Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-04-2020] Việc bưng bít và đưa tin sai lệch về đợt bùng phát virus corona của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã biến một dịch bệnh thành đại dịch trên toàn cầu. Ngày càng có nhiều người lên án ĐCSTQ vì những tác hại mà nó đã gây ra cho thế giới. Một bài viết trên The Washington Post ngày 19 tháng 3 năm 2020 cho rằng “Đã đến lúc thực hiện cách ly xã hội và kinh tế với Trung Quốc”.

Ngày 21 và 22 tháng 3 năm 2020, tại Thành phố New York, “Trung tâm Phục vụ Thoái ĐCSTQ” địa phương đã tổ chức đoàn xe với các biển hiệu trên nóc và các biểu ngữ bên thân xe chạy dọc khu phố Tàu ở Flushing.

“Virus Trung Cộng đang tàn phá thế giới” và “Nói không với ĐCSTQ và tránh xa virus” là một số thông điệp trên các biểu ngữ và biển hiệu, cũng có những thông điệp nhắn nhủ mọi người niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.

Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện và thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, đã bị ĐCSTQ bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Trong những tháng gần đây, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã cảnh báo công chúng rằng ĐCSTQ đã dùng những chiêu tương tự như trong cuộc bức hại Pháp Luân Công để che giấu cách xử lý đợt bùng phát virus corona. Các học viên cũng khuyến khích mọi người tham khảo trải nghiệm của những người đã khỏi bệnh virus corona nhờ niệm những từ này.

Trong hai ngày diễu hành ở New York, một đoạn video về đoàn diễu hành bắt đầu được phát trên các xe buýt ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Những chiếc xe buýt này cũng mở các chương trình truyền hình rêu rao ĐCSTQ đã “cứu” Trung Quốc khỏi tay quân đội Nhật Bản mấy thập kỷ trước như thế nào, rồi trở thành “vị cứu tinh” tối cao của nhân dân Trung Quốc và thế giới ra sao.

Theo lời những người trong cuộc, những video này nhằm mục đích tuyên truyền Pháp Luân Đại Pháp là chống Trung Quốc và phản khoa học; đây cũng là một chiến dịch bôi nhọ Pháp Luân Đại Pháp.

Cuộc tấn công Pháp Luân Đại Pháp 20 năm trước

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây vài thập kỷ, ĐCSTQ vô thần đã ra sức phá hoại nền văn hóa tâm linh và truyền thống sâu sắc của Trung Quốc, và tẩy não người dân Trung Quốc bằng hệ tư tưởng cộng sản dựa trên bạo lực, dối trá và lừa mị.

Nhiều tín ngưỡng tâm linh Trung Hoa truyền thống đã bị ruồng bỏ vì bị dán nhãn “mê tín dị đoan” và “lạc hậu”. Xã hội Trung Quốc dần dần đi theo chủ nghĩa duy vật và “hưởng lạc”, và cùng với những tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại, những xu thế này lại càng được khuếch đại hơn nữa.

Tuy vậy, nhiều người vẫn tin rằng cuộc sống không chỉ có đắm chìm trong thú vui vật chất và theo đuổi danh lợi. Khi Pháp Luân Đại Pháp mới được truyền xuất ra cho công chúng ở Trung Quốc vào tháng 5 năm 1992, những người này liền bị cuốn hút trước nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp. Chỉ trong bảy năm ngắn ngủi, đã có gần 100 triệu người Trung Quốc bước vào tu luyện và đạt được sự thăng hoa cả về tâm tính lẫn thân thể.

Nhờ gặt hái được quá nhiều lợi ích từ môn tu luyện, nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp không chút do dự hồng dương môn tu luyện qua phương thức truyền khẩu. Tuy nhiên, vì lo sợ trước sự phát triển ngày càng nhanh của pháp môn này, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999.

Ngoài việc thêu dệt những dối trá về các học viên Pháp Luân Đại Pháp, ĐCSTQ còn ra sức đánh vào bản chất cốt lõi của môn tu luyện, đó là khát vọng tâm linh. Cũng như khi ĐCSTQ bôi nhọ văn hóa Trung Hoa truyền thống, nó đã bôi nhọ các yếu tố tâm linh của Pháp Luân Đại Pháp và phủ nhận sức mạnh cải thiện sức khỏe của các học viên nhờ sự thăng hoa về tâm linh của họ.

ĐCSTQ tuyên truyền các học viên Pháp Luân Đại Pháp là “mê tín dị đoan”, “không tin vào khoa học”. Khẩu hiệu “Ủng hộ khoa học, phản đối tà giáo” xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động tuyên truyền chống Pháp Luân Đại Pháp.

Tái khởi động chiến dịch thù hận trong đại dịch

21 năm đã qua kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc vẫn kiên định đức tin vào “Chân-Thiện-Nhẫn” bất kể nguy cơ bị bắt giữ, cầm tù, tra tấn, và thậm chí cả cái chết.

Trong khi đó, với sự thống trị độc tài của ĐCSTQ và sự bùng nổ của lối sống hưởng thụ vật chất, người Trung Quốc đã rời xa truyền thống và cội rễ tâm linh từ thời cổ đại của mình.

Khi đại dịch virus corona bùng nổ ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 và nhanh chóng làm tê liệt toàn quốc, rồi đến toàn thế giới, nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp nhận thấy đại dịch này là lời cảnh báo của thiên thượng khi nhân loại rời xa đạo đức và truyền thống. Họ tận dụng mọi cơ hội có thể để khuyên người Trung Quốc rời xa khỏi ĐCSTQ và tìm kiếm sự bảo hộ của Thần bằng cách ủng hộ chính nghĩa và niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.

Thời xưa, các hoàng đế Trung Hoa thường ban chiếu tự trách tội khi đối mặt với bệnh dịch và cầu xin sự bảo hộ của thiên thượng. Còn ĐCSTQ lại che đậy dịch bệnh và ra sức đổ lỗi cho các quốc gia khác. Không những lan truyền tin đồn Quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus đến Vũ Hán, ĐCSTQ còn đổ lỗi cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã khuyên mọi người cắt đứt quan hệ với nó và niệm những lời tốt lành nêu trên.

Khi tái khởi động cuộc tấn công Pháp Luân Đại Pháp, như video được chiếu trên xe buýt kể trên, ĐCSTQ không chỉ lợi dụng lòng yêu nước của người dân và buộc tội các học viên Pháp Luân Đại Pháp phá hoại hình ảnh của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, mà còn lặp lại tuyên truyền hàng chục năm để gán nhãn “phản khoa học” cho Pháp Luân Đại Pháp.

Có những người lại trở thành nạn nhân của tuyên truyền này mà không nhận ra rằng ĐCSTQ và chế độ toàn trị của nó mới là gốc rễ của nhiều vấn đề ở Trung Quốc.

Trong nền văn minh hơn 5.000 năm của Trung Hoa, văn hóa truyền thống, đạo đức và đức tin luôn là những kim chỉ nam giúp con người vượt qua thiên tai nhân họa. Không có những kim chỉ nam này, con người chỉ có thể thấy mất mát khi thảm họa bất ngờ xảy đến.

Trước việc ĐCSTQ tiếp tục lừa dối người dân Trung Quốc trong đại dịch này, việc người Trung Quốc, và có lẽ là cả thế giới, quay lại truyền thống và khơi dậy trí tuệ cổ xưa có ý nghĩa quan trọng hơn nữa để có thể tìm ra động lực và giải pháp vượt qua thời khắc khó khăn này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/1/403223.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/19/184097.html

Đăng ngày 22-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share