Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 21-04-2020] Cách đây 21 năm, khi 10.000 học viên Pháp Luân Công đến Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được thực hành đức tin của họ, không ai trong số họ có thể ngờ rằng cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, chưa từng có tiền lệ của họ sẽ trở thành một khoảnh khắc vĩnh cửu trong lịch sử.

Bối cảnh của cuộc thỉnh nguyện lớn nhất lịch sử Trung Quốc

Từ khi được giới thiệu ra công chúng vào tháng 5 năm 1992, Pháp Luân Công đã nhanh chóng trở thành môn khí công phổ biến nhất ở Trung Quốc. Động tác chậm rãi, các bài công pháp thiền định và nguyên lý cốt lõi Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn này đã giúp nhiều người phục hồi sức khỏe và tìm được sự bình an trong tâm.

Chỉ trong vòng bảy năm, ước tính có 70 đến 100 triệu người Trung Quốc, gần mười phần trăm dân số Trung Quốc, đã theo tập Pháp Luân Công.

Mặc dù trong những năm đầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khuyến khích thực hành Pháp Luân Công do tác dụng tích cực đối với sức khỏe và giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe của môn tu luyện, nhưng cuối cùng, ĐCSTQ đã hành động để xóa sổ nó bởi danh tiếng của môn khí công này ngày càng tăng lên và sự hồi sinh của văn hóa truyền thống.

Tháng 6 năm 1996, một tháng sau khi Ban Tuyên giáo đăng một bài viết phỉ báng Pháp Luân Công trên một kênh truyền thông nhà nước, Cục Xuất bản Trung Quốc đã cấm phát hành sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, và là một trong mười cuốn sách bán chạy nhất Bắc Kinh.

Năm 1997, La Cán, cựu bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật chuyên giám sát các cơ sở tư pháp và an ninh quốc gia của Trung Quốc, đã ra lệnh cho cảnh sát mật điều tra Pháp Luân Công bằng cách giả làm học viên. Những đặc vụ chìm này không những không phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào của Pháp Luân Công, mà nhiều người trong số họ còn bước vào thực hành Pháp Luân Công sau khi được tận mắt chứng kiến những ​​lợi ích của môn tu luyện.

Trong năm tiếp theo, các báo cáo và bài báo truyền thông vu khống Pháp Luân Công lần lượt xuất hiện trên TV và các tờ báo của Trung Quốc. Một số đài truyền hình đã chỉnh sửa những báo cáo này theo yêu cầu của các học viên, nhưng một số thì không.

Cảnh sát cũng xuất hiện tại các điểm luyện công và đôi khi họ dùng vòi rồng nước để giải tán các học viên.

Ngày 11 tháng 4 năm 1999, Hà Tộ Hưu, một nhà vật lý và có họ hàng với La Cán, đã xuất bản một bài báo trên một tạp chí ở Thiên Tân có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công.

Từ ngày 18 đến 24 tháng 4, các học viên ở Thiên Tân đã đến văn phòng của tạp chí này để giải thích sự thật về Pháp Luân Công, nhưng hơn 40 người trong số họ đã bị bắt.

Khi có thêm nhiều học viên Thiên Tân đến chính quyền thành phố để yêu cầu thả những người bị bắt, họ được thông báo rằng lệnh bắt giữ đến từ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, và chỉ bằng cách kháng cáo lên chính quyền trung ương mới có thể giải quyết được vấn đề.

Cuộc thỉnh nguyện

Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa sau đó bị gọi là “Cuộc vây hãm”

Ông Hứa Âm, nguyên phó giáo sư Đại học Thanh Hoa và là phụ đạo viên của một điểm luyện Pháp Luân Công tại trường đại học này, kể lại việc ông đã nghe đến vụ bắt giữ ở Thiên Tân vào hôm 24 tháng 4 và quyết định đi đến Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ngày hôm sau như thế nào.

Khoảng 5 giờ sáng ngày 25 tháng 4, ông Hứa rời nhà để bắt chuyến xe buýt sáng. Một tiếng sau, khi ông đến nơi, vẫn chưa có nhiều người trên đường. Đến 7 giờ, các học viên dần xuất hiện nhiều hơn. Phần lớn họ không biết cần đến đâu để bày tỏ lời thỉnh nguyện của mình, vậy nên họ chỉ đứng trên đường và chờ đợi.

Cách nơi họ đứng không xa, các cảnh sát đã dựng một hàng rào cảnh sát để kiểm soát đám đông. Đến 8 giờ sáng, hàng trăm người đã xuất hiện tại ngã tư nơi ông Hứa đang đứng.

Ông Hứa ngạc nhiên khi thấy cảnh sát tháo gỡ hàng rào chắn ở phía Bắc đường Phú Hữu, cho phép các học viên tiến về phía con đường này. Ở giữa đường Phú Hữu là Cổng Tây của Trung Nam Hải, còn văn phòng kháng cáo nằm ở hướng ngược lại.

Dưới sự chỉ dẫn của cảnh sát, các học viên vô tình đã “bao vây” Trung Nam Hải, trụ sở của chính phủ trung ương, còn gọi là “Nhà Trắng” của Bắc Kinh.

Sau đó, ĐCSTQ đã truyền bá câu chuyện các học viên tổ chức “bao vây” Trung Nam Hải và rắp tâm lật đổ chính quyền, và sử dụng nó là một trong những lý do chính để phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công ba tháng sau đó.

Cảnh sát ghi hình các học viên

Khi đang đứng trên đường trong thời gian thỉnh nguyện, một số học viên nhận thấy có các xe cảnh sát đi lên và xuống dọc đường Phú Hữu, và các sỹ quan đang ghi hình họ. Ngoài ra còn có các cảnh sát mặc thường phục ghi hình các học viên một cách bí mật, hoặc lẫn vào đám đông để nghe ngóng xem các học viên đang nói về điều gì.

09af5b462a608fa62ee1348e80e01bdd.jpg

Ông Biện Kiến Võ phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 tại Toronto năm 2018

Ông Biện Kiến Võ, một học viên tham gia cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều biết chính quyền cộng sản Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì sau sự kiện này. Nhưng tôi thấy không có học viên nào cúi đầu hoặc quay đi khi cảnh sát chụp ảnh hoặc ghi hình chúng tôi.”

“Có một học viên trong quân đội. Anh ấy ngoài 30 tuổi và đứng trên hàng đầu. Tôi không hề thấy bất kỳ sự sợ hãi nào trên khuôn mặt của anh khi cảnh sát ghi hình anh hết lần này đến lần khác. Đến cuối ngày, người giám sát trong quân đội của anh xuất hiện, nhưng anh vẫn đứng đó và không rời đi.

“Trong quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không có bất kỳ sự khoan dung nào đối với những người có tư tưởng độc lập của riêng họ. Không lâu sau cuộc thỉnh nguyện, nam thanh niên này đã bị trục xuất khỏi quân đội và bị điều tra chính trị.”

Ông Biện cho biết có hai người bạn tình cờ gặp ông trong cuộc thỉnh nguyện ngày hôm đó. Họ nói họ hoàn toàn không thể tin rằng sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, vẫn còn rất nhiều người có đủ can đảm và liêm chính để đối mặt với sự bạo ngược và trực tiếp thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương ở Trung Nam Hải.

Học viên Cát Trọng Lai kể lại: “Vào lúc 5 hoặc 6 giờ chiều, nhiều người dân địa phương đã đến gặp chúng tôi và nói: ‘Chúng tôi biết tất cả các bạn đều là người tốt. Tất cả các bạn hãy về nhà đi. Đừng mạo hiểm. Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì. Họ đã huy động cả quân đội. Các bạn không biết khi nào họ sẽ đến chỗ các bạn.’”

Ông Cát đi dạo xung quanh và thấy một số xe quân sự đậu bên đường. Khi quay trở lại, ông liền cố gắng thuyết phục vợ ông về nhà trước còn ông sẽ ở lại đó. Vợ ông từ chối và nói sẽ ở lại cùng mọi người. Họ ở lại thêm một vài giờ, cho đến khi vị thủ tướng đương thời nói chuyện với một số đại diện học viên và đồng ý sẽ xem xét vấn đề này.

Trước khi họ rời đi, liên tục có những người đến để khuyên họ về nhà, vì sự an toàn của bản thân họ. “Tôi đoán mọi người đều biết chế độ cộng sản xấu xa như thế nào,” ông Cát nói.

Sự thay đổi của cảnh sát

Tuy một số học viên đã cảm nhận thấy bầu không khí căng thẳng và tín hiệu từ chính quyền về cuộc đàn áp sắp diễn ra, nhiều học viên vẫn rất ấn tượng và xúc động trước sự ôn hòa và chính tín bao quanh mỗi học viên có mặt ở đó.

Các học viên trẻ tình nguyện thế chỗ cho những người già ở phía trước hàng. Họ thể hiện sự lo lắng cho nhau, mặc dù họ đều là những người xa lạ.

Tất cả các học viên chỉ đứng đó lặng lẽ – không ai la hét bất cứ điều gì hay có hành động quá khích. Một số luyện bài công pháp thiền định của Pháp Luân Công và một số đọc Chuyển Pháp Luân.

Nhìn thấy nhóm học viên ôn hòa đến thế, ngay cả cảnh sát cũng trở nên thoải mái và một số còn đưa nước cho các học viên.

Sau khi chính quyền đồng ý thả các học viên ở Thiên Tân, khi các học viên rời đi, họ đã dọn sạch hết rác trên mặt đất, trong đó có cả tàn thuốc lá từ cảnh sát.

Một cảnh sát đã rất xúc động và nói với mọi người xung quanh: “Hãy nhìn xem! Đây chính là đức hạnh!”

Cuộc bức hại

Tối ngày 25 tháng 4, Giang Trạch Dân, lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ, đã viết một lá thư cho các thành viên của Bộ Chính trị, và tuyên bố ý định bức hại Pháp Luân Công của ông ta.

Ngày 10 tháng 6 năm 1999, Giang đã thành lập Phòng 610, một cơ quan ngoại đạo kiểu Gestapo được thành lập chỉ để thực hiện chính sách bức hại của Giang đối với Pháp Luân Công.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang chính thức ra lệnh bức hại Pháp Luân Công và tuyên bố sẽ xóa sổ môn tu luyện khỏi Trung Quốc chỉ trong vòng ba tháng.

Từ đó trở đi, các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ, giam cầm, bỏ tù, cưỡng bức lao động, và tra tấn. Một số thậm chí còn bị giết hại để lấy nội tạng cung ứng cho ngành công nghiệp ghép tạng siêu lợi nhuận của Trung Quốc.

21 năm đã trôi qua kể từ cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4. Các học viên Pháp Luân Công vẫn đang tiếp tục kháng nghị ôn hòa để phản đối cuộc bức hại này và vạch trần bản chất tà ác của ĐCSTQ với thế giới.

Cho dù cuộc bức hại này có kéo dài thêm bao lâu đi nữa, thì tinh thần và đức tin của cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 sẽ tiếp tục là động lực cho các học viên mãi đến ngày kết thúc.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/21/404144.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/26/184210.html

Đăng ngày 01-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share