Bài viết của phóng viên Minh Huệ Chân Ny, Vương Ông biên dịch

[MINH HUỆ 20-07-2023] “Cho đến hôm nay, các học viên Pháp Luân Công vẫn là mục tiêu của các thể chế này, kể cả ở bên ngoài Trung Quốc. Các học viên có thể cảm thấy an toàn ở Mỹ, nhưng còn tín hiệu từ các thiết bị điện tử của họ thì sao? Bất kỳ ai muốn xem đều xem được, trừ khi chúng được bảo vệ“, ông Ethan Gutmann cho biết.

Ông Ethan Gutmann là một chuyên gia phân tích Trung Quốc và điều tra nhân quyền từng đoạt giải thưởng, tác giả của cuốn “Mất Trung Quốc Mới: Câu chuyện về Thương mại Mỹ, Khát vọng và Phản bội” (Losing the New China: A Story of American Commerce, Desire and Betrayal)và cuốn “Thảm sát: Giết người hàng loạt, Thu hoạch Nội tạng và Giải pháp Bí mật của Trung Quốc đối với vấn đề bất đồng chính kiến” (The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem). Ông đã viết cho những tờ báo lớn như The Wall Street Journal AsiaThe Weekly StandardNational Review, và Investor’s Business Daily, cũng từng cung cấp lời chứng và báo cáo tóm lược trước Quốc hội Hoa Kỳ, CIA, Nghị viện Châu Âu, và Liên Hợp Quốc.

Vào những năm 1990, ông Gutmann làm cố vấn kinh doanh ở Trung Quốc. Tháng 7 năm 2001, ông có cuộc trò chuyện với hai kỹ sư của Cisco ở Trung Quốc, họ nói với ông rằng Cisco đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh bằng cách chế tạo một “chiếc hộp đặc biệt” theo đặt hàng. Chiếc hộp này có thể được sử dụng để xem các gói thông tin truyền qua Internet.

Năm 2002, ông Gutmann tham dự một hội nghị giám sát ở Thượng Hải và nói chuyện với nhân viên bán hàng của Cisco. Một nhân viên bán hàng của Cisco giải thích với ông rằng với một số thiết bị di động, cảnh sát thực sự có thể chặn các học viên Pháp Luân Công trên đường phố. Chỉ bằng cách nhập tên của một học viên và một số đặc điểm nhận dạng trên thiết bị di động, là họ có thể đọc thông tin nhạy cảm của học viên, chẳng hạn như email, từ ba tháng trước.

Những từ khóa mà Văn phòng Công an Trung Quốc tìm kiếm là “nổi loạn”, “Tân Cương”, “Pháp Luân Công”, “Công giáo” và “Chúa Cứu thế”.

Ông Gutmann có được thông tin từ người trong cuộc về năng lực của Cisco qua các đại diện bán hàng tại gian hàng của Cisco và từ các tài liệu quảng cáo bằng tiếng Trung của Cisco. Khi trò chuyện với một nhân viên bán hàng của Cisco, ông hỏi anh ta: “Công cụ này có nhắm vào Pháp Luân Công được không?” Người bán hàng nói, “Được chứ, nó được tạo ra cho mục đích đó mà. Nó có thể nhắm vào Pháp Luân Công qua email của họ.”

Ông Gutmann cho rằng Trung Quốc cần sự trợ giúp của phương Tây mới có thể tiến hành theo dõi ở cấp độ này. Nhờ cung cấp được chức năng này, Cisco đã thâm nhập được vào thị trường bộ định tuyến (router) của Trung Quốc.

Ông Gutmann cho biết: “Có rất nhiều người tị nạn Pháp Luân Công trong trại giam đó và bị bức hại thảm khốc vì những gì Cisco đã làm. Cisco đã cung cấp cái lưới cho Cục Công an Trung Quốc bắt những học viên này.”

Ngày 7 tháng 7 năm 2023, Tòa Phúc thẩm Lưu động Số 9 của Hoa Kỳ đã phán quyết rằng một tòa án quận thấp hơn có thể tiến hành xét xử vụ kiện của các học viên Pháp Luân Công, trong đó cáo buộc Cisco và hai cựu giám đốc điều hành của công ty này vì đã hỗ trợ chính quyền ĐCSTQ trong việc theo dõi và bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Nghe phán quyết của Tòa Phúc thẩm Số 9, ông Gutmann cho hay, “Tôi há hốc miệng. Tôi quá đỗi ngạc nhiên và hài lòng với quyết định của Tòa Phúc thẩm Số 9.”

Ông Gutmann nói, vụ kiện này là một lời nhắc nhở cho thấy các công ty ở Trung Quốc đã trở nên hủ bại đến thế nào khi chỉ nghĩ đến những lợi ích ngắn hạn; họ bị hấp dẫn trước sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và đã mắc những sai lầm cực kỳ ngu xuẩn.

Luật sư Kathy Roberts: Chút ánh sáng cuối đường hầm

“Tôi rất phấn khích khi nghe phán quyết này. Các nguyên đơn đã phải chờ đợi công lý quá lâu, và quyết định này báo hiệu rằng vụ kiện của họ cuối cùng sẽ được tiến hành”, Luật sư Kathy Roberts cho hay.

Luật sư Roberts là đồng giám đốc sáng lập của Partners in Justice International (Tổ chức Đối tác Tư pháp Quốc tế). Gần hai thập kỷ qua, luật sư Roberts đã đại diện trước tòa cho các nạn nhân và những người sống sót sau các vụ vi phạm nhân quyền và hành động tàn bạo quốc tế. Công việc của bà cho các nạn nhân ở Somalia đã được báo cáo rộng rãi ở Hoa Kỳ và Châu Phi, bao gồm cả chương trình ABC’s 20/20 và CNN Investigates (Điều tra của CNN).

Bà Roberts cho hay: “Tôi nghĩ, đối với những học viên Pháp Luân Công còn sống sót, cũng như đối với những người sống sót khác ở Trung Quốc, đây là chút ánh sáng cuối đường hầm. Thông điệp này là không có nơi nào để trốn, cho dù chỉ là đứng ngoài và trợ giúp cho những loại tội phạm này, bạn cũng phải chịu trách nhiệm và sẽ bị bắt. Nếu bạn biết những gì bạn đang làm sẽ góp phần vào những vi phạm tàn bạo, thì việc làm đó là một tội ác. Bởi vậy, đừng làm việc đó.“

“Tôi thực sự hy vọng các nhà đầu tư và các bên liên quan đến các công ty khác, khi nghe phán quyết này, sẽ nói, ‘Hãy xem xem chúng ta đang tham gia vào ngành nào, nó có vượt qua ranh giới nào trong số này không?’ Lý tưởng nhất là nó có thể thúc đẩy những người chưa sẵn sàng nhìn xa hơn lợi ích cho doanh nghiệp của mình để thấy những hậu quả tàn khốc tiềm ẩn cho người khác khi tham gia vào thương vụ nào đó.

“Những trường hợp như thế này có thể có ý nghĩa to lớn đối với những người không kỳ vọng gì ở công lý. Nó có thể cho họ hy vọng rằng thủ phạm sẽ không hoàn toàn thoát tội”, Roberts nói.

“Ở chừng mực nào đó, những trường hợp như thế này không bao giờ có thể tương xứng với công lý mà các nạn nhân thực sự đáng được hưởng. Ngay cả khi Cisco phải chịu trách nhiệm và tất cả các nguyên đơn đều nhận được khoản tiền bồi thường khổng lồ, thì cũng không có số tiền nào có thể thực sự bù đắp được loại tội phạm này. Nhưng tiền bồi thường thiệt hại là ngôn ngữ tư pháp tại tòa án dân sự, và khoản tiền phạt có thể có giá trị tượng trưng lớn.”

Luật sư Sophia Cope: Đây là một chiến thắng lớn

Luật sư Sophia Cope cho biết: “Phán quyết của Tòa Lưu động Số 9 là một tin tuyệt vời, không chỉ đối với các nguyên đơn mà cả đối với tất cả các nạn nhân bị lạm dụng phạm nhân quyền do các tập đoàn Hoa Kỳ tiếp tay.

Bà Cope, một luật sư kỳ cựu trong nhóm tự do dân sự của Tổ chức Mặt trận Điện tử (Electronic Frontier Foundation, EFF), đã viết một Bản tóm tắt giải trình về trường hợp của Cisco. Bà có kinh nghiệm trong nhiều vấn đề về tự do ngôn luận và quyền riêng tư. Bà từng là luật sư về quyền tự do dân sự gần hai thập kỷ qua và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh tụng và vận động chính sách. Bà đã có nhiều bài báo trên The New York Times, The Guardian of the UK, Slate, The Huffington Post.

“Trong một chiến thắng lớn cho các nạn nhân của những công cụ đàn áp đó, Tòa Lưu động Số 9 đã dọn đường để truy cứu trách nhiệm pháp lý cho các công ty công nghệ Mỹ từng xây dựng các công cụ tiếp tay cho các chính phủ nước ngoài vi phạm nhân quyền”, bà Cope nói. “EFF đã nộp nhiều bản tóm tắt giải trình trong vụ án này, bao gồm cả vụ của Tòa Lưu động Số 9.”

Theo Cope, 13 nguyên đơn cáo buộc rằng bản thân họ và người thân của họ đã bị bắt giữ, giam giữ và tra tấn, trong đó ít nhất một người đã bị đánh đập đến chết trong thời gian bị giam giữ. Các cáo buộc này là những báo cáo khủng khiếp, đã nhận được sự hưởng ứng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và nhiều tổ chức phi chính phủ nhân quyền. Đó là những cáo buộc như: các nguyên đơn đã bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức, bị đánh đập bằng gậy sắt, bị sốc điện bằng dùi cui điện, bị cấm ngủ kéo dài, cũng như bị bức thực bằng bạo lực. Các nguyên đơn cũng cáo buộc rằng các email, tin nhắn văn bản và thông tin riêng tư của họ — do Golden Shield chặn lại — đã được giơ ra cho họ xem, và được dùng làm bằng chứng để tra tấn và cưỡng chế chuyển hóa họ, kể cả đe dọa người nhà và những người khác từng liên lạc với họ.

Bà Cope cho biết: “Còn có nhiều ý kiến khác nữa, kể cả việc cho phép kiện các giám đốc điều hành hàng đầu của Cisco theo một luật khác, Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Tra tấn (Torture Victim Protection Act, TVPA). Nhìn chung, ý kiến của Tòa Lưu động Số 9 là một chiến thắng to lớn cho nhân quyền và cho những người muốn đảm bảo rằng các công ty Hoa Kỳ không trợ giúp các chính phủ áp bức nữa.”

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/20/463207.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/24/210459.html

Đăng ngày 27-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share