Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 18-6-2019] Sau khi đọc bài «Giảng Pháp tại New York 2019»[1] tôi cảm tưởng như đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc lâu nay của mình và dường như hiểu được lời nhắc nhở của Sư phụ về bước cuối cùng trong con đường tu luyện thời kỳ Chính Pháp. Nay xin phép thông qua Minh Huệ Net, cửa sổ giao lưu của các đệ tử Đại Pháp, để chia sẻ nhận thức của tôi về tu luyện. Chia sẻ trong lĩnh vực rất hẹp là về nhận thức Pháp, về tu luyện cá nhân, không phải về làm cụ thể 3 việc mà đệ tử cần làm.

Bước cuối cùng

Các học viên tu luyện trong thời Chính Pháp chúng ta, là sắp sửa đặt bước đi cuối cùng. Bước cuối cùng ấy là gì? Là bước ra từ thời cuối của “diệt” sang thời đầu của “thành”. Quá trình thành-trụ-hoại-diệt ấy, sinh mệnh nào có thể bước ra nổi bước này? Tuyệt vô cận hữu, quá bất khả tư nghị, không thể nghĩ bàn. Là nương theo Chính Pháp mà có được cơ duyên ấy.

Nếu hỏi một tế bào trên thân thể 40 tuổi rằng trạng thái của thân thể đó lúc 4 tuổi là gì? Quay về trạng thái 4 tuổi? Thì tế bào đó hiển nhiên không biết, có nghĩ cũng không nghĩ ra. Đối với nó mà nói quả là bất khả tư nghị. Bước cuối cùng này chính là như thế!

Bước này có phải là một bước nằm trong an bài tu luyện của đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp hay không? Ý là nói, đành rằng trong Pháp Lý thì có tồn tại bước này như vừa diễn đạt bên trên, nhưng mà đây có phải là bước đi mà đệ tử Đại Pháp phải bước ra được hay không? Hay học viên không cần làm gì cả, chỉ cần đợi, và hôm đó Sư phụ sẽ đẩy qua? Tức là, đây có phải là bước cuối cùng trong con đường tu luyện của đệ tử Đại Pháp hay không? Câu trả lời là: Có. Tôi hiểu là vậy.

Cũng trong bài giảng Pháp năm nay ấy, Sư phụ lại một lần nữa nhắc nhở các học viên đến từ Hoa Lục hãy buông bỏ lề lối, nếp nghĩ của Đại Lục, từ đó hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Đây là một lần nhắc nhở rất mạnh mẽ, mặc dù đã từng nhắc nhở trong nhiều bài giảng Pháp các năm trước đó. Nếu nhìn từ góc độ “bước cuối cùng” này, thì đó chẳng phải chính là biểu hiện của “bước cuối cùng” ở tầng thứ thấp nhất hay sao? Là biểu hiện của “bước cuối cùng” đối với người tu ở cương vị từ Hoa Lục ra hải ngoại: Hãy bước ra từ tâm cảnh biểu hiện điển hình của thời “diệt” sang tâm cảnh gần gũi hơn với thời “thành”.

Hình dung “vũ trụ” đối với tôi là quá sức, nên xin phép hình dung kiểu nôm na thế này cho dễ hiểu. Giả sử vùng đất kia mới khai phá, bách phế đãi hưng, tài nguyên phong phú, khí hậu ưu đãi, vạn vật mới mẻ, sinh cơ bừng bừng —ấy là thời “thành”— thì người ta đến đó định cư, tấm lòng thoáng đãng, chỉ cần lo xây dựng, bao nhiêu điều chờ đợi khám phá, phấn khởi bắt tay nhau cùng phát triển, v.v. Nhưng mà rồi thời gian trôi nhanh, trải bao năm tháng đằng đẵng, nơi đó trở nên khô cằn, tài nguyên khan hiếm, mọi thứ già cỗi —ấy là thời “mạt”— thì cái đạo sinh tồn ở đó dần dần là khác rồi. Người ta giờ đây tính toán chi li, chẳng thể cởi mở, nhiều khi phải biết bo bo giữ mình, có khi còn phải mưu mẹo nữa. Ồ, đây chẳng phải lối sống “kiểu Hoa Lục” sao? (tạm ví là vậy). Trong bối cảnh ấy, nếu có một người kia, biết dùng trí huệ và nghị lực, tự hiểu ra và biết được rằng đó chẳng qua chỉ là biểu hiện của thời “mạt” mà thôi, chứ kỳ thực con người ta vốn dĩ là sống phải cởi mở, tâm hồn thoáng đãng, rộng rãi mà khoan dung, thiện lương mà biết nghĩ cho người khác, và người ấy thực sự làm được thế, vậy thì đó chẳng phải chính là làm đúng điều Sư phụ nhắc nhở học viên từ Hoa Lục sao? Hãy bước ra từ tâm cảnh của thời “diệt” sang tâm cảnh của thời “thành”. Chính thế, đây chính là biểu hiện của bước đi ấy ở tầng thấp nhất, tầng giao tiếp nơi xã hội người thường.

Với đệ tử từ Hoa Lục là vậy. Và đối với chúng ta, thì có lẽ cũng là vậy. Chúng ta tuy không phải đệ tử Hoa Lục, và có lẽ cũng không ra hải ngoại, nhưng mà, cũng là cần bước ra được bước đi này. Cương vị tuy khác nhau, nhưng đạo lý tu luyện là giống nhau; biểu hiện cụ thể tuy khác nhau, nhưng đạo lý bên trong thì cũng như thế cả thôi. Ai thực hiện được bước đi này ở tầng thứ nào, thì sẽ được tính là tự mình thông qua tu luyện mà bước ra được bước đi này ở tầng thứ đó.

Trong bài giảng Pháp năm nay, Pháp Lý chung ấy đã được giảng ra, và trường hợp cụ thể về học viên từ Hoa Lục cũng đã được nêu ra như vậy.

Thực tiễn hiện nay: Thân ở Pháp cũ, tâm ở Pháp mới

“Tôi lưu lại [trong] chư vị những thứ con người [để] chư vị có thể sinh sống nơi người thường, không ảnh hưởng chư vị tu luyện; chư vị có thể trải qua cuộc sống con người của chư vị. Nhưng khi thật sự gặp mâu thuẫn, nhất là [với] đệ tử Đại Pháp, chư vị khi đề cao cá nhân, và chư vị khi phối hợp để làm cho tốt ba việc chư vị cần phải làm, khi chư vị gặp mâu thuẫn thì đó chính là then chốt!” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Sinh sống nơi thế gian này, nên phù hợp với thế gian này. Các việc như đi chợ đi làm giao tiếp xã hội, thì thuận theo Pháp ở tầng xã hội này, chi li một tí, toan tính một chút, cái đó không sao cả, vì đạo lý sinh tồn ở đây là vậy. Nhưng mỗi khi thấy vấn đề hay mâu thuẫn nổi lên, nhất là khi đối đãi với các đồng tu, hay triển khai các việc Đại Pháp, tức là khi có nhân tố tu tâm trong đó, thì then chốt là nhất định phải biết nhìn nhận và đối đãi các việc một cách từ bi, cởi mở, thoáng đãng, đường đường chính chính, phóng khoáng, rộng lượng, v.v., tức là tuân chiếu cái đạo sinh tồn của giai đoạn đầu của thời “thành”, và đó cũng là yêu cầu đối với người tu chúng ta.

Từ việc nhỏ trong gia đình mà có vấp váp phải giải quyết, cho đến công tác, hoặc hạng mục Đại Pháp, thậm chí cả những mâu thuẫn lớn mang tính chia rẽ cả cộng đồng học viên, thì chẳng phải hết thảy đều cần phải đối đãi như thế? Cần có phong thái cao. Hàm dưỡng, nhường nhịn mà chẳng so đo với người ta. Biết nhìn đến bức tranh rộng lớn, chứ không phải li ti soi mói cái nhỏ. Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người. Hãy hướng nội để tu sửa chính mình và hãy nghĩ cho người khác trước. v.v. Đây chẳng phải yêu cầu về tâm tính của người tu mà Sư phụ giảng nhiều lần trong cuốn «Chuyển Pháp Luân» đó sao?

Còn nếu những lúc gặp vấn đề như thế, mà dùng lối tư duy bo bo giữ mình, thiếu vắng sự thông cảm và khoan dung độ lượng, “tôi làm thế này là tốt cho công việc này”, “kế hoạch kia là đem lại lợi ích to lớn cho hạng mục kia”, v.v., thoáng nghe thì tưởng như làm thế là ý tốt, nhưng kỳ thực, đó là tâm cảnh thời mạt kiếp, đối đãi vấn đề bằng Pháp Lý cũ, thế thì người đó không cách nào bước ra nổi bước này.

Vì sao cựu thế lực là cựu thế lực? Chỉ vì không buông được cựu Pháp.

Chúng ta không được như cựu thế lực, chỉ biết ôm chết cứng vào Pháp cũ. Tình thế chúng ta chính là thân ở Pháp cũ, nhưng mà phải biết cách làm sao mà tâm ở Pháp mới. Ví dụ một cách hình tượng không chính xác lắm: Là như kẻ ăn mày cô đơn lang thang nơi thành xưa đổ nát, vậy mà ấp ủ tấm lòng hào phóng của nhà vua giàu mạnh.

“‘Vị tư’ là thuộc tính căn bản của vũ trụ quá khứ, […] Pháp tương lai là viên dung, là ‘vị công’” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004)

Trong quá trình “hoại” này, chư vị mà hỏi những sinh mệnh tầng thứ rất cao, chư vị hỏi rằng trạng thái của sinh mệnh thời kỳ “trụ” trước đây là như thế nào, thì họ hoàn toàn không biết. Tại sao? Vì ngay cả Pháp trong quá trình ấy còn biến dị, hết thảy đều thuận theo “sinh lão bệnh tử”, “thành trụ hoại diệt” mà đang thay đổi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Như vậy, có lẽ rằng Pháp “vị tư” của vũ trụ cũ hôm nay thực ra thời xa xưa viễn cổ cũng từng là Pháp “vị công” đó. Nói cách khác, Pháp “vị tư” xuất hiện là do Pháp “vị công” biến dị mà thành. Và thời điểm biến hóa rõ rệt nhất, bước ngoặt lớn nhất, chính là đã xảy ra vào thời kỳ “hoại”. Hẳn là, sau thời kỳ “trụ” phồn vinh, thì đến thời kỳ “hoại” lúc vạn vật đều dần dần tàn lụi, thoái hóa đi, như vậy đạo lý sinh tồn căn bản nhất cũng vì thế mà phải thay đổi dần dần, cuối cùng trở thành “vị tư” như tình cảnh chúng ta đang sống hiện nay.

Con đường tu luyện ấy, bước đầu tiên là “phản bổn quy chân” với hàm nghĩa mà người mới học lý giải là: Trở về bản tính tiên thiên thiện lương thuần khiết của mình. Tu luyện thời kỳ Chính Pháp, bước cuối cùng cũng là “phản bổn quy chân”: Khi hết thảy đều từ thời cuối của “diệt” để trở về thời đầu của “thành”, thì hãy nương theo đó mà bước ra được bước cuối cùng này.

Bài giảng Pháp năm nay, Sư phụ đã giảng ra Pháp Lý này, ví dụ trường hợp cụ thể về học viên Hoa Lục cũng giảng ra rồi. Giờ chúng ta hướng nội tìm, và nhìn vào hoàn cảnh chúng ta hôm nay, thì thấy cũng là tình cảnh thế này. Trong học viên chúng ta, ai nhận thức ra và bước ra được bước này? Tôi cảm thấy Sư phụ giảng thế này là quá rõ ràng minh bạch rồi. Đề bài toán thì thầy đã nêu rồi, các trò giải đi!!

Tôi quan sát thấy không ít học viên bây giờ đang nghĩ: Đọc xong kinh văn năm nay, giờ ta từ từ vừa đợi vừa làm thôi. Đến ngày đó tổng kết sổ sách, được ngần nào thì được. Không chấp trước truy cầu nhiều làm gì. Buông lỏng một chút. Không cần vội. Nhưng mà, e rằng lối nghĩ ấy chỉ thích hợp khi mọi thứ cần làm là đã được hoàn thiện rồi, hoặc đại đa số đã làm xong rồi.

Còn nếu như trong an bài con đường tu luyện vẫn còn một bước cuối cùng này thì sao?

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, rất còn hạn chế. Có gì thiếu sót mong được các bạn đồng tu chỉ rõ.


[1] Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019:  https://vn.minghui.org/jw/kinh_van_20190517.html

Share