Bài viết của Quách Cư Phong, một học viên Pháp Luân Công ở Đức

[MINH HUỆ 30-12-2012]

Từ Ban biên tập: Ông Quách Cư Phong đến Đức vào năm 2008. Ông từ là một kỹ sư ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ông đã bị bắt bốn lần ở Trung Quốc vì luyện Pháp Luân Công. Trong lần bị tạm giam gần đây nhất, ông bị đưa đến ba trại lao động, và đã trải qua hơn 30 loại hình tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Ông biết 12 học viên đã mất mạng trong cuộc bức hại. Trong đó có 07 người đến từ thành phố Đại Liên và 05 người dưới 18 tuổi. Bà Vương Thu Hà, anh Vương Triết Hạo, và ông Quách thường xuyên luyện Pháp Luân Công ở Quận Sa Hà Khẩu ở Thành phố Đại Liên. Trước khi cuộc bức hại xảy ra vào năm 1999, có hơn 300 học viên thường xuyên luyện ở nơi này. Bà Vương bị đánh đến chết ở Trại lao động Đại Liên vì bà cự tuyệt từ bỏ niềm tin vào Chân – Thiện – Nhẫn. Anh Vương bị đánh dã man ở Trại lao động Hồ Lô Đảo, đến mức mặt anh chảy đầy máu. Anh qua đời vì bị bức hại sau khi bị đưa vào hai trại lao động. Lúc đó anh Vương chỉ mới 27 tuổi.

Hai ông Tào Ngọc Cường và ông Quách đều bị tống vào ba trại lao động. Họ đã được trả tự do sau khi cùng nhau tuyệt thực. Ông Tào sau đó bị bắt lại và bị bức hại đến chết.

 


Sau khi tôi đọc bài “Đồ trang trí “Made in China” có thư cầu cứu, chính phủ Mỹ điều tra” (https://vn.minghui.org/news/30333-do-trang-tri-made-in-china-co-thu-cau-cuu-chinh-phu-my-dieu-tra.html) trên Minh Huệ, tôi đã bị sốc. Tôi rất xúc động trước lòng dũng cảm của tác giả và sự thật là bức thư này đã đi qua rất nhiều cánh cửa sắt và điểm kiểm tra trước khi nó đến được tay một người tốt. Sẽ ra sao nếu lá thư bị thất lạc trong lúc vận chuyển? Sẽ ra sao nếu lá thư không được người mua hàng tìm thấy? Sẽ ra sao nếu lá thư được tìm thấy bởi một người không thờ ơ. Tuy nhiên, những điều trên đã không xảy ra. Lá thư này đã được Trời Phật phù hộ!

Hiện tại, ngoài thông tin trong lá thư, chúng ta không thể hình dung bằng cách nào tác giả  có thể viết thư và môi trường xung quanh anh ấy/cô ấy như thế nào. Chúng ta có thể làm gì đối với lá thư nói lên sự thật

Khó trao đổi và sắp xếp thông tin

Tôi sống ở cùng tỉnh với tác giả: Liêu Ninh. Mười hai năm trước, tôi đã bị kết án hai năm rưỡi lao động cưỡng bức mà không qua thủ tục xét xử hay có đại diện pháp lý nào. Tôi bị giam cầm phi pháp ở Trại lao động Thành phố Hồ Lô Đảo, Tỉnh Liêu Ninh. Đây là lần thứ ba tôi bị giam cầm ở trại lao động. Bạn cùng phòng của tôi là ông Tào Ngọc Cường, người sau đó bị bức hại đến chết.

Hàng ngày chúng tôi đều bị nhốt ở trong phòng. Nhiều học viên Pháp Luân Công khác ở địa phương cũng bị giam ở cùng tầng, nhưng chúng tôi bị cách ly với họ. Tôi ở phòng đầu tiên ở phía bên phải tòa nhà. Tôi phải đi bộ qua cả hành lang để đến nhà vệ sinh. Có nhiều camera giám sát ở trên trần hành lang. Chúng tôi bị giám sát ngay cả lúc đánh răng, rửa mặt, hay dùng nhà vệ sinh. Nhiều tù nhân giám sát chúng tôi chặt chẽ. Chúng tôi không được giao tiếp với các học viên Pháp Luân Công khác, kể cả nói chuyện hay đi đến các phòng khác. Chúng tôi phải ăn ở trong phòng của mình.

Khi tôi đến, tôi đã trao đổi thông tin với ông Tào. Dưới sự giám sát chặt chẽ, chúng tôi không được thoải mái nói chuyện, ngay cả khi ở chung phòng. Những cuộc nói chuyện liên quan đến Pháp Luân Công hoàn toàn bị cấm. Việc trao đổi thông tin diễn ra trong thời gian dài và chúng tôi tiến hành từng chút một.

Một số thông tin chúng tôi chia sẻ là cuộc bức hại mà chúng tôi đã trải qua khi bị giam cầm ở một trại lao động trước đó: Trại lao động Quan Sơn Tử ở Tỉnh Liêu Ninh. Có hai trại lao động cấp tỉnh ở Tỉnh Liêu Ninh. Một là Trại lao động Mã Tam Gia, được đề cập đến trong thư giảng chân tướng. Đó là nơi tập trung giam cầm các nữ học viên Pháp Luân Công. Trại kia là Trại lao động Quan Sơn Tử, là nơi tập trung giam giữ các nam học viên Pháp Luân Công. Điểm chung của hai trại lao động này là lính canh tra tấn các học viên Pháp Luân Công và buộc họ lao động khổ sai.

Đầu tháng 08 năm 2001, họ đã bí mật chuyển 20 học viên Pháp Luân Công, gồm có tôi và ông Tào, từ Trại lao động Thành phố Đại Liên đến Trại lao động Quan Sơn Tử. Từ ngày thứ tư trở đi, chúng tôi liên tục bị tra tấn. Họ nhốt chúng tôi trong các phòng nhỏ và cưỡng ép chúng tôi lao động khổ sai tại bãi đá hay khu gạch.

Chỉ có ông Tào và tôi là hai người bị chuyển ra khỏi Trại lao động Quan Sơn Tử. Chúng tôi sau đó bị giam cùng phòng tại Trại lao động Hồ Lô Đảo, và ông ấy đã nói cho tôi những gì ông biết. Khi chúng tôi nói chuyện nhiều hơn, ông ấy nói cho tôi về trải nghiệm bị bức hại của những học viên khác. Chúng tôi đã có một ý nghĩ táo bạo: Chúng tôi sẽ tìm cơ hội để phơi bày sự thật cuộc bức hại. Điều đó giống như câu chuyện thần thoại đối với chúng tôi tại thời điểm đó.

Khó khăn đầu tiên là chúng tôi không có giấy hay bút. Thông tin mà ông Tào nói với tôi là rất quan trọng. Tôi không thể thoải mái nói chuyện với ông do có các tù nhân giám sát, vì thế tôi cố  nhớ thông tin mà ông Tào chia sẻ ngay trong một lần bởi khả năng thảo luận lại vấn đề này là rất ít. Khi  ông ấy chia sẻ với tôi thông tin về việc bị bức hại của nhiều hơn 05 học viên, tôi cảm thấy như não bộ đã làm việc quá sức. Tôi cần phải chắc là tôi không lẫn lộn thông tin của các nạn nhân: Khi nào người đó bị nhốt ở trong phòng nhỏ? Bao nhiêu lần? Và trong bao lâu? Tôi nhắc lại thông tin đó hàng ngày để ghi nhớ trong bộ nhớ. Tôi không nghĩ về việc liệu ý tưởng của chúng tôi có thành công không, tôi chỉ tập trung vào những gì tôi nên làm và chờ đợi cơ hội. Tôi tin tưởng vào một câu ngạn ngữ cổ Trung Hoa: “Lòng tin sẽ di chuyển được cả núi”.

Một cây bút đột nhiên xuất hiện 

Đột nhiên ông Tào nói với tôi rằng ông đã tìm thấy một cây bút. Lúc đó tôi rất vui mừng, và gần như muốn hét lên. Tuy nhiên, tôi không thể biểu lộ cảm xúc của mình, dù chỉ là một nụ cười. Chúng tôi gọi nó là một cái bút, nhưng thực sự nó chỉ là một ruột bút. Tôi khâm phục sự kiên định của ông ấy. Tôi không có cơ hội để tìm hiểu bằng cách nào ông Tào có thể kiếm được bút. Có thể ông ấy đã tìm được cây bút nhưng phải bỏ đi những phần còn lại.

Với cây bút này, chúng tôi đã bước sang giai đoạn kế tiếp. Dù cái ruột bút này không được tiện lợi lắm, nhưng thế là đủ. Tôi thực sự cảm tạ chư thần về ân huệ này. Nếu mực trong ruột bút không đủ để ghi lại toàn bộ, thì thật đáng tiếc. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tôi phân bổ lại thông tin và sắp xếp lại trong tâm. Chúng tôi đã có một cây bút, nhưng còn giấy? Tôi đột nhiên nghĩ đến giấy vệ sinh. Ngay cả khi nó rất mềm, nhưng vẫn dùng được. Khi nào tôi nên viết? Tất nhiên, ban ngày thì không thể. Vẫn luôn có ánh sáng vào ban đêm. Những tù nhân trực ban thì đi đi lại lại suốt cả đêm. Thời gian tốt nhất để làm là từ nửa đêm đến sáng sớm. Dù tôi không thể ngủ, nhưng hy sinh này không đáng kể so với việc phơi bày được sự thật.

Tôi động viên bản thân và loại bỏ tâm sợ hãi và lo lắng. Tất cả những suy nghĩ tiêu cực có thể khiến tôi bỏ cuộc: “Việc này sẽ thực hiện được không? Có thể nó còn không ra được thế giới bên ngoài sau khi tôi viết nó. Tôi có bị tra tấn khi tôi bị phát hiện không? Có tù nhân nào biết kế hoạch của tôi không? Họ đang đợi bắt tôi vào lúc tôi thực hiện kế hoạch?”

Tôi không cấp chút năng lượng nào cho những suy nghĩ tiêu cực này. Khi chúng xuất hiện trong đầu tôi, tôi đều không chấp nhận và loại bỏ chúng ngay.

Không ngủ vào đêm đó

Khung cảnh lúc đó có vẻ kịch tính và đầy căng thẳng như chỉ có thể hình dung được trên phim ảnh. Tuy nhiên, tôi không có cảm giác thanh thản bởi đây không phải một bộ phim. Nếu kế hoạch của tôi bị phát hiện, họ sẽ dùng dùi cui điện và nhiều hình thức khác để tra tấn tôi.

Đêm đó, dù tôi nhắm mắt, tôi đang chốt lại bài viết trong tâm trí tôi. Tôi không thể có bất cứ thái độ khác thường nào trong cử chỉ hàng ngày của tôi. Tôi không thể nằm trở mình trên giường. Tôi cũng phải biết về thói quen của những tù nhân trực, như khi nào thì họ ở xa hay gần, hay mất bao lâu thì họ đến gần được chỗ tôi.

Sau nửa đêm thì thường tĩnh lặng. Tôi rất cẩn thận lấy ra giấy bút. Đầu tiên tôi cầu xin thần Phật phù hộ, và sau đó tôi bắt đầu viết. Tôi chùm chăn kín miệng. Tôi không chùm kín hai bên mắt bởi tôi cần nghe và quan sát những tù nhân trực. Nếu tôi chùm chăn kín mặt, các tù nhân sẽ hoài nghi. Thêm nữa, tôi cũng cần ánh sáng trong phòng để tôi có thể viết trong chăn.

Khi những tù nhân trực quay đầu bước đi khỏi chỗ tôi, tôi có thể cử động một chút và tạo một không gian nhỏ ở dưới chăn. Tôi thậm chí còn không thể mở mắt khi viết. Ngoài ra, kích cỡ chữ cũng không được quá to. Khi người tù nhân trực quay đầu và tiến đến chỗ tôi, tôi phải ngừng viết để có thời gian phản ứng nếu có ai đó đến chỗ tôi. Ví dụ, tôi có thể nuốt giấy và đẩy ruột bút đi. Đầu óc tôi tập trung cao độ và tỉnh táo trong mọi thời điểm.

Cuối cùng, tôi đã hoàn thành lá thư với 2.800 Hán tự.

Thời khắc là quan trọng

Bài viết đã xong. Tuy nhiên, tôi không thể cất nó vào trong túi. Phòng giam có thể bị khám xét ngẫu nhiên. Do đó, tôi phải giấu bài viết đi.

Một ngày nọ, có người nhà của một tù nhân đến thăm. Người tù này bị giam cầm vì trộm cắp, đã hỏi tôi một câu. Lúc đó tôi rất bối rối và phải ra một quyết định khó khăn trong thời gian rất ngắn.

Anh ta hỏi nhỏ tôi: “Anh có cần tôi giúp gì không?” Tôi băn khoăn: ”Có phải anh ta đang muốn giúp tôi hay muốn lấy lá thư và tố giác tôi với công an? Làm sao tôi có thể tin một kẻ trộm? Nếu anh ta muốn giúp tôi, liệu anh ta có khả năng giúp tôi không?” Người nhà đang đợi anh ta trong phòng thăm. Tôi phải đưa anh ta bài viết trước khi anh ta gặp gia đình. Tôi nghĩ một lúc rồi nói với anh ta đề nghị của tôi: “Tôi phải đi nhà vệ sinh”

Trong lúc đi đến nhà vệ sinh, tôi tiếp tục nghĩ có nên đưa lá thư cho anh ta? Tôi nghĩ: ”Bây giờ lá thư đã viết xong, nó cần được đưa ra ngoài theo cách này hay cách khác. Mình phải nắm lấy cơ hội khi nó xuất hiện.”

Khi chúng tôi đến nhà vệ sinh, tôi đã hỏi anh ta ”Anh có thể đưa cho tôi bao thuốc lá được không?” Anh ta đưa nó cho tôi. Tôi bỏ lá thư ra và cất nó vào trong bao. Tôi nói với anh ta “Xin hãy gửi nó đến địa chỉ được viết trên thư. Cám ơn anh.” Sau đó, người tù này đưa tôi về phòng và đi gặp gia đình.

Trong khoảng hai ngày tiếp theo, tôi rất lo lắng. Tôi không biết lá thư giờ đã đến đâu. Tôi nghĩ “Nếu một nhóm lính canh chạy đến phòng tôi, tôi nên làm gì?” Suy nghĩ này đã làm mòn mỏi tâm trí tôi và đẩy tôi vào bóng đêm sâu thẳm ngột ngạt. Tôi nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của lá thư và lý do tôi đã viết nó.

Cuối cùng lá thư đã đến chỗ người bạn tôi. Anh ấy đã bị sốc và đã gửi thông tin lên website Minh Huệ. Bài viết có tựa đề “Quá trình Chứng thực Pháp của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trại lao động cưỡng bức Quan Sơn Tử, Tỉnh Liêu Ninh” (https://en.minghui.org/emh/articles/2002/5/28/22527.html) được đăng ngày 18 tháng 05 năm 2002. Thời điểm đó tôi đã tuyệt thực được 15 ngày. Sau 24 ngày, tôi được trả tự do vô điều kiện.

Không phải lúc nào cũng thành công

Nỗ lực chuyển thông tin từ nhà tù hay trại lao động ra thế giới bên ngoài không phải lúc nào cũng thành công. Một học viên Pháp Luân Công bị giam trong 05 năm tại Nhà tù Hoa Tử ở Thành phố Liêu Dương, Tỉnh Liêu Ninh, đã nói với tôi, “Có một tù nhân sắp được thả, và có mang theo thư của một học viên Pháp Luân Công, anh ấy đã giấu thư trong người để mang ra khỏi nhà tù. Trước khi anh ấy bước ra khỏi nhà tù, lá thư đã bị phát hiện trong lần khám xét cuối cùng. Người tù này đã bị đưa trở lại nhà tù và bị giam thêm một năm nữa.”

Rất nhiều sản phẩm được làm từ lao động khổ sai đã được thế giới bên ngoài biết đến. Một tù nhân đã từng bị giam tại Nhà tù nữ Thượng Hải nói với tôi rằng cô ấy phải làm hàng chục nghìn lá cờ Anh. Chúng được chuẩn bị cho sinh nhật Nữ hoàng.

Mẹ của một người bạn tôi hiện đang bị giam tại Khu số 02 thuộc Trại lao động nữ số 01 ở Tỉnh Sơn Đông. Có hơn 50 lao động khổ sai và được chia thành hai đội. Họ phải làm việc giữa 5.000 đến 6.000 thùng cá, và từ 15 đến 16 tiếng mỗi ngày. Những thùng cá này thuộc về Công ty nuôi cá Uy Hải Quang Uy thuộc Tỉnh Sơn Đông. Nó là chi nhánh của Tập đoàn nuôi cá Uy Hải Quang Uy thuộc tỉnh Sơn Đông. Sản phẩm này được xuất khẩu đến hơn 70 nước trên thế giới.

Trại lao động không trả tiền cho lao động. Như thế, công việc cường độ cao này có thể kiếm được 300.000nhân dân tệ (~48,142 USD) mỗi tháng, nếu chúng tôi ước lượng mỗi người nhận được 200 nhân dân tệ (~32 USD) mỗi ngày cho 50 người làm việc ở hai đội. Nhiều trại lao động không hề có chi phí lương. Những trại kiểu này đang kiếm lợi bất chính.

Ban đầu khi mọi người biết được sự thật về các trại tập trung Phát xít  ở Đức, họ khó có thể tin đó là sự thật. Tuy nhiên, sự thật này đã khiến tất cả mọi người đều bàng hoàng. Cuốn “Nhật ký của Anne Frank” được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất của thế kỷ 20 vì nó đã ghi lại cuộc sống hàng ngày của gia đình Anne trong hơn hai năm ở một phòng bí mật tại một văn phòng thuộc Amsterdam để tránh bị bắt giữ.

Ngày nay, những cảnh tượng kinh hoàng như vậy lại diễn ra hàng ngày ở Trung Quốc. Hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công buộc phải lao động hổ sai và thậm chí còn bị mổ cướp nội tạng. Điều này đã thách thức giới hạn đạo đức con người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều người tốt trên thế giới, và chúng ta hãy cùng đoàn kết để chống lại và loại bỏ những việc làm xói mòn giá trị nhân văn nền tảng của chúng ta.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2012/12/30/对《“中国造”饰品藏求救信-美政府调查》补充-267155.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/1/1/136881.html

Đăng ngày 15-03-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share