Bài của Thiên Đức, học viên người Việt
[MINH HUỆ 11-02-2019] Từ Pháp nhận thức Pháp mà biết trân quý Pháp. Xin chia sẻ với các quý đồng tu về chủ đề kinh điển này.
Trân quý Pháp, ấy là tự nhiên mà thành, qua nhận thức đề cao mà trở nên sâu sắc hơn, có nội hàm thâm sâu hơn. Mới tập luyện Pháp Luân Đại Pháp, thì vì nhờ Pháp mà có được lợi ích về sức khỏe và về tâm linh, từ đó mà trân quý Pháp. Khởi đầu là thế. Về sau hiểu ra thật sự tu luyện là gì, nhận ra rằng tu luyện chính là dựa vào đồng hóa với đặc tính vũ trụ mà tu, từ đó trân quý Pháp; nhận thức một tầng sâu sắc hơn, nhận thức trân quý Pháp từ góc độ tu luyện. Càng tu luyện lên, càng hiểu Pháp sâu sắc hơn, càng cảm nhận được sự vĩ đại của Pháp, càng trân quý Pháp.
Mỗi người một khác, nhưng nhìn chung đại thể là thế. Đó là đứng từ góc độ bản thân mình mà nhận thức. Nhìn từ một góc độ rộng hơn, thì có thể nhận ra rằng “trân quý Pháp” cũng là yêu cầu của Phật Chủ, Chủ Thần, các Chủ của các thế giới, của đấng Sáng Thế Chủ đối với các chúng sinh trong thế giới của mình, yêu cầu khác nhau ở các tầng thứ khác nhau; chúng sinh ở một phạm vi nào đó mà biết trân quý Pháp hơn, thì Pháp ở tầng đó phạm vi đó sẽ ổn định hơn, triển hiện thù thắng hơn, và chúng sinh ở phạm vi đó vì thế sẽ được ban ân hơn, tốt đẹp hơn. Tôi hiểu ra điều ấy từ “Luận Ngữ”:
“Nếu nhân loại có thể lấy đạo đức làm cơ sở để đề cao phẩm hạnh và quan niệm của con người, như thế thì văn minh của xã hội nhân loại mới có thể lâu dài, và Thần tích cũng sẽ xuất hiện trở lại nơi xã hội nhân loại. […] Nhân loại đối với biểu hiện của Đại Pháp tại thế gian có thể thể hiện ra sự thành kính và tôn trọng thích đáng, thì sẽ mang đến hạnh phúc hay vinh diệu cho người, dân tộc hoặc quốc gia.” (Luận Ngữ)
Người tu luyện tinh tấn, phấn đấu tinh tấn, một đời tinh tấn tinh tấn. Nhưng mà trong mắt của đấng Sáng Thế Chủ, thì thực ra vấn đề các vị trân quý Pháp này ngần nào thì có khi còn quan trọng hơn; hay nói cách khác, khái niệm “tu luyện” cũng là vì “trân quý Pháp” mà mới thật sự trở nên có nghĩa: Tu luyện là một phương án chủ động đồng hóa với Pháp. Nếu hiểu như vậy, thì khái niệm “trân quý Pháp” là cao hơn rộng hơn và vượt khỏi phạm trù “tu luyện”.
Thực tế trong lịch sử, thì ngoài hình thức “tu luyện” được truyền ra ở phương Đông, thì cũng từng xuất hiện hình thức “tín Thần” ở phương Tây. Nghĩa là ở vũ trụ này, trong Pháp Chân-Thiện-Nhẫn, thì hình thức “tu luyện” của phương Đông không phải là phương thức duy nhất giúp người ta thăng hoa về tâm linh. Điều đó cũng là có ý rằng “trân quý Pháp” là vượt xa khỏi phạm trù tu luyện thông thường.
Còn có tầng nhận thức nữa. Sư phụ giảng:
“Tôi vẫn thường giảng rằng, trong Chính Pháp tôi không nhớ kể hết thảy những gì chúng sinh đã phạm trong quá khứ, chỉ xét thái độ của chúng sinh đối với Đại Pháp trong Chính Pháp.” (Chuyển Luân hướng thế gian, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Tôi hiểu là khi kiến lập vũ trụ thì sắp xếp các sinh mệnh thế nào, thì là căn cứ ở thái độ của sinh mệnh đó đối với Pháp này; mà tiêu chuẩn thấp nhất là tán đồng Pháp này. Đạo lý này được Sư phụ giảng rất nhiều lần rồi. Đã như vậy, khi mà một vũ trụ là được kiến lập như thế, thì khái niệm “trân quý Pháp” trong vũ trụ ấy sẽ tự nhiên mang theo hàm nghĩa còn quan trọng hơn nữa về phương diện “giá trị nền tảng kiến lập” của vũ trụ.
Biểu hiện và khảo nghiệm về chủ đề “trân quý Pháp”.
Tôi xin phép không đưa ra ví dụ thực tế ở đây; thay vào đó, xin trích dẫn một số câu chuyện tu luyện của người xưa mà tôi từng đọc trên Minh Huệ Net nhiều năm trước. [1] [2]
Kim Phật. Xưa có người làm nghề đồ tể, một hôm gặp hai người tu Phật trên đường sang Tây Thiên gặp đức Phật. Họ khuyến khích người đồ tể kia cùng đi, nhưng người đồ tể nói: “Tôi nhơ bẩn quá, thật không xứng đáng. Thỉnh cầu hai vị mang trái tim của tôi đến gặp đức Phật” nói rồi móc trái tim của mình ra đưa cho hai người kia. Thế rồi hai hành giả kia mang trái tim người đồ tể theo đến Tây phương. Khi gặp đức Phật, đức Phật trỏ một chiếc vạc lớn đầy nước đang sôi lên sùng sục, hỏi xem họ dám nhảy vào đó chăng. Hai người do dự, bèn nghĩ rằng thử bỏ trái tim của người đồ tể kia vào đó trước xem sao. Rồi họ bỏ trái tim người đồ tể vào đó, và trái tim ấy hoá thành một kim Phật (ông Phật vàng). Hai người thấy vậy liền vội vã nhảy vào theo. Kết quả họ hoá thành hai chiếc quẩy rán.
Người đồ tể tín Phật kính Pháp mà được độ; còn hơn cả hai hành giả tu cả đời mà không được độ; hai người kia tín niệm quá yếu, chỉ thấy rồi mới tin. Nên cũng nói, tu luyện cũng là phải trên cơ sở biết trân quý Pháp thì mới thật sự trở nên có ý nghĩa.
Ngày 101. Sư phụ yêu cầu 3 đệ tử của mình chép kinh Phật trong 100 ngày, và Ông sẽ đến nhận bản chép tay vào ngày thứ 100. Đệ tử thứ nhất không chịu được gian khổ, đã bỏ cuộc chỉ sau vài ngày để theo cám dỗ của thế gian. Đệ tử thứ hai tiếp tục chép sách cho đến tận ngày thứ 100; nhưng do không thấy sư phụ đến nhận, nên anh ta bỏ đi. Chỉ còn lại đệ tử thứ ba, vẫn toàn tâm toàn ý tiếp tục vẫn tiếp tục chép kinh sách. Ngày tiếp theo, ngày thứ 101, sư phụ trở về đón anh và độ anh tu luyện thành Phật.
Đó, trong câu truyện trên, đề bài là sư phụ bảo chép kinh 100 ngày; nếu đến ngày 101 đệ tử yên tâm ngồi đợi, thì chỉ được cộng điểm về phương diện “tín sư”, còn nếu vẫn chép kinh sách, thì hiển nhiên là thêm cả điểm “trân quý Pháp”.
Kết thúc, xin phép dẫn bài thơ của một đồng tu Trung Quốc chia sẻ trong Pháp hội mạng lưới Minh Huệ lần thứ 12, năm 2015. [3]
Nguyện làm một sợi tơ
Tôi là cọng cỏ gầy
Nương gửi mình kẽ đá
Tối tăm tháng ngày trôi
Như mùa Đông băng giá
Úa tàn vô vọng đợi
Mùa Xuân xa vời quá
Là Phật quang Đại Pháp
Ấm áp phá màn đêm
Là vầng Chân-Thiện-Nhẫn
Đưa tôi đến Xuân Thiên
Tôi nguyện làm sợi tơ
Xuyên trân châu thành chuỗi
Kính dâng tặng Sư tôn
Vì trước khi tới đây, đã mang thệ ước ấy!
Vì cả một đời này, vẫn mong chờ điều ấy!
*
* *
Từ Pháp nhận thức Pháp mà biết trân quý Pháp, theo tôi hiểu, cũng là yêu cầu của Sư phụ đối với đệ tử chân tu:
“Có người cho rằng Đại Pháp phù hợp với quan niệm khoa học của mình, có người cho rằng [Nó] phù hợp với đạo lý làm người của mình, có người cho rằng [Nó] phù hợp với bất mãn chính trị của mình, có người cho rằng Đại Pháp có thể cứu vãn đạo đức bại hoại của nhân loại, có người cho rằng Đại Pháp có thể trị khỏi bệnh của mình, có người cho rằng Đại Pháp và Sư phụ là chính phái, v.v. […] Sau khi tu luyện một [giai] đoạn thời gian rồi, thì phải chăng vẫn còn là những suy nghĩ ban đầu, phải chăng là cái tâm ấy của con người vẫn lưu bản thân tại đó? Nếu như thế, thì không thể tính là đệ tử của tôi; chính vì tâm chấp trước căn bản kia chưa vứt bỏ, không thể ngay từ Pháp mà nhận thức Pháp. Những gì bị đào thải trong khảo nghiệm tà ác mà Đại Pháp tại Trung Quốc gặp phải đều là những ai chưa bỏ được tâm chấp trước như thế, đồng thời cũng gây ra một số ảnh hưởng phản diện.” (Tiến về viên mãn, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Người mới đến với Pháp Luân Đại Pháp và nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, thì nội hàm của chữ “hảo” ấy có thể là vì Đại Pháp giúp họ cải thiện sức khỏe, hoặc vì Đại Pháp phù hợp với quan niệm về đạo lý làm người của họ, hoặc vì Đại Pháp phù hợp với quan niệm khoa học của họ, v.v. Nhưng sau một thời gian tu luyện, nếu nội hàm của chữ “hảo” ấy vẫn chỉ dừng lại ở tầng thứ đó, không đạt tới cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp”, thì e rằng ấy chính là trường hợp mà Sư phụ viết là “không thể tính là đệ tử của tôi”. Năm đó đàn áp nổ ra, những học viên bị đào thải ngay loạt đầu tiên, chủ yếu là trường hợp này. (Kinh văn “Tiến về viên mãn” là ngày 16-6-2000). Vì thế khi viết bài chia sẻ này về chủ đề “trân quý Pháp”, thì tôi cho rằng cũng nên xuất phát từ cơ điểm “từ Pháp nhận thức Pháp”; tối thiểu là như thế, không xuất phát từ cơ điểm thấp hơn.
Tôi từng tham gia một số chia sẻ về chủ đề “từ Pháp nhận thức Pháp” này. Có không ít thắc mắc đại khái kiểu như: Vậy thì tu luyện bao lâu thì kỳ vọng là phải đạt tiêu chuẩn “từ Pháp nhận thức Pháp”, hoặc là nếu không đạt thì tại sao không được tính là đệ tử, hoặc là đây có phải là quan ải cuối cùng hoặc gần cuối cùng mà hễ vượt qua thì gần đến viên mãn rồi không, v.v.
Đạo lý này được Sư phụ giảng rất rất nhiều lần:
“Người thường nói tốt ấy không nhất định là tốt; người thường nói xấu ấy cũng không nhất định là xấu. […] Là người tu luyện, thì phải dùng đặc tính vũ trụ mà nhận định, thì mới có thể phân biệt ra cái gì là thật sự tốt và thật sự xấu.” (Bài giảng thứ Tư, Chuyển Pháp Luân)
Nếu một học viên hiểu được rằng, đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì gặp việc gì trong đời cũng cố gắng dùng Pháp để nhận thức và ứng xử, thế thì người ấy tự nhiên sẽ đạt cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp”. Ngày đầu đến với Pháp Luân Đại Pháp và nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, thì dù có thông tuệ đến đâu, dù trước đây từng tu luyện hay chưa, thì chữ “hảo” cũng là lấy cái quan niệm vốn đang có mà đo lường thôi, chưa thể là từ Pháp nhận thức Pháp. Tu luyện một thời gian, việc gì cũng nỗ lực lấy Pháp để đo lường, thế thì đến một ngày nọ, khi người đó nói câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo” thì chính tự bản thân người đó chợt phát hiện rằng tuy vẫn một chữ “hảo” ấy nhưng bây giờ đã có nội hàm khác rồi, vì chữ “hảo” ấy đã là bằng cái hiểu về Pháp của mình mà thành. Đây chính là biểu hiện của “từ Pháp nhận thức Pháp”. Đây chính là từ tu mà có được.
Nếu một học viên, tu luyện 2 năm 3 năm, hoặc 4 năm 5 năm, mà mỗi khi hễ gặp mặt nói chuyện thì vẫn là câu chuyện kiểu như Đại Pháp thật kỳ diệu khi đã chữa khỏi bệnh cho tôi, cuộc sống và hy vọng đã quay trở lại, khả năng chữa bệnh thần kỳ của Đại Pháp, v.v., thế thì, điều đó nói lên rằng, trong suốt 2 năm 3 năm 4 năm 5 năm đó, học viên ấy vẫn không thật sự hiểu được điều mà Sư phụ yêu cầu “là người tu luyện, thì phải dùng đặc tính vũ trụ mà nhận định”. Dù có dùng Pháp để đo lường, thì vẫn chỉ là dùng Pháp trong phạm vi quan niệm cá nhân cho phép mà thôi, người ấy vẫn là lấy quan niệm cá nhân mà đo lường Đại Pháp. Đó có phải là đệ tử chân tu chăng? Còn nếu học viên nào thực hành đúng yêu cầu này của Sư phụ, ngần ấy năm hễ gặp việc to việc nhỏ thì thảy đều lấy Pháp để đo lường, thế thì học viên ấy chắc chắn đã đạt cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp” rồi, đạt được một cách tự nhiên. Học viên ấy sẽ không bao giờ đứng ở cơ điểm thấp hơn nữa để chia sẻ với các đồng tu khác về chủ đề “trân quý Pháp”. Chữ “hảo” trong câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo” xuất ra từ miệng của học viên ấy từ đó trở đi tối thiểu là ở trên cơ điểm “từ Pháp nhận thức Pháp”, vì học viên đó đã hiểu được yêu cầu của Sư phụ về phương diện “từ Pháp nhận thức Pháp” này. Đây không phải là yêu cầu hay quan ải cuối cùng hoặc gần cuối trước khi viên mãn đâu; mà trái lại, đây là quan ải đầu tiên mang tính “nhập môn”, để có thể được tính là đệ tử chân tu hay không.
Để minh họa rõ hơn ý này, xin phép mượn câu ngạn ngữ “biển không thể đo bằng đấu” của người Hoa mà dẫn câu chuyện như sau:
Xưa, có ba anh em. Người anh cả là thông minh nhất; và em út, như trong tất cả các câu chuyện cổ tích khác, là một chàng ngốc. Ba anh em sống ở một ngọn núi, và nước ở đó rất thiếu thốn. Nước ăn là phải hứng từ những giọt mưa khan hiếm, sau đó trữ trong những thùng lớn để dùng dần quanh năm. Họ vẫn sống từ khi lọt lòng ở vùng núi ấy như thế.
Có những thương gia qua đó, nghỉ lại, và kể cho ba anh em những câu chuyện về thế giới bên ngoài. Và họ kể về biển. Hỏi biển lớn nhường nào? Rất lớn. Rất lớn là thế nào? Cái này họ chịu không diễn giải được. Thế thì đo. Chàng ngốc bèn đưa cho nhà buôn cái chén và bảo đi đo biển. Người thương gia sau vài chuyến cũng đưa về mấy chén nước biển. Hỏi biển đã vơi đi ngần nào? Không vơi đi tí nào! Vậy là không đo được. Người anh hai bèn đưa ra phương án đo bằng bát. Rồi thì anh cả đo bằng thùng. Tất nhiên, sau khi mang mấy thùng nước về, thì biển cũng không vơi đi tí nào.
Anh cả nói: “Chú ngốc, biển thật là bao la rộng lớn! Anh lấy mấy thùng nước đầy cất trong nhà mà biển không vơi tí nào. Điều ấy nói lên rằng biển thật là lớn! Chú đo biển bằng chén đúng là ngốc quá đi.” Chú ngốc cũng thấy thế là đúng, bèn nghĩ: “Mình vốn ngốc nhất nhà, nên không có khả năng hình dung. Vậy muốn hiểu thế nào là biển, thì mình rời đến đó ở.” Thế là chú ngốc ra biển ở, sống ở ven biển.
Khi tiếp cận một vấn đề rất lớn, ví như biển, thì ta không thể dùng cái đấu mà đo được, không thể dùng cái thước đo hiện hành mà đo được. Đạo lý rất đơn giản. Muốn thực sự tu luyện, muốn học Pháp, thì chỉ có mỗi một cách mà thôi, đó là rời bỏ cái khung của người thường này (được ví như ngọn núi kia), mà đến sống ở trong Pháp (được ví như biển trong câu chuyện). Không còn cách khác. Bất kể người anh cả miêu tả về biển hay đến đâu, chính xác đến mấy (vì bẩm sinh thông minh hơn nên anh ta nghe và nhớ nhiều chuyện kể từ những khách lữ hành đi ngang vùng núi) thì thật ra anh ta cũng không biết biển là gì đâu. Chỉ có đến sống ở biển, đến bơi lội ở đó, sống ở đó thì mới biết được. Nếu không đạt cảnh giới “từ Pháp nhận thức Pháp” thì cái gọi là “học Pháp” ấy, cũng vẫn là đang lấy cái chén, cái bát, hoặc cái thùng để đo biển mà thôi. Như vậy nhận thức về Pháp và đồng hóa với Pháp sẽ rất có hạn, không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn đệ tử chân tu. Nhận thức cá nhân tôi về yêu cầu của Sư phụ về phương diện “từ Pháp nhận thức Pháp” chính là như thế.
Sau khi đọc xong kinh văn “Tiến về viên mãn”, có ý kiến cho rằng: Tôi hiểu là không bị chấp trước quan điểm ban đầu là được rồi, trước đây tôi cho rằng tu luyện Pháp Luân Công là để có sức khỏe, giờ nghe các bạn chia sẻ một hồi, tôi đã hiểu đây là Pháp của vũ trụ, vậy nhận thức của tôi về “trân quý Pháp” đã đề cao lên rồi, tôi đã đạt tiêu chuẩn mà Sư phụ giảng trong kinh văn “Tiến về viên mãn” rồi. Tôi nghĩ rằng vậy có lẽ cũng chưa chuẩn. Cái này là phải tu mới được. Thay đổi về nội hàm chữ “hảo” trong câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” chẳng qua chỉ là biểu hiện ra ngoài để ta nhận ra được mà thôi. Cái thật sự muốn nói ở đây không phải là cái đó, mà là “từ Pháp nhận thức Pháp”, mà điều ấy chỉ có thể từ tu mà có, chứ không thể dựa vào học theo người khác, hoặc dựa vào phân tích một cách lô-gic mà đạt được. Để hiểu được biển thì thử hỏi rằng bạn nghe và phân tích lô-gic một hồi như người anh cả là đủ rồi, hay là cũng cần ra sống ở ven biển như chú ngốc? Đạo lý rất đơn giản.
Theo quá trình tu luyện, cảm thấy càng tu luyện lên, càng hiểu Pháp hơn, thì càng trân quý Pháp. Nhưng mà, tôi vẫn là không viết về chủ đề “trân quý Pháp” từ góc độ rằng càng tu luyện lên càng hiểu Pháp hơn thì càng trân quý Pháp, rằng hai cái là tương phụ tương thành với nhau. Bởi vì tôi cho rằng như thế tuy là phản ánh ra đúng những gì xuất hiện trong quá trình tu luyện, nhưng mà vẫn là còn vướng, vẫn chưa thoát ra được, và vẫn chưa thực sự nhận ra được vấn đề thuộc loại “lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích”.
Nói ví dụ như, giả sử xã hội mà chúng ta sống là một xã hội lấy kim tiền làm thước đo, lấy kim tiền làm trật tự nền tảng. Và thầy giáo môn Đạo đức ra đề thi: Hôm nay thi cuối khóa học, các trò hãy viết về bài luận tâm đắc thể hội cá nhân về chủ đề “hạnh phúc” nộp lên cho thầy. Trò viết: Tiền bạc và hạnh phúc là tương phụ tương thành với nhau, càng có nhiều tiền thì càng có nhiều hạnh phúc. Thế thì ông thầy sẽ phán: Viết trả lời thế này thì có khác gì viết hạnh phúc là từ ăn ngủ mà có không? Khác gì viết hạnh phúc là tính theo số mảnh tình vắt vai? Đành rằng đồng tiền giữ vai trò trong trật tự xã hội cho nên tạo ra biểu hiện thành ra như thế, nhưng mà, nếu trò mà trả lời thế này thì hóa ra công sức tôi dạy học cả khóa vừa qua đã uổng phí mất rồi, học hết khóa học rồi mà trò vẫn không thể nhìn ra quan hệ thuộc loại quan hệ giữa “phương tiện và mục đích”.
Tu luyện là phương tiện để đồng hóa với Pháp, người tu thông qua hình thức tu luyện mà có được trí huệ và hiểu Pháp được cao hơn, đồng hóa với Pháp ở các tầng cao hơn. Tu luyện là phương tiện. Mà đồng hóa với Pháp, đề cao tầng mới là mục đích. Nhận thức cá nhân tôi là vậy. Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, các giác giả từng xuất hiện trong lịch sử đặt định văn hóa về đề cao tâm linh, thì ngoài hình thức tu luyện của phương Đông, thì cũng còn có hình thức “tín Thần” của phương Tây. Tất nhiên “đức tin” ở đây là nói về “chính tín”, tin và làm theo lời răn của Thần; chứ không phải khái niệm biến dị thời mạt pháp lẫn lộn tín ngưỡng với cầu xin cúng bái gì đó.
Trong câu chuyện “Kim Phật”: Người đồ tể có được thăng tiến về tâm linh thì nhân tố tu luyện trong thăng tiến ấy rất nhỏ; thăng tiến tâm linh của người đồ tể chủ yếu là đến từ tín Phật kính Pháp, ngộ tính thượng giai. Người này tuy phạm tội sát sinh (tự sát) mà vẫn được độ.
Trong câu chuyện “Ngày 101”: Đến ngày 101, đệ tử đã hoàn thành việc mà sư phụ giao phó. Như vậy hiển nhiên đệ tử làm gì vào ngày 101 thì việc mà anh chọn làm chính là phản ánh rõ nhất nhận thức có được sau 100 ngày. Anh ta có thể tọa thiền, có thể nghỉ ngơi, hoặc có thể làm điều nào đó mà anh cho là tốt nhất. Trong chuyện, lựa chọn của anh chính là tiếp tục chép kinh, thế thì, đó chính là phản ánh tâm cảnh của anh này: anh ta rất trân quý Pháp.
Bài thơ của đệ tử tán thán Đại Pháp, lấy hình ảnh nguyện làm sợi tơ để biểu đạt lòng kính ngưỡng vô hạn, thì thử hỏi trong đó có các nhân tố mà ta vẫn thường quen thấy trong tu luyện thông thường không? Chịu khổ? Trả nghiệp? Bỏ chấp trước? Không! Điều mang tính chủ đạo ở đây chỉ là cái tâm kính ngưỡng của một tấm lòng trong sạch.
Tất cả 3 ví dụ trên đều bao gồm thể hiện của đề cao tâm tính, mà trong đó nhân tố tu luyện truyền thống đóng vai trò rất nhỏ, trái lại, nhân tố tín Phật kính Pháp là đóng vai trò chủ đạo. “Tín Thần” trong văn hóa phương Tây là có con đường thăng hoa tâm tính mà chuyên bằng vào phương diện này. Tất nhiên, tu luyện của phương Đông cũng có nhân tố này, chỉ là không chuyên môn như thế.
Đương nhiên, bài viết này không phải là ý nói chúng ta hãy chuyển sang phương pháp “tín Thần” nhé. Không phải thế. Lần này Pháp Chân-Thiện-Nhẫn được truyền cho nhân loại là triển khai theo hình thức thế này, thế thì chúng ta chính là tu luyện thế này. Chỗ này chỉ là muốn chỉ ra rằng, khái niệm “trân quý Pháp” là vượt khỏi phạm trù tu luyện thông thường. Từ Pháp nhận thức Pháp mà thấy được như thế.
“Từ Pháp nhận thức Pháp mà biết trân quý Pháp”, theo nhận thức cá nhân tôi, là tiêu chuẩn mà Sư phụ đã chỉ ra trong kinh văn “Tiến về viên mãn”, tiêu chuẩn mang tính nhập môn đối với đệ tử chân tu.
Trên đây chỉ là nhận thức còn rất có hạn, có gì thiếu sót mong đồng tu từ bi chỉ ra.
[1] https://vn.minghui.org/news/32359-kim-phat-va-binh-chu-cua-su-phu.html —Kim Phật— bài này cũng là bài mà Sư phụ yêu cầu các học viên đều cần đọc.
[2] https://vn.minghui.org/news/606-khong-chap-truoc-vao-thoi-gian-va-lam-tot-nhung-dieu-chung-ta-nen-lam.html
https://vn.minghui.org/news/11196-ngay-thu-101.html
Đăng ngày 11-02-2019.