Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 16-12-2018] Dự luật S-240 của Thượng viện Canada được thông qua trong lần giải trình lần thứ hai tại Hạ viện vào ngày Quốc tế Nhân quyền, ngày 10 tháng 12. Dự luật này sẽ quy việc nhận nội tạng mà không được sự đồng ý của người hiến tặng là tội hình sự. Mức phạt có thể lên tới 14 năm tù. Dự luật này cũng sẽ tước quyền nhập cảnh vào Canada dưới diện nhập cư hay tị nạn cho những người liên quan đến việc buôn bán nội tạng bất hợp pháp.
Các nghị sỹ đã tranh luận và bỏ phiếu cho dự luật về mặt nguyên tắc và trình dự luật lên Ủy ban Đối ngoại và Phát triển Quốc tế để xem xét. Dự luật đã được thông qua tại Thượng viện vào tháng 10. Tiếp theo sẽ là phiên giải trình thứ ba, sau đó, dự luật sẽ trở thành luật khi được Hoàng gia chấp thuận.
Ông Garnett Genuis, Nghị sỹ Đảng Bảo thủ, trình bày Dự luật S-240 tại Hạ viện.
Nghị sỹ Borys Wrzesnewskyj (phía trước bên phải) đã đề xuất một dự luật tương tự từ 10 năm trước.
Các học viên Pháp Luân Công tập trung tại Đồi Nghị viện (Parliament Hill) để ủng hộ Dự luật S-240 vào ngày 20 tháng 11, khi dự luật này được thông qua lần đầu tiên tại Hạ viện.
Dự luật S-240 nhắm vào nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc
Nghị sỹ Garnett Genuis, người đề xuất dự luật này tại Hạ viện, phát biểu trong lần đầu dự luật này được giải trình hôm 20 tháng 11, “Hai người Canada nổi tiếng là ông David Matas và ông David Kilgour đã phát hiện ra một vấn đề gây chấn động. Nghiên cứu tỉ mỉ của họ đã phát hiện ra rằng, hàng năm có 60.000 đến 100.000 nội tạng người được cấy ghép tại các bệnh viện Trung Quốc trong khi hầu như không có một hệ thống hiến tặng tự nguyện nào.”
Ông nói tiếp, “Đa phần những nội tạng này là lấy từ các tù nhân lương tâm, mà chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Hôm nay, tôi xin trình một dự luật của Thượng viện để đề nghị Hạ viện chuyển thành luật với một định đề khá đơn giản là, việc lấy nội tạng quan trọng của những bệnh nhân còn đang sống mà không có sự đồng ý của họ là vô lương tâm và phải chấm dứt.”
Nghị sỹ Genuis phát biểu trong lần giải trình thứ hai vào ngày 10 tháng 12, “Chúng tôi dựa trên nguyên tắc lập pháp. Đây là dự luật thứ tư về vấn đề này trong 10 nămqua. Tôi cho rằng tất cả chúng ta nên đồng thuận với nguyên tắc rằng Canada, vì lương tâm, không thể chấp thuận việc buôn bán và thu hoạch nội tạng người từ những người không có sự đồng thuận, rằng chúng ta có thể có lập trường rõ ràng và có đạo đức về vấn đề nhân quyền cơ bản này; nội dung chi tiết đến mức nào thì có thể được xây dựng tại ủy ban.”
Nghị sỹ Hardcastle: Ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng của Trung Quốc phát triển song song với cuộc đàn áp mang tính hệ thống đối với Pháp Luân Công
Nghi sỹ Cheryl Hardcastle, phó chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế, đã nêu trong cuộc tranh luận ngày 10 tháng 12, “… chủ đề thu hoạch nội tạng ở chợ đen không phải là vấn đề mới. Thật vậy, dự luật S-240 này là dự luật có cùng nội dung, được trình lên lần thứ tư sau khi đã trình qua nhiều nghị viện. Những dự luật này chủ yếu được xây dựng để đáp lại các báo cáo đáng tin cậy và đáng báo động về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.”
“Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế đã nghiên cứu về vấn đề thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc rất nhiều lần và đã ban hành ít nhất hai báo cáo dài và một số tuyên bố. Các báo cáo này trình bày hết sức cụ thể về sự hình thành của ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.”
“Theo lời giải trình mà tiểu ban chúng tôi đã nghe vào ngày 3 tháng 11 năm 2016, ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng của Trung Quốc phát triển song song với cuộc đàn áp mang tính hệ thống đối với Pháp Luân Công.”
Nghị sỹ Hardcastle cho hay, Đảng Dân chủ Mới (NDP) của bà ủng hộ dự luật S-240. “Vì đây là dự luật thứ tư về buôn bán nội tạng trong 10 năm qua, NDP kêu gọi sự hợp tác giữa các đảng để đảm bảo dự luật S-240 được thông qua nhanh chóng và cuối cùng là để vấn đề này được coi trọng. Ngoài việc ủng hộ sáng kiến này, chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa để khuyến khích hoạt động hiến tặng nội tạng trong nước được thực hiện một cách an toàn và có đạo đức.”
“Công dân Canada góp phần vào nạn buôn bán nội tạng chủ yếu thông qua một hiện tượng gọi là du lịch ghép tạng. Đó là cách phổ biến nhất để buôn bán nội tạng xuyên biên giới. Người mua đi du lịch nước ngoài để thực hiện ca cấy ghép nội tạng, mà hiện tại, Canada chưa có luật nào ngăn cấm hành vi này.”
Dự luật S-240 ngăn ngừa tình trạng công dân Canada vi phạm nhân quyền ở nước ngoài
Nghị sỹ Hardcastle còn cho biết, “… nhìn chung, nên để việc truy tố những tội phạm đó cho bang nào xảy ra vấn đề này. Song, rõ ràng là các thông lệ bình thường không được áp dụng trong trường hợp chính quyền địa phương thờ ơ, không thể có hành động đối ứng hay trực tiếp tạo điều kiện cho việc vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người.”
“Trong những trường hợp đó, Canada có thể và phải truy tố những công dân Canada ra nước ngoài để lạm dụng quyền con người. Nhân quyền tại các quốc gia khác cũng được áp dụng không kém đi chút nào. Các quốc gia quy định khuôn khổ thực tế để qua đó, có thể xác định và duy trì các quyền, nhưng đây không phải là lý do để cho phép người dân của họ đồng lõa với những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người.”
Nghị sỹ Jamie Schmale cho biết vào ngày 10 tháng 12: “Như các nghị sỹ có thể đã biết, dự luật này sẽ quy việc nhận nội tạng mà không có sự đồng ý của người hiến tạng là tội hình sự. Vấn đề này rất rõ ràng về mặt đạo đức, và tôi cho rằng tất cả các diễn giả đã đồng ý với ý kiến cơ bản đó.”
Ông còn chỉ ra rằng, khi một ca ghép tạng được lên lịch như ở Trung Quốc, nghĩa là có người sắp bị giết để lấy nội tạng. Ông cho rằng dự luật này, nếu được thông qua, có thể giúp các bác sỹ can ngăn bệnh nhân của họ đi theo con đường du lịch ghép tạng.
Người Canada ủng hộ dự luật
Khá nhiều nghị sỹ đã đề cập về sự ủng hộ của các cử tri của họ đối với dự luật S-240 và những chữ ký họ thu thập được từ khu vực của họ. Nghị sỹ Arif Virani và Kevin Lamoureux nhấn mạnh về những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này ở khu vực của họ cũng như ở nước ngoài.
Nghị sỹ Murray Rankin phát biểu trong lần giải trình đầu tiên vào tháng 11, “Canada hơi chậm về vấn đề này. Tôi xin lưu ý, chẳng hạn như người Châu Âu, cách đây khá lâu, đã có một công ước mang tên ‘Công ước của Hội đồng Châu Âu về Buôn bán Nội tạng Người’. Các nghị viên danh dự đã đề ra một sáng kiến được sự ủng hộ của các đảng, và nó đã tồn tại nhiều năm qua, và với tôi, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải chung vai với Châu Âu và các nước khác để đối phó với thảm họa buôn bán nội tạng người mà dự luật này muốn giải quyết.”
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng
Tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân, cựu tổng bí thư, đã ra lệnh “hủy hoại thân thể, bôi nhọ thanh danh và vắt kiệt tài chính của các học viên Pháp Luân Công”.
Khi nhu cầu cấy ghép nội tạng tăng lên, cảnh sát vũ trang, quân đội, và bệnh viện ở Trung Quốc lại phát hiện ra cách kiếm tiền mới, đó là giết các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ. Vì chính sách chống lại Pháp Luân Công được triển khai trên toàn quốc nên những người liên quan đến tội ác thu hoạch nội tạng không phải chịu hậu quả. Tin tức về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng lần đầu tiên bị rò rỉ vào năm 2006.
Theo báo cáo ‘Thu hoạch đẫm máu: Thu hoạch Nội tạng của các Học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc’ của David Kilgour và David Matas (Bản đã được chỉnh sửa), giá nội tạng dành cho người nước ngoài, dao động từ 30.000 Đô la Mỹ cho giác mạc đến 180.000 Đô la Mỹ cho ca ghép gan-thận kết hợp.
Các học viên Pháp Luân Công trở thành nạn nhân chính của nạn thu hoạch nội tạng vì họ là nhóm tù nhân lương tâm lớn nhất, hơn nữa, họ, nhìn chung, còn có sức khỏe rất tốt do lối sống lành mạnh nhờ môn tu luyện này.
Hàng nghìn cuộc khảo sát qua điện thoại của Tổ chức Điều tra Thế giới về cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đã tiết lộ rằng, nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là do Giang Trạch Dân là kẻ trực tiếp phát động và chỉ đạo. Chính Giang đã chỉ đạo việc ‘quân sự hóa và thương mại hóa’ việc giết hại học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng của họ.
Tổng cục Hậu cần của Quân đội Giải phóng Nhân dân là tổ chức nòng cốt của nạn thu hoạch nội tạng, phụ trách việc quản lý và phân bổ các “người hiến tạng” – chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, vốn là mục tiêu của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Các bệnh viện quân y và bệnh viện cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ trở thành các bệnh viện chính thực hiện các ca ghép tạng.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/16/378501.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/20/173692.html
Đăng ngày 28-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.