Bài viết của Thiên Bách Độ
[MINH HUỆ 20-01-2013] Trong năm 2012, một vài ngày trước ngày lễ Halloween, cô Julie Keith tại tiểu bang Oregon lấy một cái hộp đựng đồ trang trí lễ Halloween sản xuất tại Trung Quốc từ kho chứa đồ nhà mình, định trang trí [cho ngày lễ Halloween]. Kinh ngạc thay, khi mở cái hộp cô đã thấy một lá thư cầu cứu từ Đại đội 8, Khu 2 của Trại Lao động cưỡng bức Mã Tam Gia thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Lá thư viết: “Thưa ngài: Nếu quý ngài tình cờ mua sản phẩm này, làm ơn hãy chuyển bức thư này tới Tổ chức Nhân quyền Thế giới. Hàng nghìn người ở đây đang chịu sự đàn áp của nhà cầm quyền ĐCSTQ sẽ vĩnh viễn nhớ ơn quý ngài. Sản phẩm này được sản xuất tại Khu 2, Đại đội 8 Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, thuộc Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Người làm ở đây phải lao động 15 giờ mỗi ngày, không được nghỉ cuối tuần, nếu không sẽ bị đánh và chửi, hầu như không có tiền công (chỉ nhận 10 nhân dân tệ/tháng). Người làm ở đây trung bình bị phạt 1-3 năm, nhưng không có phán quyết của tòa án, bị bắt giam và cưỡng bức lao động một cách phi pháp. Rất nhiều người trong số họ là học viên Pháp Luân Công, những người hoàn toàn vô tội, nhưng chỉ vì có tín ngưỡng khác với quan điểm của ĐCSTQ mà họ thường phải chịu nhiều cực hình hơn những người khác.” [Chú thích của Ban biên tập: Đây là nguyên văn của lá thư.]
Lá thư không chỉ khiến cô Julie, mà cả cộng đồng thế giới chấn động. Đột nhiên, những tội ác trong một trại lao động cưỡng bức Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý và phẫn nộ của giới truyền thông phương Tây cũng như trong cộng đồng dân chúng.
Kể từ khi nắm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã luôn luôn tuyên bố rằng họ thực thi theo pháp luật, “y pháp trị quốc”, đặc biệt là sau những ngày “cải cách và mở cửa.” Tuy nhiên, trên thực tế, ĐCSTQ đã luôn thực thi “vô pháp vô thiên”, ngoài vòng pháp luật, chà đạp nhân quyền, và bức hại những nhân sĩ chính nghĩa. Họ biến một quốc gia tươi đẹp trở thành một nhà tù vĩ đại, và những trại lao động cưỡng bức trên toàn đất nước là những điều vi phạm tồi tệ nhất. Hàng nghìn người dân Trung Quốc đã bị giam cầm trái phép trong những trại lao động như thế và bị tước đoạt tất cả các quyền con người cơ bản. Những trại lao động cưỡng bức Trung Quốc là những địa ngục trần gian. Chúng còn tệ hơn nhà tù, vì không tuân thủ theo luật lệ nào và không ai giám sát những hành động đê tiện của chúng. Vô số, những sự giết hại không tưởng tượng nổi, những hành động tra tấn, và những tội ác chống lại nhân loại đã xảy ra thường xuyên trong các trại này.
Những trại này bức hại những tù nhân chính trị và các tù nhân lương tâm bằng tất cả mọi phương cách, bao gồm cấm ngủ, tiêm thuốc [không rõ nguồn gốc], xâm hại tình dục không thể mô tả được (bao gồm đối với cả nam giới), cái gọi là chữa trị tâm thần, và tàn độc nhất, mổ cướp nội tạng từ những tù nhân còn sống. Các nạn nhân bị hành hạ về thể xác và tinh thần và kết cục thường là bị tâm thần hay tử vong.
Những người chịu hành hạ nặng nề nhất trong các trại cưỡng bức là những người với tín ngưỡng vào tâm linh, và các học viên Pháp Luân Công là đại đa số trong số người đó. Theo tài liệu thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 100.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giam cầm trong các trại lao động cưỡng bức kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 07 năm 1999.
Trại Lao động cưỡng bức Mã Tam Gia thuộc thành phố Thẩm Dương, nơi mà lá thư cầu cứu được gửi ra, là nơi nổi tiếng về bức hại các học viên Pháp Luân Công. Theo mạng Minh Huệ Net, các tù nhân tại đó thường nghe những tiếng thét của các học viên [Pháp Luân Công] bị tra tấn. Khi họ không chịu từ bỏ tín ngưỡng của họ, họ bị cưỡng bức tiêm những loại thuốc gây hại cho hệ thần kinh. Họ bị ép buộc phải xem những phim tẩy não, bị đánh đập, sốc điện bằng ba-tông điện. Những học viên nữ thì bị lột hết áo quần và ném vào các xà lim nam. Sự tra tấn dã man tại đó đã khiến năm người tử vong, bảy người bị điên loạn, và không biết bao nhiêu người đã bị tàn tật.
Học viên Tằng Tranh, người đã từng bị giam tại trại lao động này, nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn: “Điều đầu tiên một người nghe khi mới đến Đơn vị Thuyên chuyển của trại lao động cưỡng bức là ‘Cúi đầu xuống’. Sau đó là những tiếng nổ lốp bốp của điện phát ra từ những cây ba-tông điện. Bị sốc điện bằng ba-tông điện là thông thường. Có lần tôi chứng kiến một nữ học viên chưa có chồng bị trói vào một cái ghế trong khi đó ba hay bốn người đàn ông to lớn sốc điện vào âm hộ và đầu của cô cho đến khi cô ấy bị mất kiểm soát việc đại tiểu tiện; sau đó cô ấy bị bất tỉnh trong một thời gian dài.
“Có một phụ nữ khác chừng 50 tuổi. Sau khi những lính canh không thành công ép bà viết thư từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, họ lột trần bà và dùng chân đè bà xuống đất. Sau đó họ dùng bốn hay năm cây ba-tông điện để sốc bà ấy; dòng điện mạnh đến nỗi thân thể của bà bị giật nẩy lên rồi rơi xuống không điều khiển được, mặc dù khi đó họ đã đạp chân lên người bà. Sau khi họ sốc phía trước người bà, họ lại sốc phía sau lưng bà, giống như đang làm bánh nướng. Toàn thân bà bị cháy đen khắp người, và cục u nổi khắp nơi. Trẻ hay già, không ai thoát khỏi cả.”
Không những chỉ có các học viên Pháp Luân Công và những người có tín ngưỡng bị giam trong các trại lao động cưỡng bức và bị bức hại, mà còn có rất nhiều nhà đấu tranh chính trị vô danh khác và những người đấu tranh cho nhân quyền cũng bị giam giữ. Còn có nhiều sinh viên, người lao công, những người dân thường đã tham gia vào cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 04 tháng 06 năm 1989; những nông dân phản đối việc ruộng đất của họ bị chế độ tịch thu một cách bất hợp pháp; và những người dân thường tranh đấu khi nhà cửa của họ bị tịch thu và dỡ bỏ. Những tù nhân cũng bao gồm đủ mọi tầng lớp, những người than phiền chế độ cũng như những ai dám phê bình ĐCSTQ trên mạng internet.
Nhậm Kiến Vũ, một công chức dân sự 25 tuổi, cũng một người như thế. Anh bị giam trong một trại lao động cưỡng bức gần Trùng Khánh hồi tháng 08 năm 2011 vì anh đã viết và gửi những thư điện tử kêu gọi dân chủ và chỉ trích Bạc Hy Lai. Nhậm được trả tự do sớm khi Bạc bị hạ bệ và mất quyền lực chính trị. Trong cuộc phỏng vấn của anh với tờ British Daily Telegraph, Nhậm đã mô tả trải nghiệm 15 tháng tại trại lao động cưỡng bức và kể lại “sự tức giận, đau đớn và trầm cảm” của anh trong khi anh bị giam cầm. Mười hai người bị nhét vào một chỗ nhỏ xíu với những cái giường hai tầng. Một hoàn cảnh hết sức khó chịu và đau buồn”, anh nói. “Mùa đông thì không có sưởi, mùa hè thì chỉ có hai cái quạt máy nhỏ. Chăn và quần áo mà chúng tôi dùng đều là những đồ cũ từ những tù nhân trước. Tất cả các tù nhân đều bị bắt phải làm việc nhiều giờ sản xuất những cái thùng đựng đồ và cuốn dây điện. Số lượng công việc rất nhiều, và chưa bao giờ tôi làm xong công việc mà họ giao cho tôi. Tôi luôn luôn bị lo lắng quá mức, rất cô đơn, và áp lực nặng nề. Tôi đã sụt 15 kg trong suốt thời gian đó.”
Những trại lao động cưỡng bức nằm rải rác khắp nơi trong nước giống như những trại tập trung kiểu Trung Quốc. Do sự kiểm soát dư luận, truyền thông gắt gao của ĐCSTQ, không ai biết đến tình trạng này cho đến thời gian gần đây. Trừ phi chính bạn là người bị giam giữ hay biết người nào đó bị giam giữ, bạn sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được những tội ác khó tin đang xảy ra trong những trại đó.
Năm thập niên trước đây, với sự sụp đổ của Đức Quốc xã, các trại tập trung được xem là một sỉ nhục của lịch sử nhân loại. Chúng tôi chắc chắn rằng những trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với số phận tương tự, và những tội ác đang xảy ra tại các trại lao động cưỡng bức Trung Quốc cũng sẽ bị phán xét.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/1/20/劳教所里藏着多少中共的罪恶-267990.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/2/4/137348.html
Đăng ngày 08-04-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.