Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 17-12-2018] Tôi hiểu “giá trị phổ quát” (nguyên tiếng Hán: phổ thế giá trị) là những chuẩn mực, nhận thức mà được thừa nhận một cách phổ biến ở thế gian này, ở thế giới này. Đọc liên tiếp những bài giảng Pháp gần đây, cảm thấy dường như hiểu thêm nhiều điều xung quanh chủ đề này. Nay nhờ thông qua cửa sổ giao lưu Minh Huệ Net, xin chia sẻ với các quý đồng tu một chút suy nghĩ cá nhân.

Thời còn trẻ ngẫu nhiên đọc được rằng nữ hoàng Anh là người hưởng thừa kế cực kỳ nhiều đất đai. Điều đó khiến tôi rất ngạc nhiên. Tại sao khi thay đổi chế độ thì hoàng gia vẫn giữ được thừa kế tài sản và đất đai nhỉ? Tôi từng có thắc mắc ấu trĩ như thế. Thực ra, đạo lý rất đơn giản. Dù có làm ra chế độ mới, nhưng trong chế độ mới ấy cũng tồn tại khái niệm sở hữu tài sản, cũng tồn tại khái niệm thừa kế đất đai. Nếu chỉ vì dựng lập chế độ mới mà tịch thu tài sản và đất đai của người ta, thế thì cái gọi là “chế độ mới” ấy sẽ quản lý quốc gia thế nào? Xuất hiện thắc mắc ấu trĩ kia là do tôi lớn lên trong văn hóa đảng, và không được giáo dục đúng đắn về vấn đề này.

Sở hữu tài sản, thừa kế đất đai, v.v., những thứ ấy thuộc về phạm trù “giá trị phổ quát”; dù thay đổi chế độ thì nó vẫn được duy trì. Đạo lý rất đơn giản. Giá trị phổ quát mà.

Học Pháp, tôi hiểu là có những học viên từng ký kết khế ước với cựu thế lực, rằng sau này đến thời Đại Pháp hồng truyền sẽ dùng cái chết để làm điều kiện được tu luyện và chứng thực Pháp. Tất nhiên họ ký kết thế là do bị lừa thôi, vì sau này Chính Pháp diễn ra là không có theo an bài của cựu thế lực, cho nên không cần chết vẫn có thể tu luyện, vẫn có thể chứng thực Pháp, và viên mãn. Tất nhiên, nói “bị lừa” có lẽ chưa thỏa đáng lắm, vì lúc đó ngay cả cựu thế lực cũng không biết Chính Pháp thật sự sẽ diễn ra thế nào; vả lại, ngay cả khái niệm “cựu thế lực” lúc đó e rằng còn chưa tồn tại.

Có không ít học viên thắc mắc rằng, tại sao Sư phụ không trực tiếp xóa bỏ khế ước kia luôn đi? Chẳng phải chúng ta không thừa nhận an bài của cựu thế lực, không thừa nhận chính bản thân cựu thế lực cơ mà! Tôi hiểu là, khái niệm “khế ước” cũng thuộc về phạm trù giá trị phổ quát; vì vậy tự dưng xóa bỏ nó đi thì không ổn. Rốt cuộc có những học viên thật sự phải tuân theo khế ước mà ra đi. Tuy nhiên, nếu học viên đó tu tốt, thì dù ra đi nhưng vẫn được viên mãn. Tôi hiểu rằng: Trong tình huống đặc thù đó thì có thể có phương án “đền bù” (tạm dùng từ “đền bù” này), nhưng không thể tự dưng xóa bỏ khế ước được. Giá trị phổ quát mà.

Hợp đồng hay khế ước, bằng cách này hay cách khác, là tự có điều khoản “hủy”, “mất hiệu lực” trong đó. Ví dụ, có học viên tâm niệm rằng: Ta là đệ tử Đại Pháp thời Chính Pháp, đừng can nhiễu ta, sau này ta tu thành sẽ có hồi báo; dù trước đây ta đã ký khế ước là thế, nhưng giờ tình hình thay đổi rồi, tốt nhất là ta tu thành sẽ dùng phúc báo hoàn trả. Thiện giải thiện giải nhé. Thế thì có thể sẽ thành công xóa bỏ khế ước. Nếu thật sự thiện giải vẫn không được, thế thì mới tính phương án khác. Theo tôi hiểu, phá trừ an bài của cựu thế lực là không đơn giản; nếu là trường hợp có khế ước thì không phải cứ nhắm mắt nói phá phá phá là được.

Một số vấn đề, ví dụ vấn đề “bản quyền”, cũng là thuộc phạm trù “giá trị phổ quát” này; do đó cũng cần cân nhắc để xử lý cho thích đáng.

Trong lần giảng Pháp gần đây, sau khi giảng liên tục về chủ đề “tu luyện tâm tính”, “văn hóa truyền thống”, và “giá trị phổ quát”, Sư phụ lại nhấn mạnh lần nữa trước khi kết thúc bài giảng:

“Điều tôi muốn nói hôm nay là làm cho tốt các kênh thông tấn, cần làm tốt hai việc này, một là tu bản thân cho tốt, hai là kênh thông tấn chúng ta phải lấy văn hóa truyền thống làm cơ điểm, lấy giá trị phổ quát làm cơ sở, thì mới có thể làm tốt hết thảy.” —Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên năm 2018

Khi Đại Pháp truyền ra ở Trung Quốc, người dân đón nhận rất nhanh. Họ thấy Chân-Thiện-Nhẫn ấy chính là văn hóa truyền thống, chính là tái hiện văn hóa truyền thống phù hợp cho xã hội hiện đại. “Trên đầu ba thước có thần linh”, “vạn vật đều có linh”, “lùi một bước biển rộng trời cao”, v.v., chính là những nhân tố văn hóa truyền thống. Chân-Thiện-Nhẫn được giảng ra ở tầng thứ xã hội nhân loại này, thì con người nơi đây sẽ nhận ra đó chính là tái hiện văn hóa truyền thống của người Hoa, tái hiện theo phương thức hoàn toàn hòa hợp với hoàn cảnh xã hội hiện đại.

Việt Nam chúng ta, tiếc thay, không thể diễn ra như thế. Sau khi chữ Nôm được thay bằng chữ quốc ngữ. Nội hàm của ngôn ngữ, vốn phải hàng nghìn năm mới gây dựng được, nay bị gián đoạn rồi. Rồi hàng loạt những biến động khác, người Việt chúng ta không còn nhớ được “văn hóa truyền thống” đích thực của dân tộc mình nữa.

Trước đây tôi không cách nào trả lời được câu hỏi: Tôi muốn chứng thực Pháp theo khía cạnh văn hóa truyền thống thì làm thế nào? Bây giờ tôi hiểu rằng, học viên Việt Nam chúng ta không thật sự theo con đường đó. Mà là theo con đường “giá trị phổ quát” này. Những học viên Pháp Luân Công nên biểu hiện thiện lành, đạo đức tốt theo nhận thức giá trị phổ quát là được rồi. Chỗ đứng ở xã hội của chúng ta là vậy. Đạo lý rất đơn giản. Đó không chỉ là con đường lâu dài, mà cũng có lẽ là lời giải ngay cho tình hình trước mắt:

“Người ta đều biết Chân-Thiện-Nhẫn là giá trị phổ quát, đối với bất kỳ dân tộc nào, bất kỳ quốc gia nào cũng đều có chỗ tốt. Mà dù thật sự bị bức hại, thì cũng phải dùng Thiện của người tu luyện để đối đãi hết thảy.” —Gửi các học viên Việt Nam [2018]

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, còn bị giới hạn rất nhiều, có gì thiếu sót mong được chỉ ra.

Share