[MINH HUỆ 24-09-2019] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!
Chào các bạn đồng tu!
Tôi chuyển đến Auckland vào năm 2015 và tham gia Đoàn nhạc Tian Guo vào năm tiếp theo. Trải nghiệm này đã tạo cho tôi nhiều cơ hội đề cao trong tu luyện.
Tôi rất ngưỡng mộ kỹ năng chơi nhạc của các thành viên trong Đoàn nhạc, nhưng tôi cảm thấy việc tham gia vào Đoàn nhạc là vượt xa khả năng của mình. Tôi không biết đọc nốt nhạc, không hiểu nhạc lý, và cũng không có cảm giác về tiết tấu. Vì vậy, khi người phụ trách Đoàn nhạc mời tôi tham gia, tôi đã nói rằng tôi không thể. Cô nói: “Đừng lo. Chúng ta là đệ tử Đại Pháp. Sư phụ luôn ở bên cạnh chúng ta. Miễn là chúng ta có chính niệm, thì bất kỳ khó khăn gì cũng có thể đột phá.” Giọng nói chắc nịch của cô đã giúp tôi cảm thấy tự tin hơn.
Tôi được chỉ định chơi kèn Pháp, đây không phải là một nhạc cụ dễ chơi. Tôi không tài nào chơi nổi dù chỉ một nốt nhạc. Khi tôi thổi, thanh âm lúc cao lúc thấp. Mặc dù liên tục tập luyện nhưng dường như tôi không thể đề cao lên được. Vì vậy, tôi đã mời một thầy giáo dạy kèm cho tôi. Thầy giáo nói rằng nếu tôi muốn thổi tốt nhạc khí, trước hết tôi cần học đúng kỹ thuật hít thở. Sau đó, tôi bắt đầu tập hít thở. Tuy nhiên, mỗi lần thực hành, tôi đều làm sai. Những lúc bụng của tôi lẽ ra phải hóp vào thì nó lại căng ra, và ngược lại. Tôi không thể nào nắm bắt được phương pháp hít thở chính xác mặc dù tôi không ngừng luyện tập.
Lúc này, tôi bắt đầu chùn bước. Một giọng nói nhỏ liên tục nói với tôi rằng tôi không có thiên phú về âm nhạc. Ngay cả kỹ thuật hít thở cơ bản nhất mà tôi cũng không thể làm được! Liệu tôi có thể chơi được các ca khúc của Đại Pháp hay không? Tại thời khắc mấu chốt cứu người này, tôi có thực sự nên bắt đầu từ con số không hay không? Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật, không phải trong thời gian ngắn mà có thể thành thục. Liệu tôi có thể kiên trì được không? Tôi như đứng giữa ngã ba đường, không biết phải làm gì. Khó khăn khi chơi kèn Pháp đã gây áp lực cho cuộc sống và tu luyện của tôi. Mỗi ngày làm ba việc của đệ tử Đại Pháp và làm công tác của người thường đã chiếm hết thời gian của tôi. Làm thế nào tôi có thể an bài thời gian để chơi nhạc cụ này? Tôi muốn bỏ cuộc.
Sau một thời gian ngắn tập trung học Pháp, tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao tôi muốn tham gia Đoàn nhạc Tian Guo. Đây có phải là ngẫu nhiên hay không? Sư phụ giảng: “…trên con đường tu luyện này của chúng ta, sẽ không có sự việc ngẫu nhiên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999]) Có lẽ tôi đã ký thệ ước rằng mình sẽ dùng âm nhạc để cứu độ chúng sinh. Nếu như rời khỏi Đoàn nhạc, tôi sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh của bản thân. Vì vậy, tôi đã dùng chính niệm để tăng cường ý chí của mình và quyết định ở lại.
Vượt qua thử thách
Lịch luyện tập của Đoàn nhạc được tổ chức vào tối thứ Hai hàng tuần. Tôi không thể nào theo kịp tiến độ của các đồng tu. Âm thanh mà tôi thổi ra vừa khô cứng lại vừa khó nghe. Vì sợ bị đánh giá, cũng không muốn ảnh hưởng đến mọi người luyện tập, nên tôi đã luyện tập ở bên ngoài. Ở bên trong đại sảnh, các đồng tu chơi các ca khúc của Đại Pháp nghe thật êm tai. Tôi thở dài, tự hỏi lúc nào mình mới có thể theo kịp đồng tu và trở thành một thành viên đạt tiêu chuẩn của Đoàn nhạc đây.
Con đường phía trước dường như rất dài. Chơi thạo một nhạc cụ cần một quá trình lâu dài với đầy thử thách về kỹ thuật. Nó đòi hỏi sự quyết tâm, còn phải có giáo viên chuyên nghiệp dạy mới có thể nắm bắt chính xác cao độ, âm sắc, tiết tấu, v.v.. Tôi không ngừng hỏi bản thân: “Mình có thực sự có thời gian để theo đuổi việc này hay không?” Hàng ngày, tôi dậy từ 3 giờ 50 phút sáng và làm đủ ba việc trong khi vẫn làm công việc toàn thời gian của người thường; thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, tôi còn đi phát báo và đến các điểm du lịch giảng chân tướng. Tôi có thể tập luyện vào lúc nào đây? Liệu tôi có thể đề cao hay không? Các thành viên kỳ cựu mặc dù đã là một phần của Đoàn nhạc trong hơn 10 năm nhưng họ không dám biếng trễ dù chỉ một ngày.
Tôi nên làm gì đây? Những tư tưởng phụ diện bắt đầu nổi lên: không chơi kèn Pháp đồng nghĩa với việc mình sẽ có nhiều thời gian hơn để làm ba việc hoặc có thể tham gia vào các hạng mục cứu người khác. Hà tất mình phải tạo áp lực lớn như vậy cho bản thân? Các đồng tu nhận thấy tôi đang phải vật lộn nên họ khuyên tôi hãy buông bỏ. Tôi không thể chơi thạo nhạc cụ của mình, hơn nữa việc luyện tập chiếm dụng rất nhiều thời gian làm ba việc của tôi. Vì vậy, tôi đã quyết định rời khỏi Đoàn nhạc.
Đó không phải là một lựa chọn đúng đắn. Tôi cảm thấy như thể mình đã mất đi một thứ gì đó. Để giải quyết sự bất an trong tâm, tôi quyết định nói chuyện với một đồng tu đã tham gia Đoàn nhạc được hơn 10 năm. Cô chia sẻ với tôi những khó khăn và áp lực mà cô đã trải qua trong suốt hơn 10 năm qua. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều áp lực, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. Cô nhắc tôi rằng Đoàn nhạc Tian Guo là do Sư phụ an bài để cứu độ chúng sinh, do đó là một đệ tử Đại Pháp, lẽ nào chúng ta không nên làm tốt những gì Sư phụ muốn?
Cô chỉ ra rằng luyện tập trong điều kiện thời gian nghiêm ngặt như vậy mà còn phải đạt được tiêu chuẩn cao là điều dường như không thể đối với người thường, nhưng đệ tử Đại Pháp có thể làm được. Đó chính là quá trình chúng ta chứng thực sự vĩ đại của Đại Pháp. Tham gia Đoàn nhạc cũng là cơ hội để chúng ta tu luyện và chịu đựng khó khăn. Nếu như trên con đường tu luyện không có bất kỳ chướng ngại nào thì ai cũng có thể tu thành. Cô cũng nói thêm rằng khi chúng ta đề cao tâm tính, giai điệu mà chúng ta thổi có thể làm rung động lòng người, âm nhạc huyền diệu và thù thắng mà chúng ta chơi có thể quét sạch tà ác và cứu độ chúng sinh. Như vậy chẳng phải chúng ta càng nên làm tốt hay sao? Lắng nghe những chia sẻ của đồng tu, tôi như được truyền thêm cảm hứng. Tôi rất xúc động trước những suy nghĩ tích cực của cô, và cũng cảm thấy hổ thẹn vì ngộ tính của mình quá thấp. Sau đó, tôi quyết định quay lại Đoàn nhạc và trân quý từng cơ hội để thực hiện thệ ước của mình.
Nhạc cụ mới của tôi
Khi mới tham gia Đoàn nhạc, một đồng tu đã đưa cho tôi một chiếc kèn Pháp. Là người mới học nên tôi không biết rằng âm thanh thổi ra là có quan hệ tới chất lượng của nhạc cụ. Khi chiếc kèn bị trục trặc, tôi đã phải đem nó đi sửa. Tôi đến một cửa hàng sửa chữa cùng một đồng tu. Chủ cửa hàng đồng ý sửa chiếc kèn cho tôi nhưng lại từ chối sửa nhạc cụ cho cô ấy. Ông nói rằng nhạc cụ của cô được sản xuất ở Trung Quốc và chất lượng của nó rất kém. Kể cả nếu ông đồng ý sửa, thì chất lượng âm thanh phát ra vẫn kém và điều ấy sẽ làm tổn hại đến uy tín của cửa hàng.
Thông qua chuyện này, tôi mới biết chất lượng của nhạc cụ cũng quan trọng như kỹ năng của người chơi vậy. Tôi nghe nói nhạc cụ sản xuất tại Mỹ có chất lượng rất tốt nhưng lại hơi đắt tiền. Tất nhiên, tôi muốn có một nhạc cụ chất lượng tốt nhưng con số 6000 đô la New Zealand (NZD) đối với tôi là có chút áp lực. Tôi suy nghĩ kỹ một lần nữa. Đoàn nhạc Tian Guo có yêu cầu càng ngày càng cao và đang hướng đến chuyên nghiệp hóa. Nếu tôi không có một nhạc cụ tốt để chơi, thì có lẽ hiệu quả diễn xuất của Đoàn nhạc cũng bị ảnh hưởng. Tuy rằng chiếc nhạc cụ này hơi đắt một chút nhưng nó không phải là một thứ đồ xa xỉ, cũng không phải là hứng thú cá nhân. Một nhạc cụ chất lượng cao là Pháp khí vô cùng quan trọng để cứu người, chẳng phải rất đáng giá sao! Nghĩ vậy, tôi đã quyết định mua một chiếc nhạc cụ mới. Thật ngạc nhiên, cửa hàng đã giảm giá 1000 NZD cho tôi, nên tôi chỉ phải trả cho họ 5000 NZD.
Pháp khí của tôi giúp tôi cứu người
Trong một chuyến đi, tôi đã mang theo chiếc kèn Pháp của mình để có thể tiếp tục tập luyện. Một buổi tối, khi tôi ngồi ở sân của một trường đại học và luyện một ca khúc Đại Pháp, một thanh niên trẻ bước tới và mỉm cười chào tôi. “Chào dì, dì vừa chơi ca khúc nào vậy? Âm thanh nghe rất êm tai dễ chịu, khiến cháu phải tiến đến gần.” Tôi nhìn anh và nghĩ: “Một sinh mệnh đã đến đây và mình có thể giảng chân tướng cho anh ta.” Tôi liền trả lời: “Bản nhạc có tên là ‘Phật Ân Thánh Nhạc’, một trong những ca khúc mà Đoàn nhạc Tian Guo thường chơi. Sau đó, chàng thanh niên tự giới thiệu mình là một người Malaysia gốc Hoa, là sinh viên của trường đại học này. Anh còn kể cho tôi nghe về cuộc sống sinh viên và gia đình anh. Chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ. Tôi giảng cho anh về vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và về cuộc bức hại ở Trung Quốc. Nghe xong, anh cảm thấy rất ghê tởm trước sự tàn bạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Tôi đã tặng anh một số tài liệu chân tướng và bảo anh hãy nhớ “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Anh nói anh sẽ ghi nhớ điều này. Khi anh bước đi, những giọt nước mắt biết ơn cứ trào ra trong mắt tôi, tôi biết rằng một sinh mệnh vừa mới được đắc cứu. Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ vì đã dẫn người hữu duyên ấy đến đây. Tôi cũng càng trân quý chiếc kèn Pháp của mình hơn, nó đã giúp tôi cứu độ chúng sinh.
Sự đả kích khiến tôi trở nên kiên cường hơn
Cùng với tốc độ nhanh chóng của tiến trình Chính Pháp, yêu cầu đối với Đoàn nhạc Tian Guo cũng càng ngày càng cao. Phải tham dự các kỳ thi khiến tôi cảm thấy rất áp lực. Thời gian của tôi vốn đã rất eo hẹp, nhưng tôi lại phải tăng thời gian luyện tập để đạt yêu cầu của Đoàn nhạc. Tôi nên làm gì đây? Sư phụ giảng:
Thiểu tức tự tỉnh thiêm chính niệm
Minh tích bất túc tái tinh tấn (Lý Trí Tỉnh Giác, Hồng Ngâm II)
Tạm dịch:
Tự kiểm một hồi thêm chính niệm
Phân tích thiếu sót rồi tinh tấn
Tôi đã điều chỉnh lại lịch trình của mình để có thể luyện tập được nhiều hơn. Tôi bắt đầu mang nhạc cụ theo khi đi làm. Thay vì lái xe về nhà ngay sau khi kết thúc công việc, tôi đến công viên và luyện tập ở trong xe ô tô cho đến lúc cảm thấy buồn ngủ.
Sau bữa tối, tôi đỗ xe dưới một cột đèn ở con phố gần nhà và luyện tập để không làm phiền hàng xóm. Sau một thời gian ngắn, tôi thấy mình đã có chút tiến bộ và cũng cảm thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, một lần, một thành viên của Đoàn nhạc nói với tôi rằng âm thanh phát ra từ chiếc kèn của tôi nghe như tiếng ai đó đang khóc. Tôi cảm thấy rất buồn. Tôi biết mình vẫn chưa đủ tốt và vẫn chưa đạt tới tiêu chuẩn. Mặc dù tôi đã rất cố gắng và đã sử dụng tất cả thời gian rảnh rỗi của mình để tập luyện, nhưng âm thanh tôi thổi ra vẫn rất khó nghe. Chơi nhạc của Đại Pháp mà tệ như vậy thì chẳng phải là tôi đang tạo nghiệp sao? Nếu không thể có đóng góp tích cực cho Đoàn nhạc thì có lẽ tôi nên rời đi. Tôi đã tìm thấy một cái cớ khác để không tập luyện cùng Đoàn nhạc nữa.
Trước khi tôi thông báo quyết định của mình, một thành viên khác của Đoàn nhạc đã gọi điện cho tôi. Dường như anh ấy biết rõ tình huống của tôi. Anh ấy đã khen ngợi những cố gắng của tôi, đồng thời cũng thiện ý chỉ ra cho tôi những tồn tại của bản thân. Anh nói với tôi rằng tôi đã có một bước tiến vượt xa bình thường, từ một người thậm chí còn không biết cầm nhạc cụ như thế nào cho đến hiện tại tôi đã có thể chơi được âm nhạc Đại Pháp. Mặc dù tôi vẫn chưa đạt đến tiêu chuẩn, nhưng điều ấy không có nghĩa là tôi không thể làm được. Anh nói thêm rằng Đoàn nhạc của chúng tôi giống như một quân nhạc đoàn, và chúng tôi cũng giống như binh lính trên chiến trường. Trong lúc đang chiến đấu để cứu người, lẽ nào chúng tôi lại bỏ chạy? Hơn nữa, từng nốt nhạc mà chúng tôi chơi đều rất thần thánh. Sau khi nghe chia sẻ chân thành của đồng tu, tôi đã hướng nội. Tôi tự hỏi tại sao mình lại mềm yếu đến vậy, chỉ vì một câu nói của người khác mà tôi gần như đã muốn rời khỏi Đoàn nhạc.
Sư phụ giảng: “…‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009, Giảng Pháp tại các nơi IX)
Chẳng phải đây là cơ hội để cho tôi đề cao hay sao? Sư phụ giảng:
“Chúng không cho phép chư vị thăng hoa lên; chư vị muốn đề cao, nhưng đâu có đề cao được, chúng không cho phép chư vị nâng cao lên. Vì sao không cho phép chư vị lên cao? Bởi vì tâm tính của chư vị chưa đề cao lên.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Sư phụ đã lợi dụng miệng của đồng tu để điểm hóa cho tôi rằng tôi cần phải đề cao tâm tính. Tôi không những đã không nhận ra điều này, mà tôi còn dùng thái độ tiêu cực để lấy cớ rời khỏi Đoàn nhạc. Tại sao tôi không đề cao bản thân để có thể chơi tốt hơn và đóng góp tích cực cho Đoàn nhạc? Sư phụ giảng:
“Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Đúng vậy, chúng ta nhất định có thể làm được. Nếu tâm tính của tôi đề cao lên, thì âm sắc, chuẩn âm, tiết tấu – mọi thứ đều sẽ có cải biến. Tôi cảm thấy thật hổ thẹn vì tu luyện của bản thân còn rất nông cạn. Tôi cần phải có trách nhiệm với tu luyện của mình và thông qua tu luyện mà đề cao bản thân trong khi làm một thành viên của Đoàn nhạc.
Tham gia diễu hành ở Hồng Kông
Từ lâu tôi đã có nguyện vọng tham gia diễu hành ở Hồng Kông. Yêu cầu của việc này rất nghiêm khắc, chúng tôi phải chơi ít nhất tám bản nhạc của Đại Pháp. Năm ngoái, khi chơi mỗi bản nhạc, chúng tôi được phép mắc lỗi hai lần, nhưng năm nay dù chỉ sai một lỗi, chúng tôi cũng không được tham gia. Tôi rất lo lắng và căng thẳng.
Năm bài hát mà tôi thi đậu năm ngoái không được tính. Năm nay, tôi phải thi qua tám bài thì mới được tham gia diễu hành. Người phụ trách của Đoàn nhạc nói rằng tuy diễu hành ở Hồng Kông rất cần đệ tử Đại Pháp, nhưng tiêu chuẩn không thể hạ thấp xuống được.
Ngày diễu hành đã đến gần. Người phụ trách hỏi tôi có muốn tham gia không. Tôi cảm thấy không chắc chắn lắm. Tôi đã học một số kiến thức nhạc lý căn bản từ đồng tu, tuy nhiên tôi vẫn không thể chơi thành thạo một số nốt nhạc. Tôi không biết liệu tôi có vượt qua kỳ thi được không. Hồng Kông giống như một chiến trường nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa chính và tà. Tại thời điểm then chốt này, ở đó rất cần đệ tử Đại Pháp. Nếu chỉ vì thiếu năng lực mà tôi không thể tham gia diễu hành thì quả thật đáng tiếc. Một suy nghĩ bỗng lóe lên trong đầu tôi: Mình là một đệ tử Đại Pháp, khi Đại Pháp cần mà mình lại không có ở đó để chứng thực sự vĩ đại của Đại Pháp, thì liệu mình có xứng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp hay không? Nghĩ vậy, tôi liền lập tức đăng ký tham gia diễu hành. Tôi đã cầu xin Sư phụ giúp tôi vượt qua kỳ thi để tôi có thể đứng ở vị trí tiền tuyến cùng với Pháp khí của mình. Sau đó, tôi đã tăng cường luyện tập. Đồng thời, đồng tu phụ trách kỹ thuật của Đoàn nhạc cũng đã mời chúng tôi cùng luyện với anh.
Một hôm, tôi ở nhà một mình, vì vậy tôi đã dựng giá đỡ âm nhạc lên và bắt đầu luyện các nốt nhạc không nhấn phách. Tôi hầu như chưa bao giờ chơi được những nốt nhạc này một cách chính xác, chúng chính là điểm yếu của tôi. Khi luyện tập vào ngày hôm đó, tôi bỗng nhiên thổi đúng những nốt nhạc này. Hai mắt tôi rưng rưng vì xúc động, tôi biết rằng Sư phụ đã ban cho tôi trí huệ. Không ngôn ngữ nào có thể biểu đạt sự biết ơn của tôi đối với Ngài. Mỗi một bước nhích tiến lên của chúng ta đều dung nhập với sự hy sinh của Sư phụ, Ngài từng giây từng phút đều đang trông chừng cho chúng ta. Cuối cùng, tôi đã vượt qua được kỳ thi nhờ có sự che chở của Sư phụ và sự giúp đỡ vô tư của các đồng tu.
Hồng Kông
Tôi cảm nhận được sự thần thánh và linh thiêng khi có thể tham gia diễu hành ở Hồng Kông vào năm nay. Khi chơi những bản nhạc tuyệt vời của Đại Pháp, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn Sư phụ. Tôi cũng cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được chứng kiến những người dân giơ ngón tay cái lên và hô to: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Chúng tôi đã đi bộ hơn sáu tiếng đồng hồ trong cái nóng thiêu đốt, nhưng tôi thấy rất vui khi biết rằng họ đã được cứu.
Sư phụ giảng:
Cử mục vọng thanh thiên Hồng vi giai thị nhãn
Thượng hạ tụ tiêu xứ
Đại Đạo hành thế gian (Đại Đạo Hành, Hồng Ngâm II)
Tạm dịch:
Ngước mắt nhìn trời xanh
Lớn nhỏ đều là mắt
Trên dưới đều tụ vào
Đại Đạo thế gian hành
Ngày 20 tháng 7 năm 1999 là ngày mà Sư đồ và Đại Pháp gặp nạn. Đó cũng là ngày cuộc bức hại bắt đầu. Là một đệ tử Đại Pháp, tôi cần vạch trần tà ác và chứng thực vẻ đẹp của Đại Pháp. Vì vậy, tôi đã đăng ký đi diễu hành vào dịp 20 tháng 7 ở Hồng Kông. Sau khi tham dự lễ diễu hành ở Wellington vào ngày 17, tôi đã khởi hành đến Hồng Kông vào ngày 19. Một đồng tu thường xuyên đến Hồng Kông diễu hành đã nhắc chúng tôi phát chính niệm thanh trừ các nhân tố tà ác ở không gian khác tại Hồng Kông. Chúng tôi đã học Pháp và phát chính niệm trên máy bay. Sau khi đến nơi, chúng tôi có rất ít thời gian để chuẩn bị. Chúng tôi khởi hành đến điểm tập kết vào lúc 6 giờ 30 phút sáng. Sau đó chúng tôi phát chính niệm, khởi động, và tập luyện.
Mỗi thành viên trong Đoàn nhạc đều có chính niệm mạnh, tuy nhiên tà ác ở không gian khác không ngừng cố gắng can nhiễu chúng tôi. Tôi không khỏi không nghĩ tới Pháp của Sư phụ. Sư phụ giảng:
“Lịch sử nhân loại không lấy việc con người sống như thế nào làm mục đích cuối cùng, lịch sử nhân loại cũng không phải là khu vườn cho lạc thú hung tàn của tà ác. Lịch sử nhân loại chính là đã được tạo ra vì Chính Pháp, và chỉ có các đệ tử Đại Pháp mới xứng triển hiện những gì huy hoàng tại nơi đây.” (Gửi Pháp hội châu Âu năm 2005, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Cuộc diễu hành bắt đầu ngay sau 12 giờ trưa. Chúng tôi bước đi trên các con phố của Hồng Kông, mang trên mình sứ mệnh và trách nhiệm vĩ đại. Âm nhạc của Đại Pháp vang vọng trên không trung, thanh lý hết thảy tà ác ở nơi đây. Tôi vô cùng hạnh phúc khi được là một phần của đội diễu hành tráng lệ này. Tôi cũng vô cùng biết ơn Sư phụ vì đã lựa chọn tôi làm một đệ tử Đại Pháp và là một thành viên của Đoàn nhạc Tian Guo.
Sau khi buổi diễu hành kết thúc, tôi vô tình gặp một thành viên cũ của Đoàn nhạc. Tôi hỏi anh làm cách nào mà anh luôn giữ được trạng thái tinh thần và năng lượng tốt nhất cho các buổi diễu hành dài như vậy. Anh trả lời đơn giản rằng bởi vì anh tín Sư tín Pháp 100%. Tôi có thể cảm nhận được niềm tin mạnh mẽ không thể phá vỡ từ trong lời nói của anh, đó chính là sự căn bản của tu luyện.
Thời gian tham gia Đoàn nhạc Tian Guo là một phần trong tu luyện của tôi và đã giúp tôi trở nên thành thục hơn. Tôi cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi là một thành viên của Đoàn nhạc. Tôi phải nắm bắt lấy cơ hội này và vận dụng tốt cây kèn Pháp của mình (Pháp khí của tôi) để thổi ra những khúc nhạc tuyệt vời nhất!
Trên đây là những chia sẻ tại tầng thứ tu luyện của tôi. Nếu có gì không phù hợp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Con xin tạ ơn Sư phụ. Cảm ơn các bạn đồng tu.
(Trình bày tại Pháp hội New Zealand năm 2019)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/24/393754.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/26/180062.html
Đăng ngày 15-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.