Bài viết của một học viên tại Pháp
[MINH HUỆ 20-11-2018] Bài thuyết trình về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Pháp tại diễn đàn ghi dấu kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được tổ chức tại Thượng viện Pháp vào ngày 16 tháng 11.
Diễn đàn ghi dấu kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
Thượng Nghị sỹ André Gattolin bảo trợ cho Đạo luật về Nhân quyền tại diễn đàn. Các diễn giả bao gồm ông François Croquette, Đại sứ Nhân quyền công tác tại Bộ Ngoại giao Pháp; và đại diện của nhiều tổ chức.
Tiến sỹ Alexis Gennin, nhà thần kinh học và cố vấn khoa học của tổ chức phi chính phủ DAFOH (Hiệp hội Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng), trình bày về các phương pháp điều tra đã sử dụng để thu thập bằng chứng xác minh nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Ông Alexis Gennin (bên trái); ông Marie-Françoise Lamperti (ở giữa), chủ tịch Đạo luật Nhân quyền; và Thượng Nghị sỹ André Gattolin (bên phải)
Theo Tiến sỹ Gennin, nhiều cuộc điều tra quốc tế độc lập đã xác nhận nạn thu hoạch nội tạng quy mô lớn từ các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Cơ đốc và người Tây Tạng.
Ông cho biết trong những năm 1990, chỉ có 300 đến 600 ca phẫu thuật ghép tạng được thực hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công được phát động vào năm 1999, 3.000 ca phẫu thuật như vậy đã được thực hiện vào năm 2000. Con số này lên đến 10.000 ca vào năm 2001 và 30.000 ca vào năm 2006. Nhưng từ sau lời khai từ vợ của một bác sỹ phẫu thuật dính líu đến thu hoạch nội tạng, chính phủ Trung Quốc đã xóa hết dữ liệu về phẫu thuật cấy ghép tạng.
Tiến sỹ Gennin trình bày về cuộc điều tra được thực hiện bởi hai nhân vật nổi tiếng người Canada, luật sư nhân quyền David Matas và cựu thành viên quốc hội David Kilgour. Hai ông phát hiện ra rằng thời gian chờ đợi một bộ phận tạng ở Trung Quốc là khoảng ba tuần, ít hơn nhiều so với các nước có hệ thống hiến tặng nội tạng đã được quy định. Trung Quốc không có hệ thống như vậy, và một số bệnh viện Trung Quốc đã thừa nhận với các nhà điều tra rằng nội tạng của họ đến từ các học viên Pháp Luân Công.
Trung Quốc tuyên bố nội tạng đến từ các tử tù bị tử hình, nhưng Tiến sĩ Gennin khẳng định số lượng tù nhân bị hành quyết tại Trung Quốc không khớp với số ca phẫu thuật cấy ghép.
Ông cho rằng Pháp không nên giữ im lặng, bởi vì trong hai thập kỷ qua, nhiều bác sỹ phẫu thuật ghép tạng Trung Quốc đã được đào tạo tại Pháp. Ông chỉ ra rằng, ở Pháp, mọi người phải đợi từ 3 đến 5 năm cho một bộ phận nội tạng. Song, mỗi năm có khoảng 300 bệnh nhân rút khỏi danh sách chờ. Trong khi họ không thực hiện phẫu thuật cấy ghép ở Pháp, cũng không phải họ đã qua đời. Ông cho hay cần phải thảo luận về việc thay đổi luật pháp để ngăn chặn công dân Pháp đi du lịch sang Trung Quốc và vô tình tham gia vào tội ác này.
Sau phần thuyết trình của tiến sỹ Gennin, Thượng Nghị sỹ André Gattolin khẳng định rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc là diệt chủng. Ông cho hay nghị viện ở nhiều quốc gia, bao gồm Pháp và Ý, quan ngại về vấn đề này, và các nhà lập pháp nên giúp đỡ bằng cách dự thảo luật để đảm bảo rằng người dân không tham gia vào nạn buôn bán ghép tạng bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Ông François Croquette, Đại sứ Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Pháp
Ông François Croquette, Đại sứ Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Pháp, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau diễn đàn rằng trong khi nhiều người hy vọng tư cách thành viên của Trung Quốc tại một số tổ chức quốc tế sẽ ảnh hưởng tích cực đến tình hình nhân quyền tại quốc gia này, nhưng “trường hợp này không phải như vậy“.
Khi được hỏi về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ông Croquette cho hay Pháp đã nhiều lần nêu vấn đề này với Trung Quốc với hy vọng chính quyền Trung Quốc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, bao gồm cả Pháp Luân Công. Ông nhận xét Pháp không phải là quốc gia duy nhất đã cố gắng thảo luận với Trung Quốc về cuộc bức hại Pháp Luân Công; mà nhiều quốc gia khác cũng đã làm như vậy. Điều đó hết sức quan trọng.
Ông Sam Rainsy, chính trị gia Campuchia
Ông Sam Rainsy, chính trị gia Campuchia, cho hay sẽ không bao giờ có công lý nếu sự thật bị được che đậy: “Nếu chúng ta thực sự chân thành và công tâm, chúng ta không thể bỏ qua các nạn nhân đó.” Về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ông chia sẻ: “Mọi người cần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Đức tin và thiền định giúp chúng ta vượt qua chính mình, đề cao bản thân, và trở thành những người tốt hơn.”
Thẩm phán Jean-François Zmirou
Thẩm phán Jean-François Zmirou trình bày về việc khởi kiện của các học viên Pháp Luân Công đối với cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, người đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông bình luận việc khởi kiện cho thấy mọi người muốn làm điều gì đó để ngăn chặn cuộc bức hại này. Ông cho biết thêm rằng đơn khởi kiện cũng có thể được đệ trình tại Pháp.
Ông Guy Aurenche
Ông Guy Aurenche, cùng với tổ chức Hành động của Tín đồ Cơ đốc Bãi bỏ Tra tấn (ACAT) đề xuất ba cách giúp các nhóm tôn giáo đang bị bức hại ở Trung Quốc: Tìm hiểu về sự tồn tại của các nhóm này, giảng rõ sự thật cho các chính trị gia để họ có hành động giúp đỡ, và yêu cầu chính phủ Trung Quốc ký các luật và hiệp ước thích đáng. “Chúng ta cần yêu cầu chính phủ Trung Quốc duy trì luật pháp mà họ đã ký”, ông cho biết.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/20/377427.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/24/173380.html
Đăng ngày 27-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.