Theo phóng viên báo Minh Huệ ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-01-2013] Tờ Oregonian gần đây đã đăng một lá thư bí mật cầu xin sự hỗ trợ, do một tù nhân ở Trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia ở Trung Quốc viết. Lá thư được giấu trong một hộp đồ trang trí Halloween được ai đó ở Mỹ mua. Thông tin này đã làm khuấy động sự chú ý của dư luận về lao động cưỡng bức dưới chế độ độc tài. Ở Trung Quốc, lao động khổ sai có mặt ở khắp hệ thống hình phạt, gồm các trại tạm giam, trại lao động cưỡng bức, và nhà tù. Bài viết này sẽ khám phá tình trạng lao động cưỡng bức ở Thượng Hải, một phần của hệ thống ngược đãi nhân quyền ở Trung Quốc ngày nay.
1. Lao động cưỡng bức trong các trại tạm giam
Theo luật pháp Trung Quốc, những người bị giam tại các trại tạm giam đều là những nghi phạm, hoặc những người bị phạt những tội nhẹ. Vì họ chưa bị kết tội, nên theo luật họ không nên bị “cải tạo thông qua lao động cưỡng bức”. Tuy nhiên, những người bị giam ở các trại tạm giam lại bị cưỡng ép làm các việc nặng nhọc. Thậm chí còn có một câu nói là “Làm việc đến chết ở Hồng Khẩu”, ám chỉ đến lao động cưỡng bức với cường độ cao tại trại tạm giam Hồng Khẩu ở Thượng Hải.
Hộp đựng giầy hiệu “Chuồn chuồn đỏ”
trại tạm giam Bảo Sơn ở Thượng Hải, được biết đến là “trại tạm giam số 01 vùng Viễn đông”, là nơi áp dụng lao động cưỡng bức. Nơi này sản xuất các hộp đựng kính áp tròng, hộp đựng bánh trung thu, tài liệu hướng dẫn dùng ở một số công viên giải trí tại Nhật Bản, hộp đựng giầy hiệu Chuồn chuồn đỏ, và túi đựng đồ cho cửa hàng bách hóa Cửu Quang. Toàn bộ sản phẩm này được làm bởi các tù nhân bị giam cầm trong các phòng chật hẹp, khép kín. Họ buộc phải làm việc trong môi trường đầy hơi độc và bụi, và phải làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra họ còn phải ăn và đi vệ sinh ở trong cùng một phòng.
Tại sao những người không bị kết tội lại phải đi lao động cưỡng bức, trái với luật pháp Trung Quốc? Tại Trung Quốc, đồn công an là nơi điều hành các trại tạm giam, vì thế những gì liên quan đến tài lợi đều được đồn công an ở địa phương kiểm soát. Thông qua việc sử dụng lao động cưỡng bức trái phép, vốn không yêu cầu bất kỳ sự đầu tư nào, họ có thể thu được nhiều nguồn lợi rất lớn. Người bị tạm giam thì bị mất quyền tự do, kể cả quyền được trả lương theo công sức lao động. Thay vào đó là công an luôn sẵn sàng ngược đãi thân thể, thậm chí là giết họ.
2. Lao động cưỡng bức ở các trại lao động
Trại lao động cưỡng bức thường được dùng để “cải tạo” người ta thông qua “lao động”. Theo quy định thì lao động cưỡng bức là bất hợp pháp, vì thế hành vi sử dụng lao động cưỡng bức vì lợi nhuận là vô nhân đạo.
Bộ đồ cotton hiệu “Tam Thương” Ống nhị cực (Nhị cực quản)
Lấy ví dụ, Trại lao động cưỡng bức nữ Thượng Hải là nơi sản xuất bộ đồ cotton hiệu “Tam Thương” (xem hình trên), thú bông, đèn đi-ốt, dây hạt pha lê, các bóng đèn nhỏ, và nhiều thứ khác. Hàng chồng vật liệu và hộp sản phẩm có ở khắp nơi trong trại. Tù nhân làm việc trên máy may buộc phải làm việc trong nhiều ngày đêm liên tục để cố gắng hoàn thành khối lượng công việc nặng nề của họ. Họ thường bị các đầu kim đâm tổn thương các ngón tay vì làm việc quá tải và kiệt sức. Tuy nhiên, họ vẫn phải tiếp tục làm việc sau khi băng bó đơn giản vết thương. Một sản phẩm khác là ống nhị cực, đòi hỏi người lao động để dây tuyệt đối thẳng trên một miếng cao su cỡ bàn tay. Mỗi tù nhân phải hoàn thành bảy cân ống nhị cực mỗi ngày. Các học viên Pháp Luân Công bị giam tại Trại lao động cưỡng bức nữ Thượng Hải là những công nhân chính sản xuất ống nhị cực. Nhiều người trong số họ bị đau mỏi cổ tay do vận động nhiều, ngón tay sưng lên, và da bị nứt nẻ. Nếu họ không thể hoàn thành khối lượng công việc ở tại phòng đúng hạn, họ phải tiếp tục làm việc trong phòng tắm đến 02 hoặc 03 giờ sáng. Sau có vài tiếng ngủ, họ lại bị đánh thức để tiếp tục làm việc.
Lao động của tù nhân đã mang lại lợi nhuận to lớn cho những người trong hệ thống lao động cưỡng bức, công an và giám thị. Năm 2003, trại lao động cưỡng bức nữ Thượng Hải đã xây dựng tòa nhà thứ sáu, bên cạnh năm tòa nhà hiện có, làm nhà ở cho các tù nhân. Điều này giúp nó có thể bỏ tù thêm nhiều nô lệ lao động để gia tăng ngành công nghiệp “giáo dục thông qua lao động cưỡng bức”.
3. Lao động cưỡng bức trong các nhà tù
Ở Trung Quốc, nhiều nhà tù bao gồm các công xưởng còn lớn hơn [bên ngoài], và nhiều nơi trong số đó còn có các tên chính thức phản ánh chức năng của nó. Ví dụ, nhà tù Đức Dương ở Tứ Xuyên được gọi là Xưởng số 95 thành phố Đức Dương tỉnh Tứ Xuyên, nhà tù nữ Sơn Tây được gọi là Nhà máy Hóa chất tỉnh Sơn Tây, và nhà tù Bảo Định (nhà tù số 01 tỉnh Hà Bắc), được gọi là Nhà máy Tiện Hà Bắc.
Các tấm thẻ tên cho nhãn hiệu “Dầu cá vàng” Phiếu giảm giá KFC (để gấp lại) Ổ cắm điện hiệu “Chim ưng”
Nhà tù nữ Thượng Hải sản xuất hàng may mặc, áo len, hộp đựng Gillette, hộp đựng mỹ phẩm Gia Hóa Thượng Hải, các tấm thẻ tên cho Dầu cá vàng, gấp phiếu giảm giá KFC, và ổ cắm điện hiệu Chim ưng (xem ảnh trên). Hàng chục học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong Khu số 05 thuộc Nhà tù nữ Thượng Hải, và bị buộc thắt nút 5.400 thẻ tên Dầu cá vàng mỗi ngày. Thắt các nút này có thể khiến các ngón tay bị chảy máu, và các tù nhân phải làm việc dưới ánh đèn mờ vào ban đêm trong thời gian dài. Nhiều học viên Pháp Luân Công lớn tuổi đã bị cao huyết áp do làm việc nặng nhọc. Khu số 05 đã mở một xưởng mới để sản xuất ổ cắm điện hiệu Chim ưng trong năm 2011. Do công việc khó khăn lặp đi lặp lại, nhiều tù nhân đã bị giảm thị lực và sức khỏe suy nhược toàn diện.
Lao động cưỡng bức là xương sống kinh tế của hệ thống nhà tù Trung Quốc. Để hợp pháp hóa hình thức, các nhà tù và trại lao động cưỡng bức đã tạo ra khẩu hiệu “lao động tẩy sạch tội lỗi”. Để tối đa hóa sản xuất, tù nhân và người bị tạm giam buộc phải ăn, ngủ, làm việc, và sử dụng nhà vệ sinh trong cùng một phòng, và phòng này thường có đầy khói độc và bụi. Họ phải ăn nhanh để tránh bị gọi là “lười biếng” và bị phạt.
Tóm lại, lao động cưỡng bức đang tràn lan trong toàn hệ thống hình phạt ở Trung Quốc. Nhiều sản phẩm, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng, được xuất khẩu để bán trên toàn thế giới đều được làm bởi các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân khác. Ngoài ra, bên cạnh việc lao động khổ sai, các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn nhằm buộc họ từ bỏ niềm tin của mình. Lá thư kêu cứu từ Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia chỉ là sự khởi đầu trong việc phơi bày hình thức lao động cưỡng bức tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công – những tù nhân lương tâm, và những người khác trong hệ thống nhà tù của chính quyền Cộng sản Trung Quốc.
Chúng tôi thỉnh cầu những người có lương tâm hãy tẩy chay các sản phẩm được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/1/2/中共看守所、劳教所、监狱的奴工迫害-267322.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/1/23/137216.html
Đăng ngày 01-05-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.