Bài viết của học viên Pháp Luân Công tại Trịnh Châu, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-04-2015] Nhiều học viên cho rằng vấn đề tín Sư tín Pháp chỉ đề cập tới khi đang trong khổ nạn lớn, chẳng hạn như lúc gặp nghiệp bệnh đe dọa tính mạng hoặc vượt quan then chốt về tâm tính. Khi đối mặt với đại nạn, chúng ta thường nhớ tới việc tín Sư tín Pháp, cho rằng Sư phụ sẽ làm chủ giúp chúng ta.

Tuy nhiên chúng ta đôi khi quên mất rằng cần phải tín Sư tín Pháp ngay cả khi gặp những vấn đề nhỏ như cảm lạnh hoặc mất ngủ. Với những vấn đề nhỏ này, chúng ta đơn giản chỉ chịu đựng mà không nghĩ sâu thêm.

Theo tôi thấy, những rắc rối nhỏ này có thể chỉ ra rằng chúng ta chưa vượt quan tốt, vì thậm chí người thường cũng có thể vượt qua chúng mà không cần uống thuốc.

Sư phụ đã an bài để không chỉ loại bỏ nghiệp bệnh mà còn giúp chúng ta đề cao tâm tính trong quá trình đó.

Vì mục đích đó mà Sư phụ đã gánh chịu hầu hết nghiệp lực giúp chúng ta, chỉ để lại một chút cho chúng ta tu luyện. Nếu thật sự tín Sư tín Pháp, chúng ta sẽ cảm thấy biết ơn sâu sắc khi trải qua sự buồn phiền hoặc khổ nạn, đồng thời cũng cảm thấy hổ thẹn vì đã làm nhiều việc xấu trong quá khứ và biết ơn vì có cơ hội trả những nợ nghiệp này.

Thay vào đó, nếu chán nản và chỉ hy vọng vượt qua nó, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đề cao tâm tính của mình.

Khi thời gian kéo dài, với thái độ này chúng ta có thể phát sinh oán giận và nghi ngờ. Không ngạc nhiên khi vài học viên âm thầm uống thuốc hoặc tìm cách điều trị tại bệnh viện. Họ tuyên bố rằng họ không muốn gia đình hiểu nhầm Đại Pháp, hoặc tầng thứ chưa đủ cao để vượt qua khổ nạn của chính mình.

Sau đó nghiệp bệnh liền bị đẩy trở lại cơ thể họ. Khi bộc phát vào lần sau, nó thậm chí có thể trở nên nặng hơn và yêu cầu mức độ tâm tính cao hơn để vượt qua. Nếu không vượt qua được, chúng ta sẽ ở trong vòng luẩn quẩn của việc trả nghiệp không bao giờ hết.

Để vượt qua những khảo nghiệm này, chúng ta cần duy trì chính niệm và biết ơn Sư phụ vì đã an bài cơ hội để tiêu trừ nghiệp lực. Khi giữ thái độ tích cực đối với an bài của Sư phụ, chúng ta sẽ có thể vượt qua khảo nghiệm.

Sư phụ giảng: “Cật khổ đương thành lạc” (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm), nhưng vài người trong chúng ta cảm thấy khó có thể vui vẻ với việc chịu đựng những khổ nạn như vậy.

Theo thể ngộ của tôi, điều này không có nghĩa là “thích” khổ nạn, mà là cảm thấy vui vẻ với những gì đạt được sau khi chịu đựng khổ nạn và đề cao tâm tính trong quá trình này. Chịu đựng khổ nạn có thể tiêu trừ nghiệp lực và trả những món nợ từ tiền kiếp của chúng ta.

Vì vậy, bất cứ khi nào gặp khảo nghiệm, dù lớn hay nhỏ, chúng ta nên coi chúng là cơ hội để tu luyện tiến tới tầng thứ cao hơn. Chúng ta nên thực sự cảm thấy hạnh phúc và biết ơn Sư phụ.

Khi nhận biết và từ bỏ nhiều chấp trước trong quá trình vượt khảo nghiệm, chúng ta sẽ trở nên tự tin hơn. Lòng tín Sư tín Pháp cũng trở nên ngày càng lớn hơn. Khi nội tâm chúng ta mạnh mẽ hơn thì mỗi khổ nạn đến sau sẽ trở nên nhỏ hơn và chúng ta sẽ vượt qua khảo nghiệm dễ dàng hơn.

Tôi tin rằng thực sự tín Sư tín Pháp đòi hỏi việc học Pháp phải nghiêm túc. Niềm tin này cũng phản ánh trong mỗi bước đường tu luyện.

Tín Sư tín Pháp không phải chỉ là lời nói cửa miệng hoặc thề thốt suông. Chúng ta phải hướng tư tưởng và hành vi chiểu theo các Pháp lý mọi lúc, không kể đối mặt với loại khổ nạn nào.

Trên đây là thể ngộ cá nhân của tôi. Xin từ bi chỉ ra bất kỳ thiếu sót gì.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/4/25/307976.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/5/7/150039.html

Đăng ngày 30-05-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share