[MINH HUỆ 11-06-2020] Ngày 6 tháng 6 vừa qua, các học viên Pháp Luân Đại Pháp làm việc tại Đài phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope) đã tổ chức Hội nghị chia sẻ trải nghiệm tu luyện (Pháp hội) lần đầu tiên tại San Francisco, California. Cùng hai điểm tập trung khác ở hai thành phố Los Angeles và New York, cũng như các học viên tham dự trực tuyến, các học viên từ 19 quốc gia đã tham gia vào Pháp hội này.

14 học viên đã chia sẻ trải nghiệm tu luyện của họ. Từ việc tuân thủ nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống để trở nên vị tha hơn, đến việc tu bỏ tâm tật đố để chỉnh thể cùng nhau đề cao, họ đã nói về việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp mang lại lợi ích cho cả nhóm và các hạng mục của họ như thế nào.

3221f422cb12b0907d80e0a3a3223690.jpg

Học viên đọc bài chia sẻ đầu tiên tại Pháp hội của Đài phát thanh Hy Vọng, hôm mùng 6 tháng 6 năm 2020, tại địa điểm chính ở San Francisco

Trân trọng nỗ lực của những người khác

Cô Lý đến từ San Diego, biên tập viên chính của chương trình phát sóng đến từ Trung Quốc Đại Lục, đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 22 năm. Khi mới trở thành biên tập viên, bất cứ khi nào nhận được bài viết không phù hợp với phong cách của mình cô đều chỉnh sửa rất nhiều, hoặc thậm chí còn viết lại toàn bộ bài viết. Sau đó, cô nhận ra đó có thể không phải là cách giải quyết tốt nhất.

Cô nói: “Khi các học viên khác viết các bài báo, họ đã nỗ lực rất nhiều trong khả năng của họ. Tôi nhận ra tôi chỉ nên thay đổi ít nhất có thể để truyền tải tốt thông điệp trong khi vẫn giữ được lối diễn đạt của tác giả.”

Cô cho biết việc tu luyện Đại Pháp đã giúp cô trở nên chu đáo hơn và vị tha hơn với người khác. Cô nói: “Bất cứ khi nào người khác có ý kiến khác với tôi, tôi không nên chỉ nói không được. Mà thay vào đó, tôi cần lắng nghe và xét xem tại sao họ nghĩ theo cách đó và suy nghĩ theo cách của họ. Khi tôi có thể ghi nhớ vai trò của mình là bổ trợ, tôi có thể thật sự giúp các học viên khác làm được tốt nhất. Đây là thành công lớn nhất của chúng tôi với tư cách là một nhóm.”

Cô Cố, một giám đốc chương trình làm việc tại trụ sở Đài phát thanh ở San Francisco, cho biết cô đã học được rất nhiều trong 10 năm qua. Cô phát biểu: “Một giám đốc chương trình giỏi có thể giảm thiểu các vấn đề khi phát sóng, trong khi một giám đốc chương trình kém có thể biến những sai lầm nhỏ thành tai họa lớn.” Cô cũng học cách tập trung tốt vào vai trò của mình trong khi thấu hiểu và khoan dung trước những thiếu sót của nhân viên.

Đối mặt với tâm tật đố

Cô Cao sống tại New York, và là người dẫn chương trình của một chương trình truyền hình. Khi so sánh hành vi của mình với các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp, cô nhận thấy mình có nhiều chấp trước, như tâm chứng thực bản thân, tật đố, phàn nàn và thiếu kiên nhẫn.

Cô nói: “Ví dụ, khi tôi xem các video trực tuyến tương tự như của tôi mà có chất lượng tốt, tôi ít khi thể hiện thích chúng, bởi vì làm như vậy sẽ khiến video của tôi ít được yêu thích hơn. Điều đó liên quan đến tâm tật đố – nếu chúng ta không khen ngợi người khác khi họ làm tốt, làm sao chúng ta có thể mong đợi họ cổ vũ chúng ta chứ?”

Suy nghĩ sâu hơn về vấn đề này, cô Cao nhận ra phản ứng của mình liên quan đến tâm tật đố, tự tôn và chứng thực bản thân. Cô liền học thuộc mục “Tâm tật đố” trong Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp. Cô cho biết: “Giờ đây, khi tôi thấy các video hay của các học viên khác trên Internet, tôi nhấn ‘yêu thích’ để ủng hộ họ. Trước đây, tôi có thể đã không tu tốt về tâm tật đố, nhưng bây giờ tôi luôn chú ý về phương diện này.”

Cô Cao cũng nhận ra rằng thay vì chỉ sản xuất các chương trình mà cô quan tâm, cô cần biết mọi người thích xem gì và họ muốn thông tin gì. Cô nói thêm: “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tăng lượng khán giả hay kiếm tiền, những thứ đó chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng nhất là mọi người sẽ được hưởng lợi bao nhiêu từ chương trình của chúng tôi.”

Phối hợp với nhau như một nhóm

Cô Trần đến từ Anh chịu trách nhiệm về các chương trình văn hóa của đài phát thanh tại Châu Âu. Trong một năm làm việc ở vị trí này, cô đã sản xuất các chương trình liên quan đến cuộc sống thường ngày. Bởi vì không đủ nhân viên và cô phải chăm sóc con nhỏ, cô luôn cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, khi nhóm phát triển đông lên, cô trở thành điều phối viên và học cách làm cho nhóm của mình làm việc hiệu quả hơn.

Cô phát biểu: “Là học viên Pháp Luân Đại Pháp, tất cả chúng ta đều có chung một mục tiêu, đó là giúp mọi người và cứu họ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải bảo trì tinh tấn trong tu luyện, và đó là điều kiện tiên quyết để có thể làm tốt hạng mục của chúng ta.” Cô nhận ra sự tin tưởng và khích lệ lẫn nhau là rất quan trọng để có thể làm việc hiệu quả hơn. Do đó, cô thường cập nhật thông tin cho nhóm một cách kịp thời và chia sẻ những tin tốt lành giữa các thành viên.

Cô Trần cho biết: “Tôi rất vui vì có được cơ hội phối hợp cùng các học viên khác và đề cao bản thân. Tôi biết ơn mọi sự giúp đỡ của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) và sự khích lệ của các đồng tu.”

Hướng nội và đề cao tâm tính

Bà Trương Ngọc Hoa, nguyên trưởng Khoa tiếng Nga tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, hiện là một biên tập viên của Đài phát thanh Hy Vọng. Bà cho biết bà rất ấn tượng với những trải nghiệm của những học viên khác và nói thêm: “Khi chúng ta thực sự có tâm làm việc và muốn làm tốt, chúng ta có thể đạt được điều đó.”

Bà chia sẻ: “Là học viên, khi gặp mâu thuẫn với những người khác, điều quan trọng là chúng ta phải hướng nội và trước tiên hãy xem chúng ta có thể đề cao bản thân ở phương diện nào. Tôi đã học được điều này từ Pháp Luân Đại Pháp, và tôi thực sự khắc cốt ghi tâm việc này.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/11/407568.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/13/185493.html

Đăng ngày 16-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share