vợ ông và con gái cũng bị bắt vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Bà Thịnh và cô Trần bị kết án lần lượt hai năm và 1,5 năm lao động cưỡng bức.
Trong khi cha mẹ và chị gái bị giam giữ, Trần Kiếm Nho, cậu con trai đang trong tuổi vị thành niên lại phải sống một mình. Vài tháng sau khi bà Trần bị cắt lương, cậu bé thậm chí còn phải đối mặt với tình huống còn tồi tệ hơn. Hầu hết mọi người hàng xóm đều xa lánh cậu bé và cấm con cái họ chơi với cậu vì sợ gặp rắc rối với chính quyền.
Tháng 12 năm 2001, sau chín tháng bị giam ở trại lao động, cô Trần bị ép phải viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và sau đó được thả.
Bốn tháng sau, bà Thịnh cũng được thả sau khi bị ép phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Tháng 7 năm 2002, ông Trần trở về nhà sau khi mãn án 1,5 năm, nhưng ba ngày sau, ông cùng vợ và con gái lại bị bắt khi đang tập trung với các học viên Pháp Luân Công địa phương.
Cả ba người bị đưa đến Trại tẩy não Cung Gia Loan, để Trần Kiếm Nho ở nhà một mình lần nữa.
Tháng 1 năm 2003, vì lo lắng cho Trần Kiếm Nho, cả ba người đã bị ép phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện và trở về nhà.
Lần bắt giữ, xét xử và kết án cuối cùng
Ngày 6 tháng 7 năm 2011, ông Trần và bà Thịnh lại bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Công an đã đánh đập ông trong nửa giờ khiến chân và mặt ông sưng phồng và bầm tím.
Ngày hôm sau ông Trần bị đưa đến Trại tạm giam Hồng Cổ. Gia đình đã nhiều lần đến đồn công an để đề nghị thả người nhưng vô ích.
Công an cố đưa bà Thịnh vào trại tạm giam Số 1 Thành phố Lan Châu, nhưng bị từ chối ba lần vì bà bị bệnh tim. Bốn ngày sau bà được bảo lãnh.
Không lâu sau họ đã bị cơ quan đình chỉ lương hưu.
Mặc dù Viện Kiểm sát Thành phố Lan Châu đã trả lại hồ sơ của họ hai lần, nhưng công an lại từ chối thả họ và giả mạo thêm bằng chứng nhằm đưa họ vào tù.
Sau đó công an gửi hồ sơ của họ đến Viện Kiểm sát Thành phố Lan Châu, cơ quan này đã truy tố họ và chuyển hồ sơ đến Toà án Trung cấp Thành phố Lan Châu.
Toà án trung cấp đã lên lịch một phiên xử vào tháng 6 năm 2012 nhưng nó không xảy ra. Với những nỗ lực giải cứu của con cái và luật sư, sau đó thẩm phán đã đồng ý bãi bỏ vụ án của họ.
Nhưng công an vẫn từ chối thả họ. Ngoài ra, một tháng sau công an còn cưỡng chế đưa bà Thịnh đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Lan Châu, bất chấp việc bà lại không qua được kỳ kiểm tra sức khoẻ.
Sau khi toà án trung cấp bãi bỏ vụ án của họ, Viện Kiểm sát Thành phố Lan Châu cũng trả hồ sơ về cho công an vào tháng 10 năm 2012 nhưng công an vẫn nhất quyết giam giữ họ.
Khi con của bà Thịnh đến thăm bà vào tháng 11, họ phát hiện bà đang mắc bệnh tiểu đường nghiêm trọng. Họ đã kiến nghị về tình trạng của bà với các nhân viên của trại tạm giam nhưng chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng “đó không phải là vấn đề gì to tát cả.”
Sau đó công an đã chuyển hồ sơ của họ đến Toà án Khu Hồng Cổ, cơ quan này đã sớm truy tố họ và chuyển hồ sơ đến Toà án Khu Hồng Cổ vào tháng 2 năm 2013.
Thẩm phán đã lên lịch một phiên toà vào tháng 3 năm 2013, nhưng chỉ thông báo cho các luật sư của họ ba ngày trước phiên toà. Với sự phản kháng mạnh mẽ của gia đình, thẩm phán đã đồng ý hoãn phiên xử.
Hai vợ chồng đã ra toà vào ngày 20 tháng 4 năm 2013. Hai luật sư đã biện hộ vô tội cho họ.
Năm tháng sau, thẩm phán đã kết án họ chín năm tù. Ông ta tiết lộ rằng bản án được quyết định bởi Uỷ ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công.
Hai vợ chồng đã kháng án lên Toà án Trung cấp Thành phố Lan Châu, cơ quan này đã giữ nguyên bản án mà không tổ chức lại phiên toà.
Báo cáo liên quan:
Một phụ nữ 65 tuổi ở tỉnh Cam Túc được thả ra khỏi nhà tù trong tình trạng nguy kịch
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/17/399106.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/19/183301.html
Đăng ngày 16-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.